Phần 1

940 9 1
                                    

Hồi đó quê tôi bị giặc Pháp chiếm. Bọn chúng từ đồng mới, Đồng Biên thường kéo về lùng sục càn quét. Thỉnh thoảng chúng lại câu đại bác từ Lạc Quần về. Dân làng phải chịu biết bao nỗi cay cực. Có gia đình như gia đình bà Tốn đã tan nát cả nhà vì trận đại bác của chúng. Gia đình Thuỷ ở cạnh nhà tôi cũng mất hai người. Hôm trước mẹ Thuỷ vừa mất vì sức ép, thì tối hôm sau bà Thuỷ lại tắt thở vì một mảnh đạn xuyên trúng ngực. Ngay chính Thuỷ cũng bị thương ở đầu gối đấy. Còn tôi lần đó suýt nữa cũng bị nguy rồi. May mà bố tôi đã kịp bế tôi chạy ra hầm khi tôi nhởn nhơ đuổi bắt một chú chuồn đậu ở hàng giậu trước nhà. Trận ấy nhà tôi bị đổ và chết một con lợn sề. Thật tiếc quá. Con lợn sề to bằng chiếc cối xay lúa, lại hiền nữa chứ. Ngày nào theo mẹ vào xem nó ăn, tôi cũng nhảy lên lưng nó cưỡi làm ngựa.
Từ đấy cứ nghe tiếng súng giặc là dân làng lại chạy tản ra những chiếc hầm ngoài đồng. Vào một đêm cuối đông, trong chiếc hầm giữa cánh đồng cối trước làng, tôi đã bị cảm. Sáng ra mẹ tôi vội vàng bế tôi vào nhà. Cơn sốt mỗi lúc một tăng, tôi mê mang không biết gì nữa. Bố tôi cuống cuồng lo sợ. Song không biết chạy đâu ra thuốc men cả, vì quanh làng tôi bốn bên đều có giặc đóng. Bọn chúng sẵn sàng bắn bất cứ ai qua đường. Không biết làm cách nào, bố tôi đành đi mời ông lang trong xóm. Còn mẹ tôi thì đi cầu cúng.
Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, sau những giờ thoi thóp trên giường bệnh, tôi thấy mình đã tỉnh. Tôi ngồi dậy được, trong bụng thấy đói. Mẹ tôi đưa một quả cam đã bốc sẵn. Tôi thèm ăn quá, định đưa tay cầm lấy. Ôi, sao kì lạ thế này, hai cánh tay tôi bỗng trở nên nặng trịch. Tôi không còn đủ sức giơ nó lên nữa!
Ít ngày sau người khoẻ hẳn, tôi dậy đi được. Nhưng đôi tay của tôi đã chẳng còn nguyên vẹn. Nó như hai cục thịt lủng lẳng đeo vào hai bên mình tôi. Tôi cảm thấy nằng nặng như không phải chính tay của mình.
Hồi đó tôi vừa tròn bốn tuổi.
Mẹ tôi kể lại, mấy hôm tôi ốm nằm liệt giường, ngày nào Bằng cũng đứng lấp ló ngoài cửa sổ. Nó đứng thu lu ở đấy một lúc rồi lặng lẽ quay về. Chắc Bằng buồn lắm.
Hôm nay thấy tôi ra ngõ chơi được, Bằng mừng quá. Nó vừa chạy đến chỗ tôi vừa gọi:
- Ký ơi, ra sân đình đánh đáo với t đi.
Tôi chưa kịp nói gì thì Bằng đã ôm chầm lấy tôi. Nó cầm tay tôi định kéo đi. Bỗng nét mặt nó biến sắc. Nó nhìn chằm chằm vào tôi, hốt hoảng thốt lên:
-Ôi sao tay Ký lại thế này?
-Chẳng biết nữa – Tôi trả lời gọn mấy tiếng như vậy.
Bọn trẻ chơi quanh đó thấy lạ liền ùa đến. Đứa sờ, đứa mó, có đứa tinh nghịch giật tay tôi một cái rồi bỏ chạy kêu lên:
-A, Ký què rồi chúng m ơi. Ký què... Ký què.Thế là từ nay hai tiếng thằng què sẽ là cái biệt danh của tôi. Sao nhanh chóng kỳ lạ thế này nhỉ! Mới cách đây mấy ngày thôi, đôi tay tôi vẫn còn nguyên vẹn.
Là con út và cũng là đứa con trai duy nhất của bố mẹ nên tôi rất được chiều chuộng. Tôi vòi ăn gì, chơi gì là được ngay.
Tôi sẽ chẳng bao giờ quên quãng thời gian ngắn ngủi đáng yêu ấy, những ngày đôi tay của tôi còn lành lặn.
Bây giờ nhớ lại, tôi ước gì được sống lại dù chỉ đôi phút..
Từ đấy tôi phải sống những chuỗi ngày buồn tủi, gò bó như con chim non lúc tập bay bị gãy cánh. Tôi không còn chơi được trò gì, không biết chơi với ai, ngoài con Vàng nhỏ và chú mèo Mướp.
Suốt ngày quanh quẩn ở nhà, thấy chán, đôi lúc tôi cũng chạy ra sân đình đứng nhìn bọn trẻ chơi. Trông chúng nó đánh quay, đánh đáo, chơi rồng rắn, cười nói ầm ĩ, tôi cảm thấy chân tay ngứa ngáy muốn lao vào dự cuộc.
Một góc sân kia có đứa đang chơi ô ăn quan. Bằng cũng có mặt trong đám này. Tôi đến xem bọn chúng chơi. Được một lúc thèm chơi quá, tôi liền bảo Bằng:
-Bằng ơi, Bằng để Ký chơi thay lần này nhé.
- Ơ, Ký chơi thế nào được?
-Được, Bằng sẽ bốc quân rải hộ, Ký bảo ô nào Bằng sẽ bốc ô ấy.
Chơi như vậy nhiều lúc tôi cũng thắng cuộc. Song tôi vẫn không thoả mãn và thấy tưng tức thế nào ấy. Tôi đánh liều bảo Bằng:
-Thôi, lần này Bằng để Ký bốc quân nhé.
-Ký lấy gì mà bốc?
-Chân Ký!
Nói rồi tôi liền thò chân vào bốc quân ở ô thứ nhất. Bỗng xoà một cái, số quân trong chân tôi rơi tung toé khắp nơi. Cả bọn liền bò lăn ra cười như nắc nẻ. Còn tôi thì tưng hửng bỏ về nhà. Từ đấy tôi rất ít ra sân đình. Mọi sinh hoạt của tôi đều nhờ bố mẹ và các chị tôi. Đôi lúc bố tôi cũng đâm ra khó tính. Đó là những lần bố tôi đang làm việc mệt, tôi đòi ăn cơm, uống nước, cởi áo là bố tôi lại nói dỗi:
-Chỉ rầy thôi.
Bây giờ nghĩ lại tôi thấy thương bố mẹ lắm. Lẽ ra ít nhất tôi cũng đỡ được bố mẹ chén nước, cái tăm. Thế mà tôi đã chẳng đỡ được gì, lại còn bắt bố mẹ hầu hạ đủ mặt. Như vậy làm sao tránh khỏi những lúc phiền lòng của một người đã chịu nhiều đau khổ như bố tôi.
Trong chiếc chăn len ấm áp, một đêm mùa đông bố đã kể lại cuộc đời mình cho tôi nghe. Chiếc chăn len này nhà tôi mới sắm sau hoà bình đấy. Bố tôi nói trước đây có ai dám mơ chiếc chăn như thế này. Năm lên tám tuổi, bố tôi đã mồ côi cha, phải đi ở chăn trâu cho bọn địa chủ. Đêm lạnh không có chăn đắp, bố tôi lấy rơm phủ lên người.Đã lạnh lại đói. Có lần bố đi đào trộm dong riềng của bọn địa chủ về ăn. Chúng bắt được, dùng ba-toong đánh vào đầu, đến nay vẫn còn vết sèo. Thấy cảnh đi ở không đủ nuôi thân, năm hai mươi tuổi bố liền về nhà ở với bà tôi. Nhưng cả nhà lại không có một tấc đất cắm dùi, biết sống bằng cách nào được? Thế là bố tôi liền phải bỏ nhà ra Hòn Gai làm thợ mỏ. Mãi đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công, bố tôi mới trở về. Được cách mạng chia ruộng, chia đất, từ đó đời bố mới đỡ vất vả.
Mãi đến khi bố gần 50, mẹ tôi mới sinh đươc tôi là con trai duy nhất (trước tôi chỉ có ba chị gái). Bố thương yêu, nâng niu chăm sóc tôi, mong một ngày kia tôi sẽ nên người. Có ngờ đâu tôi bị bệnh và hỏng cả hai tay.
Đêm nằm, bố thường ôm tôi vào ngực, vuốt nhẹ tóc tôi, nâng tay tôi lên hun hít và nghẹn ngào nói:
-Thật ông trời không có mắt con ạ. Người ta có năm có mười thì tốt, mình có một thì trời lại bắt tội.
Nói đến đây thì tiếng bố tôi nhỏ dần và ngừng hẳn. Chắc bố tôi khóc. Rồi bố tôi lại ôm chặt tôi hơn, nói tiếp, giọng nghẹn lại:
-Sau này thầy mẹ chết đi, con biết làm gì để sống!
Hai năm trôi qua. Cũng hai năm ấy biết bao đồn bốt giặc ở quê tôi đã bị ta san phẳng. Làng quê được giải phóng trở nên đông vui nhộn nhịp lạ thường. Bà con trong làng tấp nập gọi nhau ra đồng cày cấy. Các lớp bình dân học vụ được mở khắp nơi. Một lớp vỡ lòng mở ra trong xóm. Trẻ con nô nức kéo nhau đến lớp, đông vui như ngày hội. Bằng, Tam, Oánh, đã đến lớp rồi. Cả Thuỷ bị thương ở đầu gối, chân phải đi khập khiễng mà sáng nay cũng diện một chiếc áo hoa màu tím lấm chấm những đốm sao trắng, tay cầm một quyển vở bìa đỏ chói tất tưởi đến lớp học. Thôi thế là hết. Từ mai biết chơi với đứa nào được nữa.
Ở nhà cứ mỗi lần nghe chúng nó ríu rít rủ nhau đến lớp là tôi lại nao nao như thèm muốn một cái gì. Tôi bứt rứt khó chịu quá, không thể nào thu mình mãi ở nhà được nữa liền chạy ra ngõ ngắm bọn trẻ đi học.
Chiều ấy, đợi bọn trẻ cắp sách đi hết, tôi đánh liều men theo con đường mòn lần đến lớp học. Tôi đến bên tấm liếp che ngoài cửa. Qua khe cửa tôi nheo mắt nhìn vào. Cô Cương đang viết cái gì lên bảng. Tôi cố đảo mắt tìm Bằng. Ơ, kia rồi, Bằng ngồi ngay ở mép bàn thứ nhất, bên cạnh nó là Oánh.
Đứng nhìn một lúc đã thấy bọn trẻ rục rich ra chơi, tôi vội vàng lủi đi.
Chiều hôm sau tôi lại lần đến lớp. Lần này tôi bạo hơn, chẳng thèm thập thò ở cửa liếp nữa. Tôi men đến lớp ngó thẳng vào bàn cô giáo ngay trước cửa ra vào. Thấy cô giáo bước ra, tôi sợ quá liền quay ngoắc tránh ra sau lớp. Một lát sau tôi quay vào đứng lấp ló ở cửa. Bọn trẻ đọc "O" tôi cũng chúm môi đọc "O". Cứ thế, bọn trẻ đọc chữ nào tôi nhẩm theo chữ ấy. Mải mê quá, tôi bước chân vào lớp từ lúc nào không biết. Tôi giật thót mình khi cô Cương đã tiến sát. Cô cầm lấy cánh tay tôi, dịu dàng nói:
-Em về nhà chơi cho các bạn học nhé!
Tôi ngơ ngác nhìn cô rồi cúi xuống im lặng. Một lát sau tôi đánh liều hỏi:
-Thưa cô... em xin học có được không ạ?
Tôi nói nhỏ quá, chắc cô nghe chưa rõ. Cô liền cuối xuống hỏi lại:
-Hả em nói gì?
-Dạ... em muốn vào học.
Cô Cương ngẩng lên, thở nhẹ, rồi cúi xuống nâng đôi tay mềm nhũn của tôi lên:
-Thôi nhé, em về nhà chơi, vài năm nữa cô sẽ nhận em vào lớp.
Khi cô Cương nói đên đây không hiểu sao tôi bỗng oà lên khóc.Tôi khóc to lắm, dường như vừa bị ai đánh vậy.
Cô Cương rút mùi-soa lau nước mắt cho tôi và dẫn tôi ra ngõ.
Về nhà mẹ hỏi vì sao khóc, tôi chỉ lặng thin. Bọn trẻ theo tôi từ lớp về nhà vội mách:
-Nó vào lớp học xem. Cô giáo không cho nên nó khóc đấy.
Mẹ tôi lại hỏi:
Vậy cô giáo có đánh con không?
Bọn trẻ tiếp luôn:
-Không, cô giáo không đánh. Cô giáo chỉ dẫn nó ra thôi.
-Vậy lặng đi rồi mẹ lấy chuối cho.
Không chịu lặng, tôi vẫn vừa khóc vừa nói:
-Ứ, con học cơ.
Bọn trẻ hiểu ý tôi liền nói rõ cho mẹ tôi biết. Mẹ tôi ngọt ngào nói:
-Ừ, vậy tối về mẹ bảo bố con sang nói với cô Cương cho.
Quả thật tối hôm ấy mẹ tôi đã nói với bố tôi về việc xin cho tôi đi học. Bố thở dài lắc đầu:
-Nhưng tay con nó như thế thì học với hành gì được.
-Được, ông cứ xin cho nó đi đi, không thì nó lại ăn vạ ngay đấy. Bạn bè nó đứa nào cũng đến lớp cả rồi, còn mình nó ở nhà chơi với ai được. Thôi, ông cứ đến nói với cô Cương xin cho nó đến lớp, rồi nó muốn học được chữ nào thì học, nếu không nó cũng có bầu có bạn để chơi cho đỡ buồn.
Bố tôi bế xốc tôi lên vai nựng khẽ
-Ừ, bố cũng biết thế nhưng tay con thế này đi học viết làm sao được mà đòi.
Thôi chịu khó ở nhà coi nhà và giúp bố đuổi gạ kẻo chúng "làm cỏ" cả vườn rau cải kia mất. Rồi con muốn gì bố sẽ bảo mẹ mua cho.
-Ứ, không đâu! Tôi lắc người, dụi mặt vào vao bố rồi nói dỗi.
Chị tôi cũng nói chen vào:
-Em nó thích học, bố cứ để em đi. Cả làng giờ có ai là người không đi học đâu. Ngay như bà Hoàng đã gần sáu mươi tuổi mà vẫn còn đi học nữa là nó. Với lại lớp học bây giờ người ta mở ngay ở nhà ông Bắc chứ có xa xôi như ngày xưa đâu. Thôi, tối nay bố cứ đến nói với cô Cương đi, rồi sáng mai con sẽ dẫn em đến lớp cho.
Bố tôi im lặng không nói gì nữa.
Sáng hôm sau, khi chị tôi đang sửa soạn sách vở để dẫn tôi đến lớp thì bỗng nhiên nghe ngoài sân có tiếng chó sủa. Cô Cương tay cầm một tập vở, một chiếc thước dài bước vào cửa.
-Chào cô.
Cả nhà tôi niềm nở chào cô Cương. Còn tôi thì khép nép đứng nấp sau cánh cửa.
-Đâu, em Ký đi đâu rồi? Cô Cương ngạc nhiên hỏi.
Chị tôi đến cầm tay tôi dắt ra trước mặt cô Cương. Tôi bẽn lẽn ngẩng nhìn cô rồi vội cúi xuống im lặng.
-Em nó đây cô ạ. Mấy hôm nay nó nằng nặc xin đến lớp của cô đấy. Em đang chuẩn bị dẫn nó đến lớp bây giờ đây. –Chị tôi nói.
-Vâng. Em nó đến xin tôi cho vào học. Nhưng thấy tay của em như vậy, tôi ái ngại khuyên em về nhà chơi. Tối qua nghe bác đến nói em nó lại đòi đi học. Em nó đã muốn vậy, ta cứ để em đi. Chị ở nhà làm việc khác, tôi đưa Ký đến lớp kẻo các em chờ.
Tiễn cô Cương ra ngõ, mẹ tôi chậc lưỡi nói:
-Vâng, vậy nhờ cô nhận em nó vào học. Chắc nó cũng chẳng viết lách gì được đâu. Nhưng nó thích thì cứ để cho nó học.
Được đến lớp học, tôi sung sướng hả hê lắm. Tôi được cô Cương xếp ngồi ngay cạnh Bằng. Ngày ngày Bằng bỏ sách vào túi dết của tôi rồi mang theo. Hai chúng tôi thân thiết như đôi chim nhỏ. Mỗi khi có đứa nào trêu tôi là Bằng bênh ngay. Khuyên bảo chúng không được thì Bằng mách cô giáo.
Bằng lớn hơn tôi một tuổi, nhưng lại thấp hơn tôi một chỏm đầu. Nhà Bằng chỉ cách nhà tôi một chậu dong riềng nhỏ và một bụi tre hóp gai cao quá đầu người lớn một ít. Mỗi lần sang chơi nhà nhau, chúng tôi chẳng bao giờ chịu đi lối ngõ. Cả hai đều chui bụi tre, luồn qua vườn là đến nhà nhau.
Từ ngày đi học, tối nào về nhà tôi cũng được chị tôi dạy thêm. Chị viết phấn ra bảng rồi cặn kẽ ôn cho tôi từng chữ một. Thấm thoát chẳng bao lâu tôi đã nhận ra mặt chữ. Những bạn cùng học với tôi đã biết viết. Bằng đã viết buông được rồi. Chữ nó đẹp lắm, vừa ngay ngắn vừa thẳng dòng. Tôi cứ tròn mắt ngắm mãi không ngán. Tôi không dám mơ tưởng đến một ngày mình tự viết được những dòng chữ như vậy. Nhưng sao trong lòng tôi vẫn thoáng hiện lên một nỗi ao ước thầm kín.
Mỗi khi cô giáo đưa quyển vở chép bài cho tôi là tôi lại tủi lủi: Mình cũng đi học như chúng nó, sao chúng nó tự chép được bài học mà mình cứ mãi mãi phải nhờ cô giáo...
Đã sang đông. Bầu trời vẩn đục những đám mây tro xám. Mấy con diều hâu dang cánh thi nhau "xây giếng". Dăm bảy lá bàng đỏ xạc xào rơi xuống đường.
Như mọi chiều, hôm nay đi học về tôi vẫn mong manh trong chiếc áo lụa bạc màu. Bọn chúng nó sợ rét đã vội vàng chạy trước. Bằng vừa chạy vừa gọi. Tôi không nghe thấy gì, vẫn thong thả từng bước mải mê suy nghĩ:"Mình phải tập viết...". Nhưng viết bằng cách nào đây? Nghĩ mãi tôi vẫn bí. Chợt thấy mấy cành bù cu xoè ra bên đường, để ý nhìn thấy trên lá của nó chằng chịt những vân vẽ rất tinh vi, tôi liền hỏi cô giáo:
-Ai viết cái gì lên lá thế này cô?
-Không ai viết đâu. Con chim gáy nó vẽ đấy em ạ.
-Thế nó lấy gì mà vẽ được hở cô?
Cô đưa tay ngắt mấy cái lá lên nhìn:
-Ờ! Nó chỉ lấy mỏ để vẽ mà đẹp quá em nhỉ.
Nghe cô giáo nói tôi vụt nảy ra một ý nghĩ. Suýt nữa tôi reo to:"Ồ, mình cũng sẽ dùng miệng để viết". Ý nghĩ ấy cứ bám riết lấy tôi. Mê mải quá đến nỗi về đến ngõ tôi quên cả chào cô giáo.
Đêm ấy tôi nằm suy nghĩ: "Nếu mình viết bằng miệng thì ngậm bút thế nào được? Chúng nó viết tay thì tay tì sách được? Thôi thì không thể viết bằng miệng được rồi". Tôi đang nghĩ xem còn cách nào để tập viết nữa, nhưng hai mí mắt đã trĩu nặng. Trên cánh tay ấm áp của mẹ tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Như mọi ngày, sáng nay tôi lại đến nhà Bằng chơi. Được một lúc, Oánh ở đâu chạy tới. Oánh cầm một chiếc bút chì đen giơ lên, reo lớn:
-A ha ha, tớ có cây bút chì này, cậu nào xin, tớ cho.
-Ồ, cho tớ nhé! –Tôi hối hả nói.
Bằng hỏi luôn:
-Ký xin bút chì làm gì?
-Xin làm cái này!
-Ừ, thôi đưa cho Ký, Oánh ạ. Bằng có bút chì rồi.
Bằng nói có vẻ độ lượng lắm. Không ngần ngừ gì nữa. Oánh liền cầm bút chì bỏ vào túi cho tôi.
Thế là có bút rồi. Sướng quá, tôi chạy băng về nhà.
Tôi dùng mồm viết thử. Vừa ngậm bút chì gạch lên trang sách, bỗng tôi thấy loá mắt, không thể nào viết bằng miệng được.
Ngoài sân, mấy chú gà con đang nhiếp nhiếp theo mẹ đi ăn. Chúng nó lấy chân bới rác tìm mồi. Tôi bỗng vụt nghĩ:"Hay mình cũng dùng chân để viết?".
Tôi đắn đo mãi rồi quyết định cứ viết thử xem sao.
Chiếc bút nhỏ quá, tôi vừa cố mở ngón chân cái và ngón trỏ cặp lấy, chưa kịp viết bút đã rơi ngay xuống. Mấy lần như vậy, bực quá toi liền đá bút chì vào xó nhà rồi đi chơi,
Mấy hôm sau thấy nhơ nhớ tiêng tiếc, tôi lại tập viết. Lần này không viết bằng bút nữa, tôi dùng gạch non viết xuống sân. Có ngày cả chiếc sân đỏ loè loẹt. Đó là những nét chữ đầu tiên của tôi. Thực ra nào có thành chữ. Đó chỉ là những vết dọc ngang chằng chịt chẳng khác gì vết chân gà bới. Thầy tôi lamf đồng về liền mắng:
-Sao con lại vẽ bậy ra sân thế này Ký?
Tôi sợ, bỏ chạy sang nhà Bằng. Khi trở về thấy mặt sân đã sạch. Hỏi chị tôi, tôi mới rõ bố đã múc nước rửa sân từ lúc nãy.
Ít ngày sau, quen chân dần, tôi nghĩ cách tập viết lại bằng bút chì. Có viết bằng bút được mới chép bài được chứ. Chẳng nhẽ khi các bạn trong lớp viết bài vào vở, mình lại ra giữa trời lấy gạch viết xuống sân ư?Tôi tìm lại chiếc bút hôm nào đã đá đi. Tìm nháo khắp nhà chẳng thấy tăm hơi.
Bực quá tôi chực khóc. Bỗng ngoài sân có tiếng động. Bằng, tay cầm vở, tay cầm lọ mực xăm xăm bước vào, vừa thở dài vừa nói:
-Ký ơi, sao không đi học? Cô giáo trách đấy!
Tôi ngạc nhiên sửng sốt, chạy ra sân thấy mặt trời đã sắp lặn. Ồ thế ra chiều nay tôi quên bẵng đến lớp.
Tôi lo quá chỉ sợ mai đến lớp cô Cương sẽ phạt. Nhưng cô rất hiền kia mà. Cô đã mắng đứa nào bao giờ đâu. Đấy, ngay như cái lần Oánh và Vân lấy ké xoa lên đầu mấy bạn gái làm chúng nó không gỡ được phải phát khóc, thế mà cô cũng chỉ gọi đến trách nhẹ:
-Các em có biết nghịch như vậy là không tốt không? Từ mai hai em nhớ không được nghịch bậy như thế nữa nhé!
Trong lớp đứa nào cô cũng yêu thương như em ruột. Hôm ấy trời mưa, biết chân Thuỷ không đi bình thường, cô đã đến tận nhà cõng Thuỷ đến lớp. Cô còn mua cả cặp tóc cho Hằng và Hợi nữa. Có lẽ cô sẽ không phạt mình vì một buổi học không xin phép đâu! Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn thấy lo lo. Tôi đang định nói với Bằng điều đó thì bất chợt cô Cương đến. Tôi sợ quá toan lủi vào buồng. Nhưng không kịp rồi, cô đã nhìn thấy tôi và Bằng đang ngồi ở phản.
-Bằng vẫn chưa về hả em? Hai em đang nói chuyện gì với nhau đấy?
-Dạ, chúng em ngồi chơi thôi ạ -Tôi bẽn lẽn cười đáp và nép mặt vào sau lưng Bằng.
Cô Cương đặt túi sách xuống phản gần chỗ tôi ngồi rồi cười hỏi:
-Sao, có gì rụt rè thế hả Ký? Sợ hôm nay nghỉ không có bài để học chứ gì!... Thế sách đâu, đưa cô mang về ghi bài cho nào.
Bằng liền vội rút quyển vở trong túi sách của tôi đưa cô giáo. Cô bỏ vào cặp rồi nghiêm giọng hỏi tôi:
-Bây giờ cô hỏi em, em nói thật nhé! Có phải em đang tập viết bằng chân không?
"Ơ, sao cô giáo lại biết nhỉ". Tôi vừa ngạc nhiên nghĩ thầm. Tôi đã nói với ai về việc này đâu. Ngay cả bố mẹ tôi cũng chưa biết kia mà. Tôi sợ nói ra người ta sẽ cười cho đến xấu hổ, vì có ai lại đi viết bằng chân bao giờ. Chà, lại Bằng đi nói với cô giáo chứ còn ai khác. Biết không thể chối được tôi đáp:
-Thưa cô, vâng ạ.
-Thế sao em không nói với cô?
Nói xong cô rút trong túi ra một cái bút chì xanh đỏ và quyển vở, âu yếm nhìn tôi mỉm cười:
-Đây cô cho em cây bút chì và quyển vở để em tập viết.
Cô bảo tôi viết thử xem thế nào. Nghe lời cô, tôi ngại ngùng đưa chân cặp cây bút chì. Bằng nhanh nhẩu giở ngay trang giấy trắng muốt của quyển vở cô vừa cho, đặt ngay ngắn trước mặt tôi. Nhưng khi tôi đưa ngọn bút chì chạm vào mặt giấy thì cán bút đã rơi tách xuống tấm phản. Cô Cương vội vàng đặt vào chân tôi. Cô tự tay bắt chân tôi tập viết. Tôi viết được chữ "o" và chữ "I". Nét chì đỏ hiện lên trong mới nổi làm sao. Kể ra cũng còn nguệch ngoạc lắm nhưng bước đầu thế là tốt rồi.
Cô Cương ngừng tay, ngẩng nhìn Bằng:
-Đấy từ mai Bằng nhớ giúp Ký tập viết như vậy nhé!
Trời nhá nhem tối từ lúc nào. Mấy con gà ở góc sân đã nhanh nhẩu nhảy lên chuồng. Tôi và Bằng tiễn chân cô Cương ra ngõ. Cô khẽ vỗ nhẹ vào vai tôi, âu yếm căn dặn:
-Ký cố gắng tập viết đi em nhé! Có gì khó khăn bảo cho cô biết, cô sẽ giúp.
Từ đấy sáng nào Bằng cũng đến nhà tôi. Bằng mê mải ngồi trông tôi học viết. Mỗi lần chiếc bút chì rời khỏi chân tôi là Bằng vội vàng cầm nhét vào. Nhiều lúc Bằng tự tay bắt chân tôi tập viết theo lời dặn của cô Cương. Nhưng dẫu thế nào ngón chân tôi vẫn cứ cứng đờ. Nó không chịu đưa bút chì lượn thành nét chữ như ý của tôi. Chì cứ tự do chệch choạc hiện lên trên giấy thành những hình kì quái. Nhiều lúc toi đã lấy hết sức cặp thật chặt bút chì, cố nắn nót từng nét một, thì cũng nhiều lúc tôi bị chuột rút co quắp cả ngón chân. Tôi quẳng sách lẫn bút nằm lăn ra phản. Bằng vội chạy đến đỡ dậy. Hai đứa nhìn nhau nửa buồn cười nửa muốn khóc.
Thấy tôi tập viết khó quá, Bằng cũng định thử một tí. Bằng gượng gạo cặp lấy bút, vừa chạm đến giấy thì giấy thủng, bút chì tụt mất. Bằng thấy vậy liền khuyên tôi:
-Thôi đừng tập nữa Ký ạ. Chắc chẳng bao giờ thành công được đâu. Ai lại viết bằng chân kia chứ!
Mấy bác hàng xóm cũng can tôi:
-Tập như thế làm gì cho vất vả hả cháu. Người ta tập viết bằng tay mà còn khó mới viết được, huống hồ cháu tập bằng chân. Rồi có đến cóc kêu rêu mọc cũng chẳng thành đâu cháu ạ.
Quả thật lúc này tôi bắt đầu thấy nản. Một tháng rồi mà chữ nghĩa đã ra nét ra dòng gì đâu.
Nhưng một hôm cô Cương lại đến nhà tôi. Cô cho tôi một quyển vở nữa và khuyên:
-Đừng có nản em ạ. Phải chịu khó mới được."Có công mài sắt, có ngày nên kim" chứ em. Liệu chiếc bút chì ấy tập có dễ không, nếu không cô mua cho chiếc bút chì khác.
Cô Cương còn bảo tôi nên tập những chữ dễ như chữ o, chữ I trước, sau đó mới tập những chữ khó như chữ h, k. Nghe lời cô, tôi bắt đầu tập lại chữ o."O tròn như quả trứng gà". Tôi cứ vừa tập vừa đọc lại câu thơ mà chị tôi đã dạy cho hồi nào.
Sau một thời gian ngắn, quả thật tôi đã khoanh được tròn chữ o, Sau đấy chữ I, chữ t cũng viết được. Cuối cùng tôi tập được mấy chữ: b, g,h, k. Khó nhất có lẽ là chữ k đấy. Tôi tập đi tập lại bao nhiêu lần mà vẫn chưa được. Nhiều lúc bực đến phát khóc. Hay mình bỏ quách chữ này không tập nữa. Không viết được một chữ cũng chẳng sao. Nhưng thật là oái ăm, chữ k lại cần thiết để viết chữ "Ký". Mọi chữ đã viết được cả rồi, riêng tên mình không viết được ư?
Nghĩ thế tôi lại miệt mài tập.
Mùa đông trôi qua, Cây xoan trước nhà đã nảy lộc.
Chiều nay trên đường đến lớp, lòng tôi rộn ràng, ấm áp hẳn lên. Nghe một tiếng chim hót, nhìn một cánh hoa nhỏ rung rinh tôi cũng thấy như có gì thân thiết vui nhộn hơn thường ngày. Nghĩ đến buổi học hôm nay, lần đầu tiên mình tự chép bài được, tôi mừng vui phấn chấn lạ thường,
Đến lớp, cô Cương tìm một manh chiếu trải ngay trước bàn thứ nhất cho tôi ngồi viết. Nhưng lạ quá! Sao tôi không giữ được bình tĩnh như lúc ngồi viết ở nhà. Chân tôi cứ run run gượng gượng. Các bạn ngồi gần đấy chốc chốc lại nghển nhìn, càng làm cho tôi hồi hộp.
Bài tập chép của tôi hôm ấy được cô Cương cho điểm năm. Quyển vở chưa kịp rời tay cô, các bạn đã giằng nhau để xem.
Những bài tập chép lần sau tôi đã đạt được điểm 8, rồi điểm 10.

TÔI ĐI HỌCNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ