Nhà xác - 1942 - Bùi Hiển

162 1 0
                                    


Cuối khu nhà thương tỉnh ở góc rào phía tây có một ngôi nhà nhỏ. Cổng để mở ngày đêm, cửa há hoác cho nhìn thẳng vào trong. Trong nhà trơn trụi, không có gì, trừ một cái bệ hình chữ nhật nằm dọc chính giữa nền. Tường quét vôi vàng, ban đêm ánh đèn điện gây nên một bầu không khí hồng dịu như trong một tổ yêu đương của cặp vợ chồng mới.

Nhưng màu hồng dịu ấm cúng đó chỉ là một lời rủa độc, bởi giữa những bức tường, chất chứa một niềm lạnh lẽo bi ai, và lẩn quất hơi âm rùng rợn. Bởi nhà đó là nhà xác. Đó là nơi quàn của bao nhiêu thi thể tàn tật, đã bị bệnh não cấu xé, ray rứt từng miếng thịt hay cào đục cả bộ phổi lá gan, trạm nghỉ của những linh hồn vừa được giải thoát sau một cuộc dằn vặt đau đớn và nhiều khi dây dưa.

Xa trong kia là nhà điều trị bệnh hoa liễu. Nhà xác chiếm một góc biệt lập, nhưng cứ chiều chiều, bọn gái đĩ đang chữa bệnh lần ra đứng ngó nơi cổng hậu ngay cạnh đấy. áo cộc tay để lộ da thịt béo tròn, môi dày vẫn tô đỏ chót, họ đùa chọc khách qua đường và mua những thứ quà rẻ, khoai chuối, chè xanh. Người ta kể rằng đêm đêm họ thường trèo tường lẻn ra, bán dâm cho một số đàn ông nhiều thèm muốn hơn là nhiều xu.

Năm 193... lòng mang nhiều tuyệt vọng cay đắng, tôi thường lảng vảng chốn này. Bởi một hấp lực ma quái âm u, tôi ưa lui tới nhà xác, để được đắm trong không khí thân thuộc của sự chết, và nghe phảng phất hơi lạnh rợn tia từ những thân thể cóng đờ.

Xác chết phần nhiều vô thừa nhận. Tụ hội nơi đây, một lần cuối, những kẻ ăn mày ghẻ lở, mụ già lang thang cảnh sát bắt được nằm co quắp dưới sương khuya, đứa du đãng nhẩy tầu trốn vé bị đập đầu vỡ óc, thằng bé con chết đuối vớt ngoài sông đào đục ngầu chảy ven tỉnh. Cái chết với họ đã là một sự giải thoát. Trên mặt hom hem, nét mếu của đau đớn còn ghi lại. Đôi người giữ trên môi một cái cười gằn dữ tợn. Có kẻ trưng một bộ mặt dọa dẫm, miệng nhô cách khiêu khích. Phần nhiều trông thiểu não, với những chân tay que củi, những manh quần áo rách tươm để lộ ngực toàn những xương sườn.

Đôi khi, sau một chuyến tầu tới, người ta khiêng vào một kẻ bị nạn, chân bị nghiền nát bét chỉ còn là một cục nhầy nhụa đỏ và trắng, sọ vỡ để thoát chất óc lèo nhèo.

Duy có một lần, tôi trông thấy trên bệ một khuôn mặt trẻ con bình tĩnh. Thằng bé nằm như ngủ, da mặt trắng trẻo, thon và khôi ngô. Nó mặc một cái áo dài đen, một cái quần khá trắng. Lông mi rất dài và rất đen tỏa bóng xuống mắt. Tôi lấy làm lạ vì không có kẻ thân nào túc trực cạnh nó. Cạnh bệ, thấy còn để một cái mũ, và một tay nải nhỏ màu nâu, đợi giờ thiêu hủy. Thằng bé là con nhà ai, và vì cơ sự nào đã rơi rụng chốn này? Mang tay nải lang thang, có phải nó đi tìm mẹ? Hay vì nó ở với một ông chú khắc nghiệt, nó đã bỏ ra đi?

Tôi đến gần, và bỗng giật mình. Một mắt của nó, mắt bên trái, hé mở lờ đờ nhìn tôi. Lúc nãy, vì đứng xa và ngang tầm đầu thằng bé, tôi không nhận thấy điều đó. Đột nhiên nhìn thấy con mắt mở, tôi tưởng như, cảm biết tôi đến gần, nó đã giương một con mắt chết để nhìn tôi. Con mắt nhìn tôi lặng lẽ, rất buồn rầu bởi bóng hàng mi dài và rậm. Người ta chỉ thấy một lát mỏng của con ngươi đen. Thằng bé nhìn tôi, môi cong ngây thơ hơi bìu bĩu. Trong chốc lát, tôi tưởng nó sẽ mở miệng nói với tôi những lời chắc hẳn buồn vô hạn. Con mắt độc nhất lờ đờ nhìn tôi.

Tuyển tập truyện quái dị của các nhà văn Việt Nam nổi tiếng Where stories live. Discover now