Cảm nhận về tác phẩm Hạnh Phúc Của Một Tang Gia ( Số Đỏ )

84.5K 178 25
                                    

Vũ Trọng Phụng được tôn vinh là “ ông vua phóng sự đất Bắc”. Tiểu thuyết "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng được đánh giá là kiệt tác văn chương có một không hai trong nền văn học Việt Nam hiện đại. "Số đỏ" được đăng tải nhiều kì trên "Hà Nội báo" năm 1936, in thành sách năm 1938. Nó là cuốn tiểu thuyết trào phúng, độc đáo, hấp dẫn của Vũ Trọng Phụng, là tiếng nói căm hờn khinh bỉ cái xã hội thực dân phong kiến tư sản hết sức tàn bạo, thối nát. Đoạn trích “ Hạnh phúc của một tang gia” ( thuộc chương XV của tác phẩm “Số đỏ” ) là đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật trào phúng sắc sảo của Vũ Trọng Phụng trong tác phẩm này.

Mất người thân là mất mát không gì bù đắp được, nỗi buồn của tang gia thường được xem là nỗi buồn sâu sắc nhất – thành ngữ dân gian thường ví von “buồn như cha chết”, “buồn như nhà có đám”; còn chủ nhân những nhà có đám tang thường được xem là “khổ chủ” – cho nên, hai chữ "tang gia" thường gợi lên cả một gia đình khổ đau, bất hạnh. Cách đặt nhan đề chương sách của Vũ Trọng Phụng đã lạ lùng, đầy mâu thuẫn: Hạnh phúc của một tang gia. Tang gia mà cũng hạnh phúc à? Ở đời, có mấy ai là “sung sướng”, “hạnh phúc”, “vui vẻ” trước cái chết của con người, trừ khi đó là cái chết của kẻ thù không đội trời chung. Huống chi đó lại là cái chết của người thân, là sự ra đi của các đấng sinh thành, thì làm sao có thể lấy làm hạnh phúc được? Nếu chỉ đọc nhan đề, người ta có thể nghĩ là nhà văn đã bịa ra, bịa ra một cách ác ý sự kết hợp của hai khái niệm hoàn toàn đối lập ấy. Nhưng không, đó không phải là ác ý của nhà văn, đó là sự thật của đời sống, sự thật của một xã hội mà nhà văn muốn mổ xẻ ra để mọi người nhìn thấy nó tận mặt. Theo Vũ Trọng Phụng, tang gia tuy có mất mát về người ( cụ cố Tổ) song bù lại nó đem lại rất nhiều lợi lộc về tiền bạc, của cải và danh tiếng. Ban đầu là niềm hạnh phúc của các thành viên trong gia đình, sau đó là hạnh phúc được tràn ra cả ngoài xã hội. Cái chết cụ cố Tổ ban phát niềm hạnh phúc cho tất cả các thành viên trong và ngoài gia đình. Điều đó cho ta thấy rõ bản chất của tầng lớp thượng lưu trong xã hội: chỉ quan tâm đến danh lợi mà bất chấp đạo lí tình nghĩa. 

Cái chết của Cụ tổ được bọn con cháu mong đợi từ lâu. Trong lúc Cụ tổ ốm thập tử nhất sinh, đốc tờ Xuân chỉ dùng một lọ nước ao tanh bẩn, mấy lá thài lài và rau sam - thuốc thánh đền Bia, thế mà Cụ tổ, chỉ độ nửa giờ sau khi dùng thuốc "đã tỉnh táo khác thường", tự ngồi dậy được, ăn được nửa bát cháo. Và cũng chỉ bằng một câu chào: "Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng!", Xuân đã làm cho Cụ tổ "nấc một cái to, ngã xuống giường", bất đắc kì tử! Ông già hơn 80 tuổi, trước lúc nhắm mắt còn giăng giối: "Để ta chết! Sống cũng nhục! Có chạy chữa thì chạy chữa cho cái thanh danh nhà tao mà bọn chúng mày đã trót bôi nhọ! Thế!". Cái chết của Cụ tổ vừa đáng khóc vừa đáng cười. Cả gia đình đã nhao lên, “nhao lên mỗi người một cách”. Nhưng nhao lên vì đau khổ, vì đau đớn, vì lo lắng… trước cái chết của người thân chăng? Không phải, chúng đã nhao lên vì … hạnh phúc! “Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”. Câu văn tưởng chừng ngược đời kia đã cho ta thấy một thứ “thế thái nhân tình”. 

Cụ cố Hồng, ông con trai trưởng “chí hiếu” của “người chết” thì sung sướng đến ngây ngất, vì nhờ cái “chết thật” của cha mình, nhờ có đám tang này mà cái danh giá sang trọng của ông sẽ được nâng lên nhiều bậc, càng tạo cơ hội cho ông được việc diễn trò già yếu và hiếu thảo trước con mắt hàng nghìn người. Cái danh mà ông mơ ước và tô vẽ là gia thế của một gia đình nề nếp, gia phong, danh gia vọng tộc. Vì thế ông đã tỏ ra già cả dù chưa đến 60 để được gọi là “cụ Cố”. Ông sẵn sàng mùa hè mặc áo bông, trả nhầm tiền xe để chứng minh mình lẩm cẩm; luôn gắt gỏng để chứng tỏ mình già cả, ốm yếu. Cụ “nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: – Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!“. Và, “cụ chắc cả mười phần rằng ai cũng phải ngợi khen một cái đám ma như thế, một cái gậy như thế…“. Tấm lòng của người con trơ như khúc gỗ, vô cảm trước cái chết của người cha, tình cảm của một đứa con trong ông đã chết bởi ông chỉ nghĩ cho ông mà thôi!

Cảm nhận về tác phẩm Hạnh Phúc Của Một Tang Gia ( Số Đỏ )Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ