§3. Tính thái quá (exagération) và tính phiến diện (simplisme) của tình cảm đám đông
Tất cả các tình cảm tốt và xấu mà đám đông thể hiện ra có hai đặc điểm chính; chúng rất đơn giản và rất thái quá. Cũng như trong nhiều trường hợp khác, trong mối liên quan này, thành viên của đám đông sẽ trở nên gần với những sinh thể nguyên thủy. Ở đó không tồn tại các mức độ tình cảm, anh ta nhìn sự vật một cách thô thiển, và không hề biết đến các thang bậc chuyển tiếp. Sự thái quá của tình cảm càng trở nên mạnh mẽ bởi nó lan truyền rất nhanh do sự kích hoạt và lây nhiễm và do sự thán phục mà nó nhận được đã làm gia tăng một cách đáng kể mức độ căng thẳng của nó.
Tính phiến diện và thái quá của tình cảm đám đông đã bảo vệ nó tránh khỏi nghi ngờ và lưỡng lự. Giống như ở phụ nữ, nó lập tức có thể đi đến hết tầm của sự việc. Từ một sự việc rõ ràng là đáng nghi tức khắc trở thành điều chắc chắn không thể lay chuyển. Một mầm mống nhỏ của ác cảm và dè bỉu trong mình, là người độc lập nó sẽ cho qua, là thành viên của đám đông lập tức chúng lớn nhanh thành nỗi căm thù man dại.
Sự dữ dội trong tình cảm đám đông, được hợp lại đặc biệt từ những con người khác biệt, sẽ gia tăng mạnh mẽ bởi do thiếu vắng bất kỳ một sự chịu trách nhiệm nào. Việc chắc chắn không bị trừng phạt, là cái gia tăng với độ lớn của đám đông, và ý thức về bạo lực có ý nghĩa trong giây lát quyết định bởi đám đông, đã đem lại cho tất cả mọi người những tình cảm và hành động mà một người độc lập khó có thể có được. Hòa lẫn trong đám đông, những kẻ ngu muội, những kẻ vô học và ganh ghét đã mất đi cái cảm giác vô tích sự và bất lực của họ; thay thế vào đó là ý thức về một sức mạnh thô bạo, không bền bỉ nhưng cực kỳ mạnh mẽ.
Thật đáng buồn vì sự thái quá của những tình cảm xấu trong đám đông đã khơi dậy những tàn dư của bản năng, kế thừa từ người nguyên thủy, những cái mà một người độc lập và có trách nhiệm do lo sợ bị trừng phạt sẽ kìm nén lại. Điều này tự nó giải thích vì sao đám đông có xu hướng bạo loạn nghiêm trọng.
Nếu một khi đám đông được tác động một cách khéo léo, nó có thể rất anh dũng và sẵn sàng hy sinh. Mức độ của nó có khi còn cao hơn nhiều lần so với một cá nhân độc lập. Sắp tới chúng ta sẽ có dịp quay lại điểm này khi nghiên cứu về tính đạo đức của đám đông.
Do đám đông chỉ bị kích động bởi những cảm nhận thái quá, cho nên người diễn thuyết, nếu muốn lôi cuốn được họ phải sử dụng những cách diễn đạt mạnh mẽ. Những cái thường thấy ở một nhà diễn thuyết trong các cuộc hội họp của dân chúng là, phản đối ầm ĩ, quả quyết nọ kia, lặp đi lặp lại, nhưng tuyệt đối không bao giờ ông ta tự cho phép mình được nêu ra một bằng chứng nào.
Cũng chính sự thái quá trong tình cảm này là cái đám đông đòi hỏi ở những người anh hùng của họ. Những tính cách và đạo đức tuyệt vời của những người anh hùng phải luôn luôn được khuếch đại. Trong nhà hát, đám đông đòi hỏi người anh hùng của một bi kịch phải dũng cảm, khôn ngoan và đạo đức, những điều trong đời sống thực chẳng bao giờ có được như vậy.
Người ta có lý khi nói về cái vẻ ngoài đặc biệt của nghệ thuật sân khấu. Rõ ràng rằng nó tồn tại, nhưng các quy luật của nó chẳng hề có liên quan gì đến lý trí lành mạnh của con người và với logic học. Nghệ thuật nói trước đám đông, không có gì ghê gớm, nhưng đòi hỏi phải có một khả năng đặc biệt. Trong khi đọc một kịch bản nào đó người ta thường khó đánh giá đúng mức độ thành công của nó. Nhìn chung bản thân các giám đốc nhà hát đều rất không chắc chắn về sự thành công của vở kịch khi người ta đưa cho họ xem kịch bản, bởi để có thể đánh giá được, họ phải tự biến thành một đám đông. Nếu chúng ta có thể xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết, chúng ta còn có thể chỉ còn ra những ảnh hưởng quan trọng của chủng tộc một cách dễ dàng. Màn bi kịch làm say sưa một đám đông của một vùng nào đó, thường lại không thành công hoặc thành công rất hạn chế ở một vùng khác, bởi nó không đủ sức để lôi cuốn đám khán giả mới.