Từ xưa đến nay, 'quyền thế' luôn là hai chữ khiến người mê muội nhất, đặc biệt chính là khi mình chỉ còn cách ngôi vị quyền thế "Thiên hạ chí tôn" kia một bước ngắn nữa, cho dù là Thái tử cũng sẽ không kiềm chế được mà sinh ra tâm tư không nên có.
Khang Hy đế nhìn nhi tử quỳ mọp trên mặt đất mà van xin khổ sở, nhưng trong lòng ông lại không hề có một chút mảy mảy cảm xúc thương tiếc nào, trái lại còn dấy lên một tia sát ý rất nhỏ. Chỉ nghe ông lạnh lùng hỏi: "Dận Nhưng, trẫm hỏi ngươi, chuyện dịch bệnh ở Mộc Lan lúc trước, có phải do ngươi làm không?"
Dận Nhưng nghe vậy trong lòng liền co bóp dồn dập từng lớp này đến lớp khác, cố gắng mở miệng: "Hoàng a mã, nói vậy là có ý gì, nhi, nhi thần không hiểu a."
"Không hiểu ư?" Khang Hy đế âm trầm nhếch khóe miệng: "Hôm nay trẫm liền cho ngươi hiểu rõ một cách triệt để, người đâu, dẫn người vào."
Chỉ thấy một lát sau, một lão già thân người gầm còm, mặc đạo bào, quần áo tóc tai xốc xếch, ô ô kêu loạn, bị người túm lên. Thái tử Dận Nhưng vừa nhìn thấy, thần sắc đột biến, mặt cắt không còn hột máu. "Ngươi, ngươi là cái thứ quái nào, sao lại dám xuất hiện ở trước mặt bản Thái tử, người đâu, lôi nó xuống cho cô, lôi nó xuống..." (tưởng là ma nên gọi là "nó")
"Dận Nhưng, ngươi nhìn cho kỹ, hắn là người không phải ma." Trông dáng vẻ kinh hoảng đến cực điểm của Thái tử, trên mặt Khang Hy đế càng lộ vẻ căm ghét.
"Không có khả năng, cô tận mắt nhìn thấy hắn..." Dận Nhưng lời nói còn chưa dứt, toàn thân liền run bắn lên, đem lời nói chưa hết cứng rắn nuốt trở vào trong bụng.
Khang Hy đế, ánh mắt lạnh như băng, mặt đầy trào phúng hỏi: "Người đã bị hạc đỉnh hồng độc chết, cư nhiên lại có thể tái xuất hiện ở trước mặt, Dận Nhưng, có phải ngươi rất ngạc nhiên hay không?"
Dận Nhưng nghe xong, cả người vã mồ hôi lạnh đầm đìa, bất thình lình, bổ nhào đến dưới chân Khang Hy, liên thanh nói: "Hoàng a mã, người chớ nên tin vào lời tiểu nhân gièm pha, chuyện bệnh dịch ở Mộc Lan, thật sự không hề liên quan đến nhi thần a!"
Khang Hy đế hừ lạnh một tiếng, kéo giật vạt áo bị nắm lấy của mình ra, ra hiệu cho thị vệ lấy vải bố nhét trong miệng lão đạo sĩ ra.
"Hoàng thượng tha mạng, Hoàng thượng tha mạng." Lão đạo kia sĩ lúc này đã sợ tới mức gan mật đều rách toạc (ý là sợ bể mật), quỳ mọp trên mặt đất, dập đầu nói: "Thảo dân chỉ phụng lệnh Thái tử điện hạ mới hạ loại thuốc kia a, bệ hạ tha chết a."
"Ngươi lão già này nói xằng bậy gì đó!" Dận Nhưng kinh hoảng mà tức giận mở miệng mắng, chỉ vào mũi lão đạo sĩ kia, quát đến lạc cả giọng: "Dám ở trước mặt Hoàng a mã vu xấu cô, ngươi quả thật to gan, cẩu vật, tiện nô tài, nói, là ai chỉ thị ngươi làm vậy? Cô phải tru di cửu tộc nhà hắn."
Khang Hy đế nhìn Dận Nhưng hoàn toàn không hề có một chút phong độ của người kế vị, tựa như con chó điên mà gào loạn. Trong mắt lóe lên tia thất vọng thật sâu. Tru di cửu tộc? Toàn bộ thiên hạ chỉ có hoàng đế mới có tư cách tru di cửu tộc, Dận Nhưng hắn quả nhiên lòng mang bất trắc. Trong lòng Khang Hy, một chút tình cảm phụ tử sau cùng đã lập tức đoạn tuyệt, chỉ nghe ông ta mặt không chút biểu tình, hỏi lão đạo sĩ kia: "Ngươi nói thuốc kia là vật gì, nói rõ ràng rành mạch cho trẫm."
Lão đạo sĩ run giọng nói: "Loại, loại thuốc kia tên là Ma đà phấn, nếu người dùng vào phải sẽ sinh ra một loại triệu chứng giống như dịch bệnh, tinh thần suy yếu, sốt cao không lùi, nếu không có giải dược, cũng chỉ có thể phó thác cho trời. Lúc ở Mộc Lan, Thái tử điện hạ lệnh cho thần đốt lên trong lều lớn... Sau đó, sau đó... Tứ a ca và Thập Ngũ a ca... xin bệ hạ tha mạng, xin bệ hạ tha mạng a!"
"Một bên nói bậy nói bạ, một bên nói bậy nói bạ!" Dận Nhưng lúc này thật sự đã chấn kinh đến cực điểm, chỉ nghe hắn hét lớn: "Hoàng a mã, người chớ nên tin hắn. Tứ đệ cùng Thập ngũ đệ, chính là bị nhiễm dịch bệnh, căn bản không phải là người nào làm ra, lại nói, lại nói nhi thần lúc ấy cũng bị nhiễm bệnh a..."
"Bởi vì Thái tử điện hạ chỉ hít vào một lượng cực nhỏ, sau đó lại ăn giải dược." Đón nhận ánh mắt phẫn hận của Dận Nhưng, lão đạo sĩ đầu cúi gằm, run lẩy bẩy nói.
Nhìn Dận Nhưng liên tục làm trò hề, lại nhớ tới đứa con trai kia của mình, tuổi còn trẻ như thế đã phải hồn đoạn tại Mộc Lan. Khang Hy đế nhắm chặt hai mắt, khi mở ra đã là sát ý dài dặc, lập tức liền nói: "Dận Nhưng, ngươi sát hại huynh đệ thủ túc, dòm ngó đế vị, vô quân vô phụ, người vi loạn cương thường* như thế, sao có thể sánh được với ngôi vị của người thừa kế chứ, trẫm đã quyết sẽ phế bỏ danh hào Thái tử của ngươi, người đâu, đem đứa con bất hiếu này nhốt vào Hàm Dương cung, đợi trẫm chiêu cáo thiên hạ, bẩm báo rõ với tổ tông xong, sẽ tái luận xử."
(*cương thường: là đạo thường của con người, gồm tam cương ngũ thường, trong đó, tam cương gồm: quân thần, phụ tử, phu phụ; ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín)
Chuyện Thái tử bị Khang Hy đế nhốt lại, giống như một trận cuồng phong, gần như ngay lập tức quét sạch toàn bộ kinh thành. Mọi người cũng không ngốc, đủ loại chuyện rất bất bình thường trong khoảng thời gian này xảy ra, tất nhiên đều xem vào trong mắt, nay Thái tử bị giam lỏng, địa vị của hắn lập tức tràn ngập nguy cơ. Cùng theo phe Thái tử thì ruột gan đều nát, đối nghịch với Thái tử thì hoan hô mừng rỡ, một loại không khí hưng phấn xen lẫn xao động bất an, bắt đầu càng diễn ra càng mãnh liệt.
Thế nhưng, tuy Khang Hy đã hạ quyết tâm muốn phế bỏ địa vị của Dận Nhưng, nhưng dù sao đối phương cũng đã làm hoàng Thái tử vài chục năm, cũng không phải chỉ một đạo thánh chỉ muốn phế là có thể phế ngay được, vả lại chuyện xuất binh bình định Chuẩn Cách Nhĩ lần này vẫn chưa hoàn toàn hạ màn, lúc này không phải là thời điểm để làm ra chuyện phế Thái tử. Cho nên Khang Hy đế hoàn toàn phớt lờ sự xao động bất an của chúng triều thần, đối ngoại chỉ lấy danh nghĩa: "Thái tử giám quốc không nên thân, dẫn đến việc lưu dân bạo loạn, trẫm thực thất vọng, lệnh cho hắn đóng cửa nghiềm ngẫm lồi lầm." để áp chế chuyện này.
Lần này xuất chinh Chuẩn Cách Nhĩ đại thắng trở về, tất nhiên là khắp chốn ăn mừng, luận theo công trạng mà ban thưởng, đám quan văn võ trong triều cũng thức thời, ngầm hiểu ý bỏ qua không đề cập tới chuyện Thái tử, chỉ hướng về Khang Hy ca công tụng đức, viết là: Ngô hoàng công đắp nghìn đời, chính là vị Thiên cổ nhất đế.
Khang Hy bật cười ha hả, khiêm tốn mà bày tỏ đây đều là thành tích của chúng tướng sĩ anh dũng bất khuất chiến đấu... bla bla bla. Mà những người được ban thưởng theo công trạng lần này, có hai người nổi trội nhất, một người chính là Thập Tứ hoàng tử Dận Trinh. Khang Hy đế dẫn theo hắn lên chiến trường, đứa con trẻ tuổi này quả không phụ mong đợi của ông, hắn chiến đấu anh dũng, kỷ luật nghiêm minh, cùng ăn cùng ở cùng bị thương với chúng binh sĩ, tự mình tiến lên đầu làm gương, từng lãnh binh chém hơn một ngàn quân địch, thành công dựng lên uy danh cho mình. Được Khang Hy đế vinh danh là một tân Ba Lỗ Đồ của Mãn Thanh.
Mà vị thứ hai, lại càng tài giỏi hơn, người này tên là Niên Canh Nghiêu, tuy tuổi còn trẻ, nhưng trong chiến dịch ở Chuẩn Cách Nhĩ lần này, biểu hiện cực kỳ vượt trội, hắn quân sự tài giỏi, được Khang Hy đế tán thưởng, rốt cuộc ngoại lệ đề bạt hắn lên chức tướng quân, mà người này cũng thật có bản lĩnh, lúc quân Chuẩn Cách Nhĩ tháo chạy, hắn lãnh binh một đường ngàn dặm đuổi giết, trải qua bảy ngày bảy đêm, cuối cùng thành công chặn được Cát Nhĩ Đan tại bờ sông, dồn bức hắn ta tự sát thân vong, công lao giết được thủ lĩnh kẻ địch này, có thể nào lại không lớn.
Cuối cùng, Khang Hy đế hạ chỉ, phong Thập Tứ hoàng tử Tuân bối lặc Dận Trinh làm Tuân quận vương, ban thưởng vô số vàng bạc châu báu. Lại phong cho Niên Canh Nghiêu làm Tổng đốc Tứ Xuyên, thưởng vô số trân bảo, riêng muội muội hắn là quý nhân Niên thị, cũng thăng vị lên phi.
Trong khoảng thời gian ngắn, phủ Thập Tứ a ca cùng Niên phủ người đến người đi không ngừng, thanh thế to lớn như vậy, quả thực làm người ta chói mắt không thôi.
Như thế, sau năm ngày liên tục ăn mừng, cả triều đình mới xem như thoáng bình lặng xuống, lại qua nửa tháng sau, Khang Hy đế lại đột nhiên vạch lỗi cũ, đầu tiên ra lệnh cho Tứ hoàng tử Ung thân vương Dận Chân phụng chỉ điều tra gia sản của Lăng Phổ - nguyên tổng quản phủ nội vụ, cũng chính là nãi công* của Thái tử Dận Nhưng, qua kiểm chứng, chỉ mỗi số hiện ngân (tiền mặt) lục soát được từ trong nhà Lăng Phổ đã hơn 50 vạn lượng, ngoài ra còn có đủ loại khế đất khế nhà, châu báu ngọc khí thì nhiều không đếm xuể.
(*nãi công: trượng phu của nhũ mẫu)
Khang Hy đế đọc tấu dâng, đại nộ: "Lăng Phổ tham lam cự phú, một đám các ngươi khẳng định trước đó đều biết, cớ sao không dâng tấu bẩm báo cho ta, đều là lũ hạ thần bất trung bất nghĩa, ta còn cần đám phế vật các ngươi làm gì, bla bla..."
Bên dưới liền có một kẻ lanh trí, nghe vậy, lập tức đi lên trước quỳ khóc nói: "Bệ hạ a không phải chúng thần dối gạt ngài a, mà quả thực là trong lòng khiếp đảm a, số của cải khổng lồ Lăng Phổ vơ vét được này, tất cả đều là cấp cho Thái tử điện hạ a, chúng thần sao dám nói ra chuyện này a."
Khang Hy lập tức làm ra bộ dạng chấn kinh, lắc đầu lia lịa, tỏ vẻ Thái tử từ trước đến nay là một hảo hài tử tuyệt đối sẽ không làm ra như thế.
Người bên dưới nghe xong, khóc càng thêm lợi hại, 'chỉ thiên đối địa' mà chứng minh, nào là: bệ hạ ngài là bị Thái tử che mắt a, kỳ thật hắn còn tác oai tác quái hơn rất nhiều a, chẳng những chỉ thị cho nãi công vơ vét cướp đoạt mồ hôi nước mắt của dân chúng, mà tính tình còn ngang ngược thô bạo, đối với người mạo phạm mình không đánh thì bức chết. Không chỉ có thế, hắn còn tự tiện dùng uy quyền quy tụ vây cánh, thời thời khắc khắc thương nhớ cái ghế dưới mông ngài đó a, quả thực là một người bất trung bất hiếu bất nhân bất nghĩa a, triều Đại Thanh chúng ta, không thể nào để cho người như vậy làm Thái tử a, nếu không thế nào cũng sẽ sụp đổ a, bla bla bla... a.
Khang Hy nghe vậy hướng về chúng văn võ bá quan lặng ngắt như tờ bên dưới, đoạn hỏi: lời hắn nói là thật sao?
Chúng văn võ bá quan ngươi nhìn ta, ta nhìn ngươi, đoạn đồng loạt quỳ xuống hô: "Chúng thần đáng chết."
Khang Hy đế hết "chấn kinh" lại "bi thương" a, ông thật sự không muốn chấp nhận sự thật đứa con trai mình bồi dưỡng mấy chục năm dĩ nhiên lại là loại người như vậy, đương trường liền chảy nước mắt "thương tâm" a. Chúng văn võ bá quan liền tranh nhau nói: Bệ hạ a, ngài đừng quá thương tâm, không phải ngài sai, mà đều là cái tên Thái tử xấu xa bất hảo kia, hắn dùng cái mặt mo núc đầy thịt trông như thành thật phúc hậu kia, thành công lừa gạt ngài, lừa gạt toàn bộ thiên hạ, ô ô (rõ thật là quá bất hạnh a)... Bất quá, cái gọi là "hồ ly cuối cùng cũng sẽ tự lòi đuôi", hiện tại ngài không phải đã phát hiện ra bộ mặt thật của hắn sao, vẫn còn chưa muộn a, bla bla bla...
Vì thế, chờ Khang Hy đế khóc xong xuôi, ngay tắp lự liền biểu hiện ra khí thế trông như: vì thiên hạ xã tắc, trẫm phải vì đại nghĩa mà bỏ qua thân tình. Ông hạ lệnh điều tra triệt để tất cả liên quan đến Thái tử, tuyệt đối không nhân nhượng. Cứ thế, ba ngày sau, đối mặt với chồng chồng văn kiện liệt kê tội trạng của mình, Thái tử hết đường chối cãi.
Khang Hy đế rơi lệ viết chỉ dụ:
Trẫm kế thừa cơ nghiệp vĩ đại của thái tổ, thái tông, thế tổ đã năm mươi lăm năm, trước nay luôn tận tâm tận tụy, chăm lo quần thần, nhân ái nuôi dân, luôn lấy thiên hạ thái bình làm vụ lệnh quan. Dận Nhưng bất pháp tổ đức, bất tuân trẫm huấn (trái với lời dạy tổ tiên, không tuân lời trẫm huấn), chuyên tứ ác bạo lệ dâm loạn, khó nói thành lời, đủ mọi chuyện ác không sao kể xiết. Trẫm còn mong hắn hối lỗi sửa sai, cố ẩn nhẫn khoan dung đến ngày nay. Trẫm lại biết Dận Nhưng bản tính xa hoa, cho trượng phu Lăng Phổ của nhũ mẫu y làm tổng quản phủ nội vụ, để y dễ dàng thủ dụng. Nào ngờ Lăng Phổ càng tham lam có thừa, khiến cho bao người không khỏi oán hận... (tỉnh lược vô số tội trạng). Thiết nghĩ nếu lấy người bất hiếu bất nhân này làm một vị quân vương, há sao có thể gánh vác được tổ nghiệp (viết đến đây, đoạn nhào lên long ỷ khóc lớn; chúng đại thần: cả đám cùng nhao nhao khóc theo).
Vì thế Khang Hy năm thứ 55, ngày mồng 8 tháng 12, Khang Hy đế phế truất ngôi vị Thái tử của Dận Nhưng, giam lỏng trong Hàm An cung. Ngày hôm sau, đích thân soạn tế văn chiêu cáo thiên địa, thái miếu, xã tắc (thần đất và thần lúa), lại qua ngày hôm sau, ban chiếu thiên hạ.
***
MTY: Aaaa.... hận nhất là dịch mấy cái đoạn chiếu thư này nọ, toàn dùng từ cổ, lại toàn là dạng câu 4 chữ súc tích, khó hiểu, lại còn câu cú tùm lum, chết mất thôi... =.=''
P/s: trong truyện có vài chỗ để tên "Doãn" thay vì "Dận", mình tự sửa lại.
Về vấn đề tên "Dận" có vài tài liệu để là "Doãn", điều này cũng đơn giản. Khi Dận Chân lên ngôi, vì kiêng húy tên nhà vua, đã bắt các anh em có cùng tên chữ "Dận" đổi thành "Doãn", riêng em ruột Dận Trinh, vì chữ "Trinh" phát âm gần giống "Chân" nên được đổi thành Doãn Đề, do đó ở một vài tài liệu, các bạn sẽ thấy tên của Thập Tứ a ca, có tác giả sẽ để là Doãn Đề.
BẠN ĐANG ĐỌC
BẢN GHI CHÉP CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC Ở TRIỀU THANH
Historical FictionTruyện Bản Ghi Chép Cuộc Sống Hạnh Phúc Ở Triều Thanh của tác giả Nhất Tiểu Bình Cái là thể loại xuyên không lời văn nhẹ nhàng và tình cảm gia đình đầm ấm. Nữ Hổ Lộc Điềm Nhi sinh ra đã được cha mẹ yêu thương sau này khi lấy chồng thì lại được...