5. Tàn phai

499 28 5
                                    


Đông đi, xuân đến. Chàng đón chào tuổi mười bảy với bao dự định và ước vọng. Một mùa hoa ngô đồng nữa lại nở rộ, ngày khởi sự cũng cận kề.

Đêm đó, vài thị vệ thân tín hộ tống chàng thoát khỏi tai mắt trong hoàng cung, rời đi trực tiếp chỉ huy cuộc binh biến. Ngang qua một cội ngô đồng, bước chân chàng chợt chậm lại, bất giác ngẩng đầu nhìn ngắm như một thói quen cố hữu.

Chỉ có những chùm hoa lay động dưới ánh sáng lờ mờ từ ngọn cung đăng phía xa, mùi hương thanh nhã phảng phất trong không gian mát dịu. Chẳng thấy bóng dáng phượng hoàng, nhưng sau đêm nay, ngày nó xuất hiện sẽ không còn xa.

Chàng lại tiếp tục dấn bước, giẫm lên những đóa hoa ngô đồng rơi rụng, bỏ lại đằng sau cung vàng điện ngọc, bỏ cả ngai vị hoàng đế nước Nam bao kẻ thèm khát, tiến vào đêm đen mịt mùng.

Thái Phiên, Trần Cao Vân đón chàng cùng tùy tùng ở bến Thương Bạc rồi xuôi dòng Hương Giang tới sở chỉ huy ở bến đò ga Huế. Không ai nói nhiều, trong thâm tâm tất cả chắc đều giống chàng, hồi hộp chờ đợi tiếng pháp báo hiệu cuộc tiến công bắt đầu.

Từng giờ, từng phút chậm rãi trôi qua trong tĩnh lặng, nhưng tới tận khi gà gáy tàn canh vẫn chẳng hề có tiếng nổ nào.

Binh biến không thành.

Sau bao phen suy tính chuẩn bị cùng rất nhiều kỳ vọng, kết quả nhận lấy lại là thất bại trong gang tấc chỉ vì một tên nội gián, chàng há có thể cam tâm?

Chàng cùng đoàn tùy tùng nhanh chóng quyết định lên đường vào Quảng Nam lập căn cứ tiếp tục mưu việc lớn. Dù như thế vẫn không thoát được bàn tay của người Pháp. Ba ngày kể từ khi rời khỏi Đại Nội, chàng trở về kinh thành, bị giam trong một căn phòng nhỏ được canh giữ cẩn mật ở Trấn Bình đài, vùng nhượng địa của Pháp.

Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đích mẫu, Hoàng sinh mẫu và khá nhiều người khác lần lượt tới gặp chàng, mục đích giống nhau đều muốn chàng hoặc là hối lỗi để trở lại ngôi báu, hoặc là chịu tội với Mẫu quốc.

Bảo chàng tiếp tục làm một hoàng đế bù nhìn trên ngai vàng thấm đẫm máu tươi của bao người dám đứng lên tranh đấu chống lại sự đô hộ của ngoại nhân ư?

["Các ông muốn bắt ta làm vua nước Nam thì phải coi ta như người trưởng thành, không còn Phủ Phụ chính, giao lại mọi quyền hành của một vị vua được trực tiếp giao thiệp với Pháp và các nước khác."]

Tất nhiên, người Pháp chẳng đời nào chịu chấp nhận yêu cầu như vậy từ một kẻ thất bại. Phụng Hóa Công, em họ của cha chàng được chọn trở thành hoàng đế kế tiếp. Còn chàng, giống như vua Hàm Nghi, chịu án lưu đày tới Réunion.

Nhưng lần ra đi này không chỉ có một mình chàng.

Sau chín năm, chàng mới lại có cơ hội quỳ bái trước cha. Người già hơn xưa, gương mặt đượm chút tang thương, nếp nhăn hằn sâu trên trán, mái tóc điểm vài sợi bạc. Suốt thời gian qua ông chịu cảnh giam lỏng ở Vũng Tàu, giờ vì chàng liên lụy mà phải lìa xa đất nước, song khi gặp lại, cha chẳng hề trách mắng, chỉ vỗ vai chàng nói: "Vĩnh San, con lớn hơn trước nhiều quá."

Nhìn ánh lệ loang loáng trong đôi mắt đùng đục của cha, bao lời muốn nói nghẹn ứ chẳng thể thốt thành lời, chàng đành cúi đầu giấu đi giọt nước mắt mặn đắng. Tháng Mười cùng năm, chàng và gia đình lên tàu bắt đầu hành trình tới nơi ở mới bên Phi châu.

Đảo Réunion khí hậu khắc nghiệt, Mai Bá thị không hợp thủy thổ, sau khi sảy thai sức khỏe càng kém dần, cố được hai năm thì xin trở về. Chàng đồng ý, còn cho phép cô ấy có thể đi bước nữa nhưng cô không chịu, vẫn ở vậy giữ gìn tiết hạnh. Đúng là cha nào con nấy, chàng cũng chẳng biết phải làm sao. Có điều vì chưa ly hôn nên những lần kết hôn sau này của chàng đều không được pháp luật thừa nhận vì nơi đây không có chế độ đa thê.

Chàng học thêm về kỹ thuật vô tuyến điện, không chỉ để mưu sinh mà nhờ đó còn nắm bắt được nhiều tin tức mới trên toàn cầu. Một năm sau khi chàng đi, Đồng Chỉ trở thành phi tần của chú chàng, dẫu vậy chàng vẫn mong cô được hạnh phúc.

Theo thời gian, những đứa con mang hai dòng máu lần lượt ra đời, cuộc sống vốn không đủ đầy lại càng thêm khó khăn, thế nhưng chàng chưa từng từ bỏ ý định tìm cách rời khỏi chốn giam cầm, khát vọng trở về quê hương luôn cháy bỏng trong lồng ngực. Cho tới tận khi sinh mạng tàn lụi.

Chiều chiều chàng vẫn giữ thói quen tản bộ ngoài bờ biển, lắng nghe sóng vỗ rạt rào, ngắm nhìn mặt trời lặn, nhớ về cố quốc ở bên kia đại dương.

Nơi chôn rau cắt rốn chàng chưa sống quá hai mươi năm, xứ sở phương Nam xinh đẹp vẫn còn đó bao kiếp người lầm than dưới áp bức thực dân.

Nơi có dòng Hương Giang lững lờ trong sương mờ khói tỏa, giọng hò êm ái miên man hòa nhịp cùng mái chèo đưa đẩy.

Nơi có những cội ngô đồng vươn mình bên bao mái đền đài cung điện, đong đầy sắc tím mỗi độ cuối xuân.

HẾT


Dưới bóng cây ngô đồngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ