Lời giới thiệu
"Không lâu sau lần đầu gặp Warren Buffet vào năm 1991, tôi có hỏi về cuốn sách quản trị kinh doanh yêu thích nhất của ông. Không mất đến nửa giây suy nghĩ, ông trả lời: 'Đó là Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh của John Brooks, tôi sẽ gửi cho cậu cuốn của mình.'
Đến nay đã hơn hai mươi năm kể từ ngày Warren cho tôi mượn cuốn sách đó ‒ và hơn bốn mươi năm kể từ khi nó được xuất bản lần đầu tiên ‒ Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh vẫn là cuốn sách quản trị kinh doanh hay nhất mà tôi từng đọc." Bill Gates
Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh với 12 câu chuyện thú vị và không kém phần kịch tính về những sự kiện nổi tiếng tại Phố Wall này sẽ vén màn những âm mưu cũng như bộc lộ bản chất thất thường của thế giới tài chính. Xuyên suốt cuốn sách là những báo cáo chi tiết và sắc sảo của John Brooks, dù đó là sự kiện thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1962, thất bại của một công ty môi giới danh tiếng, hay nỗ lực táo bạo của các ngân hàng Mỹ nhằm cứu vãn đồng bảng Anh. Sau tất cả, những câu chuyện này vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự để giúp chúng ta nắm bắt được tính phức tạp của đời sống kinh doanh.
Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh thực sự là những phân tích tài chính sống động và xuất sắc nhất từ trước đến nay.
1BẬP BỀNH LÊN-XUỐNG
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN – một thước phim phiêu lưu dài tập chiếu ban ngày của giới thượng lưu – sẽ không phải là thị trường chứng khoán nếu không có những thăng trầm trong đó. Bất kỳ ai trên ngồi ghế lãnh đạo từng say mê truyền thuyết về Phố Wall hẳn đã nghe đoạn đối đáp mà người ta đồn là của J. P. Morgan1 (lớn) khi một người bạn ngây thơ của ông đã mạo muội hỏi nhân vật vĩ đại này về việc liệu thị trường sẽ diễn biến như thế nào. Morgan trả lời tỉnh queo: "Lên-xuống rồi lại xuống-lên!". Và còn nhiều những đặc thù đặc trưng khác. Bên cạnh những lợi thế và bất lợi kinh tế của những giao dịch chứng khoán – lợi thế: tạo ra một dòng chảy tự do về vốn để trang trải cho việc mở rộng sản xuất; bất lợi: tạo ra một con đường quá đỗi dễ dàng để cho những người cả tin, thiếu thận trọng và kém may mắn vuột mất đi số tiền của mình – sự phát triển những giao dịch này đã tạo ra một hệ thống hành vi xã hội, toàn diện với các tập quán, ngôn ngữ cùng những phản ứng có thể dự đoán được trước từng sự kiện cụ thể. Ngoạn mục nhất là ở tốc độ bung nở hết cỡ của hệ thống hành vi này sau sự kiện Sở giao dịch chứng khoán trọng yếu đầu tiên trên thế giới được thành lập năm 1611, trên một khoảng sân không mái che ở Amsterdam và mức độ mà hệ thống này duy trì (tất nhiên, cùng với những biến thể của nó) trên Sở giao dịch chứng khoán New York vào thập niên 1960. Chứng khoán Mỹ ngày nay là một tổ chức khổng lồ liên quan tới hàng triệu km đường dây điện báo riêng, các máy tính có thể đọc và sao chép niêm giám điện thoại thành phố Manhattan trong ba phút và hơn 20 triệu cổ đông, dường như đối lập hoàn toàn với cảnh tượng một nhúm người Hà Lan đội mưa cò kè mua bán với nhau hồi thế kỷ XVII. Nhưng những biểu hiện trên hiện trường thì vẫn giống nhau. Thật trùng hợp là sàn chứng khoán đầu tiên là một phòng thí nghiệm, nơi người ta khám phá ra những phản ứng mới của con người và Sở giao dịch chứng khoán New York cũng giống như vậy, một "ống nghiệm" xã hội học, muôn đời đóng góp vào quá trình tự giác ngộ về bản thân của loài người.