Xây dựng đất nước
Năm 905, Khúc Thừa Dụ đã xây dựng chính quyền tự chủ của người Việt nhân khi nhà Đường suy yếu, đặt nền móng cho nền độc lập của Việt Nam.
Năm 939, Ngô Quyền xưng vương sau trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng trước quân Nam Hán.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế, lập nên nhà Đinh (968-980) và đặt tên nước là Đại Cồ Việt.
Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi vua, lập nên nhà Tiền Lê (980-1009)
Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập nên nhà Lý (1009-1225). Năm 1054 vua Lý Thánh Tông đổi tên thành Đại Việt.
Đại Việt trải qua nhiều chế độ phong kiến: Nhà Trần (1226-1400), Nhà Hồ (1400-1407), Nhà Lê sơ (1428-1527), Nhà Mạc (1527-1592), Nhà Lê trung hưng (1533-1789), nhà Tây Sơn (1778-1802).
Trong thời kỳ này các vương triều phương bắc ở Trung Hoa, Mông Cổ mang quân sang xâm lược, nhưng đều bị Việt Nam đẩy lùi: Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt đẩy lui hai lần quân nhà Tống (năm 981 và 1076), nhà Trần đánh bại quân Mông Cổ năm 1258 và kế tiếp là nhà Nguyên vào năm 1285 và 1288. Đầu thế kỷ 15 nhà Minh xâm chiếm được Đại Việt và cai trị trong 20 năm, nhưng cũng bị Lê Lợi nổi lên đánh đuổi năm 1428 và thành lập nhà Hậu Lê, Năm 1789 nhà Thanh sang xâm lược cũng bị Nguyễn Huệ đánh bại. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 18 trở đi phong kiến Việt Nam đã bắt đầu suy yếu.
Từ thế kỷ 10 tới thế kỷ 14, các triều đại Đại Việt xây dựng nhà nước trên cơ sở Phật giáo cùng với những ảnh hưởng Nho giáo từ Trung Quốc. Tới cuối thế kỷ 14, ảnh hưởng của Phật giáo dần thu hẹp và ảnh hưởng của Nho giáo tăng lên, sự phát triển nhà nước Nho giáo theo mô hình kiểu Trung Hoa, sang đến thế kỷ 15 thì Đại Việt có một cơ cấu chính quyền tương tự nước láng giềng Trung Hoa, cơ cấu luật pháp, hành chính, văn chương và nghệ thuật đều theo kiểu Trung Hoa.
Cùng với việc thu nhận mô hình chính trị, tổ chức xã hội của Trung Hoa. Các triều đại Việt Nam từ thế kỷ 10 trở đi từng bước mở rộng vùng ảnh hưởng ra ngoài khu vực đồng bằng sông Hồng. Từ triều Lý, thông qua các cuộc hôn nhân, quân sự và tấn phong thủ lĩnh các bộ tộc miền núi, các vương triều Lý, Trần, Lê đã lần lượt sát nhập và đưa các sắc tộc khác ở vùng Tây bắc, Đông bắc vào quốc gia Đại Việt. Cùng với người Việt, các bộ tộc miền núi đã cùng chung sức với người Việt trong các công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.
Việt Nam trong thời phong kiến phát triển vẫn dựa vào nông nghiệp mà chủ yếu là trồng lúa nước để cung cấp lương thực, từng triều đại đã lần lượt cho đắp đê ngăn lũ lụt, đào kênh dẫn nước cũng như giao thông đi lại, khai hoang các vùng đất đồng bằng ven biển để tăng diện tích trồng trọt. Các hoạt động thương mại, ngoại thương cũng đã được hình thành. Ngoài hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Chăm Pa, vào thời nhà Lý, nhà Trần đã có buôn bán thêm với các vương quốc trong vùng Đông Nam Á tại cảng Vân Đồn (Quảng Ninh), thời Hậu Lê có buôn bán thêm với Châu Âu, Nhật Bản tại các trung tâm như Thăng Long và Hội An.
BẠN ĐANG ĐỌC
Lịch sử Việt Nam (full)
Historical FictionLịch sử Việt Nam nếu tính từ lúc có mặt con người sinh sống thì đã có hàng vạn năm trước công nguyên, còn tính từ khi cơ cấu nhà nước được hình thành thì mới khoảng từ hơn 700 năm trước CN.