Gác lại những bộn bề của Phố Thị tôi vác ba lô theo chân đứa bạn về quê "ăn giỗ".
Quê bạn tôi nỗi tiếng với các địa danh như: Cầu Thị Nại, Tháp Bánh Ít.... Còn đặc sản thì vô số kể. Đặc biệt trong mỗi lễ giỗ không thể thiếu các loại bánh - bánh ít lá gai là thứ bánh càng không thể thiếu ở đất võ này.
Quy trình làm bánh khá công phu và tỉ mẫn. Lá gai phải chọn loại không già, không non. Bỏ cuống, xé làm hai, tước bỏ gân lá, rửa sạch luộc chín nhừ. Sau đó vớt ra để thật ráo nước, xắt nhỏ rồi bỏ vào cối giã nhuyễn chung với đường và bột. Công đoạn giã lá gai thường là cánh đàn ông phụ trách vì phải dùng sức giã cho thật nhuyễn đến khi phần bột nhão có màu xanh đen đậm (nếu giã chưa nhuyễn thì bánh ăn sẽ không mịn màng). Bột được mang đi hấp chín trên bếp lửa bằng củi to, sau khi bột đã chín thoa ít dầu phộng lên, dùng đôi đũa bếp hơ qua lửa để bánh không bị dính, rồi cắt thành cục nhỏ.
Dừa chọn trái vừa già tới, bào ra thành sợi. Xào chung với đường, cho thêm ít gừng xào đến khi khô lại. Đậu xanh làm nhân bánh cũng chọn loại một, đều hạt. Đậu xanh cũng mang đi nấu chín, trộn lẫn vào dừa.
Lá chuối được cắt từng miếng lớn hơn bàn tay, hơ nhanh qua lửa để lá không rách lúc gói.
Chỉ khi tận mắt chứng kiến mới thấy được khung cảnh thoăn thoắt từ những đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị em phụ nữ trong dịp giỗ chạp.
Khi về lại Sài Gòn tôi mang nặng hành lý trên tay không chỉ là những chiếc bánh ít lá gai bé xinh mà còn mang nặng ân tình vùng đất mến thương. Văng vẳng bên tai tôi như vẫn còn nghe được hai câu ca dao rất chi quen thuộc:
"Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi". /.
Ennho0111