Cùng một thân hình?
Giả sử chúng ta có thể nhân bản vô tính: mỗi tế bào trong cơ thể ta đều tạo ra được một thân người mới. Như vậy, một cái tâm của ta có thể trở thành nhiều tâm khác? Một người thành ra nhiều người? Những con người mới kia, họ giống hệt nhau hay khác nhau?
Khoa học đã tiến tới mức có thể tạo ra những con vật bằng phép sinh sản vô tính. Chuyện này cũng có thể xảy ra cho con người. Ví dụ như người ta lấy ba tế bào của tôi để làm thành ra ba con người khác. Ba người đó với tôi là bốn, chúng tôi khác nhau hay giống nhau? Khi có sự sinh sản vô tính, tôi có thể đã khá già và ba người kia thì còn trẻ. Vậy thì tôi có giống mấy người kia không?
Khi chúng ta tu tập, chúng ta có thể nhìn sâu bằng năng lượng chánh niệm, với sự định tâm và trí tuệ lớn. Chúng ta nhìn được sự vật sâu hơn, rõ ràng hơn nhiều. Bụt đã thực tập như vậy, Ngài chia sẻ cái hiểu đó với chúng ta. Chúng ta cũng thực tập như Bụt và nếu cố gắng một chút, chúng ta có thể có trí tuệ như Ngài.
Trước hết chúng ta hãy nhìn sâu vào ý niệm giống nhau, khác nhau. Khi chúng ta hỏi Bụt: Cơ thể này và ba cơ thể do sản sinh vô tính kia giống hay khác nhau?", Bụt sẽ trả lời: "Chúng không giống nhau cũng không khác nhau".
Vô thường nghĩa là luôn luôn thay đổi. Chúng ta nghĩ thân mình là thứ gì thường hằng. Thật ra sống chết diễn ra trong cơ thể chúng ta suốt ngày đêm. Bất kỳ lúc nào cũng có nhiều tế bào chết, và nhiều tế bào mới ra đời.
Chúng ta có ảo tưởng rằng thân mình luôn luôn như thế. Bạn là em bé khi ra đời. Mẹ có hình bạn khi còn là em bé. Nay bạn đã là một người nam hay nữ trưởng thành. Bạn nghĩ mình giống hay khác em bé kia?
Chúng ta thường nghĩ rằng cơ thể chúng ta lúc năm mươi tuổi cũng vẫn là cơ thể ta lúc năm tuổi. Nghĩ vậy không đúng. Nếu có cuốn album hình gia đình, bạn sẽ nhìn thấy bạn ra sao khi được sáu tuổi, và ngày nay sáu mươi tuổi ra sao. Bạn sẽ thấy hai con người đó rất khác nhau. Nhưng nhìn cách khác, hai người đó không khác nhau. Nếu không có bé sáu tuổi kia thì cũng không có ông già sáu mươi tuổi này. Hai người đó không giống và cũng không khác nhau. Vô thường là giải đáp của sự lộn xộn này.
Sau một hơi thở vào hay hơi thở ra, chúng ta đã thành một con người khác rồi. Từ khi bắt đầu đọc cuốn sách này tới bây giờ, đã có biết bao thay đổi trong cơ thể và tâm thức chúng ta. Nhiều tế bào đã chết đi, nhiều cái mới được sinh ra. Tâm ta cũng vậy. Các ý nghĩ đến rồi đi, các cảm xúc sinh ra rồi hoại diệt. Biểu hiện, ngừng biểu hiện, liên tục tiếp nối nhau. Chúng ta không giống nhau trong hai thời điểm. Dòng sông, ngọn lửa, đám mây và bông hoa hướng dương kia cũng vậy.
Duyên sinh
Nhìn sâu vào một hộp quẹt, bạn có thể nhìn thấy lửa. Ngọn lửa chưa biểu hiện ra, nhưng là một thiền giả bạn có thể nhìn thấy lửa. Mọi điều kiện đầy đủ cho lửa biểu hiện. Nào gỗ, diêm sinh, nào mặt phẳng gồ ghề, và bàn tay tôi. Vì thế khi ta quẹt cây diêm, thì lửa biểu hiện. Tôi không gọi là lửa sinh ra, mà nói đó là lửa biểu hiện ra.
Bụt dạy rằng khi có đủ nhân duyên thì bạn biểu hiện. Khi nhân duyên không đủ nữa, bạn sẽ ngưng hiện hữu để có thể xuất hiện dưới các hình tướng khác, trong những điều kiện khác.
Biểu hiện từ cái gì đó
Bạn nghĩ sinh ra nghĩa là gì? Đa số chúng ta nghĩ đó là sự bắt đầu hiện hữu của một sự vật mà trước đó nó không hiện hữu. Ta có nhận thức sinh là từ không bỗng nhiên trở thành có. Từ không là gì bỗng trở thành một con người. Đa số chúng ta định nghĩa chữ "sinh" như vậy. Nhìn sâu, ta thấy định nghĩa đó không ổn. Từ không bạn không thể trở thành có, không thể thành một con người được.
Trước cái ngày bạn gọi là ngày sinh đó, bạn đã hiện hữu rồi, trong mẹ của bạn. Lúc ra đời chỉ là một sự tiếp nối. Hãy nhìn coi bạn có thể tìm được thời điểm nào từ không mà bạn trở thành có được chăng? Đó là lúc mẹ bắt đầu thụ thai? Điều này cũng không đúng, vì trước đó có thể bạn đã có trong cha một nửa, trong mẹ một nửa. Cũng có thể 1/3 trong cha, 1/3 trong mẹ và 1/3 trong vũ trụ. Có rất nhiều thứ đã hiện hữu rồi. Vì chúng đã có ở đó, chúng không cần được sinh ra. Khi mẹ sinh con ra, lúc đó không thật sự là lúc con mới sinh ra đời. Đó chỉ là thời điểm bạn chui ra ngoài từ bụng mẹ.
Trong nhà thiền chúng tôi ưa hỏi "Trước khi bà ngoại hay bà nội ra đời, thì mặt mũi bạn ra sao?". Hãy tự hỏi câu này và bạn sẽ bắt đầu thấy được sự tiếp nối trong bạn. Bạn sẽ thấy mình đã luôn luôn có mặt ở đó. Giây phút bạn được thụ thai là giây phút bạn tiếp tục biểu hiện dưới một hình tướng khác. Tiếp tục nhìn như thế bạn sẽ thấy không có sinh không có diệt, chỉ có sự chuyển hóa tiếp tục mà thôi.
BẠN ĐANG ĐỌC
Không diệt không sinh đừng sợ hãi
RandomNhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và chấm dứt khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô. Bụt có cái...