Trình bày suy nghĩa của anh/chị về câu nói sau đây: "Khí kiêng nhất là hung hăng, tâm kiêng nhất là hẹp hòi, tài kiêng nhất là tự cao" (Lã Khôn).
-------------------------------------------------
Để giáo huấn thế các thế hệ sau về cách ăn nói cổ nhân đã dạy: "chim khôn nói tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe"; để dạy dỗ con cháu trưởng thành nhân bản trong cách xử thế thì người xưa để lại câu nói: "học ăn, học nói, học gói, học mở". Quả vậy, trong các câu ca dao, tục ngữ hay các câu nói của những hiền nhân vẫn luôn chứa đựng những triết lý sống để giúp con người mỗi người hoàn thiện bản thân hơn. Trong chiều hướng đó Lã Khôn đã nói: "Khí kiêng nhất là hung hăng, tâm kiêng nhất là hẹp hòi, tài kiêng nhất là tự cao" nhằm giúp con người nhận những thái độ sống sẽ làm cho cuộc sống mất đi những niềm vui.
Có vẻ như khoa học càng phát triển, xã hội càng văn minh thì lối sống hưởng thụ của con người như một hệ lụy tất yếu. Điều này thể hiện ở cách sống của đại đa số bạn trẻ ngày nay. Nguyên nhân của nó đến từ đâu? Mỗi người sẽ tìm cho mình một nguyên nhân, vì mỗi người có cách nhìn nhận và đánh giá sự việc theo cảm tính của mình. Còn đối với Lã Khôn thì cho rằng: "khí kiêng nhất là hung hăng". "Khí" mà ông muốn đề cập ở đây không phải là chất hơi theo nghĩa bình dân mà ta vẫn thường hiểu. "Khí" được hiểu trong mạch văn này thể hiện tính cách cũng như phẩm chất của một con người. Điều này được biểu lộ ở tính hung hăng . Con người càng "hung hăng" thì xã hội càng loạn lạc, cuộc sống càng lầm than. Người nào có tính "hung hăng" thì người đó có xu hướng hăng hái đến bạo động. Một người có tính bạo động dễ làm cho cộng đồng phải khổ đau. Vậy nhiều người có tính bạo động thì thế giới bình yên sao được!
Mới đây ngày 3/9/2015, báo Người lao động đăng tải hình ảnh một bé trai 3 tuổi chết thảm trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ làm xôn xao dư luận suốt mấy tuần qua, nhất là trên mạng Facebook. Bé trai là một trong 12 nạn nhân bị chết trên chuyến tàu chở 33 người từ Syria qua những nước láng giềng để lánh nạn. Điều làm dư luận xôn xao ở đây không phải vì vụ tai nạn do thiên nhiên gây nên, cũng không phải do con tàu gặp một toán cướp biển. Dư luận phẫn nộ vì hành động tàn nhẫn của các tay súng nhà nước Hồi Giáo (IS) tự xưng hồi đầu năm ngoái. Chúng đang nhân danh công lý để làm sự ác, mang vỏ bọc của tôn giáo làm điều bất công. Ở một chừng mực nào đó, chúng ta sẽ hiểu công lý thường đi kèm với sự thiện, tôn giáo thường mang tới cho con người một cảm nghiệm tâm linh là thứ đưa đến cho con người cuộc sống an bình. "Thật đáng buồn, một bé trai 3 tuổi tại sao lại chết ở bờ biển như vậy? đó không phải là một vụ tai nạn do biển, chính chúng ta đã cướp đi sinh mạng vô tội của cậu bé". Đó là một comment của một thành viên trên Facebook. Người mà comment muốn nói ở đây chính là những tay súng nhà nước Hồi Giáo, vì quá hung hăng hay nói đúng hơn vì có xu hướng hăng hái đến bạo động đã gây nên tội ác mà người dân Syria đang phải hứng chịu.
Bé trai trong bức hình chỉ là một nạn nhân trong hàng triệu người dân của Syria đang phải chịu những tổn thất nặng nề trong cuộc sống để ta thấy được rằng: tính hung hăng gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống con người. Vì thế, Lã Khôn đã không dùng tính tham lam, gian dối, cộc cằn, lười biếng để đặt lên hàng chính yếu cho "khí" mà dùng tính hung hăng là vậy. Con người càng hung hăng thì khổ đau còn hiện hữu, hăng hái đến bạo động, hạnh phúc của con người càng xa vời.
Còn trong việc đào tạo nhân cách để trở thành một con người có ích cho xã hội, Lã Khôn đã nêu lên "tâm kiêng nhất là hẹp hòi". Nói đến "Tâm", chúng ta sẽ hiểu ngay đến trái tim. Nó phản ánh một thực tại sâu xa của con người. Tình yêu đích thực xuất phát từ tâm, lòng quảng đại cũng phát xuất từ tâm. Còn theo quan niệm của các triết gia cổ đại Trung Hoa: "Tâm" là nguyên lý đầu tiên của vũ trụ, nó chi phối vạn vật. Hiểu được tâm là hiểu được vũ trụ, biết được tâm thì biết được vạn vật. Tính hẹp hòi là chỉ muốn khăng khăng giữ cho mình, không muốn chia sẻ cho tha nhân. Người ta vẫn thường nói: con tim chai đá, con tim ù lì, con tim vô cảm.... Lã Khôn không lấy những tính cách vừa nêu lên để đưa lên thứ kiêng hàng nhất mà ông lại viết "Tâm kiêng nhất là hẹp hòi", phải chăng ông muốn nhấn mạnh đến tình yêu thương giữa con người với nhau?
Trở lại với câu chuyện bé trai chết thảm trên bờ biển, bài báo tiếp tục làm sáng tỏ nguyên nhân của những cái chết tương tự như thế. Bé trai chỉ là một mảnh ghép trong một bức tranh mang tên "bạo loạn" mà chúng ta không hề biết, còn có vô vàn, vô số những cái chết đáng thương hơn. Đó là ở các nước Âu châu, nơi không có bạo lực, không có chiến tranh, khi những người tị nạn qua để lãnh nạn thì những nước này cố tình làm ngơ thậm chí còn xua đuổi, họ vịn cớ lấy an bình của mình làm nền tảng, còn bình an của người khác thì "sống chết mặc bay". Nêu lên như thế để thấy rằng xã hội càng văn minh thì con người càng thu mình vào cái "vỏ bọc an toàn" không muốn đi ra vùng "ngoại biên" để cảm thông với sự đớn đau của người khác; khi khoa học càng phát triển thì niềm tin của con người vào máy móc nhiều hơn những giá trị xuất phát tư lương tâm, nghĩa là lòng cảm thông trước những nỗi khốn cùng của người khác đang bị bào mòn, tình yêu chỉ còn là một món hàng trao đổi không hơn không kém.
Ai đó đã nói rằng: "càng học thì thấy mình càng ngu". Cũng không phải vô tình mà có câu nói đó, vì khi nhìn vào thực tế cuộc sống ta thấy, kiến thức thì bao la, cái hiểu của con người lại hạn hẹp. Cái biết của con người so với tri thức nhân loại chỉ như hạt muối so với đại dương mênh mông. Ấy vậy mà trong cuộc sống, đôi khi kiến thức ta chỉ mới học được một chút xíu mà cứ ngỡ mình đã tinh thông, tự cho mình hơn người khác, thậm chí có khi còn xem thường những người xung quanh. Đó chỉ mới đề cập đến tri kiến thức chứ chưa nói đến năng khiếu của mỗi người đã được phú bẩm. Trong chiều hướng này, Lã Khôn đã gửi đến cho chúng ta một thông điệp "tài kiêng nhất là tự cao" như một lời nhắc nhở để chúng ta kịp thời phản tỉnh lương tri.
Nói đến chữ "Tài", chúng ta sẽ hiểu ngay đến cái hay, cái giỏi của một người nào đó. Còn tính tự cao là tự cho mình hơn hơn người và tỏ ra khinh thường người khác. Trong kho tàng văn chương Ấn Độ có kể câu chuyện cuộc chạy đua giữa thỏ và rùa. Sự nhanh nhẹ của thỏ trong từng bước chạy, chúng ta không ai phủ nhận. Còn sự chậm chạp của rùa qua từng bước đi thì chúng ta chấp nhận là sự thật hiển nhiên. Thực hư và độ chính xác của câu chuyện đúng bao nhiêu chúng ta không biết. Nhưng kết quả của cuộc đua thì phần thắng đã thuộc về rùa. Nó đã phủ lấp một sự thật tưởng chừng như không thể xảy ra, đó là sự chậm chạp đã lướt thắng sự nhanh nhẹn; sự cần cù đã chiến thắng sự ỷ lại. Nguyên nhân thất bại của thỏ là phát xuất từ sự tự cao trước đối thủ, thay vì lo chạy trên đường đua, vậy mà thỏ cứ vui cùng hoa, đùa cùng bướm trên mỗi khúc đường. Thay vì làm việc chính yếu thì rong chơi cùng ngày tháng. Câu chuyện cho thấy rằng, ở một mức độ nào đó con ngươi vẫn cần một sự khiêm nhường dù mình có tài giỏi bao nhiêu. Nếu không tự mãn sẽ giết chết cái tài, cái giỏi của bản thân. Cổ nhân vẫn dạy "họa hổ, họa bì, nan họa cốt. Tri nhân, tri diện, bất tri tâm". Nghĩa là vẽ con hổ ta chỉ vẽ được hình dáng bên ngoài, còn bộ xương chúng ta không thể vẽ, cũng như ta biết được một người qua khuôn mặt, dáng vẻ bên ngoài chứ trong tâm họ ta không thể biết. Vì thế, dù có tài bao nhiêu ta cũng không nên tự mãn, dù giỏi cách mấy cũng nên dẹp bỏ tự cao. Tự mãn là cửa ngỏ để cái giỏi suy vong ; tự cao là vực thẳm làm cái tài rơi xuống.
Chúng ta có thể thấy được rằng, xã hội dù có văn minh đến đâu, khoa học dù ở đỉnh cao nào thì con người cũng không thể xem nhẹ việc đào tạo nhân cách, phẩm tính. Thomas Merton nói: "không ai là một hòn đảo", nghĩa là con người sống luôn cần đến nhau. Dù cho xã hội đương thời với Lã Khôn hay xã hội chúng ta ngày nay thì con người phải luôn sống sao cho hợp tình, hợp nghĩa và hợp với lương tâm; đừng vì hung hăng mà hại đến phẩm cách, đạo đức; đừng vì tính hẹp hòi mà làm cho con tim bị bóp nghẹt, đừng vì chút tự cao mà ôm hận. Câu nói của Lã Khôn mặc dù chưa nói lên một cách tổng quát về việc đào tạo nên một con người trưởng thành, nhưng ở một mức độ nào đó cũng đủ để cho ta học hỏi và suy gẫm về những ngang trái trong cuộc đời nhằm rút ra những bài học giá trị cho bản thân. Nói khác hơn, hung hăng, hẹp hòi, tự cao là những đức tính làm mất đi phẩm giá của con người cũng như cũng như làm rơi rụng "tính thiện" và lòng trắc ẩn của bản thân, đôi khi chúng con ngây ra sự khổ đau cho cuộc sống và xã hội mất bình an.
Đôi lúc cứ tưởng rằng tự cao sẽ nâng tầm giá trị của cái tài; hẹp hòi sẽ tích góp thêm nhiều cho bản thân; hung hăng sẽ làm cho đối phương khiếp sợ, nhưng khi suy gẫm về câu nói của Lã Khôn ta mới nhận ra rằng, ở đâu đó, xung quanh ta sự khiêm nhường sẽ làm cho phẩm cách của ta có giá trị. Chính lúc rộng lượng, quảng đại với tha nhân lại là lúc ta được nhận lãnh, chính lúc quên mình lại là lúc ta gặp lại chính ta, chính lúc nhìn nhận ra những giới hạn, khuyết điểm của bản thân cũng là lúc ta thu hoạch được vô số bài học quý giá. Vì thế, mất mát chi, ta không tự hạ mình xuống để cho cái tài trong ta được nâng lên. Quảng đại thêm chút thì cuộc đời sẽ đẹp. Giảm bớt tính hung hăng thì cuộc sống của những người xung quanh được hạnh phúc.