Chương 2 - NHỮNG NẤM MỒ BỊ BỎ QUÊN

1.1K 12 0
                                    

     KHÔNG AI NGHE NÓI VỀ NHU kể từ mùa hè năm 1986 - mùa hè mà song thân bà, Trần Văn Chương và Thân Thị Nam Trân, bị sát hại.
     Cha mẹ bà Nhu từng rất nổi tiếng trong giới ngoại giao, thậm chí có một giai đoạn ngắn họ nổi tiếng vì công khai từ chối đứa con gái Rồng Cái vào năm 1963. Ở Việt Nam, vợ chồng ông Chương thuộc dòng dõi quyền quý: Ông Chương là đại địa chủ và là luật sư Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ luật của Pháp; bà Nam Trân, là công chúa, con của Kiên Thái Vương (em vua Tự Đức). Họ sống một cuộc đời vương giả ở Việt Nam trước chiến tranh, với hai chục người hầu hạ từ đầu đến chân. Bà Chương bám chặt vào cảm giác vương quyền ngay cả khi giữ vai trò vợ của một nhà ngoại giao ở Washington, DC. Khi tiếp khách, bà yêu cầu mọi người không được mặt y phục màu vàng, màu hoàng gia, ngoại trừ bà.
      Vợ chồng ông Chương sống ở Washington khi ông được bổ nhiệm làm đại sứ Việt Nam Cộng hòa vào năm 1957. Hai người trở về Việt Nam qua những chuyến đi thăm ngắn ngủi vào những năm 1960, nhưng không bao giờ về nữa sau chiến thắng của những người Cộng sản năm 1975. Vợ chồng ông Chương về hưu đã lâu; ông tám mưới tám và bà bảy mưới sáu. Cặp vợ chồng già đang sống nhàn những ngày cuối đời trong khu ngoại ô vắng lặng của Washington, DC, thì bị đứa con trai độc nhứt giết chết tại nhà. Vụ sát hại đem câu chuyện gia đình bi thảm và kỳ quái của họ ra ánh sáng.
      Bà Nhu không đến dự đám tang. Vào lúc đó, bản thân bà cũng đang già đi. Bà là người đàn bà ẩn dật sáu mốt tuổi đang sống trong một biệt thự xập xệ ở ngoại ô Rome với các con. Nghe đồn rằng bà Nhu đã vét sạch ngân khố Việt Nam Cộng hòa trước khi rời tổ quốc lần cuối, nhưng không còn nhiều dấu hiệu xa hoa bề ngoài nữa. Bà bán dần mòn của cải. Vài cây ô liu mọc um tùm và mấy con cừu đang nhai cỏ là tất cả những gì tách ngôi biệt thự mang cái tên ấn tượng Serene Light (Ánh sáng Thanh bình) khỏi nội ô Rome lộn xộn. Những vật quý giá duy nhất của bà là những thứ bà xoay xở cất giữ khi rời Sài Gòn một mình, nữ trang và đồ lông thú bà đang mặc và những thứ bà nhét trong vali. Những thứ đó cũng sớm ra đi. Năm 1971, bà Nhu là nạn nhân của một vụ trộm nữ trang; bọn trộm đã cuỗm đi vàng, ngọc bích, và đá quý trị giá 32.000 đô Mỹ. Bà Nhu có lẽ đã không đủ tiền để đi Washington, DC, để thấy cha mẹ bà được chôn cất - chí ít là bà không đủ tiền để đi theo cách mà bà cho là thích hợp.

     Khi bà Nhu đến Mỹ lần cuối cùng vào tháng Mười năm 1963, cha mẹ bà đã bỏ bà đứng trên thềm nhà họ ở Washington rồi đóng sầm cửa trước mặt bà. Cha bà gọi bà là kẻ "cuồng điên quyền lực" và nói "không muốn thấy mặt" bà nữa. Mẹ bà xúi mấy người Mỹ ném trứng và cà chua vào người bà.

     Cãi lại là phá vỡ một giá trị Khổng giáo thiêng liêng nhất: lòng hiếu thảo. Con cái luôn phải tôn kính cha mẹ. Bà Nhu chỉ dám nói bóng gió rằng cha mẹ bà chắc là "bị say" rồi. Đó là một trong những luận điểm ưa thích của bà Nhu - bà dùng nó để chống lại cha mẹ bà, báo chí quốc tế, và thậm chí Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Nhưng ý nghĩa của nó trong tiếng Anh không hoàn toàn chính xác như bà nhắm tới. "Intoxicated" trong tiếng Pháp có nghĩa là bị đầu độc. Bà muốn bóng gió nói rằng những người Cộng sản đã đầu độc dư luận công chúng chống lại bà. Bà đang tìm cách ám chỉ rằng chiến thuật ghê gớm của Cộng sản đang có tác dụng - một chiến thuật nhằm làm cho người Mỹ xa lánh gia đình bà. Nhưng bà Nhu không lan truyền thông điệp đó. Thay vì vậy bà hay léo nhéo, buộc tội những ai bà không thích là đang say. Sau vụ đảo chính 1963 ở Sài Gòn, báo chí tường thuật rằng bà Nhu đã giải hòa với cha. Ông Chương nói về sự giao hảo trở lại: "Trái tim tôi rất gần với trái tim con gái tôi".

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: May 25, 2018 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Madam Nhu - Trần Lệ Xuân - Quyền Lực Bà Rồng (Quyển 1, Không Qua Chỉnh Sửa)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ