Trời đổ mưa mấy hạt, rồi tạnh. Xòe bàn tay thấy mưa bụi lăn tăn. Sáng ra, búi cây cúc tần bờ rào phủ sương trắng mờ. Đã sang tháng chín, vào thu rồi.
Những đàn ri sừng, ri đá, đàn chim ngói ra ăn lúa sớm. Chúng bay loạn xạ ngang trời... Bây giờ mùa nào cũng có vụ, con chim cũng không biết đỗ xuống, ăn đâu.
Trẻ con đã xếp cần câu. Những cái nơm, cái đó đem gác bếp. Bây giờ lại vót lồng bẫy, vá lưới, đi tìm bãi bẫy chim ngói.
Đấy là hình ảnh kỷ niệm tuổi thơ tôi những năm lên chín lên mười.
Mười mấy năm sau, khi thành phố được giải phóng, tôi trở lại. Thấy như lạ mắt, làng xóm và cánh đồng im lặng không bóng người. Một cái lô cốt xi măng đồ sộ há hoác bốn phía trổ lỗ châu mai. Dấu vết tuyến phòng thủ quanh thành phố của tướng Đờ Lát còn lại bây giờ trơ vơ tang thương.
Chẳng bao lâu con đường dọc ngang khắp nơi, như bàn cờ trên cánh đồng. Những khu nhà năm tầng y hệt nhau mọc lô nhô, đấy là những khu nhà tập thể. Người các nơi được đưa tới và các xóm cũ, xóm mới ở chen nhau lẫn lộn.
Những con đường cánh đồng quây lại đã thành phố phường. Người ta không nói xuống phố hay là ra Kẻ Chợ như trước kia, mà thói quen mới, người phố ta bảo nhau đi Bờ Hồ, đến phố Hàng Ngang.
***
Con đường vắt qua cái lô cốt Đờ Lát, bây giờ sang bên kia là đường lớn ồn ào người qua lại. Không ai nhớ đấy xưa kia là con đường tắt bờ ruộng, bây giờ xe đạp, xe máy và các thứ ô tô qua. Cái phố náo động tiếng xe đến nửa đêm chưa vãn. Ngày đêm rối loạn trong những tiếng động xé tai. Vừa rồi, tôi đi nghỉ ở suối nước nóng Kim Bôi trên Hoà Bình. Trong rừng thanh vắng có những quán hàng treo bán chim cảnh. Ô những con chim bẫy được, bán cho người thành phố đem về chơi. Năm trước, tôi đã đem ở Sài Gòn ra một con chim gáy ở Đồng Tháp Mười. Bạn dặn con chim kén nước lắm, nhưng thành phố chỉ có nước máy. Được vài hôm con chim chết trong lồng, cóng nước vẫn đầy nguyên.
Tôi thích nuôi một con chim, một con chào mào, một con hoạ mi một con chim gì đó cho vui nhà.
Mà lại nhớ chỗ xóm này xưa kia chỉ có vườn cây hồng bì, cây na, cây lựu yên tĩnh và tiếng chim tôi muốn mơ màng lại như ngày xưa. Rõ khéo lẩn thẩn những như ngày xưa, bây giờ làm gì có ngày xưa. Nhưng mà tôi cứ ngờ ra thế. Những con chim cảnh của người Mường nuôi rồi đen bán nhưng vẫn phải chọn cẩn thận chứ. Nghe nói bây giờ lắm kẻ bất lương bẫy chim rừng ra bán ở dọc đường. Con chim chỉ mới đem về đến nhà đã chết. Không, tôi chọn con đã thuần.
Tôi mua được một con khướu bạc má, con khướu đã dạn người. Có người qua lại khướu vẫn hót râm ran. Ngày trước nuôi hoạ mi chọi hay nuôi khướu hót, khướu nói đều công phu lắm. Nghe đồn thế chứ trẻ con bấy giờ thì chỉ nuôi mỗi con ri đá ăn thóc, con chim vành khuyên ăn chuối. Có đứa bảo con chào mào từ bé cho ăn cơm trộn muối, chào mào quen ăn mặn, không đi đâu xa được.
Con khướu chỉ ăn gạo trộn lòng đỏ trứng gà tốn kém lắm. Những khướu bây giờ thật dễ nuôi. Khướu ăn cám trứng, hàng chim nào cũng có bán cám trứng. Còn những thức ăn cầu kỳ hơn nhiều, bây giờ nuôi cá vàng thức ăn cho cá chuốc tận Hồng Kông, Ma Cao cũng được chứ sao. Con khướu bạc má của tôi ở rừng Kim Bôi về ăn cám trứng. Khướu mổ cám độp độp, khướu cất tiếng kêu quắc quắc. Hay quá, thế là được rồi. Ăn no, khướu bạc má đậu chơi trong lồng dưới giàn kim ngân.
Bây giờ cũng đương mùa thu. Những dãy hoá lý đã héo khô cả. Chỉ còn kim ngân lá vẫn xanh trên giàn cho đến giêng hai nở hoa vàng hoa bạc khi có mưa bụi xuống.
Con khướu bạc má nghiêng tai, đứng yên. Khướu trừng mắt rồi lại cất chân kêu quắc quắc. Suốt buổi sáng con khướu chỉ kêu những tiếng rừng quắc quắc như tiếng xe chạy ngoài đường. Quắc quắc...
Tiếng xe chạy rầm rập. Buổi sáng, buổi chiều. Xe tải, xe buýt, xe máy, náo loạn, đinh tai. Con khướu trừng trợn, nhảy, lại kêu quắc quắc. Đến tận tối con khướu vẫn chỉ kêu một tiếng nhố nhăng ấy, nó còn quắc quắc có chừng đến nửa đêm. Sáng ngày ra, mới bảnh mắt, khi có tiếng xe rộ lên con khướu trong chuồng lại hét quắc quắc...
Suốt mấy ngày mấy ngày vẫn thế. Tôi mất ngủ vì con khướu. Tôi chẳng bao giờ có thể biết đấy là khướu nhớ quê hay là khướu chửi mắng tôi.
Một đêm, bỗng nghe tiếng khướu hót nho nhỏ. Tôi rón rén bước ra ngoài hè. Trời sáng trăng, gió mát lồng lộng, ngoài đường đã vắng hẳn tiếng xe.
Có ai để ý đêm khuya trong bóng cây thường nghe tiếng chim líu ríu. Phảng phất như xa nhừ gần, như tay đôi, như một mình, như nàng chim từ qui rừng này gọi chàng chim từ qui cuối rừng. Đấy là lúc bao nhiêu tâm sự, đấy là lúc bóng trăng và bóng tối các hình bóng quấn quít tan rã ẩn hiện như chiêm bao. Có lẽ cũng là những mơ ước kỳ thú của muôn loài trên thế gian. Có phải thế không. Con khướu của tôi đậu ở mặt chuồng, tiếng lâm râm như hót, như tỉ tê. Như con chích choè xuống ngòi nước cất tiếng xa xa mỗi buổi chiều lặng lẽ. Như con vạc đi ăn đêm về vừa trống canh ba, buông từng tiếng vào chân tre, lúc này thảnh thơi nhất, có ánh trăng và sáng điện như ban ngày, con khướu thủ thỉ nho nhỏ.
Sáng hôm sau, vẫn chỉ nghe tiếng khướu quắc quắc những tiếng quái gở, trong khi các thứ xe từng đoàn rùng rùng rít qua ngoài kia. Con khướu bạc má hình như rạc người ra. Rồi khướu phờ phạc hẳn. Cái đầu nó trụi dần như hòn bi. Một bên cánh sã xuống. Lông rụng lả tả, mỗi buổi sáng vơ được hàng nắm, thật tham thương. Thế nào đây, con chim có thể chết đến nơi. Con chim mất tiếng hót rồi. Con chim chỉ còn rú lên hai tiếng quắc quắc.
Nhưng ngoài kia, trông lên trời mùa thu vẫn xanh thẳm, hoa lộc vừng rụng lăn tăn buông xuống đỏ hây từng đám trên mặt hồ. Tôi phải thả Con khướu bạc má thôi. Thôi cho nó bay đàn về phương trời của nó. Hôm sau, tôi ra chỗ treo lồng. Chim đã là cái xác chết còng queo. Những điều tốt đẹp, mơ màng của tôi đều vô ích. Con chim đã chết rồi. Tôi lên đường gần Bách Thao mua một con khướu bạc má khác.
Bác bán chim bảo:
- Ông yên trí. Con khướu này chén được cả thịt bò.
Tôi không dám kể chuyện con khướu ở rừng Kim Bôi về chỉ nghe tiếng động tàu xe ồn ào mà chết. Tôi cho con khướu này một miếng thịt bò tái. Nó xốc hai mỏ, nuốt chửng.
Cả buổi, tôi không nghe tiếng quắc quắc. Nhưng cũng không nghe có tiếng hót. Có lẽ con này đã quen tai với tiếng động thành phố. Có lẽ con chim vốn ăn thanh cảnh, bây giờ lại chén cả thịt. Nó không phải là con khướu biết hót, nó không hót nữa. Tôi lại đâm ra buồn.
10-2003
(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)