Đến tháng mười một năm 1805, công tước Vaxili sẽ đi kinh lý bốn tỉnh. Ông đã lo cho mình được cử đi kinh lý như vậy để nhân thể về các điển trang của ông đang lâm vào tình trạng bê trễ, sa sút.
Ông cũng định đến nơi trú quân của trung đoàn Anatol tòng ngũ rồi đem con trai cùng đi đến nhà công tước Nikolai Andreyevich Bolkonxki để hỏi con gái của ông già giàu có này cho con mình.
- Nhưng trước khi ra đi, và lo liệu những công việc mới này, công tước Vaxili cần phải giải quyết cho xong Piotr đã. Quả gần đây chàng ta ngồi cả ngày ở nhà - Tức là ở nhà công tước Vaxili, là nơi chàng trú ngụ, - Và những khi có mặt Elen thì chàng ta có vẻ xúc động, ngờ nghệch đến buồn cười (đúng như một kẻ si tình) nhưng vẫn chưa ngỏ ý cầu hôn gì cả. Một buổi sáng nọ công tước Vaxili tự nhủ.
"Những cái đó đều rất hay ho, nhưng cũng phải chấm dứt đi thì vừa" - Và công tước buồn rầu thở dài, vì nhận thấy Piotr tuy chịu ơn mình là thế (chà, thôi cũng xin Chúa phù hộ cho anh ta) nhưng trong vlệc này thì lại cư xử chẳng được tốt là mấy. "Tuổi trẻ... nhẹ dạ, thôi cũng xin Chúa phù hộ anh ta, - Công tước Vaxili ngẫm nghĩ, lòng vui thích vì thấy mình thật là tốt bụng - nhưng việc này cũng phải chấm dứt đi thì vừa. Ngày kia là ngày lễ thánh của con Elen, ta sẽ mời mấy người đến, và nếu chàng ta không hiểu mình phải làm gì, thì đó sẽ là việc của ta. Phải, đó là việc của ta. Ta là một người cha kia mà!".
Một tháng rưỡi sau tối tiếp tân của Anna Pavlovna và cả đêm trằn trọc thao thức sau buổi tối ấy, cái đêm mà chàng nghĩ ra rằng lấy Elen quả là một điều bất hạnh, rằng mình phải đi nơi khác để xa lánh nàng, Piotr tuy nghĩ như vậy vẫn không đi khỏi nhà công tước Vaxili và kinh hãi cảm thây rằng trước mặt mọi người, càng ngày mối quan hệ giữa mình và Elen càng thêm khăng khít, rằng mình không tài nào có lại được cái nhìn trước kia đối với nàng, rằng thậm chí mình cũng không thể rứt nàng ra được, rằng như thế này thì rồi sẽ hết sức khủng khiếp, nhưng thế nào mình cũng buộc phải gắn bó số phận mình với nàng.
Đáng lẽ chàng còn có thể gỡ được, nhưng không có ngày nào nhà công tước Vaxili (trước đây vốn ít tiếp khách) lại không tồ chức một buổi tối tiếp tân mà Piotr nhất thiết phải dự, nếu chàng không muốn phá cuộc vui chung và phụ lòng mong đợi của mọi người. Trong những giờ phút hiếm hoi mà công tước Vaxili ở nhà, thì khi đi ngang qua Piotr, ông thường nắm lấy tay chàng kéo thấp xuống, lơ đãng giơ cái má nhăn nheo cạo nhẵn cho chàng hôn rồi nói "đến mai nhé" hoặc "tôi ở lại nhà vì anh đấy" v.v... Nhưng mặc dầu khi công tước Vaxili ở lại nhà vì Piotr (như ông vẫn nói) ông không nói với chàng lấy một lời nào, Piotr vẫn cảm thấy mình không đủ sức phụ lòng mong đợi của ông ta.
Ngày nào chàng cũng vẫn tự nói với mình có mỗi một điều rốt cuộc cũng phải hiểu nàng và nhận thức cho thật rõ: nàng là người như thế nào? Trước kia ta nhầm, hay là bây giờ ta nhầm? Không, nàng không phải là người đần độn; không, nàng là một người con gái rất tốt! - Thỉnh thoảng chàng lại nói với mình như vậy:
"Chưa bao giờ thấy nàng nhầm lẫn điều gì, chưa bao giờ thấy nàng nói một câu khờ khạo. Nàng ít nói, nhưng những điều mà nàng nói ra đều giản dị và rõ ràng. Như vậy nàng không phải là người ngu ngốc. Chưa lần nào thấy nàng lúng túng, bao giờ cũng vậy. Thế nghĩa là nàng không phải người xấu!".
BẠN ĐANG ĐỌC
Chiến Tranh Và Hòa Bình
Ficción históricaVH cổ điển nước ngoài CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH Dịch giả: Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, Hoàng Thiếu Sơn, Thường Xuyên. Mô tả: Chiến tranh và hòa bình là bộ sử thi vĩ đại nhất của Tolstoy, trước hết là vì tác phẩm đã làm sống lại thời kì toàn thể nhân dân...