Nụ Cười NINAKAWA

211 2 0
                                    



Ninakawa đang hấp hối trên giường bệnh. Sự sống đang mất dần. Thầy của cô là Thiền Sư Ikkyu đến thăm và hỏi: "Ta biết ngươi đang chịu đựng cơn đau ghê gớm. Ta giúp được gì cho ngươi?"

"Con đến không đem theo vật gì, ra đi cũng không mang theo gì, ngài giúp được gì cho con?"

"Nếu thực sự ngươi nghĩ "Có Đến, Có Đi" thì ta sẽ chỉ cho ngươi con đường "Không Đến, Không Đi"
Những lời nói đó đã đưa Ninakawa vào cõi Chân Không vô cùng vô tận với nụ cười giải thoát trên môi."

Chết là mục tiêu tối hậu. Chết là đỉnh cao cuối cùng mà con người phải chạm tới, giáp mặt và vượt quạ Ngay lúc Thần Chết đến gõ của nhà bạn, tất cả mọi sự việc đều đã phải sẵn sàng. Nếu bạn đã chuẩn bị, thiền định và chờ đợi, thì ngay lúc cái chết thực sự xẩy ra, bạn không bị hốt hoảng, lo sợ hay bàng hoàng; và có thể bạn sẽ liễu ngộ được ngay lúc hơi thở cuối cùng chấm dứt.
Vì sao? - Vì Chết và Giác Ngộ rất giống nhau. Cái gì xảy ra khi bạn chết? Bất thình lình, bạn mất đi cái thân xác dấu yêu này; bất thình lình bạn không còn khả năng suy tưởng được gì nữa cả; bất thình lình, bạn thấy bạn bị tách xa ra khỏi những người thân yêu; bạn thấy bạn không còn là bạn nữa và những gì trước kia là của bạn cũng không thể nắm giữ được nữa. Điều đó, đối với bạn thật đớn đau vô cùng, vì bạn cảm thấy bạn như đang bị chới với hụt hẫng trong khoảng hư không vô cùng vô tận. Bạn không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu; tất cả như xa lạ, hững hờ; ngay cả cái thân xác dấu yêu mà trước kia bạn đã từng ấp ủ, nâng niu, lo lắng thì giờ đây cũng nằm đó, im lìm, lạnh teo, trải dài cứng đơ như một vật vô tri vô giác, không lên một tiếng nói.

Trong từng bước chân tiến dần về cái chết, bạn phải chạm trán một sự thực trắng trợn, phũ phàng và khắc nghiệt của kiếp nhân sinh là:
"Tại sao không ai tránh được cái chết?

Tại sao có những cuộc ra đi đau lòng cướp theo đời sống và mọi niềm vui của kiếp sống?

Đời sống thực sự có giá trị gì nếu cặp mắt kia có lần đã sáng tỏ trong niềm vui, có lần rực rỡ trong tình thương, giờ đây đã mãi mãi nhắm lại, im lìm không linh động?

Cái "Tôi" yêu dấu của bạn đang tàn nhẫn giã từ. Bạn run sợ hãi hùng bên bờ vực thẳm của hư không. Bạn sẽ không còn. Bạn sẽ biến mất. Đối với hạng người thông thường, Chết không phải là một đề tài hấp dẫn, dầu để thảo luận hay để thuyết trình. Chết là một cái gì buồn thảm, thê lương, ảm đạm, là áp bức, là cái gì thật sự giết chết mọi niềm vui.
Hạng người thông thường co rút trở vào nằm bên trong cái Ta của mình, luôn luôn chạy đi tìm dục lạc, luôn luôn rượt bắt những gì kích thích và thỏa mãn dục vọng mà không bao giờ dừng chân lại để bình tĩnh ngồi xuống và nghiêm chỉnh suy gẫm rằng chính những thú vui vật chất và những thỏa mãn dục vọng kia rồi sẽ phải chấm dứt một ngày nào. Chỉ đến khi nào cái Chết thực sự xảy ra dưới mái nhà của họ, cho người thân yêu của họ hay chính bản thân họ thì lúc đó họ mới mở mắt bừng tỉnh dậy và đau khổ hãi hùng.

Theo đường lối suy tư của người Phật tử,
Chết không phải là một đề tài phải lẫn tránh hay xua đuổi, mà là cái chìa khóa để mở cánh cửa đưa vào những gì được xem là bí ẩn của cuộc đời.
Chính nhờ hiểu biết cái Chết mà ta hiểu được Sự Sống; bởi vì hiểu theo một chiều hướng, Chết là một phần trong tiến trình Sống.
Theo một lối hiểu khác, Sống và Chết là hai giai đoạn tận cùng của một tiến trình, hai đầu của một luồng trôi chảy, và nếu hiểu biết được đầu này thì cũng hiểu biết được đầu kia. Do đó, khi hiểu được ý nghĩa và mục tiêu của sự Chết, ta cũng hiểu được ý nghĩa và mục tiêu của kiếp nhân sinh. Chính nhờ gia công suy niệm về cái Chết mà ta có thể tiêu diệt được tánh tự cao tự mãn. Chính nhờ gia công suy niệm về cái Chết mà ta có thể tìm lại được thế quân bình cho cái tâm qúa đỗi dao động của ta Chính nhờ gia công suy niệm về cái Chết mà ta có thể thắt chặt lại dây thân ái giữa người này với người kia, để phá tan những hàng rào giai cấp và san bằng những ranh giới chủng tộc, xã hội, quốc gia hay tôn giáo.

10 Mẩu Chuyện Thiền Cho Đời Sống Thường Nhật Con NgườiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ