PHẨM THỨ X: DẶN DÒ

61 0 0
                                    

Một ngày kia, Sư gọi hết môn đồ như các vị Pháp Hải, Chí Thành, Pháp Đạt, Thần Hội, Trí Thường, Trí Thông, Chí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân, Pháp Như... mà dạy rằng:

"Các ngươi chẳng giống như người khác, sau khi ta diệt độ mỗi người đều làm thầy một phương. Vậy ta dạy các ngươi cách thuyết pháp chẳng mất bản tông.

"Trước hết nên đưa ra Pháp môn ba khoa, chỗ động chỗ dụng gồm ba mươi sáu pháp đối. Ra vào lìa cả hai bên, thuyết tất cả pháp chẳng lìa tự tánh. Chợt có người đến hỏi pháp, nói ra lời nào đều nêu thành cặp, đều lấy pháp đối, chỗ đến chỗ đi làm nhân cho nhau. Cứu cánh thì hai pháp đều trừ hết, không có cả nơi đi nữa.

"Pháp môn ba khoa đó là: ấm, giới, nhập. Ấm là năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhập là mười hai nhập, gồm có bên ngoài sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; bên trong sáu cửa: Thường vẫn gọi là sáu căn. nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Giới là mười tám giới, gồm sáu trần, sáu cửa và sáu thức. Tự tánh hàm chứa được muôn pháp, gọi là Hàm tàng thức. Nếu khởi sự suy lường, tức liền chuyển thức, sanh sáu thức, ra sáu cửa, thấy sáu trần, như vậy tất cả mười tám giới đều do tự tánh khởi dụng. Tự tánh nếu tà, khởi nên mười tám pháp tà; tự tánh nếu chánh, khởi nên mười tám pháp chánh. Nếu chỗ dụng ác, tức chỗ dụng của chúng sanh; nếu chỗ dụng thiện, tức là chỗ dụng của Phật.

"Chỗ dụng đó do nơi đâu? Do tự tánh mà có các pháp đối nơi ngoại cảnh. Vô tình có năm cặp đối: trời đối với đất, mặt trời đối với mặt trăng, sáng đối với tối, âm đối với dương, nước đối với lửa. Đó là năm cặp đối nhau.

"Pháp tướng và ngôn ngữ có mười hai cặp đối nhau: lời nói đối với pháp, có đối với không, sắc đối với không sắc, tướng đối với không tướng, hữu lậu đối với vô lậu, sắc đối với không, động đối với tĩnh, trong đối với đục, phàm đối với thánh, tăng đối với tục, già đối với trẻ, lớn đối với nhỏ. Đó là mười hai cặp đối nhau.

"Tự tánh khởi dụng mười chín cặp đối nhau: dài đối với ngắn, tà đối với chánh, si đối với tuệ, ngu đối với trí, loạn đối với định, từ đối với độc, trì giới đối với sai quấy, chánh trực đối với tà vạy, thật đối với hư, hiểm đối với bình, phiền não đối với Bồ-đề, thường đối với vô thường, bi đối với hại, mừng đối với giận, bố thí đối với bủn xỉn, tới đối với lui, sanh đối với diệt, pháp thân đối với sắc thân, hóa thân đối với báo thân. Đó là mười chín cặp đối nhau.

"Ba mươi sáu pháp đối ấy, nếu hiểu cách dùng, tức nói được thông suốt hết thảy kinh pháp; ra vào lìa khỏi hai bên. Tự tánh động dụng, cùng người nói năng. Bên ngoài ở nơi tướng lìa khỏi tướng, bên trong ở nơi không lìa khỏi không. Nếu trọn vướng mắc vào tướng, tức là tăng thêm tà kiến. Nếu trọn chấp lấy không, tức là tăng thêm vô minh. Những người chấp không hủy báng kinh điển, liền nói thẳng là chẳng dùng văn tự. Nếu đã nói chẳng dùng văn tự, người ta lẽ ra chẳng cần đến ngôn ngữ. Chỉ lời nói ấy, cũng là tướng văn tự. Lại nói rằng, chỉ thẳng chẳng lập văn tự. Tức nhiên hai chữ chẳng lập cũng là văn tự rồi. Thấy người thuyết pháp liền chê bai, bảo là mắc vào văn tự. Các ngươi nên biết rằng, tự mình ngu mê còn nhẹ, lại đi hủy báng kinh Phật! Chẳng suy xét rằng hủy báng kinh điển, tội chướng không nói hết!

PHÁP BẢO ĐÀN KINHNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ