Núi Tản Viên, tháng 9, năm 1218.
Trời đêm âm u, tiếng gió lùa qua lá xào xạc, một không khí tĩnh mịch và lạnh lẽo bao trùm lên ngọn núi Tản Viên trang nghiêm cổ kính. Người đàn ông già vén áo bào trắng có phần cũ kỹ, ngồi lên tảng đá phủ rêu phong. Ông vuốt chòm râu trắng của mình rồi đưa mắt lên quan sát bầu trời, khẽ buông một tiếng thở dài. Tiếng thở quyện cùng gió đêm lành lạnh trên núi mang theo cảm giác thê lương não nề. Không ai rõ tuổi tác, thân phận cũng như gốc gác của ông. Chỉ biết ông là một ẩn sĩ đã ẩn cư nơi núi rừng này từ rất lâu rồi, lâu đến nỗi ngay cả ông cũng sắp quên mất mình là ai. Nếu không phải vì quẻ bói kỳ lạ gắn liền với hưng vong của một triều đại xuất hiện đêm qua nhắc ông nhớ lại nghĩa vụ và sứ mệnh của mình, có lẽ ông vẫn còn chìm đắm trong thế giới bình yên tự tại này...
- Sư phụ! Sư phụ! – Giọng nói trẻ con trong trẻo vang lên cắt đứt mạch suy nghĩ của Nghĩa Lĩnh. Khuôn mặt lạnh lùng của ông phút chốc trở nên dịu dàng. Ông mỉm cười hiền từ vẫy tay với bé trai đang chạy đi tìm mình.
- Lê Tần, con không ở trong phòng đọc sách mà ra đây làm gì?
Tần chạy thật nhanh, chân đạp mạnh lên đám cỏ non còn đọng nước mưa rồi vươn người, sà vào lòng ông, vóc dáng cậu bé bảy tuổi có cố lắm cũng chỉ ôm được đến eo. Nghĩa Lĩnh nhìn người đệ tử mà ông coi không khác gì con ruột của mình, lòng thấy ấm áp vài phần, ông bế bổng cậu lên rồi đặt ngồi vào lòng.
- Con đọc rồi, tại cả ngày hôm nay con không thấy sư phụ đâu, đoán là người ở đây nên mới chạy đi tìm. Sư phụ à, người có chuyện gì buồn lòng sao? Có phải con làm gì khiến người phiền lòng không? – Lê Tần buồn rầu, cậu thề rằng hôm qua chỉ hơi ham chơi một tí mà quên mất đọc sách, bị sự phụ trách mắng vài câu, nhưng mà không phải nghiêm trọng đến mức mới sáng sớm tinh mơ sư phụ đã bỏ đi đâu mất như vậy chứ?! Cậu đã chuẩn bị cơm nước đầy đủ, còn ngoan ngoãn trong phòng đọc sách, chép kinh, vậy mà chờ cả ngày vẫn chẳng thấy sư phụ đâu, cuối cùng đành đánh liều đi tìm.
Nghĩa Lĩnh phì cười, ông xoa đầu Tần rồi trầm giọng nói.
- Tần à, con lớn rồi không thể cứ ở bên sư phụ mãi được, rồi một ngày con phải theo phụ thân mình, Lê Khâm, xuống núi phò vua giúp nước. Sư phụ cũng đã già rồi, không biết còn sống được bao lâu nữa, cả đời này ta chỉ nhận một đệ tử là con, con là người làm ta tự hào nhất, phải cố gắng hết sức trở thành đấng anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, có như vậy mới xứng đáng làm đệ tử của Nghĩa Lĩnh ta. Con đã rõ chưa?
Lê Tần cúi đầu, cậu muốn nói "Không, con nguyện ở với người, con không muốn xuống núi!", nhưng cậu biết đó không phải những lời sư phụ muốn nghe, cậu phải xứng đáng với sự kỳ vọng và tự hào của sư phụ. Nắm chặt hai bàn tay nhỏ bé của mình, cậu nhìn sư phụ khẳng định bằng chất giọng non nớt.
- Người yên tâm, con sẽ không phụ lòng kỳ vọng của người!
Sư phụ mỉm cười hài lòng, rồi ông khẽ thở dài đưa mắt nhìn lên trời, giọng nói có phần trang nghiêm đầy âu lo. Ông giải bày những suy tư sâu kín của mình với cậu nhóc bảy tuổi, ông không rõ liệu Tần có hiểu hết được lời ông nói không, nhưng chỉ hi vọng "ngày đó" đến, cậu bé có thể nhớ đến và làm theo lời dặn dò của ông.
- Sư phụ chịu ơn của nhà Lý, đáng ra phải phò trợ vua Lý. Ngặt nỗi thế nước đổi thay, nhà Lý nay chỉ còn là lớp vỏ rỗng hào nhoáng, hào khí năm xưa nay chỉ còn sót lại một phần không đủ chống đỡ. Vận khí nhà Lý đã suy, ba đời vua sau này gắng gượng được là nhờ hồng phúc tổ tiên để lại, nhưng hồng phúc cạn kiệt, đoán rằng sẽ không chống đỡ thêm được bao lâu nữa. Đến đời vua Huệ Tông, cái rường mối hư hỏng của thiên hạ đã quá lắm. Tộc Đông A, đất Tức Mạc ngày một hùng mạnh, máu Đông A đang chảy trong lớp võ rỗng triều Lý. Nhà vua đang nuôi ong tay áo. Điềm suy vong hiện ra ngày một rõ. Nhưng số trời đã định, ta chỉ có thể đứng nhìn chứ không thể can thiệp vào thiên mệnh.
Nói đoạn, ông dõi mắt nhìn lên bầu trời, tìm kiếm hai ngôi sao đang phát ra ánh sáng mạnh mẽ. Ông khẽ lắc đầu, thở dài.
- Ta không biết nhà Lỹ còn chống đỡ thêm được bao lâu nữa. Toàn bộ vận khí cuối cùng đặt vào hết lên người đứa trẻ mới sinh, trước khi sinh ra, ta gieo quẻ thấy đứa trẻ mang mệnh "Cửu ngũ chí tôn". Ta cũng nuôi hi vọng đứa trẻ này có thể vực dậy được giang sơn Triều Lý. Tiếc thay... Đó lại là nữ nhi. Một nữ nhi lại gánh vác hoàng mệnh, đó là nghịch thiên cải mệnh, khó mà thu phục lòng người. – Ông đưa tay chỉ lên ngôi sao bên phải. Từ sáng sớm ông đã lên núi bấm quẻ, ngóng trong tin từ hoàng cung. Đứa trẻ mới sinh ra này là nam nhi hay nữ nhi? Nếu là nam nhi, nhà Lý có ba phần hi vọng vực dậy được, nhưng nếu là nữ nhi... Trong thời buổi "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", quan niệm "Nữ nhân ngoại tộc" và tư tưởng Nho giáo của Khổng Tử đã hằn sâu trong tâm trí tầng lớp nhân dân Đại Việt này, nữ nhi làm nên nghiệp lớn là bất khả thi.
- Tiếc thay... Tiếc thay... Đứa trẻ này được thừa hưởng tinh hoa từ đời vua chúa đầu Triều Lý nhưng phận nữ nhi, liệu rằng có thể cáng đáng nổi nghiệp đế vương không? – Nói đoạn, ông đưa tay chỉ qua ngôi sao sáng bên trái.
- Còn một đứa bé trai nữa, chảy trong mình dòng máu Đông A, ta gieo được quẻ "Cá chép hoá rồng" trên người đứa trẻ này. Tuy là thứ dân nhưng lại có mệnh cửu ngũ chí tôn. Là một đứa trẻ thông minh hiếm có, nếu thuận lợi lên làm vua, có thể giúp cho đất nước trở nên hùng mạnh...
Lê Tần chăm chú nghe những lời sư phụ nói, tuy chữ hiểu chữ không nhưng vẫn gật gù tỏ vẻ hiểu rõ. Nghĩa Linh buồn cười xoa đầu cậu. Không phải vô duyên mà ông lại nói những lời này với cậu, cũng không phải vô duyên mà trong số hàng trăm đứa trẻ được đưa lên núi bái sư, ông lại chọn trúng cậu. Lê Tần là người ông chọn, số mệnh của cậu có thể giúp ông trả nợ nhà Lý và nợ đất nước.
- Tương lai con sẽ trở thành rường cột nước nhà, ta chỉ mong dù kết quả ngôi báu thuộc về ai, con đều phải hết lòng trợ giúp nhà Vua. Con có nhờ lời của Khổng Tử mà ta đã từng dạy con về đạo vua tôi không?
- Dạ thưa có ạ, truyền rằng Ðịnh Công hỏi: "Vua sai khiến bề tôi, bề tôi thờ vua nên như thế nào?". Khổng Tử đáp rằng: "Vua lấy lễ sai khiến bề tôi, bề tôi lấy lòng trung để thờ vua".
Nghĩa Lĩnh gật đầu hài lòng. Ông xoa đầu cậu rồi nói tiếp.
- Người còn lại, bằng mọi giá con phải bảo vệ người đó. Nhớ lấy lời ta nói hôm nay, thứ nhất, phò tá vua, bảo vệ đất nước, thứ nhì, bảo vệ người thất bại trong cuộc chiến vương quyền này. Con đã nhớ kỹ chưa?
- Thưa sư phụ, Tần đã nhớ rõ lời dặn của người!
Hai ngôi sao sáng vừa xuất hiện trên bầu trời Đại Việt tượng trưng cho hai đứa trẻ mới ra đời: Một là công chúa nhà Lý - Lý Phật Kim, hai là công tử họ Trần – Trần Cảnh. Lê Tần của ngày hôm nay chưa thể hiểu hết lời dặn của sư phụ, nhưng mười lăm năm sau, khi gặp hai đứa trẻ đều mang chân mệnh cửu ngũ chí tôn trong quẻ bói của sư phụ năm nào, cậu đã thấm thía lời dặn dò từ sư phụ ngày ấy. Đúng như những gì Nghĩa Lĩnh đã đoán, Lê Tần là người duy nhất có khả năng bảo vệ và mang lại hạnh phúc cho hai con người thân gánh hoàng mệnh nhưng phải chịu nhiều cô đơn và đau khổ này.
BẠN ĐANG ĐỌC
Phế Đế - Du Du
Historische Romane"Lên ngôi Chiêu Thánh vị thành niên Trần Cảnh kết hôn để đoạt quyền Ngôi vị Lý triều đành kết thúc Nhà Trần khởi nghiệp bởi tình duyên" (Võ Phá) Nhắc đến chuyện này, sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết: "Bà Chiêu Thánh một đời đã từng làm vua, làm hoàng hậu...