TRẬN TRAFALGAR (21.10.1805)

19 0 0
                                    

I. BỐI CẢNH

Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Anh và Pháp phát triển ngày càng mạnh mẽ. ở Anh, ngành sản xuất dạ của các nhà máy tăng từ 75 nghìn tấm năm 1788 lên 490 nghìn tấm năm 1817; về sản xuất gang, nếu như năm 1702 nước Anh sản xuất được 18 nghìn tấn thì đến năm 1802 sản lượng gang của nước này đã đạt 250 nghìn tấn; về than đá, năm 1750, các mỏ than của Anh sản xuất được hơn 4 triệu tấn, đến năm 1795, sản lượng than đá đạt 10 triệu tấn. Bên cạnh đó, ở Pháp, vào cuối thế kỷ XVIII, sản lượng công nghiệp của nước này đã đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Năm 1789, ngành ngoại thương Pháp thu 1.826 triệu livre sản phẩm nông nghiệp và gần 525 triệu livre sản phẩm công nghiệp.

Sự phát triển kinh tế ấy thúc đẩy hai nước tham gia các cuộc chiến tranh giành giật thị trường của nhau.

Nếu như các cuộc chiến tranh ở ngoài châu Âu đã cho phía Anh thêm quyền kiểm soát ở nhiều vùng đất, hòn đảo thuộc Ấn Độ Dương, Bắc Mỹ và biển Caribbean thì các cuộc chiến ở châu Âu lại cho Pháp mở rộng quyền kiểm soát ở phần Tây của châu lục này, trong đó gồm cả các nước Tây Bắc Âu (Hà Lan, Bỉ và một phần nước Đức). Thực tế ấy không chỉ là sự nới rộng thị trường cho Pháp mà còn tạo cho họ những bàn đạp chiến lược để tiến đánh nước Anh. Hơn thế, phát huy thắng lợi đạt được, tháng 3 năm 1802, Pháp còn buộc Anh ký Hòa ước Amiens, theo đó, Anh phải trả cho Pháp và các đồng minh Pháp nhiều vùng đất mà họ chiếm được từ năm 1793 đến năm 1801.

Trong hoàn cảnh đó, cả Anh và Pháp đã ký Hòa ước Amiens, nhưng hai nước vẫn chủ trương tiếp tục chiến tranh. Nước Anh muốn chiến tranh để bảo vệ an ninh quốc gia của mình, đồng thời giành lại những thuộc địa đã mất; Pháp muốn tiến hành để tiêu diệt nước Anh và tiến tới bá chủ thế giới. Theo đuổi các ý đồ đó, ngày 16 tháng 5 năm 1803, Anh tuyên chiến với Pháp. Đáp lại, ngày 23 tháng 5 năm 1803, Napoléon tuyên bố cho quân đổ bộ qua eo biển Manche đánh chiếm nước Anh.

Trước khi tiến hành cuộc chiến chống nước Anh, Pháp tổ chức "Đại quân", đồng thời liên minh với Tây Ban Nha để sử dụng lực lượng hải quân hai nước chống Anh. Đáp lại, Anh lập tức cho hải quân phong tỏa các hải cảng của Pháp và Tây Ban Nha; đồng thời xúc tiến liên minh với các nước châu Âu chống Pháp. Do bị Anh phong tỏa các hải cảng nên việc tổ chức huấn luyện của quân đội Pháp gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc hợp quân giữa Pháp và Tây Ban Nha cũng bị đình trệ. Đến giữa năm 1805, một bộ phận hải quân hai nước mới liên kết thành hạm đội ở cảng Cádiz (Tây Ban Nha) do Đô đốc người Pháp Villeneuve chỉ huy (Pierre Charles Jean Baptiste Silvestre de Villeneuve). Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Anh cũng đã kịp thời thuyết phục được Nga và Áo đứng về phía mình để thành lập liên minh chống Pháp. Sau khi biết liên minh Anh - Pháp - Áo được thành lập, Pháp phải tạm gác ý định đánh chiếm nước Anh, thay vào đó, ngày 27 tháng 8, Napoléon điều "Đại quân" từ khu vực eo biển Manche đi về phía Nam, tiến đánh liên quân Nga - Áo. Để hỗ trợ cho mũi tiến quân này, ngày 28 tháng 9, Hạm đội liên hợp Pháp - Tây Ban Nha được lệnh rời cảng Cadiz tiến về Địa Trung Hải.

Việc Pháp chuyển hướng tấn công vào liên quân Áo - Nga chỉ tạm thời giúp nước Anh giải tỏa được mối đe dọa trước mắt, nhưng về lâu dài, Pháp vẫn là mối hiểm họa tiềm tàng đối với lợi ích và an ninh quốc gia của họ. Vì vậy, để loại bỏ mối hiểm họa ấy, nước Anh đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển quân đội và lực lượng hải quân nhằm đánh bại hải quân Pháp và đồng minh.

Những Trận Hải Chiến Nổi Tiếng Thế GiớiWhere stories live. Discover now