NGHIÊN CỨU - PHÊ BÌNH - TRAO ĐỔILưu chiểu hay lưu chiếu?24/09/2016Hiện nay, việc sử dụng từ lưu chiểu ngày càng phổ biến. Những cụm từ như "nộp lưu chiểu", "phòng lưu chiểu", "kho lưu chiểu"... đã trở nên quá quen thuộc. Lưu chiểu còn xuất hiện trong những văn bản hành chính khiến nhiều người nghĩ rằng đó là từ chuẩn mực; mặt khác, vì nó đã được định nghĩa trong từ điển: "lưu chiểu đg... (Cơ quan nhà nước) cất giữ lại theo quy định một số bản của mỗi tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật đã phát hành. Sách nộp lưu chiểu trước khi phát hành. Kho sách lưu chiểu" (Từ điển Tiếng Việt – Hoàng Phê chủ biên, NXB KHXH – 1988, tr. 626).Rất tiếc, từ điển Hoàng Phê đã ghi nhận sai, dẫn tới cái sai cho nhiều người khác khi tra cứu từ điển để sử dụng chữ này. Tại sao?Chúng ta biết rằng trong Hán ngữ chữ lưu 留 có nghĩa là "giữ lại" (động từ), còn chiểu chỉ có một từ là 沼: "ao nước" (danh từ). TD: chiểu trạch 沼澤: ao đầm. Trong bài Miết trì 鱉池, Chu Văn An 朱文安 viết: Ngư phù cổ chiểu long hà tại 魚浮古沼龍何在, có nghĩa là "Cá nổi trong ao xưa, rồng ở chốn nào?". Như vậy, chữ lưu chiểu không thể nào có nghĩa như từ điển Hoàng Phê giải thích.Viết đúng phải là lưu chiếu (lưu 留: giữ lại, chiếu 照: so sánh), tương ứng với từ legal deposit (Anh) hay dépôt légal (Pháp).Trong Hán Việt từ điển giản yếu (NXB Trường Thi, 1957), Đào Duy Anh định nghĩa: "lưu chiếu 留照. Phàm văn thư viết nhiều bản gửi đi nơi khác, còn một bản giữ lại gọi là lưu chiếu" (tr. 534). Từ điển Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận lưu chiếu 畱照 là "Giữ lại để so sánh. Chỉ giấy tờ viết làm nhiều bản gửi đi, nhưng giữ một bản lại để dễ theo dõi công việc về sau".(Xin chú ý: chữ lưu 留(TĐ Đào Duy Anh) và lưu 畱 (TĐ Nguyễn Quốc Hùng) tuy viết khác nhưng cách dùng như nhau).Trong chữ Nôm, chữ lưu 留 (hay 畱) có nghĩa là "lưu lại", chiểu 沼 là "ao nước", chiếu 照 là "so sánh" (trong "đối chiếu"). Chúng ta thấy gì? Tất cả những chữ này đều mượn nguyên xi từ chữ Hán về cách viết và nghĩa.Những bộ sách như Đại Nam thực lục 大南寔錄, Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌, Ngự chế văn 御製文 đều sử dụng từ lưu chiếu, không dùng lưu chiểu, như các ví dụ sau:- "bộ Hộ sao chép đưa sang bộ Lại để lưu chiếu...." (Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo Dục, tập 2, tr. 209).- "... đem sổ chia cấp nộp lên quan Thừa Ty để lưu chiếu làm bằng" (Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú (1960), tập 3, tr. 60)."... bộ có công việc gì cần làm thì bộ ấy phải tư báo và lưu chiếu". (Ngự chế văn: Dụ văn, tập 1, tr. 168).Cuối cùng, thưa các bạn, hiện nay tồn tại hai cách viết: lưu chiểu và lưu chiếu. Cả hai đều được định nghĩa tương tự nhau trong từ điển. Dĩ nhiên, lưu chiểu là từ viết sai. Cách viết này xuất hiện trên văn bản hoặc trong từ điển có thể xem là... "lỗi của thằng đánh máy". Vì thế, chúng tôi đề nghị bỏ từ này, chỉ sử dụng từ lưu chiếu.
Vương Trung Hiếu (Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 419http://tuanbaovannghetphcm.vn/luu-chieu-hay-luu-chieu/
![](https://img.wattpad.com/cover/123546638-288-k118907.jpg)
YOU ARE READING
Lưu chiểu hay lưu chiếu?
RandomHiện nay, việc sử dụng từ lưu chiểu ngày càng phổ biến. Những cụm từ như "nộp lưu chiểu", "phòng lưu chiểu", "kho lưu chiểu"... đã trở nên quá quen thuộc. Lưu chiểu còn xuất hiện trong những văn bản hành chính khiến nhiều người nghĩ rằng đó là từ ch...