PHẦN I - LÀM VIỆC ĐÚNG

151 0 0
                                    

MÙA HÈ NĂM 2004, siêu bão Charley quét từ vịnh Mexico qua Florida đến Đại Tây Dương. Cơn bão không chỉ làm 22 người chết và tổn thất 11 tỷ đô la mà còn gây ra một cuộc tranh luận về giá cắt cổ.

Một trạm xăng ở Orlando bán túi nước đá 2 đô la với giá 10 đô la. Do thiếu điện chạy tủ lạnh hay điều hòa vào giũa tháng tám, nhiều người chỉ còn cách móc hầu bao ra trả. Cây cối bị bão giật đổ dẫn đến nhu cầu cưa cây và sửa mái nhà tăng cao. Nhà thầu ra giá 23.000 đô la để dọn hai cây đổ ra khỏi mái nhà. Các cửa hàng bình thường bán máy phát điện nhỏ giá 250 đô la bây giờ hét giá 2.000 đô la. Một cụ bà bảy mươi bảy tuổi chạy bão với người chồng cao tuổi cùng cô con gái khuyết tật phải trả 160 đô la một đêm cho buồng trọ giá bình thường chỉ 40 đô la.

Nhiều người dân Florida đã tức giận vì giá tăng vọt. Tờ USA Today chạy tít "Kền kền sau bão". Một cư dân, khi được báo giá 10.500 đô la để dọn một cây sập xuống mái nhà của mình, đã cho rằng thật là sai trái khi ai đó "cố trục lợi trên khó khăn và đau khổ của người khác".

Chưởng lý bang Charlie Crist cũng đồng ý: "Tôi thật kinh ngạc vì mức độ tham lam trong suy nghĩ của những kẻ sẵn sàng lợi dụng những người đau khổ trong cơn siêu bão". Florida có luật chống giá cắt cổ và sau siêu bão, văn phòng chưởng lý bang nhận được hơn hai nghìn khiếu nại. Một số đã dẫn đến những vụ kiện thành công. Nhà trọ A Days Inn ở West Palm Beach đã phải trả 70.000 đô la tiền phạt và bồi thường cho việc tăng giá quá mức.

Nhưng ngay cả khi Crist bắt đầu thực thi luật chống giá cắt cổ, một số nhà kinh tế cho rằng pháp luật và sự phẫn nộ của công chúng đang bị hiểu sai. Thời Trung cổ, các nhà triết học và thần học tin rằng việc trao đổi hàng hóa phải được điều chỉnh bởi "giá chính đáng" - được xác định bởi truyền thống hoặc giá trị nội tại của đồ vật. Nhưng trong xã hội theo cơ chế thị trường, các nhà kinh tế thấy rằng giá cả được thiết lập bởi cung và cầu. Không tồn tại cái gọi là "giá chính đáng".

Nhà kinh tế trường phái thị trường tự do Thomas Sowell gọi giá cắt cổ là "một cách diễn tả mãnh liệt về cảm xúc nhưng vô nghĩa về mặt kinh tế, hầu hết các nhà kinh tế không quan tâm đến bởi vì nó có vẻ quá rắc rối khi dính vào". Trong bài báo đăng trên tờ Tampa Tribune, Sowell tìm cách giải thích "giá cắt cổ" giúp người dân Florida như thế nào. Ông viết "Giá cắt cổ là khi giá cao hơn nhiều so với mức giá mọi người quen thuộc". Tuy nhiên, mức giá mà bạn quen trả không phải là thứ bất di bất dịch về mặt đạo đức. Chúng cũng chẳng đặc biệt hay hợp lý hơn các mức giá khác do hoàn cảnh thị trường tạo ra, gồm cả hoàn cảnh của cơn bão này.

Sowell lập luận việc tăng giá nước đá, nước đóng chai, chi phí sửa chữa mái nhà, máy phát điện, và giá thuê phòng trọ đem lại lợi ích là hạn chế người tiêu dùng sử dụng những thứ đó và tăng động cơ để các nhà cung cấp từ những nơi xa xôi cung cấp hàng hp>óa và dịch vụ cần thiết nhất sau cơn bão. Nếu túi nước đá có giá 10 đô la khi dân Florida phải đối mặt với sự cố mất điện trong cái nắng tháng Tám thì các nhà sản xuất nước đá sẽ thấy thật bõ công sản xuất và vận chuyển thêm nước đá đến. Sowell giải thích mức giá này không bất công, đơn giản chúng chỉ phản ánh thỏa thuận giữa người mua và người bán về giá trị những thứ trao đổi.

Jeff Jacoby - nhà bình luận theo xu hướng kinh tế thị trường - sử dụng những lý lẽ tương tự chống lại luật giá cắt cổ khi viết trên tờ Boston Globe: "Không phải giá cắt cổ là mức giá thị trường phải gánh chịu. Chẳng có sự tham lam hay trắng trợn gì cả. Đó là cách phân bố hàng hóa và dịch vụ trong xã hội tự do". Jacoby thừa nhận rằng "giá leo thang gây ra căm giận, đặc biệt khi cuộc sống mọi người bỗng rơi vào tình trạng khốn quẫn do cơn bão khủng khiếp gây ra . Nhưng cơn giận dữ của công chúng chẳng thể biện minh cho việc can thiệp vào thị trường tự do. Bằng cách ưu đãi nhằm thúc đẩy các nhà cung cấp sản xuất thêm hàng hóa cần thiết, giá cắt cổ là "ưu nhiều hơn khuyết". Kết luận của ông là: "Chỉ trích các nhà cung cấp ["kền kền"] cũng không đẩy nhanh được tốc độ phục hồi của Florida. Hãy để tinh thần kinh doanh của họ làm điều đó".

Chưởng lý Crist (đảng viên Đảng Cộng hòa, sau được bầu làm thống đốc Florida) đã viết bài trên tờ Tampa bảo vệ luật chống giá cắt cổ: "Trong trường hợp khẩn cấp, chính quyền không thể lừng chừng để người dân phải trả giá trên trời khi họ phải bỏ của chạy lấy người hoặc tìm kiếm nhu yếu phẩm cho gia đình sau siêu bão". Crist bác bỏ quan điểm coi mức giá "táng tận lương tâm" phản ánh sự trao đổi thật sự tự do: "Đây chẳng phải thị trường tự do bình thường nơi người mua tự do lựa chọn tham gia thị trường và gặp gỡ người bán, khi giá cả được thỏa thuận dựa trên quan hệ cung cầu. Trong trường hợp khẩn cấp, người mua bị ép buộc, không có tự do. Họ bắt buộc phải mua những thứ thiết yếu như chỗ ở an toàn".

Cuộc tranh luận về giá cắt cổ phát sinh sau siêu bão Charley đặt ra câu hỏi khó về đạo đức và pháp luật: Việc cho phép người bán hàng hóa và dịch vụ lợi dụng hoàn cảnh thiên tai để đưa ra bất cứ mức giá nào mà thị trường chấp nhận có sai không? Nếu sai, luật pháp nên xử lý vấn đề này như thế nào? Liệu chính quyền có nên ngăn chặn tình trạng giá cắt cổ, ngay cả khi làm vậy là can thiệp vào sự tự do lựa chọn thương vụ của người mua và kẻ bán?

Phải trái đúng saiWhere stories live. Discover now