Những hình thức tôn giáo có trong tất cả các niềm tin của đám đông
Như chúng ta đã thấy, đám đông không hề suy nghĩ, họ tiếp nhận hoặc vứt bỏ các ý tưởng một cách nhanh chóng, không dung thứ tranh luận và mâu thuẫn. Đám đông bị tê liệt lý trí bởi những tác động vào nó và sau đó chúng làm cho nó chỉ muốn nhanh chóng chuyển qua hành động. Chúng tôi cũng đã chỉ ra rằng, đám đông dưới những tác động thích hợp sẵn sàng hy sinh cho một ý tưởng mà người ta đã làm cho nó tin vào. Chúng tôi cuối cùng cũng đã xác định rằng, đám đông chỉ biết đến những tình cảm quá khích và mãnh liệt. Ở họ sự yêu mến nhanh chóng trở thành sự tôn sùng, sự ác cảm vừa mới này sinh đã lập tức biến thành sự căm thù. Những đặc điểm chung này làm cho ta mường tượng ra được hình thức của các niềm tin của họ.
Việc nghiên cứu sâu các niềm tin của đám đông, không những trong thời đại các tôn giáo mà cả trong thời đại của các cuộc nổi dậy chính trị lớn, ví dụ như đã xảy ra trong thế kỷ vừa qua, cho thấy, các niềm tin đó luôn có những hình thức đặc biệt, không có gì có thể đúng hơn khi gọi chúng là những niềm tin mang tình cảm tôn giáo.
Những tình cảm này có những đặc trưng rất đơn giản: tôn sùng một đấng được cho là cao cả, khiếp sợ trước quyền lực bên trên, tuân thủ một cách mù quáng mệnh lệnh của quyền lực đó, không có khả năng đánh giá những giáo lý của nó, cố gắng truyền bá sâu rộng những giáo lý đó, có xu hướng coi tất cả những ai không chấp nhận giáo lý đó là kẻ thù. Những tình cảm như vậy có thể là dành cho một ông thánh vô hình nào đó, cho một hình tượng bằng đá, cho một anh hùng hoặc cho một ý tưởng chính trị - chừng nào nó thể hiện những đặc trưng như trên, thì nó luôn là những tình cảm kiểu tôn giáo. Cái siêu nhiên và cái phi thường là những cái luôn nhận thấy ở mọi nơi trong đó. Đám đông lúc này đội lốt một tín ngưỡng hoặc một lãnh tụ bách chiến bách thắng, làm cho họ say mê, với cùng một quyền lực huyền bí.
Không chỉ ai cầu nguyện trước Chúa mới là người sùng đạo, người sùng cũng là người mà ngay cả khi, bằng tất cả sức lực của trí tuệ, tất cả sức mạnh của ý chí, tất cả sự nóng bỏng của niềm tin chỉ để phục vụ cho một quyền lực hoặc một con người, với mục đích để cho nó trở thành kẻ dẫn lối mọi suy nghĩ và hành động của mình.
Tình cảm kiểu tôn giáo thường gắn liền với tính không khoan dung và sự cuồng tín. Nó không thể thiếu được ở tất cả những ai tưởng như mình đã nắm giữ được bí mật của hạnh phúc dưới trần gian và trên thiên đường. Hai tính chất đó tìm thấy ở trong tất cả các nhóm người họp lại với nhau khi họ tán dương một niềm tin nào đó. Người Jacobin trong những ngày kinh hoàng cũng là những người rất sùng đạo như những người công giáo ở tòa dị giáo, và sự điên loạn tàn bạo của họ cũng có cùng một nguồn gốc.
Những đức tin của đám đông mang tính chất của một sự tuân thủ mù quáng, một sự không khoan dung tàn bạo và một nhu cầu truyền bá gắn liền với thứ tình cảm kiểu tôn giáo, như vậy ta có thể nói rằng, tất cả những đức tin của họ có hình thức tôn giáo. Người anh hùng mà đám đông hân hoan chào đón, trong thực tế là đức chúa trời của họ. Napoleon là một người như vậy trong suốt mười lăm năm liền, chẳng có thánh thần nào lại có được một sự sùng bái nhiệt thành như vậy; và cũng chẳng có ai dễ dàng đưa họ vào chỗ chết đến như thế. Những anh hùng thần thánh và những thánh thần thiên chúa giáo không bao giờ thực hiện sự thống trị toàn diện lên các tâm hồn. (Chừa lại cái chết cho họ tự quyết định!)