Do đó ta biết phân biệt triết gia chính hiệu với triết gia giả hiệu. Và hiển nhiên, nếu có, người trên sẽ được đề cử làm vệ quốc. Hãy kể phẩm chất của triết lý chân thực: (1) hăng hái tìm hiểu hiện hữu thực sự; (2) căm ghét giả dối, say mê sự thật; (3) coi thường thú vui thể xác; (4) lãnh đạm với tiền bạc; (5) tâm hồn cao thượng, tư tưởng hào phóng; (6) công bình và hòa nhã; (7) nhận thức mau lẹ; (8) trí nhớ minh mẫn; (9) tính khí vui vẻ, ôn hòa, bình thường. Đến đây Adeimantus mới phản bác. Mặc dù không phủ nhận Socrates lý luận sắc bén, song Adeimantus vẫn thấy trong thực tế học viên tận tình theo đuổi triết học thường trở thành quái đản, vô dụng, nếu không hư hỏng hoàn toàn. Socrates đáp sự thật là vậy, nhưng trách cứ ai trước tình trạng như thế? Không phải triết học, mà tình trạng sa đọa của chính trị và chính khách đương thời. Cứ nhìn tình huống sự việc hiện thời đủ rõ, do ảnh hưởng thù địch từ nhiều phía, khuynh hướng triết lý chân thực có nguy cơ suy đồi; khi số người tỏ ra là triết gia chân chính bị lôi cuốn dứt bỏ không theo đuổi triết học, đám học viên tào lao, bất lực theo trường phái ngụy biện, lố bịch thay thế tức thì đẩy đưa triết học vào
vòng cãi lộn om sòm. Tiếp tục đường cũ, cương quyết không rời bỏ triết học, khước từ chính trị vì ghê tởm, nếu có thể tránh né hậu quả tai hại khi tiếp xúc với thế giới, số ít thản nhiên chấp nhận thực tế.
Làm thế nào sửa đổi tình trạng tệ hại như thế ?
Thành quốc phải điều hành việc nghiên cứu triết học, thành quốc phải chú ý học sinh theo đuổi triết học đúng nguyên tắc, và đúng tuổi đời. Đến đây hiển nhiên có thể hy vọng khi ta khẳng định muốn phát triển tốt đẹp thành quốc phải do triết gia cầm quyền điều khiển. Nếu sự việc kỳ vọng diễn ra, (tại sao lại không?) thành quốc lý tưởng thế nào cũng có thể thực hiện trên thế gian. Vì thế tóm lại ta có thể kết luận. Cơ chế vừa miêu tả là cơ chế tốt đẹp hơn hết, nếu có thể thực hiện; thực hiện khó khăn, song không phải không thể. Vậy suy ra rõ ràng triết gia chân thực là vệ quốc chân chính của thành quốc lý tưởng. Vì thế Socrates quay sang bàn vấn đề giáo dục vệ quốc. Trước đó ông có kể một số thử thách vệ quốc phải luyện tập, trước khi được trao quyền như pháp quan. Bây giờ ông tiếp tục nói ngoài việc đó ra, vệ quốc phải thụ huấn nhiều môn học, từ thấp lên cao, mức độ gia tăng dần dần, nhằm trắc nghiệm hơn nữa khả năng trí thức và đạo đức. Nhưng môn học cao hơn hết là thế nào? Cao hơn hết là tìm hiểu chân thiện, ai cũng mong muốn sở đắc, dẫu chẳng ai có thể giải thích rõ ràng bản chất. Vậy, vệ quốc phải nghiên cứu chân thiện phải không? Vì nếu không làm sao vệ quốc có thể thực thi bổn phận, hoàn thành nhiệm vụ?
Chân thiện là gì? Adeimantus hỏi. Socrates thú thực ông không thể trả lời dứt khoát. Ông chỉ có thể phô diễn khái niệm về cái đó bằng loại suy. Trong thế giới giác quan ta có mặt trời, con mắt, vật thể hữu hình. Tương ứng với những cái đó ta có trong thế giới lý tính chân thiện, căn nguyên, hình trạng hay nguyên mẫu vật thể hữu hình, hoặc theo cách nói của Socrates, ý niệm. Hoặc ta có thể miêu tả quan niệm tương tự chính xác hơn như thế này. Có hai thế giới: thế giới hữu hình nhận thức bằng con mắt; thế giới lý tính nhận thức bằng trí năng thuần túy. Mỗi thế giới gồm hai phần, bắt đầu từ không chắc chắn hơn hết tới chắc chắn hơn hết, mỗi phần gồm (A) trong thế giới hữu hình, (1) hình ảnh, tức bóng mờ, hình chiếu v.v...; (2) vật thể, tức vật dụng hữu hồn hoặc vô hồn; (B) trong thế giới lý tính, (1) tư duy lô-gíc, đạt được nhờ tiền đề giả định, từ đó suy ra kết luận, và sử dụng bằng cách miêu tả hạng hai của (A), tức hình thể; (2) nhận thức thuần túy, trong việc tìm hiểu không sử dụng vật thể hữu hình, chỉ sử dụng hình trạng cơ bản, trong đó giả thiết sử dụng như phương tiện để đạt tới nguyên lý tuyệt đối đầu tiên, từ đó suy ra kết luận chắc chắn. Tương ứng với bốn loại vừa kể ta có bốn trạng thái tâm linh, cũng lại bắt đầu từ không chắc chắn hơn hết đến chắc chắn hơn hết: (a) tưởng tượng, (b) tin tưởng, (c) tư duy lô-gíc, (d) nhận thức thuần túy.
BẠN ĐANG ĐỌC
Cộng Hòa - Republic
SachbücherPlato chính là triết học, triết học chính là Plato. Ông không vợ, không con nhưng tất cả các nhà tư tưởng của tất cả các dân tộc văn minh đều là hậu duệ của ông. Biết bao nhiêu con người vĩ đại Tự nhiên đang không ngừng sản sinh ra đều là môn đệ của...