Thính Đồng đứng trước tôi, đương nhiên là cô không hiểu lòng tôi có biết bao thắc mắc, cô chỉ tươi cười ...
Đột nhiên ngay lúc ấy, nụ cười cô ngưng lại và gương mặt chợt hiện vẻ bối rối.
Tôi quay người nhìn lại, thấy hai phụ nữ xinh đẹp cùng cô dâu Truyền Ngọc Thư đang đi lại. Gương mặt cô Truyền trắng muốt, tươi tắn, chiếc áo cưới dài lê trên đất, cổ đeo xâu chuỗi lim cương có miếng ngọc hồng, biểu hiện đầy đủ vẻ giàu sang phú quý.
Tôi nhanh nhảu lên tiếng:
- Chúc mừng, chúc mừng, chúc cô cùng tân lang trăm năm hạnh phúc, chung lòng nhau đến đầu bạc răng long.
- Cảm ơn! - Truyền Ngọc Thư nở nụ cười thật động lòng người. Hôm nay, cô rực rỡ như mặt trời vừa rơi xuống. Nghe nói chàng rể là tiến sĩ đại học Ngưu Tân, nghiên cứu về văn học nước Anh, kẻ giàu có mộ văn chương kết hợp với người như vậy ắt thêm phần hiển hách! Tôi biết rõ điều đó.
Một người đứng bên Ngọc Thư nói:
- Nhất định là chung nhau đến bạc đầu rồi! Vợ chồng danh chánh ngôn thuận mà! Những lời chúc tốt lành của bà con, bạn bè sẽ mang lại nhiều phúc đức, giúp họ vượt qua tất cả.
Nói rất đúng.
Truyền Ngọc thư nói với tôi:
- Mọi người phải biết nhau chứ? Xin giới thiệu, đây là phu nhân nghị viện Thi Gia Ký! ....
Tôi tức thì kinh hoảng muốn té quỵ xuống, cốc rượu trên tay run rẩy tràn ra ... Tôi nhìn lên thấy mình bị choáng.
Khi định thần lại tôi càng bối rối. Tôi không biết về người phụ nữ đi bên cạnh cô dâu - họ làm tăng thêm uy thế và vẻ đẹp của Ngọc Thư! Trong nhất thời, bốn người đàn bà cùng nhìn nhau.
Phu nhân Thi Gia Ký, tình nhân Thi Gia Ký, bạn gái của tình nhân Thi Gia Ký và một người khác, có thể là bạn gái của phu nhân Thi Gia Ký!
Tôi cảm thấy như gặp phải kẻ địch quá hùng hậu, tôi mở to mắt nhìn bà Thi ...
Và kẻ địch cười lảnh lót, nói:
- Bà Vương một mình dự tiệc cưới à? Ông Vương đâu?
Hai người đó là bạn, người này nói người kia phụ họa:
- Vương Cẩm Xương là thân tín của ông Truyền, coi như nửa chủ vậy! Cho nên ...
- Bà Vương sao tách rời ông Vương? Ngày nay có được một người đàn ông giỏi phải theo sát gìn giữ đấy!
Tôi đưa mắt nhìn Thính Đồng, mặt cô trắng bệch ra, chẳng chút phản ứng; rõ ràng là cô không thể nào thoát ra khỏi cảnh nguy nan ấy.
Kẻ kia lại chẳng buông tha:
- Thời thế trở lại những năm năm mươi, khi đó nhiều phụ nữ đã cam tâm làm lẽ.
Trong đầu tôi chợt lóe ánh sáng, tôi liền đáp:
- Đúng vậy! Trong thiên hạ có kẻ tình người nguyện, có đề phòng cũng không xong, có đi theo sát để giữ cũng vô ích, phải vậy không?
Nói xong câu ấy tôi đột nhiên cảm thấy mình chuyển bại thành thắng và thật là dễ chịu, vừa đưa mắt nhìn đôi hổ cái đang nhe nanh múa vuốt cười vui.
Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi mới biết thế nào là nửa cân tám lạng.
Bà Thi Gia Ký và người bạn trong tức khắc uy phong giảm hẳn, họ bối rối, chỉ nói:
- Chúng ta là đàn bà, phải cảm thương nhau!
Tôi chẳng nghĩ ngợi, đáp:
- Căn bản là sự phải trái của đàn bà chúng ta chứ có hại gì nào? Hai vị có biết cô Mạnh Thính Đồng đây không? Là bạn của tôi đấy!
Họ chào nhau, hai người kia thấy khó xử nên bỏ đi.
Thính Đồng yên lặng nhìn tôi, đoạn khẽ cuối đầu xuống nói nhỏ:
Cám ơn chị!
Tôi vỗ vai cô, nói:
- Chúng ta không phải là bạn bè, là chị em sao?
Đêm ấy lòng tôi sinh chút tự hào. Nhớ lại cách xử sự của mình cũng khá hay! Dù sao thì cũng là kẻ đã qua đại học, chẳng qua là ít giao thiệp với bên ngoài xã hội, chỉ cần chịu khó luyện tập là có hy vọng!
Trên đường về, mấy lần định kể lại Cẩm Xương nghe, nhưng nghĩ lại, tôi lại thôi.
Huống chi, muốn nói là đã chiến thắng vợ của họ Thi - chưa chắc!
Ngay giữa đám đông người, can đảm phát ngôn dối trá thì có thể thấy là ý không tốt rồi; ấy cũng chỉ vì đối phương xem thường, nếu không, đối phương bẻ lại ắt đuối lý. Không phải sao? Lời lẽ chống chỏi nhau thì còn có thể đỡ được, một mai đao thương quyết liệt thì bất cứ thế nào, pháp luật cũng bênh vực người có tư thế! Lúc ấy thì làm sao rửa sạch hết tai tiếng!
Thính Đồng là người danh vọng, làm sao chịu được điều ấy?
Thi Gia Ký dù có ba đầu sáu tay cũng phải chịu thôi!
Tôi thật sự không biết gã nghị viện kia giở trò gì.
Kể ra, mỗi người đều có chí của riêng mình!
Trước mọi người, tôi đã nói cùng thân phận giống nhau, thực ra tôi đã bênh vực Thính Đồng mà nói ngược lại lương tâm mình.
Nhưng nơi đám đông, tôi phải bảo vệ Thính Đồng, đấy là trách nhiệm, và tôi thực lòng làm vậy. Cẩm Xương thường nói với tôi qua lại với Thính Đồng là muốn trèo cao. Anh ấy nói sai! Tôi muốn thơm lây phải liên minh kết đảng để nhận lấy những khổ nạn này nọ. Sự thành bại vui buồn của Thính Đồng tôi đều đồng cảm. Mười ngón tay còn có ngón dài ngón ngắn thì trên đời có gì là trọn vẹn?
Ai bảo thời gian không qua mau như tên bắn?
Chớp mắt, chúng tôi đã đến lúc làm thủ tục di dân sang Canada.
Cẩm Xương đã lo liệu việc ra nước ngoài, vì chúng tôi không có người thân bên ấy nên Cẩm Xương ủy thác luật sư chuyển 25 vạn đồng tiền Canada vào ngân hàng nước ngoài.
Người phụ trách công việc có gương mặt dễ chịu, ông chỉ hỏi Cẩm Xương vài câu đơn giản, như hỏi chừng nào khởi hành, bao giờ nghỉ việc ở công ty.
Cẩm Xương nói:
- Hy vọng đến tháng 8 là đi được để con gái tôi kịp khóa học.
Đoạn ông quay sang hỏi tôi:
- Bà Vương đã đến Vancouver rồi sao?
Tôi gật đầu:
- Năm trước có sang ấy.
- Bà thấy thế nào?
- Rất tốt!
- Nếu định cư lâu dài, bà thích ứng chứ?
- Không hề gì, cuộc sống ở Hương Cảng của tôi cũng đơn giản, chỉ là giặt giũ cơm nước, lo cho chồng con.
Không ngờ những lời nói thật của tôi khiến viên chức di dân gật đầu liên tục.
Ông lại hỏi đến Bái Bái. Con bé thật xuất sắc, mới nói được vài câu đã hứng chí biến khách thành chủ, nó quay qua hỏi về sinh hoạt đại học ở Canada và muốn mau chóng nhập học vào nơi đó.
Ông ta nói:
- Canada rất hoan nghênh những thanh niên như Bái Bái:
có lòng tin, có sức sống, mạnh mẽ thích ứng sẽ dễ hòa nhập với hoàn cảnh. Mọi người có thể tích cực tiếp thu và học tập cách sống và văn hóa của chúng tôi. Người Hương Cảng rất linh hoạt, chỉ cần chuẩn bị tâm lý là mọi việc sẽ dễ như trở bàn tay.
Cuộc phỏng vấn đã xong, lúc đứng lên tiễn chúng tôi, ông xoa đầu Bái Bái, nói:
- Hy vọng sẽ có ngày gặp lại cháu ở Canada!
Thật là đơn giản, chúng tôi phải chuẩn bị để sớm lên đường.
Mọi việc từ trên xuống dưới, tôi phải thu xếp, lo liệu đến nhức cả đầu.
Nội cái việc phục vụ cho đứa con gái yêu quý cũng đã khó khăn rồi. Con bé phải qua kỳ thi. Dù sắp sửa đi thì thành tích học tập ở đây thế nào cũng không sao, nhưng Cẩm Xương không muốn nó lơi lỏng, sợ khi ra xứ người bị ảnh hưởng, do đó nên lòng hưng phấn xuất dương của nó tạm thời giảm xuống.
"Dặn dò" của bà cụ là phải mua sắm đầy đủ đồ dùng, quần áo cho con bé.
Hành lý phải gửi đi trước. Cẩm Xương dặn chỉ mang theo y phục và đồ dùng cần thiết, các đồ còn lại sẽ mang sau, do đó, chỉ một rương lớn là đủ. Hành lý sẽ ký gửi cho công ty vận chuyển. Người phụ trách phía công ty rất dễ chịu. Ông nói:
- Được rồi, khi nào bà thu xếp xong, cứ gọi điện thoại đến, lúc ấy chúng tôi mới báo giá tiền được.
Tôi ngồi trong phòng khách. Trước mắt là đồ đạc bày la liệt, thật ngán ngẩm.
Người nội trợ trong gia đình phải chịu trăm ngàn khó khăn - thật chẳng biết phải nói thế nào. Nếu than khổ, ắt người nghe sẽ réo ầm lên:
- Cô cho là khó khăn, vậy người lập sự nghiệp lớn ngoài xã hội gặp hiểm nghèo chắc là tận thế mất!
Nói vậy thật hợp tình hợp lý, nhưng tôi không có ý so sánh với người, người ta là phú quý vinh hoa, tôi mỗi tháng chỉ có hai vạn đồng chi dùng. Sự khó khăn của họ, tôi không biết được. Tôi chỉ biết cuộc sống của tôi chậm rãi, bình thường, vụn vằn và phiền muộn mà họ không sao hiểu được. Nỗi khổ của tôi khác hẳn nỗi khổ của người khác và nó không đáng phải gọi là gian khổ.
Như giờ đây, thời gian còn hai tháng, nhà cửa rộn ràng, Bái Bái đi học về thì lăn ra ngủ, Cẩm Xương đi làm về thì mặt mày nhăn nhó, còn mẹ tôi - ngày nào bà cũng biến mất, đối với việc định cư nước ngoài bà tỏ ra tiêu cực, tóm lại là bà không quan tâm nên chẳng chút lo lắng - chỉ còn có tôi là một thân chống đỡ.
Cũng không thể trách mẹ tôi, vì cùng lúc, Cẩm Xương chưa thể đưa bà đi theo, bà chỉ là người thân thứ yếu, phải khi nào chúng tôi ở yên xong mới làm thủ tục rước bà sang ở cùng. Còn bà thì bảo:
- Đi hay không thì nó cũng chẳng dính dáng gì đến bệnh thấp khớp của mẹ!
Bà không chịu giúp tôi, tôi biết lòng bà rất chua xót, khó chịu.
Điện thoại reo, tôi đứng lên ngó quanh tìm điện thoại.
- A lô! - Tôi thấy mình rất mệt mỏi.
- À! Uất Văn đó hả? - Ra là Cẩm Xương.
- Xin lỗi. Cẩm Xương, phòng khách rất lộn xộn, em phải tìm một lúc mới thấy điện thoại.
- Em thu xếp dọn dẹp chắc mệt lắm?
Tôi chẳng biết nói gì. Cởi mở hay kinh ngạc?
- Uất Văn, em còn đó không?
- Vâng, còn, còn, em nghe anh đấy!
- Em mệt lắm, tối nay khỏi làm cơm, em tắm xong đến Trung Hoàn đón anh, chúng ta cùng đi ăn tối.
- Bái Bái thi cử! Sao đi được?
- Cho nó ăn mì!
- Vậy ...
- Mau lên. Năm giờ đấy. Trung Hoàn hay kẹt xe lắm! Anh sẽ mua thức ăn về cho Bái Bái là xong chứ gì!
Đây quả là tin vui trong đời sống của tôi! Tôi không nhớ, hình như rất lâu rồi tôi và Cẩm Xương không cùng sóng đôi đi ăn với nhau!
Tôi vui như con chim nhỏ bay cao. Phải sửa soạn - một niềm vui quá đỗi.
Hôm nay là ngày của tôi; còn Bái Bái, cũng sẽ dễ dàng nói với nó.
Tôi tắm rửa, chải tóc, trang điểm qua loa. Tôi có hai bộ đồ để thay đổi, mặc vào, đứng trước gương ngắm lại không thấy vừa ý. Từ bé đến lớn, tôi và Uất Chân đều có thân hình khác nhau. Uất Chân mảnh mai hơn, cân đối hơn; còn tôi sau khi lấy chồng, sinh con, người hơi béo ra.
Nhìn đồng hồ thấy sắp đến 5 giờ, tôi vội cầm lấy ví ra khỏi nhà.
Cẩm Xương lên xe, cười khen tôi:
- Em thật đúng giờ. Em muốn ăn gì?
- Tùy theo anh!
- Còn sớm, chúng ta hãy đến Thiển Thủy Loan uống trà, sau đó đến quán Nhật Bản ăn cá tươi!
Cái đầu thật không vừa! Tôi nhìn vào mắt Cẩm Xương cố tìm cho ra chút dấu tích nào, nhịn không được tôi bật cười.
- Em cười gì?
- Cẩm Xương, anh có nghe nói, khi chồng bỗng đâm ra ân cần chăm sóc thì đừng có vui, vì nhất định là anh ta có nhân tình đấy!
Cẩm Xương nhìn tôi chẳng chút biến sắc nhưng có vẻ ngượng nghịu:
- Uất Văn, em nói thực lòng xem, từ hồi lấy nhau tới giờ, em có thấy anh đối xử không tốt với em không?
- Thôi, anh đừng có nghe em nói bừa đấy! Vợ chồng mình già rồi sao không tin nhau chứ?
- Vậy là tốt! Anh rất yên tâm! Anh nói thực, ở vào cái thời loạn này, nội cái việc lo cho gia đình đã cuống quít cả lên, có gã đàn ông nào còn tâm còn sức đâu mà đi ngoại tình.
Tôi chợt nghĩ, chẳng biết vụ Thi Gia Ký và Mạnh Thính Đồng phải giải quyết thế nào?
Cẩm Xương đương nhiên là chẳng biết chuyện, tôi tuyệt không kể cho anh nghe. Tuy tôi không từng trải nhưng cũng biết ít nhiều quy luật của cuộc đời.
Tôi đã tự dối lòng để che chở ẩn tình của người - điều ấy thực không đúng.
Đối với tình bạn Mạnh Thính Đồng, tôi phải chiếu cố đến cô ấy. Nhưng với người thân như chồng, tôi cũng chẳng nên nhắc đến.
Nhớ đến Thính Đồng, lòng tôi lại không yên; tôi nhớ đã lâu không gặp Uất Chân, lại chẳng hề bận tâm - thật là lạ!
- Uất Văn! Em có nghe anh nói không? Anh nói thật lòng đấy.
Tôi gật đầu. Cẩm Xương ít chuyện trò với tôi nhiều như vậy, nghe được tiếng nói của anh, tôi thấy dễ chịu và muốn nghe anh nói!
- Mấy năm nay, công chuyện qua bận rộn đến nỗi không có thì giờ bày tỏ tình cảm trong gia đình. Thật là đáng thẹn!
- Anh nói gì vậy? - Tôi bật cười. - Em đâu có như Bái Bái làm nũng làm nịu!
Cẩm Xương nắm tay tôi, thành khẩn nói:
- Uất Văn, anh biết em là người rõ ràng, minh bạch, sau này cần em lo liệu, trách nhiệm em thật nặng nề.
Tôi yên lặng, lòng đột nhiên bối rối, như lo lắng sắp có việc gì. Cảm giác ấy thực ra không mới mẻ gì; trên bàn ăn với mẹ của Cẩm Xương, nghe bà nói trời nói đất là tôi có cảm giác đó, bởi vì bà sẽ đột ngột đi thẳng vào vấn đề chính khiến người ta rất khó chịu. Hơn 10 năm làm dâu nhà họ Vương, tôi biết cơn mưa bão sắp đổ ập xuống.
Nhưng Cẩm Xương thì chưa hề như vậy.
Nếu anh có nói ra, thì đây là lần đầu.
Nhưng tôi không lo, hai vợ chồng có thể bàn bạc mà!
- Uất Văn, kế hoạch của công ty Vĩnh Thành tháng này lại phát triển mạnh lên, ông Truyền trịnh trọng giữ anh lại. Ông ấy thực tình cho biết là hoàn cảnh Hương Cảng rất bất thường, nhưng về phía Đông Nam Á lại rất phát đạt, không thể bỏ qua cơ hội này!
- Vậy chúng ta không đi định cư nước ngoài sao?
- Không, phải tích cốc phòng cơ mới hợp tình hợp lý, muốn cả nhà lớn bé đều an toàn phải mua bảo hiểm chứ! Phòng khi định cư nước ngoài có khó khăn gì còn trở tay kịp. Anh nghĩ, em và Bái Bái đi Canada ổn định cuộc sống trước, anh sẽ ở lại Hương Cảng hai ba năm nữa, sau sẽ đoàn tụ.
Cả người tôi toát mồ hôi, hương trà xông lên, lòng tôi buồn rã rượi.
- Uất Văn, đây là một thời đại lớn lao, không thể coi thường được.
Tôi mạnh mẽ thật không ngờ, đáp:
- Không nhất thiết phải nghiêm trọng như thế!
- Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
- Cẩn thận là được, đừng lo sợ viển vông quá.
- Giọng của em căng thẳng quá đấy.
- Lại chẳng có bàn bạc.
- Cái gì?
- Bởi vì?
- Bởi vì ...
- Bởi vì em sợ anh ở Hương Cảng một mình sẽ tư tình yêu đương, rượu chè trai gái.
Tôi không đáp. Chính xác là tôi không muốn xa lìa chồng.
Đôi mắt tôi đã ươn ướt.
Cẩm Xương hạ giọng, vẻ hậm hực:
- Ai bảo chúng ta sinh ra chẳng nhằm thời. Phải biết bao gian nan mới có ngày hôm nay, bao phen cực khổ mới sắp xếp ổn định cho vợ con, đối với người đàn bà có kiến thức, nói cho em biết sự nghiệp, gia đình mà lòng em lại như vậy đấy!
Bị chụp mũ, đầu tôi nhức nhối muốn nổ tung ra.
Uống trà ở Thiển Thủy Loan, cảnh sắc như vậy đấy.
Tôi cười khổ não, ý tưởng được hưởng cảnh đẹp thi vị lúc đầu biến mất.
Cả hai yên lặng lúc lâu, Cẩm Xương nói:
- Ở đây ăn gì xong hãy về, kiếm chỗ khác đỗ xe ăn tối.
Thực ra ăn hay không đâu thành vấn đề. Mình đâu còn trẻ con, đâu thể bực tức trút tháo ra cơn giận dữ, chỉ đành xách ví đi theo anh ta.
Ẩn ức đầy ắp lòng nhưng tôi lại không dám công khai bày tỏ, tôi là người đàn bà vô dụng; đi ra bên ngoài thế giới, dưới ánh mặt trời này sợ chỉ trong một ngày một buổi là đi đứt! Ngoại trừ phải giữ lấy Cẩm Xương, và nỗi sợ hãi lướt qua trong đầu tôi, thật khó mà diễn tả.
Xe đi trên đường. Cẩm Xương chẳng nói một lời nào. Khi nào buồn bực, anh ta ngậm miệng đến năm ba ngày, khi nào lòng dạ cởi mở mới thôi. Tôi tin cuộc xung đột lúc nãy sẽ khiến anh yên lặng đến nữa tháng!
Trong mọi bàn bạc, tranh luận, tôi luôn là kẻ đầu hàng. Nay nếu tôi đầu hàng tất phải gánh lấy biết bao khổ nạn? Tôi thật không dám nghĩ đến.
Xe đến cổng, tôi chợt nhớ ra, liền nói với Cẩm Xương:
- Quên mua thức ăn tối cho Bái Bái, anh vào nhà trước đi.
Cẩm Xương mặt lạnh như đồng, chẳng nói một lời, ra khỏi xe.
Chiến tranh lạnh đã bắt đầu thì có gì để nói?
Tôi có vì mình quá không? Hơn 10 năm nay, Cẩm Xương làm lụng nuôi gia đình, đến hôm nay, việc sắp sửa thành thì tôi lại không có can đảm vì anh mà cố gắng sống riêng mình, xa anh. Không, không ... không thể nào vậy được.
Trước mắt tôi, một khoảng mơ hồ, đột nhiên, thấy bóng người ẩn hiện, tôi liền máy móc đạp thắng, bên tai nghe tiếng còi rú vang, tôi hốt hoảng trấn tĩnh lại, chỉ thấy chiếc xe chạy vụt qua, gương mặt cô gái trên xe tức tối buông mấy câu mắng tôi.
Trời đất! Mắt tôi đã hoa lên rồi ...
Tôi đậu xe bên nhà, như thể chuyến đi đã kéo dài nữa thế kỷ.
Chợt nghe tiếng gọi:
- Uất Văn!
Đêm nay là đêm gì? Vận rủi vẫn chưa buông tôi sao?
Chỉ thấy một người lảo đảo ngã vào tôi, có tiếng ụa mửa và tôi cứ để cho cô ta mửa tháo lên người tôi, lên sàn nhà.
Mặt mày Thính Đồng trắng bệch như một xác chết.
- Thính Đồng, cô sao vậy?
Thính Đồng giữ chặt tôi, miệng lải nhải:
- Đừng để ý gì đến tôi! Chị cứ để mặc tôi!
Rõ ràng là say rượu. Cha mẹ Thính Đồng không còn, anh chị em cũng không, một thân một mình, một người bạn rất thân của tôi, gần đây cô mới có thêm người thân là họ Thi kia!
Trong lòng vừa xảy ra cơn hốt hoảng, tôi liền dìu Thính Đồng vào phòng của mẹ tôi, đặt cô lên giường ngủ. Đoạn lấy khăn nóng đắp lên trán, thay y phục của tôi cho cô - loay hoay cũng cả buổi mới thấy Thính Đồng ngủ yên.
Tôi ngồi ngay đầu giường thở dài.
Rốt cục lại xảy ra chuyện như vầy.
Có phải kết quả đã báo trước.
Tôi không sao đứng lên, xương cốt mỏi nhừ, người như bị xẻ làm hai đoạn.
Tôi quay trở về phòng ngủ, đẩy cửa vào, Cẩm Xương đang ngồi trên giường, vừa hút thuốc vừa xem Ti vi. Tôi suy nghĩ, nói:
- Cẩm Xương ... Thính Đồng có việc, đã đến nhà mình, cô ấy sẽ nghĩ lại qua đêm!
Cẩm Xương chẳng chút phản ứng, anh chỉ khẽ liếc xéo qua tôi.
Tôi lặng lẽ quay ra.
Chợt có người vỗ mạnh sau vai tôi:
- Gì đấy? - Tôi nhận ra, liền tức giận gằn giọng. - Bái Bái đừng đùa mẹ lúc này đấy.
- Hambuger của con đâu?
Trời! Hamburger? Nhớ lại lúc nãy bị Thính Đồng ói mửa vào người tôi, vào cả chiếc bánh mua cho con bé, tôi đã cất vào góc nhà xe rồi.
- Bái Bái, con vào bếp xem có gì ăn đỡ đêm nay đi!
- Con hỏi mẹ, hamburger của con đâu?
- Vất đi rồi!
- Vất đi? Mẹ làm gì vậy? Chuyện ăn mặc của con đều do một tay mấy người, nói năng chẳng giữ lời gì cả.
Tôi tức giận đến chẳng vung tay tát nó vì bên tai tôi ù cả lên, tay chân đều bủn rủn.
- Bái Bái, con vừa thôi chứ, chẳng còn lễ phép gì cả. - Tôi cố gắng nói.
- Ừ! Tại vì con mất dạy!
Tôi giận đến đầu đâm ra nhức nhối, nước mắt sắp trào ra. Tay tôi đưa lên thì có người giữ lại:
- Em điên rồi! - Cẩm Xương buông tay tôi ra. - Em có tức tối gì cũng đừng trút lên người con bé, nếu thế này thì em có muốn đưa Bái Bái đi Canada thì anh cũng chẳng yên tâm.
Nước mắt tôi chảy dài, cả người như rơi vào hố băng lạnh lẽo và tức thì lạnh cóng, chẳng còn chút tri giác. Sự tức giận khiến tôi đờ đẫn ngay lúc ấy.
Tôi đứng yên, đưa mắt nhìn Cẩm Xương nắm tay Bái Bái ra cổng.
Tôi nghe Cẩm Xương nói:
- Hai bố con mình đi ăn tối!
Trong phòng khách chỉ còn lại mình tôi, nếu như mọi người trên đời này đều bỏ tôi thì chẳng biết tôi sẽ thế nào đây.
Quá nửa đời người, đây là lần đầu đụng phải sự việc, tôi mới xem xét một cách nghiêm túc và thê lương vô cùng!
Tôi đứng yên, suy nghĩ, đứng yên và suy nghĩ ...
Đột nhiên một ý nghĩ lóe lên, tôi phải gọi điện ẹ tôi, xem bà có thể ngủ tạm một đêm nhà Uất Chân, xem tình hình này chắc Thính Đồng phải nghĩ lại đây rồi. Nhà tôi có ba phòng ngủ, thường thì hai bà cháu ở chung phòng, nhưng Bái Bái đang kỳ thi nên nó cần ở riêng để học bài.
Tôi mỉm cười thảm não. Nghĩ sống một đời tất tôi sẽ biết đáp án cụ thể của đời mình, vậy bất luận thế giới có thay đổi thế nào, hễ còn sống một ngày ắt cũng phải tận tâm tận lực ứng phó. Bước lên sàn diễn chiến đấu thì thế nào cũng phải chiến đấu.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Hoàn - SE]Mây Gió Đổi Thay - Lương Phụng Nghi
RomanceĐưa tay đẩy đôi cánh cửa gỗ tếch, trước mắt tôi hiện ra phòng chủ tịch xí nghiệp Đoàn Thị. Tôi thong thả đi vào, cứ để yên cửa mở phía sau lưng.