Kỳ 4: Ký ức một thời hoa lửa - Hồi ký của bác Lê Xuân Tường

3.2K 2 2
                                    

KÝ ỨC TUỔI HAI MƯƠI - SUY NGHĨ VỀ MỘT THẾ HỆ

Lê Xuân Tường


Ai đó đã từng qua thị xã Quảng Trị và tới thăm di tích Thành Cổ sẽ thấy hình tượng cây thiên mệnh vươn lên trời cao với biểu tượng Thiên - Địa - Nhân, Âm Dương, Ngũ hành hoà quyện tại nơi đây với mái đình làng thân thương như nhắn nhủ vong linh của những con người vì Nước hiến thân khi tuổi đời còn rất trẻ sẽ sống mãi với tuổi mười tám, đôi mươi của mình. Với những người lính sinh viên chúng tôi, cây thiên mệnh đó giống như ngọn bút lông - tượng trưng cho "kẻ sĩ Bắc Hà"- đang nhấn lên bầu trời xanh ngắt bản Anh hùng ca đầy bi tráng của Thành Cổ Quảng Trị. 81 ngày đêm - từ 28/6 đến 16/9/1972 - bám trụ giành giật với địch từng căn nhà, góc phố, từng tấc đất thiêng liêng của Thành Cổ để rồi một vạn bốn nghìn con người đã nằm lại nơi đây với mảnh đất đẫm máu và trộn đầy bom đạn, nằm lại với dòng Thạch Hãn lúc lành hiền êm ả, khi dữ dội nước ngập mênh mang. Trong số những con người bất tử đó có Nguyễn Văn Thạc - sinh viên Toán Cơ 15 Đại học Tổng hợp, Nguyễn Kỳ Sơn - sinh viên khoa công trình Đại học Thuỷ lợi, Lê Văn Huỳnh - sinh viên Cầu đường 13 Đại học Xây dựng và biết bao sinh viên các trường đại học khác...
Tôi, Thạc và Như Anh cùng là học sinh trường cấp 3 Yên Hoà B, Hà Nội. Tôi học khoá 1966-1969, trước Thạc 1 khóa và hơn Như Anh 2 khóa. Thạc và Như Anh là 2 trong những học sinh suất sắc nhất của trường năm ấy nên ai cũng biết mặt biết tên. Năm học cuối cùng của lớp 10B chúng tôi (1968-1969) học tại thôn Hậu, xã Dịch Vọng. Lớp tôi và lớp 9B của Thạc học chung 1 lán sơ tán, lớp tôi học sáng, lớp Thạc học chiều. Biết nhau qua các hoạt động thanh niên và những buổi lao động làm hầm phòng không và đắp luỹ cho lán học. Cho đến nay đã hơn 36 năm trôi qua tôi vẫn hình dung cái lớp học sơ tán ấy, nằm dưới 1 lùm tre kề con đường làng lát gạch như bao ngôi làng khác của làng quê Bắc Bộ, cạnh ngôi nhà tranh của 1 người nông dân có 2 vợ mà cảnh đánh chửi nhau của vợ cả vợ lẽ diễn ra như cơm bữa. Phía bên kia đường là rặng tre xanh dẫn ra cánh đồng lúa, những căn hầm kèo phòng không của chúng tôi núp dưới rặng tre đó. Trường cấp 3 Yên Hoà B ngày ấy là trường gần Hà Nội nhất, bao gồm số học sinh trong nội thành sơ tán ở các vùng lân cận và học sinh ở Nghĩa Đô, Cổ Nhuế, Dịch Vọng...Lũ học sinh nội thành chúng tôi bao giờ cũng có vẻ "tự tin""sành điệu hơn" so với các bạn ở địa phương. Thạc trong số học sinh địa phương đó. Mặc dù là 1 người nổi tiếng ở trường nhưng ở Thạc bao giờ cũng toát ra vẻ rụt rè, khiêm nhường của 1 cậu học sinh ngoại thành. Năm 1968 Mỹ ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 rồi ngừng ném bom miền Bắc chấp nhận ngồi vào bàn Hội nghị Paris, lũ học sinh nội thành chúng tôi là sướng nhất vì được về Hà Nội không phải sơ tán nữa. Cứ hết giờ học chúng tôi ùa ra khỏi lớp, quá nửa lớp đi bộ ra Cầu Giấy để đi tầu điện về nội thành và bao giờ chúng tôi cũng gặp Thạc và mấy bạn cùng ở Cổ Nhuế nơi rặng bàng đầu xóm. 

  Ngược lại với vẻ rụt rè, khiêm nhường của Thạc, cô bé Như Anh năm ấy mới nhập trường nhưng đã rất tự tin khi đệm đàn ắc-coóc-đê-ông cho những buổi hội diễn của trường (ngày ấy cả trường chỉ có 3 người chơi được ắc-coóc là Phú lớp 10A, Ngà lớp 10B của tôi và Như Anh). Phải có điểm xuất phát và gia thế như thế nào đó mới có điều kiện để học nhạc, có đàn và chơi đàn cũng như có điều kiện để có thể tiếp cận được những gì thuộc về nền văn minh nhân loại. Vì thế Như Anh so với Thạc và với chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn nên đã tạo cho cô bé 1 cái gì đó chững chạc hơn, tự tin hơn so với lứa tuổi của mình. Thế rồi chẳng hiểu làm sao trong lễ sơ kết Học kỳ I tôi sơ ý làm bẹp cái đàn của Như Anh, cô bé cứ đứng giữa trời mưa mà khóc, không ai dỗ được. Hoảng vì làm bẹp đàn thì ít nhưng sợ vì động chạm tới cô học sinh giỏi được các thầy cô cưng nhất trường thì nhiều, tôi chạy ra dắt tay Như Anh vào nhà lúng túng xin lỗi. Thế rồi mọi chuyện qua đi với Như Anh còn tôi bị cô hiệu phó cho 1 trận "lên bờ xuống ruộng" vì chuyện với Như Anh thì ít nhưng vì chuyện khác thì nhiều....Cũng từ ngày ấy chúng tôi quen biết nhau, và hình như bóng dáng của cô bé đó đã ít nhiều đọng lại trong tâm tư của gã trẻ trai như tôi cho tới khi tôi vào Đại học Xây dựng sơ tán tại Vĩnh Phú. Năm 1970 trường cấp 3 Yên Hoà B thân yêu của chúng tôi giải thể, mặc dù chỉ có tồn tại 4 năm thôi nhưng đã để lại cho chúng tôi biết bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và bạn bè, về lứa tuổi học trò vô tư trong sáng. Chính những kỷ niệm đó đã theo tôi suốt cả cuộc đời bên cạnh những kýý ức về chiến tranh, về những đồng đội thân yêu trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chỉ có khoá của tôi và Thạc là học trọn vẹn 3 năm cấp 3 tại trường. Nghe nói đến năm lớp 10 Như Anh về học tại trường Phổ thông Công nghiệp Hoàn Kiếm. Thời gian, khoảng cách và nhiều biến cố trong cuộc đời đã làm sợi dây liên hệ giữa chúng tôi bị đứt quãng cho tới khi tôi được biết Như Anh đã đi học tại Liên Xô và sau đó định cư tại Đức.
Một ngày cuối tháng tư năm 2005, trong không khí tưng bừng của 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tôi đọc bài "Chuyện đời" bi tráng của chàng trai giỏi văn nhất miền Bắc một thời đăng trên tờ An ninh thế giới, sững sờ khi ảnh của Thạc ngay ở trang nhất và lại là người đồng đội với tôi tại Quảng Trị đã hy sinh tại thôn Đầu Kênh (xã Triệu Long huyện Triệu Phong, Quảng Trị ) - mảnh đất đã gắn liền với tôi trong suốt mùa Hè đỏ lửa ấy. Tôi cũng ngỡ rằng Thạc học giỏi như thế chắc chắn phải nằm trong số học sinh đi tu nghiệp ở nước ngoài giống Như Anh và giờ đây đã thành đạt và đang làm việc tại một chân trời nào đó. Thạc đã hy sinh ngày 30/7/1972 - ngay ngày đầu tiên sau khi trung đoàn chúng tôi vượt sông Thạch Hãn đứng chân tại địa bàn Đông-Bắc thị xã Quảng Trị - cũng như bao anh em sinh viên khác tại mảnh đất đầy máu và nước mắt này..

Hồi ký chiến tranh - Một thời máu và hoa (Phần 1)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ