“Sự yên lặng như một làn gió nhẹ nhàng, người ta thường nhắm mắt tận hưởng nó, nhờ nó mang đi những buồn bực, đớn đau chất chứa, để người ta hít thở một cách thoải mái và nhẹ nhõm. Yên lặng trong tâm hồn.”
Người ta hay nói nuôi chó vì lòng trung thành, nuôi chim vì tiếng hót, còn loài mèo thì lại ít được nhiều người yêu quý. Có những người cho rằng mèo mang lại sự xui xẻo, người ta không muốn mèo đến gần mình. Đặc biệt là dịp đầu năm, cứ có mèo ở đâu đến nhà là người ta lập tức đuổi đi ngay. Nhưng tôi thấy loài vật này có một điểm hết sức đáng yêu, bạn đã bao giờ để con mèo nằm trên người mình mà ngủ chưa? Con mèo sẽ nằm bên người ta, không kêu, không động đậy, chỉ lim dim mà ngủ. Bởi vậy tôi cho rằng loài mèo có sự thấu hiểu.
Thấu hiểu ở đây chính là biết yên lặng đúng lúc, có thể lúc trước còn đùa nghịch đấy nhưng lại biết nằm im ngoan ngoãn ngay. Sự yên lặng của loài mèo, yên lặng mà ở bên người ta chính là sẻ chia. Đôi lúc người ta không cần, thậm chí là không muốn sử dụng đến lời nói, bởi nói bao nhiêu cho đủ những cảm xúc. Yên lặng chính là cách sẻ chia tốt nhất. Tôi đã từng ở trong hoàn cảnh như vậy, tôi không thể, không muốn và cũng không hề có ý định nói lên cảm xúc của mình, tôi cần ai đó ở bên, tôi cần một cái ôm thật chặt lúc mà chỉ cần cất lên tiếng nói thì có lẽ tất cả cảm xúc sẽ vỡ òa mất. Cái ôm ấy chính là sự xoa dịu người ta khi cô đơn và lạc lõng nhất.
Không phải lúc nào lời nói cũng có thể diễn tả được tất cả những gì chúng ta muốn truyền đạt cho người khác, hoặc có thể làm cho đối phương thấu hiểu. Khoảng cách lúc đó sẽ đóng vai trò quan trọng nhất, khoảng cách để chiêm nghiệm, khoảng cách để trải nghiệm, khoảng cách để vỡ lẽ. Đó không phải là khoảnh khắc dành cho những từ ngữ, đó là khoảnh khắc của lòng chân thành. Lòng chân thành giúp chúng ta xích lại gần nhau.
Có người bạn tâm sự với tôi rằng cô ấy rất thương cô bạn của mình,bởi cô gái kia yêu mù quáng một chảng trai, nhưng chàng kia lại không trân trọng tình cảm ấy. Bạn tôi không thể khuyên bạn gái kia được. Tôi chỉ có thể nói với bạn mình rằng không phải lúc nào cũng có thể nói để người khác nghe mình, dù là thân thiết đến mấy đi chăng nữa. Chắc hẳn, ai cũng đã phải thốt lên với bản thân mình rằng: Giá như mình nghe lời bố mẹ thì đâu đến nỗi!. Chẳng phải, lời nói đâu phải lúc nào cũng phát huy công dụng của nó, đâu phải lúc nào cũng làm người ta hài lòng. Đôi khi, chúng ta cần yên lặng, dõi theo và ở bên cạnh người mình thân thiết, để khi họ vấp ngã, khi học lạc lối, khi họ ngoảnh lại vẫn luôn thấy ta ở đó. Dõi theo và động viên. Sự yên lặng ấy khiến cho người ta an lòng.
Cũng có khi chúng ta luôn cố gắng để không bị rơi vào khoảng không im lặng, cố gắng để một cuộc gặp mặt luôn được tiếp nối bằng các câu chuyện. Người ta sợ sự im lặng trống rỗng giữa hai người, đó là sự im lặng khi mà hai con người không còn gì để nói với nhau, không biết nói với nhau cái gì. Đó là một sự im lặng gượng gạo, một sự im lặng khó chịu khi mà hai con người ở cạnh nhau mà chìm vào hai dòng suy tư khác nhau ở hai thế giới khác nhau. Nó khác với sự yên lặng khi người ta đã hiểu rõ nhau đủ để không cần phải nói bất cứ điều gì, một sự yên lặng thoài mái và bình yên. Người ta muốn nói thật nhiều, muốn tâm sự thật nhiều nhưng lại chỉ biết yên lặng. Im lặng và yên lặng khác nhau như vậy đấy.
Sự yên lặng như một làn gió nhẹ nhàng, người ta thường nhắm mắt tận hưởng nó, nhờ nó mang đi những buồn bực, đớn đau chất chứa, để người ta có thể hít thở một cách thoải mái và nhẹ nhõm.
Quang Minh
BẠN ĐANG ĐỌC
Tùy Hứng
Randomnhững cảm xúc đơn thuần... những gì tôi muốn viết, muốn nói, muốn gửi gắm