Quyển V - Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư

1K 12 0
                                    

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư

Quyển V

[1a]

Kỷ Thuộc Tuỳ Đường

Quý Hợi, [603], (Tuỳ Nhân Thọ năm thứ 2).158) Lưu Phương bắt được tướng cũ của Hậu Nam Đế, cho là gian ác, đều chém cả.

Ất Sửu, [605], (Tuỳ Dạng Đế Quảng, Đại Nghiệp năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, Lưu Phương mới dẹp yên nước ta, bầy tôi nhà Tuỳ có người nói nước Lâm Ấp có nhiều báu lạ. Vua Tuỳ bèn cho Phương làm Hoan Châu đạo hành quân tổng quản, đi kinh lược nước Lâm Ấp. Phương sai bọn thứ sử Khâm Châu là Nịnh Trường Chân đem quân bộ và quân kỵ hơn một vạn xuất phát từ Việt Thường (159). Phương thân dẫn bọn đại tướng quân Trương Tốn đem thủy quân xuất phát từ quận Tỷ Cảnh (huyện của nhà Hán, thuộc quận Nhật Nam; nhà Tuỳ đặt quận Tỷ Cảnh) (160). Tháng ấy quân đến cửa biển. Tháng 3, vua Lâm Ấp là Phạn [1b] Chí sai quân ra giữ nơi hiểm yếu, bị Lưu Phương đánh tan chạy. Quân của Phương qua sông Chà Lê. Quân Lâm Ấp cưỡi voi lớn từ bốn mặt kéo đến, quân của Phương đánh không lợi bèn đào nhiều hố nhỏ, phủ cỏ lên trên, cho quân khiêu chiến, đang đánh giả thua chạy. Quân Lâm Ấp đuổi theo, voi phần nhiều sụp hố ngã nhào, nhốn nháo kinh hãi, quân trở nên rối loạn. Phương cho dùng nỏ bắn voi, voi lùi chạy, xéo giẫm vào hàng trận. Phương nhân đó cho quân tinh nhuệ đuổi theo. Quân Lâm Ấp thua to, bị bắt, bị chém kể hàng vạn. Phương tiến quân đuổi theo, mấy trận đều được cả, qua phía nam cột đồng Mã Viện, đi tám ngày nữa đến quốc đô Lâm Ấp. Mùa hạ, tháng 4, Phạn Chí bỏ thành chạy ra biển. Phương vào thành lấy được 18 bộ thần chủ trong miếu đều đúc bằng vàng (tức là 18 đời vua), khắc đá ghi công rồi về. Binh sĩ thũng chân, mười phần chết đến bốn năm phần. Phương cũng bị ốm, chết dọc đường.

[2a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Lâm Ấp tự chuốc bại vong là có nguyên do. Từ khi Phạm Hồ Đạt đánh chiếm Nhật Nam, Cửu Chân, cướp phá Giao Châu, bị Đỗ Viện nhà Tấn đánh tan, mà không từng lấy đó làm răn. Năm nay cướp Cửu Chân, sang năm lại cướp Giao Châu. Đỗ Tuệ Độ lại đánh tan, giết hết quá nửa. Dương Mại lại cướp Cửu Đức, bị Đàn Hòa Chi nhà Tống đánh cho phải phục tội. Tuy có sai sứ vào cống nhưng vẫn cướp phá như cũ. Tông Xác và Hoà Chi đuổi dài, thắng được Lâm Ấp. Dương Mại may thoát khỏi miệng hùm, văng mình bỏ chạy. Từ đấy, biển Nam sóng lặng, tưởng chừng mãi mãi lấy đó làm răn. Nhưng Phạn Chí nối ngôi, lại ra cướp Nhật Nam, bị Phạm Tu đánh tan ở Cửu Đức, suốt cả đời Hậu Nam Đế không dám dòm ngó đất trung châu phía bắc [tức nước ta] nữa, mà nước họ cũng được giàu thịnh. Đến đây người Tuỳ tham của báu, cất quân đi đánh, giày xéo quốc [2b] đô, làm dơ bẩn cung điện, tuy gọi là quân tham bạo, nhưng bọn man di quấy nhiễu trung châu cũng có thể lấy làm răn.

Mậu Dần, [618], (Đường Cao Tổ Lý Uyên, Vũ Đức năm thứ 1). Mùa hạ, tháng 4, Thứ sử Khâm Châu là Nịnh Trường Chân đem đất Uất Lâm và Thủy An phụ theo Tiêu Tiển. Thái thú Hán Dương là Phùng Áng đem đất Thương Ngô, Cao Yếu, Châu Nhai, Phiên Ngung phụ theo Lâm Sĩ Hoằng. Tiển và Sĩ Hoằng đều sai người sang chiêu dụ Thái thú Giao Châu là Khâu Hòa, Hòa không theo. Tiển sai Trường Chân đem quân Lĩnh Nam đi đường biển đến đánh Hòa. Hòa muốn đón hàng, Tư pháp thư tá là Cao Sĩ Liêm bảo Hòa rằng: "Quân của Trường Chân tuy nhiều, nhưng quân cô từ xa đến, lương thực ít, tất không thể cầm giữ lâu, quân giỏi trong thành cũng đủ đương được, việc gì mới nghe hơi đã vội chịu theo người". Hòa nghe theo, lấy Sĩ Liêm làm [3a] Hành quân tư mã, đem các doanh thủy bộ đón đánh, phá tan quân [của Trường Chân]. Trường Chân chỉ chạy thoát một mình, quân lính bị bắt hết. Hòa lại đắp tử thành (tức thành nhỏ bên trong thành), chu vi 9 trăm bước để chống giữ. Đến khi nhà Tuỳ mất, Hòa hàng phục nhà Đường. Vua Đường sai Lý Đạo Hựu mang cờ tiết sang cho Hòa làm Giao Châu đại tổng quản (161), tước Đàm quốc công. Hòa sai Sĩ Liêm dâng biểu xin vào chầu. Vua Đường xuống chiếu sai quân đi đón (162). Năm này nhà Tuỳ mất.

Đại Việt Sử Ký Toàn ThưNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ