Có người nói: Hễ nơi nào có người thì sẽ có giang hồ.Bạch Hiểu Sinh – người thông hiểu mọi chuyện trên giang hồ – lại nói: Nơi nào có tình yêu thì sẽ có hồng trần, nơi nào có dục vọng thì sẽ có giết chóc, nơi nào có những chuyện truyền kỳ thì mới là giang hồ thật sự…
Giang hồ thật sự không thể nhìn thấy bằng mắt nhưng nó lại tồn tại mà không có ranh giới. Người ta sẽ không thể biết được khi nào thì mình bước vào, cũng không thể biết được khi nào mới có thể thoát ra. Nó thoạt nhìn rối ren, hỗn loạn nhưng thật ra lại có một trật tự nhất định. Giữa chính và tà dường như có một ranh giới không thể vượt qua nhưng thật ra không ai biết được điểm khác nhau thật sự của chính và tà là đâu.
Trong chốn giang hồ bấp bênh vô chừng ấy cũng có rất nhiều kiếm khách đứng ngoài sự tranh đấu giữa các môn phái. Thỉnh thoảng họ lại vung kiếm bước vào giang hồ, thỉnh thoảng lại tắm mình trong gió tanh mưa máu vì cái mà mình cho là chính nghĩa nhưng cũng nhanh chóng tách mình ra khỏi đó. Người trong giang hồ đặt cho kiểu người này một danh xưng rất đặc biệt: lãng tử.
Tuy trong mắt rất nhiều kẻ tự xưng là danh môn chính phái, những người này không đáng được nhắc tới nhưng họ lại chính là nhân tố khiến giang hồ trở nên muôn màu muôn vẻ, và họ đã được viết thành truyền kỳ.
============================================================================
Đã lâu năm lắm rồi trời mới giáng xuống một trận tuyết lớn thế này. Gió bắc buốt thấu xương cuốn theo lớp tuyết dày che kín cả trời đất, trong nháy mắt đã khiến chốn núi non cô quạnh này bị bao phủ trong làn tuyết trắng xóa.
Bên cạnh rừng đá dưới chân núi có một căn nhà làm bằng đá trơ trọi. Rừng cây bên ngoài đã bị tuyết trắng tinh khôi che phủ nên càng làm nổi bật vẻ cô tịch của căn nhà. Mặc dù cửa sổ của ngôi nhà đá đã được che chắn bằng hai lớp gỗ dày nhưng gió vẫn thốc vào từ khe hở giữa hai cánh cửa, khiến bên trong căn nhà cũng không mấy ấm áp.
Trong nhà, một ông lão tuổi đã ngoài sáu mươi đang ngồi chép sách bên chiếc bàn đá bóng loáng do ma sát lâu ngày. Khuôn mặt lão thoạt nhìn gầy gò, xương xẩu nhưng những ngón tay thì hết sức mạnh mẽ, nét chữ cứng cáp, sắc sảo. Bên cạnh lão là một thiếu nữ chừng mười bốn, mười lăm tuổi, khoác chiếc áo lông chồn trắng, ngồi sưởi ấm bên lò than. Trên gương mặt bầu bĩnh, nõn nà là đôi mắt đen lanh lợi và hai má lúm đồng tiền nhỏ xinh, mỗi khi cô nương này cười, người ta sẽ cảm thấy ngọt ngào như ướp mật.
Cô nương ấy đang tẩn mẩn đọc những bí mật võ lâm mà ông lão đang chỉnh sửa. Trong ánh nến chập chờn lay động, trang bìa của cuốn sách hiện lên hai chữ, mang đầy màu sắc truyền kỳ: Tần Phong.
Đối với người trong giang hồ, hai tiếng Tần Phong này không hề xa lạ, bởi y chính là nhân vật đáng được truyền tụng nhất trong vài năm gần đây. Cho dù là người mới bước chân vào giang hồ thì chắc chắn cũng đã từng ít nhiều nghe những chuyện có liên quan đến y. Ít nhất là phải biết Tần Phong có một thanh kiếm giết người không thấy máu, có võ công không ai sánh bằng, chỉ trong vòng một đêm mà y đã tiêu diệt được Du Minh Môn – tổ chức ma giáo tàn ác và đáng sợ nhất trong giang hồ. Thậm chí môn chủ của Du Minh Môn – kẻ khiến người trong giang hồ vừa nghe tên đã khiếp đảm – cũng phải bại dưới kiếm của y, đến nay sống chết không rõ…

BẠN ĐANG ĐỌC
Nửa kiếp hồng nhan một kiếp du ca
Ficción GeneralBạch Hiểu Sinh - người thông hiểu mọi chuyện trên giang hồ - lại nói: Nơi nào có tình yêu thì sẽ có hồng trần, nơi nào có dục vọng thì sẽ có giết chóc, nơi nào có những chuyện truyền kỳ thì mới là giang hồ thật sự... Tần Phong có một thanh kiếm gi...