TỔNG QUAN VĂN HỌC HỒ XUÂN HƯƠNG - LỎNG THEN TẠO HÓA

113 2 0
                                    

Các hướng tiếp cận thơ Hồ Xuân Hương trong nghiên cứu văn hóa và văn chương

Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

HỒ XUÂN HƯƠNG

Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo của Việt Nam và, có lẽ, của cả thế giới. Độc đáo đến mức có lúc, có người coi đó là một lệ ngoại. Một hạt giống lạ do loài chim từ phương trời nào ngậm bay qua lỡ đánh rơi xuống mảnh đất này. Trước, cùng và cả sau người nữ sĩ ấy, dòng văn chương Việt hẳn khó còn một ai như thế?

Sức quyến rũ của Hồ Xuân Hương, tài chơi ngôn ngữ của bà chắc ai cũng phải thừa nhận. Nhưng để đi đến một đánh giá dứt khoát, chính danh, người ta thường ngập ngọng. Bởi ở đây, các nhà nghiên cứu, các vị thực khách thẩm mỹ gặp phải một song đề nan giải, một cục nghẹn "khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào". Đó là sự có mặt bất khả kháng của cái mà người ta gọi là dâm và tục trong thơ bà. Thứ câu đố do con quái Sphinx nghĩ ra để nát những ai muốn đi vào đền thơ Hồ Xuân Hương. Chiếc gương giếng hiện hình chân diện mục những người đến ghé soi.

Có người nói, vấn đề dâm tục trong thơ Hồ Xuân Hương, như trái đất, không là mới. Nhưng, có lẽ, cũng như trái đất, nó không bao giờ cũ, nhất là khi tìm ra vị trí quan sát mới. Được nhìn từ mặt trăng, hẳn trái đất sẽ hiện ra những mặt khuất bất ngờ. Vả chăng, biết nhìn mới một sự vật cũ, biết phục nguyên cái ban sơ, cái tinh khôi bị vầy vò bởi những thói quen nhàm chán của đầu óc, là nhiệm vụ của khoa học, và của nghệ thuật. Đến với Hồ Xuân Hương từ tín ngưỡng phồn thực chỉ là sự dò đường trong một chuyến hành hương vào vô định. Bởi vậy, người viết không coi cách tiếp cận này là duy nhất đúng, hoặc tiếng nói cuối cùng. Đó chỉ là một giả thuyết khoa học và những mộng mơ nghệ thuật. Có thể, trong ánh chiếu này, Hồ Xuân Hương sẽ hiện ra như một "người xa lạ", nhưng bên cạnh cái gương mặt lạ lẫm ấy vẫn đồng hiện những mặt đã trở nên quen thuộc của bà.

Thanh hay tục? – Một câu hỏi lớn...

Thơ Hồ Xuân Hương có một hệ thống hình ảnh hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp nói đến sinh thực khí nam nữ, hành động tính giao, những bộ phận gợi dục trên thân thể phụ nữ như miếng trầu hôi, cai quạt, đồng tiền hoẻn, bánh trôi, ốc nhồi, quả mít, giếng nước, động, hang, khe, hẻm, đánh đu, dệt cửi, tát nước, đánh trống, quyệt trầu, móc kẽ rêu, thả nạ ròng ròng... Những hình ảnh đó đan cài vào nhau, dệt thành một lớp nghĩa thứ hai cho mỗi bài thơ và toàn bộ thi phẩm. Người ta gọi dó là nghĩa ngầm (theo kiểu nghịch ngầm) để đối lập với lớp nghĩa thứ nhất, nghĩa phô, nghĩa do nhan đề mỗi bài thơ mách bảo. Ý thức xã hội chính thống thời Hồ Xuân Hương (và có lẽ của các thời sau này nữa) coi việc giữa ban ngày ban mặt nhắc gợi đến những "chuyện kín"; chuyện ban đêm như vậy là vi phạm các "cấm kỵ" xã hội, là nhảm, là dâm, là tục.

Truy tìm thời điểm gốc xuất hiện chữ dâm chữ tục ở ta là điều bất khả. Nhưng, từ xa xưa, con người không có ý niệm này với sự ngậm nghĩa ngày nay chúng ta hiểu. Bằng chứng là những hóa thạch trong ngôn ngữ dân gian, trong một số phong tục tập quan, thường bị các bậc thức giả coi là hủ tục, còn tồn tại đến gần đây. Chả thế mà giữa chốn đình trung điếm sở, người nhà quê cứ thản nhiên gọi nhau là anh cu, chị đĩ, bác bòi, cái hĩm... Có thể, từ khi xã hội phân tầng, nhất là từ khi Khổng giáo xâm nhập vào Việt Nam và được tôn lên làm ý thức hệ chính thống, các từ dâm, tục mới xuất hiện. Nào là đố tục giảng thanh; nào là mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm (Kiều)... Tục, nhất là dâm, trở thành một cấm kỵ.

Thơ Hồ Xuân HươngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ