1
Những năm tám mươi, thị trường đồ cổ ở thành Bắc Kinh phân ra làm bốn khu vực lớn, phía đông có hai cái chợ âm phủ hay còn gọi là "chợ sớm", một cái ở Sùng Văn môn, một cái ở Tuyên Vũ Môn, canh ba mở chợ, canh năm tan chợ, hai trăm năm nay vẫn luôn như vậy, bán hầm bà lằng các loại hàng bất chính vàng thau lẫn lộn, đồ tốt ở đó giá cũng không hề rẻ chút nào. Còn có hai nơi khác nữa, một là Xưởng Lưu Ly, ra đời và phát triển từ hai triều đại trước, còn một cái khác ra đời sau chót hiện cư ngụ tại chợ đồ cũ Phan Gia Viên. Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng người ta vẫn truyền tai nhau rằng, nếu muốn tìm đồ cổ chất lượng thực sự thì phải đến Phan Gia Viên.
Lúc ấy mặt hàng buôn bán ở chợ đồ cũ Phan Gia Viên có thể nói là thượng vàng hạ cám, từ đồ cổ đến tang vật trộm cắp. Trong chợ, kẻ gian nhan nhản, rùa, thỏ tạp nham loại người nào cũng có. Các sạp hàng ở vỉa hè đồ giả như mây mà đồ thật trên tay cũng không ít. Hôm nay ở chợ tôi đụng trúng một gã béo đeo bùa Mô Kim, kiếm chén cơm đổ đấu. Hồi đó ở Phan Gia Viên nhắc tới tên tôi, tốt xấu gì dù sao cũng có chút số má.
Gã béo đó là Lão Nghĩa mù, hôm đó, lão tới thăm tôi. Nếu xét về vai vế tôi phải gọi lão một tiếng sư thúc. Lão tìm tới, giao cho tôi một cái túi vải lớn, trong túi có dù kim cương, bát chu sa, vuốt phi hổ, roi đả thần, móng lừa đen, áo thủy hỏa, áo da chuột, giày may mắn, ấn Phát Khâu, túi càn khôn, còn cả một cuốn "lăng phổ" nữa. Tôi nghe lão Nghĩa mù nói roi đả thần, bát chu sa, dù kim cương, túi càn khôn, vuốt phi hổ, áo thủy hỏa chính là do sư phụ lão tức sư tổ của tôi truyền lại.
Đó là toàn bộ trang bị hành nghề của dân đổ đấu. Mấy thứ này người ngoại đạo có cũng vô dụng, chỉ nằm trong tay người được trân truyền bùa Mô Kim mới có thể phát huy khả năng chân chính của nó.
Tôi vốn tưởng rằng lão Nghĩa mù niệm tình hương hỏa mà chiếu cố tôi, đâu biết rằng thực ra không phải lão định cho không. Mắt lão không tốt, lại lớn tuổi, tay chân chậm chạp, kiếm ăn không nổi nữa, muốn tôi đi kiếm đồ rồi chia cho lão một nửa. Kỳ thật cho dù lão không nói tôi cũng sẽ không để lão phải chịu thiệt. Có điều từ sau khi chui ra được từ núi quan tài, tôi đã không còn đổ đấu nữa. Theo tôi được biết, Mô Kim Phát Khâu nổi lên từ thời Hậu Hán, người đeo bùa là Hiệu úy, lưng cõng con dấu gọi là Thiên quan, đều có thuật tầm long.
Nói đến tầm long, long là gì? Long có thể sáng có thể tối, có thể lớn, có thể nhỏ, bay lên trời, lặn xuống vực sâu. Nhiều người cho rằng chỉ là chém gió, làm gì có ai nhìn thấy long? Người khác nhìn không ra nhưng Mô Kim hiệu úy có thể nhìn ra. Cái gọi là tầm long, chính là nhờ vào xem hình thế núi, xem thiên văn tìm nơi có long mạch, long huyệt. Tầm Long Quyết có nói: "Đi theo đường lớn sẽ gặp rồng, đỉnh tinh tú chiếu sáng là thân rồng, tứ chi phân ra bốn thế giới, soi sáng nhật nguyệt thành hình núi!" Bùa Mô Kim là vật hộ thân của dân đổ đấu Mô Kim Hiệu Úy, không có bùa Mô Kim, không phải là Mô Kim Hiệu Úy. Mô Kim Hiệu Úy đeo bùa tầm long, đào trộm mộ lấy bảo vật cứu nhân độ thế. Tổ sư gia lập ra quy củ: Mô Kim Hiệu Úy có hai điều đại cấm kỵ: Một: Không đi một mình; Hai: Không truyền cho người trong nhà. Không đeo bùa thì không sao, đeo bùa Mô Kim rồi, dám không tin hai đại kỵ này sao?
Điều hai đại kỵ này muốn dăn dạy đó là, không phải kiêng lúc gà gáy tắt đèn không được trộm mộ mà là tối kỵ việc hành động một mình, riêng lẻ. Bất luận bạn tài giỏi, nhiều kỹ năng thế nào đi chăng nữa, phạm vào đại kỵ, quay đầu lại đều không có kết quả tốt! Nghe nói ấn Phát Khâu tầm long bị hủy vào đời Minh, tôi không biết vật mà Lão Nghĩa mù lấy được này là thật hay giả, còn bùa Mô Kim truyền lại tới đời sau chỉ còn ba miếng, tới những năm cuối triều Thanh lại rơi vào tay Trương Tam thái gia, một mình lão đeo ba cái, cũng không dám tách bùa Mô Kim ra. Trương Tam thái gia có bốn đồ đệ, bùa Mô Kim truyền lại cho ba người đồng thời còn truyền lại một câu: "Hợp thì sống, chia thì chết". Mấy người bọn họ không tin lời này của Trương Tam thái gia, kết quả là toàn bộ đều bị chôn vùi trong lòng đất.
Ban đầu do hoàn cảnh bức bách tôi mới bất đắc dĩ phải đi trộm mộ, tôi cũng không phải loại người lúc ngã sông thì hô cứu mạng, được cứu lên bờ mặc quần áo vào rồi lại còn khóc đòi xuống sông, chân không dài ra trên cơ thể người khác, đường đều do mình tự chọn mà đi, không nên nói hai chữ hối hận, nhưng mà cái nghề đổ đấu này, vất vả khổ cực thì không nói, nguy hiểm đến tính mạng mà cũng chỉ thu được vẻn vẹn một hai món đồ chôn theo người chết, tôi càng nghĩ càng cảm thấy không đáng. Minh khí (đồ chôn theo người chết) cho dù có đáng tiền, vẫn không đáng giá bằng mạng người. Người đời thường nói trộm mộ đoạt bảo có thể phát tài, đó là trong truyền thuyết cổ xưa thôi, thời đại bây giờ, tên lửa cũng phóng lên vũ trụ rồi, vài ba thủ đoạn trộm gà, trộm chó này cơ bản đã lỗi thời lâu rồi?
Nói khó nghe hơn một chút thì trộm mộ tổn hại âm đức, không cần biết là anh kiếm lời bỏ vào túi riêng hay là giúp đỡ người nghèo khổ, nói thế nào cũng vẫn là lấy đồ vật của người chết bán lấy tiền. Đồ người chết là đồ không nên lấy, kỳ trân dị bảo trong mộ cổ một khi thấy lại ánh mặt trời, tất nhiên sẽ dẫn tới chuyện tranh giành, cướp đoạt, tất có người mất mạng, nguyên nhân cũng đều đổ lên đầu Mô Kim Hiệu Úy. Bởi thế mới nói, chén cơm đổ đấu bới mộ này, không thể ăn cả đời được, tôi đã quyết tâm phải cao chạy xa bay.
Lão Nghĩa mù không đồng ý: "Hổ không rời núi, rồng không rời vực, cao chạy xa bay, nói dễ vậy sao!"
Lão tin cũng được mà không tin cũng chẳng sao, tôi đã quyết tâm là phải ra đi, tôi mang toàn bộ vốn liếng trong tay đưa hết cho Lão Nghĩa mù, lão chê không đủ, tôi cũng không có thêm nữa.
Đêm hôm ấy, tôi hẹn Tuyền Béo cùng Răng Vàng, đến quán cơm Đông Tứ. Nửa đêm không còn đồ ăn, chỉ còn bát bánh canh. Ba người ngồi xuống, tôi mang những việc đã trải qua nói với bọn họ một lượt.
Răng Vàng nói: "Hồ gia, buôn bán thứ đồ này không sợ thua lỗ, anh nên thuận theo chớ có coi thường số mệnh, mệnh của anh đã định là phải ăn chén cơm đổ đấu này rồi, không thì những thứ này cũng không tự nhiên mà rơi vào tay anh!"
Tôi nói: "Tôi đổi lấy roi Đả thần, bát Chu sa, dù Kim Cương, áo Thủy hỏa, cũng không phải là vì muốn hành nghề đổ đấu, chỉ vì không thể bỏ vật mà tổ sư truyền lại mà thôi. Hai người các anh không cần phải lo lắng, hiện giờ, tuy rằng tôi một đồng xu cũng không có, nhưng tôi đã nghĩ thông rồi. Sau này ra ngoài, ba anh em ta cũng không thể không ăn không uống, nghề mới thì làm không nổi, vả lại nghĩ kỹ lại thì sao phải đổi nghề chứ, trăm hay không bằng tay quen mà. Chúng ta vẫn cứ làm con buôn thì tốt hơn. Nghe đồn Quỷ thành có một kỹ nghệ tuyệt đỉnh, làm đầu phật giả cháo đầu thật, người bình thường căn bản không thể phân biệt. Anh mà có được một cái đầu Phật khiến cho hai ba mươi gã nhà nghề chong mắt mười ngày, nửa tháng cũng không dám chắc là thật hay giả, không sợ không bán được hàng, bán một cái cũng đủ ăn nửa năm. Chỉ có điều kỹ nghệ đó cũng không dễ có được, tôi còn phải nghiên cứu nữa, nhưng dù sao cũng tốt hơn đến nơi rừng sâu núi thẳm móc mộ cổ có phải không?"
Tuyền Béo nói: "Mẹ kiếp! Bán một cái mà đủ ăn cả nửa năm, vậy còn trần chừ gì nữa? Hai hoành dựng lên đánh một chữ - Kiền thôi!*
(Chữ Kiền干 hay là can nghĩa trong câu này là theo, do hai thanh ngang có một thanh dọc ở giữa dựng lên tạo thành nên mới có câu: hai hoành dựng lên đánh một chữ Kiền)
Răng Vàng bực bội: "Ôi trời hai vị đại gia, các người đừng trách Răng Vàng ta nói chuyện không lọt tai nha, bán một cái mà đủ ăn nửa năm, vậy cũng còn phải xem là ăn cái gì nữa kìa, ăn bánh canh nửa năm cũng còn chưa chắc, thật đó! Hồ gia anh đừng có chê tôi nói năng dông dài, anh nói xem anh cũng già đầu rồi, vì sao vẫn phải tối ngày lăn lộn ở cái chỗ không ra gì, thực ra chỉ cần qua lại với mấy người có lai lịch thôi thì cuộc sống của anh cũng đã khác lắm rồi. Ngược lại anh cái gì cũng không muốn, chỉ chăm chăm buôn bán đồ giả, không phải là muốn làm muối mặt tổ tông sao? Không để cho anh gặp vố thua lỗ lớn, đồ đạc trong nhà đội nón đi sạch, thì anh còn chưa trắng mắt ra! Tôi cũng không muốn múa lưỡi với anh nữa, anh ngồi đây mà tự ngẫm lại đi, đừng khiến cho toàn bộ nước miếng của Răng Vàng tôi phải lãng phí trôi theo dòng nước!"
Răng Vàng lại tiếp: "Béo ca ca, anh cũng đừng có chỉ biết quan tâm đến bánh canh như thế, nói vài câu đi!
Tuyền Béo nói: "Nói cái khỉ gì? Tôi theo Hồ huynh thôi, giống như anh nói vừa rồi đó, sau này sợ rằng cả bát bánh canh cũng không được húp nhiều nữa, nên giờ tôi còn không tranh thủ húp hai bát được sao?
Răng Vàng nói: "Bố khỉ, lại còn hai bát nữa? Đầu óc thằng béo anh giản đơn vừa thôi, đổi lại là tôi, nuốt cũng chẳng trôi!"
Tuyền Béo nói: "Mẹ kiếp, bánh canh còn húp không được? Anh dựa vào cái gì mà đòi làm việc lớn? Dựa vào tổ tiên nhà anh à?"
Răng Vàng thấy Tuyền Béo không để ý tới lời của hắn, xì mũi chán nản một cái, xoay đầu lại nì nèo tiếp với tôi.
Tôi nói: "Anh phun ra cả chậu nước miếng, rốt cuộc là muốn nói gì? Không phải là muốn tôi đi đổ đấu đó chứ?"
Răng Vàng nói: "Không phải, anh đường đường là Mô Kim Hiệu Úy, vậy mà lại buôn bán "lược giao hàng", còn mặt mũi đi lại bên ngoài sao? Anh không thấy có lỗi với tổ sư gia sao? Trên tay không có đồ thật mà có thể là Mô Kim Hiệu Úy sao? Chỉ có bùa Mô Kim thôi chưa đủ, muốn kiếm nhiều tiền vẫn là phải có hàng thật, không cần tham nhiều, chỉ cần có một hai món đồ thật, từ nay về sau tuyệt đối có thể phát tài!"
Tôi cùng Tuyền Béo đều biết Răng Vàng không giỏi chửi bậy, hắn ta đầu tóc suốt ngày chải keo bóng nhẫy, giọng thì lơ lớ Bắc Kinh pha tiếng Mỹ, ít chửi bậy nhưng giọng điệu thì đầy vẻ lên lớp, rất biết ra oai, nhìn qua thì là "nhân mô cẩu dạng" * có điều người ngoài chỉ cần mạo phạm tới hắn một chút thôi, hắn dám bán con của họ lấy tiền, để họ khóc tới mù mắt chứ đừng đùa! Loại thương nhân như hắn, cần bạn thì nói trước mặt, không cần bạn sẽ nói xấu sau lưng, bình thường kiếm cơm bằng cái miệng. Có điều những lời này của hắn cũng không phải hoàn toàn vô lý, "lược giao hàng" là tiếng lóng trong nghề chỉ hàng giả đồ cổ, nói cách khác, người mua bán thứ đồ này chẳng khác nào để cho người ta ném qua ném lại, chẳng may mua bán thất bại ngã sứt đầu mẻ trán như chơi. Hơn nữa giới buôn bán "lược giao hàng" ở thành phố thường phải có nhiều mánh lới đối phó với người ngoài, muốn phát tài ở nghề này, tuyệt không hề đơn giản.
* Nhân mô cẩu dạng: thành ngữ có ý châm chọc chỉ những người hình dung, cử chỉ, không giống người như dáng vẻ giả bộ nghiêm trang, lịch sự thái quá ...
Buôn bán đồ cổ không giống với những loại hình kinh doanh khác, có đổi vật ra tiền được hay không, hoàn toàn dựa vào con mắt và kiến thức, sau này phát giác ra bị mắc lừa, cũng đành ôm hận nhận phần thiệt thòi mà thôi. Xét trên đạo lý này mà nói, trước mắt thật giả khó phân, sau này dù biết được rồi cũng chỉ là "cánh tay gãy trong ống tay áo", ngã ngựa rồi dậy không nổi, phải tranh thủ lúc còn sớm kiếm bãi nước trong tránh lội nước đục. Ở Phan Gia Viên "lược giao hàng" có thể dễ bán, tôi lại đeo bùa Mô Kim, đồ trên tay tôi ai dám nói không phải là đồ thật? Nhưng ra ngoài rồi, không có đồ thật thì đương nhiên là không ổn. Muốn bán được "lược giao hàng", ít nhất cũng cần có một hai món đồ thật để ngụy trang, nếu không thì khó mà có chỗ đứng.
Răng Vàng nói: "Hai người các anh nghe tôi một lần, không phải bảo chúng ta đi đổ đấu, mà là ra ngoài một chuyến, thu mua mấy món đồ mới được đào lên rồi nói là Mô Kim Hiệu Úy chúng ta móc được, Răng Vàng tôi nhận chi tiền vốn, cho dù bất kể kiếm được bao nhiêu tiền, anh đây ba phần ăn một, thế nào? Hồ gia, Bàn gia hai người các anh đều là người thẳng thắn, nói một câu xem, có được hay không, một lời quyết định đi!"
Tôi với Tuyền Béo vốn là những kẻ không thích ngồi mát ăn bát vàng, ưa lao đầu vào mấy nơi mạo hiểm, nghe con đường Răng Vàng vẽ ra như vậy thấy cũng có lý, không thể không động lòng, vấn đề là đồ thật ngày nay không dễ tìm, không móc ở mộ thì lấy đâu ra?
Vừa hay ở Quan Trung (Lưu vực Sông Vị ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) có một gã là Mã Lão Oa Tử, không lâu trước đây nhờ người bắn tin, tuyên bố rằng mới lượm được bảo vật trên núi. Bọn chúng tôi bao gồm cả Răng Vàng cũng chưa từng gặp Mã lão Oa Tử, không biết tin này chính xác được mấy phần.
Răng Vàng nói nếu thực sự muốn thu mua đồ thật, không phải là không có khả năng. Quan Trung- Thiểm Tây xưa kia vốn là vùng đất Đế vương, Nhà Chu hưng thịnh như rồng, đất Tần vững như hổ, từ thời Lưỡng Hán (Tây Hán và Đông Hán) đến nay đều vô cùng coi trọng Quan Trung. Ở đó cổ mộ nhiều, dân trộm mộ cũng nhiều, có điều cổ mộ cho dù nhiều, trộm mãi cũng cạn. Nhất là đối với những vùng quê nghèo hoang vắng, mười năm thì tới chín năm không cấy hái gì được.
Từ hai triều Tần, Hán tới nay, trộm mộ đã trở thành phong trào. Đạo tặc đào nhiều năm như vậy, không có ngôi mộ cổ nào mà chưa bị động vào. Có đến trên trăm cái mộ sắp bị rỗng như cái rổ rồi, cũng chẳng còn đồ gì có giá trị để trộm nữa. Dân chúng địa phương ăn chén cơm này quả thật cũng vô cùng vất vả, buông bỏ thì không được, đói ăn vụng, túng làm liều, quyết tâm chuyển sang làm "lược giao hàng". Tay nghề chế tác "lược giao hàng" nghe nói cũng truyền qua nhiều đời, làm đồ giả tráo đồ thật. Người mua chỉ cần sơ sót một chút, chẳng những không thu được chút tiền lời nào, mà còn có thể lỗ nặng vì mắc lừa.
Cũng may Răng Vàng có cái mũi rất thính, hắn không cần nhìn mà chỉ dùng lỗ mũi cũng ngửi ra được thật giả, hơn nữa hắn có mối khách hàng lớn, cổ nhân thường nói "Hàng xuống đất thủ lĩnh chết"*, có người mua mới dám kiếm hàng. Ba người thảo luận hồi lâu, quyết đinh đi Quan Trung một chuyến, tìm một hai món đồ thật làm màu để từ nay về sau đi lừa đảo.
*(Hàng xuống đất thủ lĩnh chết- ngạn ngữ Trung Quốc ý nói nếu người bán không chuẩn bị thương lượng với khách hàng trước, sản xuất số lượng lớn, đến lúc chuyển tới bị ép giá hoặc không lấy nữa người bán sẽ chịu thua thiệt)
Theo hoàng lịch, bốn ngày sau là ngày tốt, thích hợp xuất hành. Hôm đó, tôi cùng Tuyền Béo, Răng Vàng gấp rút tới Quan Trung. Vận trang phục mang theo đạo cụ đổ đấu bất li thân, trước giờ chúng tôi ra ngoài làm ăn buôn bán cũng đều dựa vào mấy thứ này để dọa người.
Ba người tới Tây An trước, không hổ danh là đất cố đô, tám trăm dặm đất Tần bụi vàng tung bay, danh lam thắng cảnh cổ xưa nhiều vô số. Nói tới ẩm thực, sủi cảo Đức Phát Trường, phao mô hay thịnh tường (các món đồ ăn vặt ở TQ) có thể nói là cái gì cần có cũng đều có đủ. Có điều chạy qua chạy lại ở đây lâu cũng không được, còn phải về vùng nông thôn hẻo lánh nữa. Chúng tôi đi dạo ở Tây An nửa ngày, rồi lại ngồi xe đường dài tới Hàm Dương, qua Kỳ Sơn, lại đi về hướng tây, đều là núi non trùng trùng điệp điệp. Thế núi hoang dã oai phong, hùng vĩ như rồng xanh, từng ngọn từng ngọn như lầu rồng bảo điện.
2
Lại nói mèo có đạo của mèo, chó có đạo của chó, chớ lẫn lộn sang nhau. Muốn thu mua đồ dưới đất phải tìm chỗ có hang động. Theo tin tức chúng tôi nhận được, tòa núi lớn như lầu rồng bảo điện đó có một khe núi lớn gọi là "Cửa điện", lác đác có mấy chục hộ dân sinh sống. Mặc dù dân cư ở đây thưa thớt nhưng cổ mộ lại nhiều vô kể, minh khí phát tán ra ngoài dân gian không ít, đầu giường đất (giường lò) của người dân ở đây toàn là bảo vật.
Sinh sống ở "Cửa điện" có một gã là Mã Lão Oa Tử, từ nhỏ đã chui hầm móc cổ vật, thường xuyên qua lại với lái buôn đồ cổ. Ba người chúng tôi lên đường đi tìm lão, đi tới lúc sắc trời sắp tối thì gặp được. Lão khoảng hơn sáu mươi tuổi, mặt tím hơn gan dê, cằm lại có một nhúm râu dê. Có điều lạ là mặc dù lão chăn dê chứ không có chăn ngựa, nhưng ở đây từ xưa người ta vẫn gọi lão là Mã Oa Tử - trẻ chăn ngựa, chẳng mấy người gọi là Phóng Dương Oa Tử - trẻ chăn dê, lớn lên cũng không đổi cách gọi, cùng lắm là thêm vào một chữ "Lão". Mã Lão Oa Tử thấy người từ Bắc Kinh tới, liền ra đón từ xa, dẫn đường vào nhà, nấu mỳ sợi cho chúng tôi ăn. Hắn tự xưng là kiếm sống nhờ vẽ tranh tết, bận bịu làm việc cả một năm, đầu năm mở hàng được mười mấy hai mươi ngày. Chi tiêu, ăn uống cả một năm phần lớn là tiền kiếm được từ vẽ tranh. Mã Lão Oa Tử vẽ tranh môn thần- loại tranh hộ pháp trấn yểm để trừ tà trên cánh cửa rất đẹp, một phòng toàn môn thần, đỏ thẫm lại xanh đậm, người đi vào không có chỗ đặt chân.
Ngồi một lát, Mã Lão Oa Tử mang mỳ lên, mỗi người múc một tô. Tuyền Béo ăn như hổ đói, húp hai ba cái đã hết bát mì, lau miệng, quay đầu nói với Răng Vàng: "Từ nơi xa xôi chạy đến cái khe núi rách nát này, chân cẳng mệt mỏi rã rời, xoắn lại như củ tỏi lấy nhíp cậy cũng không ra, đương nhiên không phải là tới chỉ để ăn bát mỳ. Lúc bình thường không phải anh mồm năm miệng mười sao? Vừa mới bưng chén cơm lên mà sao đã thành như hồ lô mất miệng rồi? Anh xem trời đã nhá nhem tối rồi, mau hỏi Mã Lão Oa Tử xem hắn có đồ tốt gì hay không?"
Sau khi vào phòng, tôi đã để ý xung quanh, Mã Lão Oa Tử quả thực rất nghèo, trong nhà không có đồ thừa, tất cả đều là tranh môn thần, không đợi Răng Vàng mở miệng, tôi liền hỏi Mã Lão Oa Tử trước: "Tôi nhìn thấy lão vẽ môn thần, không chỉ có Úy Trì Cung và Tần Thúc Bảo, lại còn có thêm cả tranh lừa! Trên cửa mà lại dán hai cái đầu lừa đen, đó là là phong tục gì?"
Theo như truyền thuyết mê tín thời xưa, cương thi tấn công người sống, nghe tiếng lừa đen hí mới buông ra, cho nên dân đổ đấu phải mang "Móng lừa đen". Tôi đã từng nghe qua chuyện ba ba cắn người chứ chưa từng nghe lừa không hí thì không nhả miệng. Không biết có phải truyền thuyết cương thi sợ lừa hí có xuất xứ từ nơi này không. Chỉ có điều trong truyền thuyết dân gian, tướng quân lừa có thể hàng yêu trừ quái, trước đây thường xuyên xảy ra hạn hán, nơi có hạn hán bệnh tật thường có miếu thờ tướng quân lừa, có điều đều là miếu nhỏ, hương khói cũng không vượng. Đông bắc, tây bắc vốn là hai vùng mê tín nhiều, cũng chưa từng thấy có người dùng lừa làm môn thần.
Tranh Tết thường thấy ở Quan Trung là tranh môn thần, táo quân, mặt hoa*, mặt tịnh*, hay là tranh Lưu Hải câu cóc vàng*, Vương Tiểu Nhi ôm cá lớn, cũng có thể là ba ngôi sao Phúc Lộc Thọ, còn cả Thương thần và Ngưu Ma Vương. Ngưu Ma Vương tương truyền là thần phù hộ cho mùa màng bội thu vẽ vào tranh tết thì còn có lý. Cả một phòng tranh tết của Mã Lão Oa Tử toàn là lừa đen thì thật không thể hiểu nổi, trên cửa vẽ hai cái đầu lừa đen, vậy thì là cầu phù hộ cái gì? Phù hộ cho cả nhà ngu như lừa sao?
* -Mặt hoa, mặt tịnh: diễn viên trong hý kịch trong đó mặt hoa hay là mặt vẽ thường đóng vai có tính cách mạnh mẽ hoặc thô bạo, mặt trắng thường đóng chính kịch không vẽ mặt
- Lưu Hải câu cóc vàng: hình vẽ Lưu Hải hai tay cầm một xâu tiền, dưới chân có cóc ba chân gọi là Kim Thiềm, cóc này là cóc thần
Mã Lão Oa tử lớn lên ở một khe núi nghèo xác, những thứ truyền thuyết dân gian mê tín mà hắn nói là của địa phương có lẽ toàn từ trong bụng hắn chui ra, hắn nói đây là phong tục của "Cửa điện", vẽ lừa đen chắn ở cửa để cho người chết không đi vào nhà. Đất ở Quang Trung vừa cứng vừa dầy, người chết chôn xuống trăm năm thành hung, ngàn năm biến thành sát, toàn thân mọc đầy lông dài, ban ngày núp trong huyệt mộ, nửa đêm ra ngoài ăn thịt người, cái này gọi là "Phệ mao sát" tức là hung thần khoác lông!
Tuyền Béo nói: "Mã Lão Oa Tử ông chớ thấy bọn tôi mới tới mà nói láo gạt ngươiif, tôi chẳng tin đâu, người chết ở "cửa điện" rồi không phải là cả đời ăn hương ăn hoa, được chủ đất cung phụng bánh bột ngô, bột mì đó sao? Sao còn sinh ra tâm địa độc ác như vậy được?
Răng Vàng xem chừng Mã Lão Oa Tử vẫn còn muốn nói tiếp liền nháy mắt với bọn tôi.
Tôi gật đầu hiểu ý lại đưa sang Mã Lão Oa Tử điếu thuốc bảo hắn nói tiếp.
Mã Lão Oa tử nói hắn vẽ lừa đen chắn ở cửa, màu vẽ thì dùng máu gà trộn với mực đỏ vẽ lên, có thể trừ tà, trong vòng vài trăm dặm quanh đây có thể nói độc nhất vô nhị không tranh nào qua nổi.
Thổ ngữ địa phương thường gọi tranh đẹp là tranh trống. Tranh giống như đồ, tiếng trống bừng lên, sống động, linh hoạt, vút lên lại hạ xuống, vô cùng phấn khích. Có điều tay nghề của hắn bây giờ vẫn chưa đuổi kịp ông tổ nhà hắn, ông tổ nhà hắn vẽ tranh trống vô cùng sống động, có thể nói là kỳ tài ảo diệu, gần xa không ai không biết. Ông tổ hắn vẽ một con lừa, treo ở trong nhà, nửa đêm trăng sáng sao thưa con lừa trong tranh sẽ đi xuống. Có người nhìn lén ở ngoài nhà, chỉ thấy con lừa này chân đỏ, tai như đóa hoa, mõm trắng, móng trắng, viền mắt cũng trắng, toàn thân đen lay láy, còn đẹp hơn cả khoác áo gấm, trên bức tranh tết chỉ còn là tờ giấy trắng! Tổ truyền nhà hắn mỗi năm mở hội tranh trống một lần, qua mấy trăm năm, cho tới bây giờ bức tranh vẫn còn, chính là vật chí bảo gia truyền nhà Mã Lão Oa Tử! Dứt lời, hắn đứng dậy vào trong phòng lục tung đồ đạc tìm bức vẽ tổ truyền nhà hắn.
Hai mắt Răng Vàng sáng lên, sáp lại gần tôi nói: "Hồ gia, anh có nghe thấy không, Mã Lão Oa Tử này có bức tranh cực quý!"
Tôi nói: "Anh tin lời hắn nói nhảm sao? "Kịch đánh người chẳng phải kịch hay" *, hắn có cái tranh trống cổ quý giá gì đó liệu còn chịu ở cái nhà ngói rách nát này sao?
* Thành ngữ: Kịch đánh người - Cổ đại có tiết mục biểu diễn đánh người, ý câu này là chê trách màn kịch vụng về chẳng có gì hay ho
Tuyền Béo nói: "Bố tiên sư! Cái thằng con giời này, thì ra hắn định làm quảng cáo hả!"
3
Răng Vàng vào phòng trong gọi Mã Lão Oa Tử nói hắn đừng tìm nữa, tìm được chúng tôi cũng không cần.
Mã Lão Oa tử nói: "Bức tranh quý của tôi không phải gặp ai cũng mang ra khoe, tôi thấy ba người các vị không tầm thường mới định cho các vị xem thử một chút, các ông không định mở rộng tầm mắt sao? Ra khỏi thôn này rồi muốn xem thứ này cũng không có!"
Hắn còn nói ở "cửa điện" thứ gì cũng là đồ tốt chỉ tội nghèo, bình thường hắn chăn dê, tranh thủ chợ phiên đi bán tranh tết, cũng không kiếm được bao nhiêu, hắn vốn lại là kẻ tham ăn lười làm, nợ nần chồng chất trả không nổi, bức bách quá không biết làm sao mới nảy sinh ra ý định bán đi bức tranh quý tổ truyền.
Răng Vàng nói: "Nghèo cũng được cái là nhàn hạ, lão Hoàng đế áo vàng, đai bạc, cai trị bốn bể, hắn không phải dậy sớm thức khuya thượng triều phê duyệt tấu sớ sao? Không cẩn thận còn bị người ta cướp ngôi vua, cũng không bằng lão ở trên núi chăn dê tự do, tự tại."
Mã Lão Oa Tử tiện miệng nói: "Tôi chỉ cần một ngày đủ hai bữa cơm, có đổi cho làm hoàng đế tôi cũng không đổi"
Tuyền Béo nói: "Mẹ, lão nói như cái rắm, mang hai chén cơm so với ngôi vị Hoàng đế? Lão nghĩ là lão hoàng thượng thiết đổi với lão à? Ông đây nghĩ lão cũng là kẻ chăn dê biết điều, ai dè toàn nói lời bậy bạ? Có phải ăn nhiều bột ngô quá, ăn no dửng mỡ rồi lại muốn bị ném sang Cao Ly không, tự dưng lại đẻ ra một bụng toàn "Yêu con bướm" *? Đợi ông đây kiếm một bát nước lạnh dội cho lão sáng suốt ra, dội cho hết hồ đồ đi!"
*Yêu con bướm: Thổ ngữ của người phương bắc Trung quốc Ý: hoàn toàn bịa đặt, kiếm chuyện, câu này đa số là nghĩa xấu, cũng có thể hiểu là đùa bỡn, trêu hoa ghẹo nguyệt, có ý đồ xấu.
Tôi thấy Mã Lão Oa Tử không phải là cây đèn thiếu dầu, có thể là thường ngày những người tới chỗ hắn kiếm đồ cũng hay tán chuyện phiếm, hắn nghĩ chúng tôi là con cóc dễ bắt, tôi nghĩ cũng không nên vòng vo với hắn nữa. Tôi rỉ tai Răng Vàng vài câu, bảo hắn nói với Mã Lão Oa Tử là chúng tôi tới kiếm đồ, có vật gì moi móc được từ đất hoặc bảo vật nhặt được trên núi thì lấy ra cho chúng tôi xem qua một chút, muốn làm Hoàng thượng thì đừng mơ, nhưng chỉ cần có đồ tốt trên tay, tám trăm hay cả nghìn đồng chúng tôi cũng có thể trả cho lão, từ nay về sau một ngày ba bữa không cần phải lo lắng.
Mã Lão Oa Tử cũng là kẻ từng chui ra từ đất, hắn đương nhiên rất gian khản, từ "gian khản" này người Bắc Kinh dùng là do tiện miệng- ý chỉ người giảo hoạt, cứng còi còn ở vùng Quan Trung lại dùng nó như là là "hắc thoại" tức là tiếng lóng của dân đạo tặc. Dân trong nghề hỏi thăm nhau vài câu cũng thường dùng tiếng lóng để tán gẫu. Có điều tôi nghe được ẩn ý trong lời nói của Mã Lão Oa Tử chứng tỏ hắn chưa tin tưởng chúng tôi lắm. Tôi nhặt một viên gạch, dùng bùa Mô Kim rạch một cái, viên gạch liền đứt làm hai nửa. Mã Lão Oa Tử mặt biến sắc, vội nói: "Thất kính, thất kính!"
Hắn mang rượu gạo tới, chuẩn bị mâm bát, uống tới nửa đêm. Tôi nói: "Lão gọi chúng tôi tới cái vùng đất hoang nghèo xơ nghèo xác này chỉ để giao dịch mấy cái tranh đầu lừa vô giá trị kia thôi hả?."
Mã Lão Oa Tử nói: "Ba người các anh tới đúng chỗ rồi đấy, đừng xem thường cửa điện này, mặc dù bây giờ rất nghèo nhưng thời xưa không như vậy đâu! Minh triều đất này được gọi là đất Tần, có Tần vương cai quản, một chữ Vương đích thực, Tịnh Kiên Vương được tề vai với Hoàng Thượng, lên điện thấy mặt vua không cần quỳ, ngồi ngang hàng cùng hoàng thượng. Cửa điện có một ngọn núi gọi là Ngọc Hoàng điện, dưới núi có long mạch, nối thẳng tới long cung, người được táng trong núi Ngọc Hoàng không phải ai khác chính là một vị Tần vương. Thông thường phải gọi là mộ táng vương, quy mô của mộ Tần vương kia cũng ngang ngửa với lăng tẩm của Hoàng đế rồi!"
Tuyền Béo nói: "Lão đừng dọa bọn này, cửa điện toàn là núi hoang, tới cỏ ngải còn xơ xác, mà dám nói từng chôn Tần vương sao?"
Mã Lão Oa Tử nói: "Đây là chuyện mà bọn trẻ chăn dê đời này qua đời khác truyền lại, trên núi có minh lầu bảo đỉnh, bốn phía có thành quây, bên dưới là ba cánh cửa cung điện, huyền cung quy mô khủng khiếp, kỳ trân dị bảo táng theo vô số!"
Tôi nói: "Trộm mộ ở Quan Trung này như nấm, huyền cung táng Tần vương chẳng lẽ không có ai động tới sao?"
Mã Lão Oa Tử nói: "Anh hãy nghe tôi giải thích, Hoàng đế Sùng Trinh của Minh triều khi còn tại vị, Hoàng Hà ngập lụt, mất mùa liên miên, dân chúng không có cơm ăn, từ xưa tới nay, dân nghèo thì sinh đạo tặc, trộm cướp tụ tập thì sinh loạn, chờ thời cơ mà vác gậy tre làm phản. Ở đây có một gã gọi là "Lão Cao Lương Cán Tử" sinh ra là một hảo hán đội trời đạp đất, bị quan phủ bức ép tới đường cùng, bất đắc dĩ đành phải chỉ huy bách tính đói cơm nổi dậy giết quan lại tạo phản. Gã có cái dũng vạn người không địch, trên lưng xăm một cái bảo bình, trong bình cắm một cây bảo kiếm, có thể chém bay đầu người! Chỉ cần nói qua tên họ kẻ thù, chỗ ở, đọc xong lời chú, kiếm này liền hóa thành con rồng xanh bay đi chém đầu kẻ thù kia rồi ngậm đầu trong miệng mang tới! Gã dẫn theo hai trăm ngàn nghĩa quân, đánh vỡ châu phủ, mở kho phát lương, người nghèo khổ không ai không cảm phục Lão Cao Lương Cán Tử đại nhân hắn!"
Răng Vàng nói: "Mẹ kiếp, lão đừng có luyên thuyên qua chuyện khác được không, đang nói tới chỗ trọng yếu, tại sao lại nói sang chuyện làm phản rồi?
Mã Lão Oa Tử nói: " Lão Cao Lương Cán Tử dẫn quân tiến vào phủ châu, phá vỡ sườn núi phía nam, quật mộ tổ tiên Hoàng đế lên, khiến cho Hoàng đế Sùng Trinh tức ói máu. Có thể do đại Minh triều mệnh chưa cạn, Lão Cao Lương Cán Tử không có số ngồi đại điện, một lần cuồng phong nổi lên, cát bay đá nhảy, hai mắt do bị tổn thương quá lớn gần như bị mù, đưa tay ra không nhìn thấy bàn tay, khiến cho Cao Lương Cán Tử nếm mùi thất bại ở Quan Trung. Gã thu thập tàn binh bại tướng lui đến của điện, ra lệnh cho mấy chục ngàn nghĩa quân đào khoét cung điện bí ẩn, móc ra một Tần vương Đại bánh chưng*!"
*Đại bánh chưng: là chỉ thi thể người trên đó có đồ chôn theo
4
Nghĩa quân vơ vét sạch trân bảo chôn theo, lại phỏng hỏa đốt núi, lửa cháy chừng ba ngày, sau không có một ngọn cỏ nào lên nổi, khắp nơi đều là gạch bể ngói nát. Lão Cao Lương Cán Tử lấy được bảo vật, vô cùng thỏa mãn cho là có thể đợi thời cơ lại dấy binh khởi nghĩa, không thể ngờ những thủ lĩnh dưới trướng hắn vì chia của không đều, giết hại lẫn nhau để tranh của. Quan quân nhân cơ hội này hợp vây bốn phía, hai bên ở khe núi huyết chiến một trận tới đen đục cả dòng nước, Lão Cao Lương Cán Tử trúng tên bị bắt, giải vào kinh thành, bị xử lăng trì vô cùng thê thảm.
Tôi nói: "Cũng khó trách, gã kia chỉ biết tạo phản chứ chưa từng ăn qua chén cơm đổ đấu, hắn không hiểu đường đi nước bước, trộm mộ lấy bảo vật không thể giống với mở kho phát lương, thấy kỳ trân dị bảo táng theo, cha con anh em cũng còn trở mặt với nhau, huống chi tay chân của hắn toàn là người nghèo không còn đường sống mới giết quan tạo phản, có được kỳ trân dị bảo rồi ai còn muốn chém giết quan quân làm gì?"
Răng Vàng giục Mã Lão Oa Tử mau nói tiếp: "Huyền cung của Tần vương thực sự đã trống rỗng sao? Không thể đào ra bảo vật nữa sao?"
Mã Lão Oa Tử nói: "Đâu chỉ huyền cung không còn bảo vật, ngay cả minh lầu, bảo thành trên núi cũng bị đốt sạch. Tòa điện lớn chính giữa kia từng được dựng bởi một trăm sáu mươi cây kim ti nam mộc- loại gỗ đặc biệt quý hiếm, quân phản loạn đánh tới đó, thiêu rụi quá nửa. Về sau, những cột không cháy hết cũng bị người ta mang đi bán lấy tiền, thực sự là chẳng còn lại gì."
Hồi đó kim ti nam mộc chỉ có rải rác ở nơi rừng già núi thẳm, những nơi sườn núi, hang vực hiểm trở hiếm có dấu vết con người, chủ yếu là nơi qua lại của mãnh thú và rắn độc, đặc biệt là những nơi đó có rất nhiều chướng khí ngăn trở, đốn hạ được vô cùng gian nan. Mang ra được một cây thì không biết có bao nhiêu người ngã chết. Chờ đến khi vượt sông được rồi, lại phải vận chuyển bằng đường thủy lên phía bắc, lại không biết bao nhiêu người làm mồi cho hà bá. Một lần vận chuyển kim ti nam mộc, tiền chuyên chở cũng phải tới ba ngàn năm trăm lượng bạc. Kim ti nam mộc nước lửa bất xâm, chôn hơn ngàn năm cũng không mục nát. Quân phản loạn nổi lửa đốt minh lầu bảo điện, kim ti nam mộc trên điện đốt không cháy hết. Sau này ngay cả xà nhà cột gỗ cũng bị người ta trộm hết.
Lúc đó loạn như vậy, đạo tặc nổi lên tứ phương, những kẻ xông vào cướp phá bảo vật không ai khác chính là dân nghèo làm thổ phỉ, một bữa no cũng chưa từng có, trong mắt chỉ có vàng bạc, nhìn thấy trân bảo rơi vào tay họ cũng không ai dám làm gì. Anh nhìn cửa điện vô cùng đói kém? Hạn hán triền miên, ba thước đất khô nẻ. Mặc dù cổ mộ rất nhiều, đào ra không ít trân bảo của các triều đại, nhưng cho tới nay chưa từng có ai ở đây phát tài. Có lẽ do đời trước không biết kiếm tiền, đến đời sau vẫn không có cơm ăn như thường. Như năm cuối triều Minh hồi đó, đồ trộm ra từ trong huyền cung của Tần vương, không ai dám mang bán ra bên ngoài, dân nghèo không thể có đồ tốt như vậy, mang ra ngoài chắc chắn bị bắt. Người nghèo lại không biết hàng tốt xấu, trân bảo rơi vào tay, bọn họ chỉ đành đập vỡ bán đồng nát đổi mấy đồng tiền lẻ. Ăn mày chỉ nghĩ tới bao gạo, bánh bột ngô, đồ tốt rơi vào tay những người này cũng vô dụng. Vì vậy mới nói vì sao mà bảo vật vô giá trong mộ từ lúc xuất thổ tới nay qua tay bao người, mãi sau này không ai rõ tung tích, mười cái thì có tám chín cái như vậy.
Răng Vàng nói: "Huyền cung của Tần vương lớn như vậy, trân bảo chôn theo nhất định không ít, có đồ vật gì khác thường không?"
Mã Lão Oa Tử nói: "Đương nhiên là có bảo vật, cho nên trước đây tương truyền rằng lúc cung điện bí ẩn của Tần vương mở ra, hàng ngàn hàng vạn quân xông vào, giơ cao đao thương, bó đuốc, tràn vào cung như nước thủy triều. Truyền thuyết nói rằng Tần vương lòng tham không đáy, xảo trá đa nghi. Quan quân khởi nghĩa tạo phản bị giết đa số là kẻ khốn khó liều mạng, ngoài ra cũng có nhiều cường đạo lâm tặc. Lão Cao Lương Cán Tử mang theo mấy thủ hạ lớn gan đục mở quan tài, đôi mắt tham lam nhìn chòng chọc vào vàng bạc bên trong. Dưới ánh lửa chiếu sáng, chỉ thấy Tần vương ngửa mặt lên trời, đầu đội mũ vàng, miệng ngậm minh châu, chân đeo giày da, người mặc áo quan, trên áo thêu hình núi sông, cây tùng, chim hạc, lưng đeo đai ngọc, ôm trường kiếm trong ngực, tay nắm đĩnh vàng, mặt đầy vẻ âm dương kỳ quái!"
Nói theo thổ ngữ địa phương, Mã Lão Oa Tử là kẻ miệng lưỡi giảo hoạt, nửa lít rượu cao lương uống xuống bụng liền văng nước miếng khoác lác, chém gió cứ như tận mắt hắn nhìn thấy vậy: "Trong quan tài, trên người Tần vương phủ một chiếc cẩm bào, xung quanh đầy bảo vật chôn theo. Quân phản loạn xông vào thấy Tần vương chẳng khác gì người sống, trên mặt đầy âm dương quái khí, còn tưởng rằng Tần vương đã biến thành hung thần, vô cùng kinh sợ, không ai dám tiến lên lấy bảo vật. Lão Cao Lương Cán Tử liền tiến lên, rút trường đao ra, dùng đầu đao khều cẩm bào trên người Tần vương ra. Không thể ngờ khi hắn vừa vén lên một cái, Tần vương bên dưới bỗng biến thành bộ xương khô, dọa Lão Cao Lương Cán Tử giật mình kinh hãi, cẩm bào tuột khỏi đầu đao rơi xuống, bộ xương khô lại biến trở lại thành mặt mũi như người sống, lúc đó hắn mới hiểu được. cẩm bào kia chính là bảo y!"
Ban đầu tôi nghe Mã Lão Oa Tử nói còn tạm nghe được, càng về sau quá nửa là chém gió, nói quàng nói xiên, vòng vo cố làm ra vẻ huyền bí, tôi cũng không muốn nghe hắn nói liên thiên nữa.
Mã Lão Oa Tử thấy chúng tôi không tin, không thể làm gì hơn đành nói rằng chuyện kỳ trân dị bảo trong cung Tần vương kia, tất cả đều là nghe được từ miệng đám Oa tử chăn dê truyền lại, qua mấy trăm năm, người đã chết hết từ lâu rồi, lời truyền miệng có thể cũng bị sai lệch đi nhiều rồi, không còn đúng tuyệt đối được nữa. Nói xong câu này, hắn vào phòng mang ra một cái bọc nhỏ cuốn năm ba lớp, mở từng lớp từng lớp ra, bên trong là một chiếc bát gốm lớn, lớp gốm mỏng, lớp men tráng dày, hoa văn xanh như nước, nổi lên hình một con rồng xanh đang giương nanh múa vuốt.
Hắn không để chúng tôi chạm vào, tôi sáp lại gần quan sát một hồi, trong bụng giật mình mấy cái, theo tiếng lóng mà nói, cái này gọi là "Quỷ kiếm nhi thanh" - Mặt quỷ xanh!
5
Răng Vàng tiến lại ngửi một cái, cảm thấy là đồ thật, không sai được, giá trị không nhỏ, hơn nữa đồ vẫn còn nguyên vẹn chưa bị sứt mẻ gì, hoa văn rồng xanh màu nước rất có giá.
Cái này thời xưa gọi là đồ sứ Quan Diêu, tới nay hầu hết đã không còn truyền lại, phần lớn đồ này là đào trộm từ trong cổ mộ. Thứ này là một trong năm món đồ cúng khi Hoàng thượng cúng tế thần linh tên gọi là chén rồng, màu sắc u ám, dân gian thường gọi là "Quỷ kiểm thanh", tương truyền rằng do bị chôn vùi lâu năm trong mộ nên chén có màu đó.
Tuyền Béo nói: "Mã Lão Oa Tử lão được lắm, không ngờ lão lại chân nhân bất lộ tướng như vậy! Thật là hay nha. Lão còn thứ gì khác nữa mau mang hết ra, ông đây sẽ trọng thưởng!"
Tôi hỏi Mã Lão Oa Tử: "Đây thực sự là vật chôn theo Tần vương sao? Lão muốn bao nhiêu tiền?"
Nói tới đoạn này, Mã Lão Oa Tử liền lựa lời phân trần, lão nói các người tới sớm không bằng tới đúng dịp, sau khi phản quân trộm cướp đồ xong liền hủy hoại huyền cung của Tần Vương, chúng còn đào một cái rãnh sâu trên núi, đến nay vẫn còn. Mấy ngày trước, có hai người bẫy dê đi vào, vấp phải nửa tảng đá ngã lộn nhào, vén cỏ dại ra nhìn thì thấy tảng đá kia chính là đầu tượng đá trấn mộ của ông Trọng. Theo truyền thuyết, ông Trọng là mãnh tướng thời cổ đại, vô cùng kiêu dũng, từ Tần Hán tới nay thường dùng tượng của ông ta để trấn mộ, có tượng trấn mộ cho dù không phải cũng được gọi là là tượng ông Trọng. Dân gian gọi là "Ngõa Gia".
Hai người đó nổi lòng tham định đào tượng đá của ông Trọng khiêng đi, không ngờ lúc dịch chuyển tượng đá phát hiện dưới chân ông Trọng có một khối đá, gạt ra nhìn xuống thì thấy một cửa hang đen thùi lùi. Một người to gan buộc dây vào lưng trèo xuống, lúc lên ôm theo cái chén lớn này. Hắn ta chỉ nói bên dưới rất sâu vẫn còn có đồ có thể nhặt, lại đeo túi gai, cầm bó đuốc đi xuống. Không ngờ lần này một đi không trở lại!
Không biết ở dưới đó gã đã gặp phải cái gì, sống không thấy người, chết không thấy xác. Hai người bẫy dê đó là hai anh em, người anh tên Mã Lẫm, người em là Mã Xuyên, cả hai đều là cô nhi được Mã Lão Oa Tử nhặt về. Mã Lẫm to gan vào động, Mã Xuyên đợi ở cửa hang, đợi nửa ngày mà vẫn chưa thấy lên, lại không dám xuống tìm, đành chạy về báo tin cho Mã Lão Oa Tử biết. Mã Lão Oa Tử chân đi còn không vững, lên núi rồi cũng không xuống được động. Có điều thấy chiếc chén rồng này trong lòng đã hiểu rõ, bên dưới chắc chắn có đồ!
Lão bảo Mã Xuyên: "Bịt kín cửa hang, ngàn vạn lần không được tiết lộ, nếu không Mã Lẫm có thể sẽ chết vô ích!". Lão nghĩ không thể tìm người ở Cửa Điện để làm ăn vụ này, thứ nhất là vì căn bản khó có người phù hợp, thứ hai là sợ lộ, một khi tin này truyền ra, một phần lão cũng chưa chắc đã được chia.
Mã Lão Oa Tử bảo chúng tôi cùng lão lên núi, tìm tới chỗ Mã Lẫm chui xuống rồi mất tích. Nếu như lấy được đồ thì đôi bên chia đều, lão cùng với Mã Xuyên một nửa, chúng tôi một nửa. Chỉ cần chúng tôi đồng ý đi, cho dù có đồ hay không, lão cũng sẽ nhượng lại "Quỷ kiểm thanh" cho chúng tôi, giá cả phải chăng, nếu không có đưa bao nhiêu tiền hắn cũng sẽ không bán.
Tôi định nói tôi không muốn đi, nhưng thằng béo và Răng Vàng không chịu, hai người họ khuyên sống khuyên chết, nói rằng dù sao cũng mất công đi một chuyến tới đây rồi, nếu không đi thì "Quỷ kiểm thanh" cũng không thu được, thành ra tốn công vô ích!
Mã Lão Oa tử kể khổ với tôi, lão nói con nuôi lão một thằng vì tham lam mà đi lượm bảo vật, bây giờ đã mất tích trong động, giờ trong nhà chỉ còn lão già cà nhắc này với thằng bé Mã Xuyên ngờ nghệch, không còn ai nương tựa. Gạo trong hũ không còn một hạt, túi chẳng có lấy một đồng, từ nay về sau làm sao mà sống. Giờ sự thực là chỉ còn trông cậy vào mấy món minh khí này thôi.
Tôi thử nhìn đánh giá con người lão, lão không đòi gà, không đòi vịt, ngan ngỗng. Lời nói, cử chỉ cũng không có vẻ gì là kẻ lừa bịp! Tôi vốn là người thích mềm không thích cứng, chịu không nổi khổ nhục kế, trước giờ thua thiệt cũng đều là vì vậy. Hơn nữa nếu tôi nói ra hai chữ "không đi", "Quỷ kiểm thanh" của Mã Lão Oa Tử chúng tôi cũng đừng mong có được. Có điều tôi cũng không lên tiếng, chỉ nhìn bằng ánh mắt coi như là đã đồng ý!
Sáng sớm hôm sau, Mã Lão Oa Tử cùng với Mã Xuyên nai nịt gọn gàng, mỗi người vác theo một khẩu súng săn, chuẩn bị dẫn chúng tôi lên núi. Tôi hỏi lão mang súng săn theo để làm gì? Lão nói: "Vùng đất Ngọc hoàng bảo điện này là đất phong thủy vượng, mấy trăm năm nước cây cối um tùm cổ thụ, muông thú có nhím, hồ ly, báo kim tiền, hươu nai... nhiều vô số, đến nay vẫn còn loài huyền dương - một loài dê quý. Huyền cung của Tần vương ở trên núi này, thế núi hiểm trở, lên xuống ít nhất cũng phải mất hai ngày, núi thẳm hang cùng, hiếm có dấu vết con người, nên cũng phải coi chừng Phệ Mao Sát nữa!"
Tôi nghĩ trong đầu: "Mã Lão Oa Tử này mang theo súng săn là mượn cớ để săn dê thôi, sao còn nói phải đối phó với hung sát nữa, lão chỉ hù dọa người hay là có dụng ý khác?"
Lúc ra cửa, chúng tôi vận thủy hỏa y, khoác áo da chuột, riêng tôi còn mang theo dù kim cương và móng lừa đen, cũng nai nịt gọn gàng, đeo túi đựng đèn pin, nến, dây thừng, móc câu và những vật cần mang theo trên lưng.
Trước khi vào núi, tôi nói với Răng Vàng và Tuyền Béo: "Quan Trung là địa bàn của thổ phỉ, giết người cướp của như cơm bữa, trên người chúng ta mang theo tiền, lên đỉnh núi cần phải cẩn thận đề phòng, cũng đừng đối địch với Mã Lão Oa Tử!"
Thằng Béo nói: "Súng bắn chim cũng chưa chắc đã bằng cây gậy nhóm lò, anh sợ hai tên oa tử chăn dê sao?"
Răng vàng nói: "Mã Lão Oa Tử tham thì tham thật nhưng không có lá gan lớn như vậy, hơn nữa nếu sau này hắn có định dở trò gì cũng không gạt được hỏa nhãn kim tinh của hai người các anh!"
Tuyền Béo nói: "Tôi chỉ lo không tìm được minh khí, anh có nghe Mã Lão Oa Tử nói không, lão nói Cửa Điện của bọn lão toàn là bảo vật, lời của lão mẹ nó đúng là như con nít đánh rắm, anh nhìn chỗ này xem, toàn là núi hoang chắc mẹ gì đã có bảo vật."
Tôi nói: "Có thể là do phản quân lúc đào hủy Tần vương huyền cung quá tàn nhẫn đã phá mất long mạch phong thủy của Cửa Điện, tình thế năm đó chúng ta cũng không thể biết."
Ba người thôi bàn luận, đi theo Mã Lão Oa Tử và Mã Xuyên dẫn đường phía trước, đào cửa điện đi vào, thẳng đường núi mà đi. Hướng tây bắc núi non hùng vĩ im lìm, chỉ có duy nhất một con đường tiến lên, khắp mọi nơi đều là cỏ mọc um tùm, nói là có chó sói, huyền dương, nhưng đi hơn nửa ngày cũng chẳng thấy dù chỉ là một con chim.
BẠN ĐANG ĐỌC
Ma thổi đèn - Cửu u tướng quân
Misterio / SuspensoNguồn Lachoncoc Tiếp tục câu chuyện của bộ 3 mô kim.