BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC HUẾ
----- -----
PGS.TS. LÊ VĂN THĂNG
GIÁO TRÌNH
KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG ĐẠI CƯƠNG
Huế, 03-2007
Chương 1. CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN
Khái niệm môi trường
1.1.1. Định nghĩa môi trường.
Thuật ngữ môi trường(MT) - Environment (Tiếng Anh), tiếng Hoa: Hoàn cảnh.
MT bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng
tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật (Điều 3, Luật
BVMT của VN, 2005).
· Định nghĩa 1: Theo nghĩa rộng nhất thì MT là tập hợp các điều kiện và
hiện tượng bên ngoài có ảnh hưởng tới một vật thể hoặc sự kiện.Bất cứ một
vật thể, một sự kiện nào cũng tồn tại và diễn biến trong một MT.
Theo Lê Văn Khoa,1995: Đối với cơ thể sống thì "Môi trường sống" là
tổng hợp những điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng tới đời sống và sự phát
triển của cơ thể.
· Định nghĩa 2: MT bao gồm tất cả những gì bao quanh sinh vật, tất cả các yếu
tố vô sinh và hữu sinh có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên sự sống, phát
triển và sinh sản của sinh vật (Hoàng Đức Nhuận, 2000).
Theo tác giả, MT có các thành phần chính tác động qua lại lẫn nhau:
- MT tự nhiên bao gồm nước, không khí, đất đai, ánh sáng và các sinh vật.
- MT kiến tạo gồm những cảnh quan được thay đổi do con người.
- MT không gian gồm những yếu tố về địa điểm, khoảng cách, mật độ,
phương hướng và sự thay đổi trong MT.
· Định nghĩa 3: MT là một phần của ngoại cảnh, bao gồm các hiện tượng và các
thực thể của tự nhiên,... mà ở đó, cá thể, quần thể, loài,... có quan hệ trực tiếp
hoặc gián tiếp bằng các phản ứng thích nghi của mình (Vũ Trung Tạng, 2000).
· Đối với con người, MT chứa đựng nội dung rộng. Theo định nghĩa của
UNESCO(1981) thì MT của con người bao gồm toàn bộ các hệ thống tự nhiên
và các hệ thống do con người tạo ra, những cái hữu hình(tập quán, niềm
tin...)trong đó con người sống và lao động, họ khai thác các TNTN và nhân
tạo nhằm thỏa mãn những nhu cầu của mình. Như vậy, MT sống đối với con
người không chỉ là nơi tồn tại, sinh trưởng và phát triển cho một thực thể sinh