PHẨM THỨ III: NGHI VẤN

85 1 0
                                    

Một ngày kia, Vi Thứ sử thiết lập hội trai cúng dường Sư. Thọ trai xong, Thứ sử thỉnh Sư lên tòa, rồi cùng các vị quan liêu và sĩ thứ nghiêm trang lễ bái mà thưa hỏi rằng: "Đệ tử nghe Hòa thượng thuyết pháp, thật chẳng thể nghĩ bàn. Nay có chút lòng nghi, xin Hòa thượng đại từ bi vì chúng đệ tử mà giảng giải."

Sư nói: "Có điều nghi cứ hỏi, ta sẽ giảng thuyết cho."

Vi công thưa: "Giáo thuyết của Hòa thượng có phải là tông chỉ của Đạt-ma Đại sư chăng?" Sư đáp: "Đúng vậy."

Vi công nói: "Đệ tử nghe chuyện Đạt-ma thuở xưa giáo hóa cho Lương Võ Đế. Vua hỏi: 'Một đời trẫm cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, làm chay, có công đức gì không?' Đạt-ma đáp: 'Thật không công đức gì.' Đệ tử chưa hiểu lẽ ấy, xin Hòa thượng giảng giải cho."

Sư đáp: "Thật không có công đức. Đừng nghi ngờ lời của bậc Thánh đời trước. Võ Đế lòng mê, chẳng rõ pháp chánh. Cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, làm chay, gọi là cầu phước. Không thể lấy phước ấy mà xem là công đức. Công đức ở nơi Pháp thân, chẳng phải ở sự tu phước."

Sư lại nói: "Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Mỗi niệm tưởng không ngăn ngại, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng, gọi là công đức. Trong lòng khiêm nhượng là công, việc làm theo lễ là đức. Tự tánh sanh ra muôn pháp là công, tâm lìa vọng niệm là đức. Chẳng rời tự tánh là công, ứng dụng mà không đắm nhiễm là đức. Muốn tìm Pháp thân công đức, cứ nương theo đó mà làm, ấy là công đức chân thật. Nếu người tu công đức thì lòng chẳng khinh mạn, thường cung kính hết thảy. Lòng hay khinh người, tánh tự tôn chẳng dứt là tự mình không có công, tánh hư vọng chẳng thật là tự mình không có đức. Vì tánh tự đại tự tôn, nên thường khinh hết thảy.

"Các vị thiện tri thức! Chánh niệm không gián đoạn là công; trong tâm công bình, chánh trực là đức. Tự tu tánh mình là công, tự tu thân là đức.

"Các vị thiện tri thức! Công đức nên nhìn từ trong tự tánh, không phải do bố thí, cúng dường mà cầu được. Bởi vậy, phước đức với công đức khác nhau. Võ Đế chẳng biết chân lý, không phải lỗi nơi Tổ Sư ta."

Quan Thứ sử lại hỏi: "Đệ tử thường thấy người xuất gia, tại gia niệm Phật A-di-đà, cầu sanh Tây phương. Xin Hòa thượng vì trừ chỗ nghi ngờ mà giảng cho việc có được sanh về nơi ấy hay không."

Sư nói: "Sứ quân hãy lắng nghe Huệ Năng giảng giải việc ấy. Đức Thế Tôn nơi thành Xá-vệ thuyết việc sanh về Tây phương, Kinh nói rõ ràng đến đó không xa. Nếu theo cách nói về hình tướng, thì số dặm là qua mười muôn ức cõi, chính là nói mười điều ác ngăn trở trong thân người, nên nói là xa. Nói xa, là với những kẻ căn cơ thấp kém. Nói gần, là với những bậc thượng trí.

"Người có hai loại, pháp không hai đường. Mê, ngộ khác nhau, chỗ hiểu biết có mau, chậm. Người mê niệm Phật cầu sanh Tây phương, người ngộ chỉ tự làm tâm tịnh. Cho nên Phật nói: 'Tùy tâm mình tịnh, tức cõi Phật tịnh.' Sứ quân! Người phương Đông, chỉ cần tâm tịnh tức là không có tội. Dù là người phương Tây Phương Đông là chỉ cõi Ta-bà này, phương Tây là chỉ cõi Cực Lạc của Phật A-di-đà. mà tâm chẳng tịnh cũng có lỗi. Người phương Đông tạo tội, niệm Phật cầu sanh phương Tây. Người phương Tây tạo tội, biết niệm Phật cầu sanh cõi nào? Người ngu chẳng hiểu tự tánh, không biết có cõi Tịnh độ trong thân, mới nguyện Đông, nguyện Tây. Người ngộ dù ở đâu cũng vậy. Cho nên Phật nói: 'Tùy chỗ mình ở mà thường an vui.' Sứ quân! Chỉ cần tâm thiện thì Tây phương chẳng xa. Nếu giữ hoài tâm bất thiện, niệm Phật cũng khó vãng sanh.

PHÁP BẢO ĐÀN KINHNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ