3 - TRUNG THU

8 1 0
                                    

Trung Thu lại đến.

Là ngày Tết thiếu nhi, nhưng cái đứa già đầu như tôi lại không khỏi xao xuyến. Trong các dịp lễ cổ truyền, tôi vẫn thích nhất là Trung Thu. Không có kì nghỉ dài ngày với quần áo mới xúng xính và phong bao lì xì như Tết Nguyên Đán, cũng chẳng đa dạng về bánh kẹo bỏng bộp như ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân, nhưng Trung Thu có tối rước đèn nhong nhong ngoài ngõ với lũ trẻ con hàng xóm, và có bánh nướng hình con lợn.

Đêm rước đèn lúc nào cũng là vui nhất.

Trước đó cả tuần, đứa trẻ con nào cũng phải năn nỉ xin bố mẹ mua bằng được những loại lồng đèn đẹp nhất, xịn nhất để có dịp 'ra oai' với bạn. Là đứa bé ngây thơ không chính kiến, tất nhiên tôi cũng lăn đùng ra ăn vạ mà đòi mẹ mua cho đèn lồng chạy bằng pin nhấp nháy với tiếng nhạc ì xèo cho 'bằng bạn bằng bè'.
Nhưng rút kinh nghiệm từ một lần chiều con và ngay sau đó chiếc đèn nhựa đắt tiền bị tôi vứt xó, chụp đèn, tay cầm và pin, mỗi thứ văng tung tóe một nơi, mẹ nhất quyết chỉ mua cho tôi đèn lồng truyền thống.

Tôi nhớ nhất cái lần mẹ chở tôi đi học về, trong lúc chờ đèn đỏ, tôi nhìn thấy một chiếc đèn Trung Quốc bằng nhựa màu trắng, có hình chị Hằng Nga và các tiên nữ đang bay, lại còn tua rua màu đỏ. Tôi thích lằm, giãy nảy lên đòi mẹ mua. Mẹ không đồng ý, tôi bèn tính cách ăn vạ giữa đường. Nhưng chưa kịp ngoác miệng ra gào khóc, thì mẹ tôi đã lên tiếng hỏi người bán hàng giá tiền chiếc đèn. Ai bảo trẻ con không biết tiếc tiền? Bởi vì ngay sau khi nghe cô bán hàng 'hét' giá cái đèn tới hai trăm nghìn đồng, cái đứa đã chuẩn bị sẵn hơi sức và nước mắt để giật đùng đùng lên sau yên xe máy của mẹ, là tôi đây, lập tức câm nín, ngoan ngoãn ngồi im tới tận khi về nhà. Thậm chí về sau này, tôi chẳng bao giờ đòi mẹ mua lồng đèn chạy pin cho tôi nữa.

Không phải tôi là đứa con mẫu mực trong truyền thuyết biết thương bố mẹ từ bé đâu. Mà chỉ vì mẹ từng bảo với tôi cái...xe máy của mẹ cũng có giá hai trăm nghìn đồng. Trẻ con thì trẻ con, vẫn hiểu cả nhà có mỗi một cái xe máy thì phải đáng giá lắm chứ. Tôi cứ tưởng là mình thông minh, không ngờ mẹ tôi lại cao tay đến thế.

Nhưng đèn lồng giấy kính truyền thống cũng nhanh chóng làm tôi quên đi cái nỗi buồn con trẻ về chiếc đèn chạy pin có nhạc. Tôi không thích đèn ông sao hay đèn con thỏ, chỉ thích đèn cù. Vì nó xoay. Đi học về là tôi đã cặm cụi ngồi đốt nến rồi cứ thế cầm đèn phi từ trong nhà ra ngoài nhà. Dĩ nhiên là sẽ tới lúc cây nến đổ, làm cháy nham nhở một mảng đèn, và tôi thì khóc lóc ầm ĩ nhưng không thể làm gì ngoài việc sụt sịt vác cây đèn cháy dở đi rước đèn cùng tụi trong ngõ, cảm thấy 'xấu hổ' và 'tủi thân' ghê lắm.

Nhà tôi ở trong một ngõ nhỏ bên rìa Hà Nội. Ngõ rất hẹp, thành ra trẻ con muốn rước đèn tự động phải xếp hàng một. Cả hội con nít lố nhố đứa cao đứa thấp, đứa nào cũng trong tay một chiếc đèn đủ hình đủ dạng, kèm thêm mũ mão mặt nạ. Ngày đó phim Hoàn Châu Cách Cách đang hot, bọn tôi còn phải cố gắng kiếm thêm cái mũ 'Hàm Hương công chúa' hay 'Ngũ A Ka' mà đội. 'Phụ kiện' đầy đủ rồi, chúng tôi ngay ngắn nối đuôi nhau đi từ đầu ngõ tới cuối ngõ, vừa đi vừa hát "Tùng dinh dinh..." Những cái bóng lắc lư đủ màu in trên tường ngõ chật hẹp, và tiếng hát trẻ con lạc tông lạc điệu, tới giờ tôi vẫn còn nhớ rõ.

Hồi ấy, khu vực xung quanh nhà tôi còn chưa phát triển, phía cuối ngõ là nguyên một chiếc ao lớn và cả cánh đồng cỏ mênh mông. Ngày thường chúng tôi vẫn trốn người lớn ra đó bắt chuồn chuồn, kim kim, châu chấu. Ngày Trung Thu thì lại càng chắc chắn sẽ lẻn ra đó rước đèn.

Buổi tối mùa thu Hà Nội trong veo, se mát. Trăng sáng vằng vặc in bóng xuống mặt ao tím ngắt. Lũ trẻ con tung tăng tay cầm chặt chiếc đèn lồng. Chẳng còn hàng ngũ, cũng chẳng có hát hò inh ỏi gì nữa, chúng tôi mỗi đứa một phách 'chạy loạn' trên đồng cỏ. Chuồn chuồn, châu chấu bị chúng tôi quấy nhiễu bay rào rào khắp nơi. Ánh sáng xanh đỏ từ những chiếc đèn lập lòe trên cánh đồng như những con đom đóm 'cuồng cẳng' lâu lắm mới được 'xổ lồng', cứ lượn tứ tung không theo chút thứ tự, quy củ nào. Gió heo may dịu dàng trên tóc, trên cổ, luồn cả vào lưng áo đẫm mồ hôi của những đứa trẻ ham chơi.

Dĩ nhiên 'tự do' hiếm hoi để 'hòa mình vào với thiên nhiên' ấy của tụi tôi chỉ kéo dài trong phút chốc. Vì người lớn sẽ lập tức phát hiện ra sự biến mất của những ánh đèn trong ngõ và tới tận nơi réo gọi từng đứa bắt đi về nhà. Bố mẹ lo chúng tôi sẽ sảy chân rơi xuống ao, nhưng ngày bé thì chỉ thấy tiếc và ấm ức không để đâu cho hết.

Chừng chín mười giờ, là lúc cả nhà tôi trải chiếu trên sân thượng ngắm trăng. Ngày ấy chưa có mốt lắp mái tôn với lồng sắt vây kín như hầu hết các nhà ở Hà Nội bây giờ, thì mảnh sân thượng khi ấy chỉ là một cái sân chơi vơi giữa trời. Nằm xuống chiếu, nhắm mắt lại sẽ là bầu trời cao vời vợi, là trăng tròn vành vạnh như lòng đỏ trứng gà muối trong nhân chiếc bánh nướng nhân thập cẩm truyền thống. Bố mẹ ngồi uống trà, ăn bánh. Trong khi tôi chạy qua lại với chiếc giỏ tí hon, bên trong là bánh nướng hình con lợn. Ăn thì chẳng ngon lành gì nhưng niềm vui con trẻ giản đơn thì khi nào cũng tràn đầy.

Năm tháng cứ thế trôi đi. Quá trình đô thị hóa cuối cùng cũng lan tới cái ngõ nhỏ bên rìa Hà Nội, người ta san phẳng cánh đồng cỏ, lấp băng chiếc ao phía cuối ngõ, chôn vùi luôn cả ánh đèn màu lung linh soi bóng xuống mặt ao trong kí ức tuổi thơ tôi dưới hàng tấn đất, xi măng và những tòa nhà cao tầng. Cuộc sống thay đổi làm tôi kín mít với các lịch học thêm, học nếm, tôi và lũ trẻ con trong ngõ không còn giao du với nhau nhiều, cũng chẳng còn thời gian mà thưởng trà ngắm trăng trên sân thượng cùng bố mẹ nữa.

Trung Thu cũng vì thế mà nhạt dần đi.

Càng lớn lên, người ta càng muốn quay trở lại những năm tháng bé dại. Để nhận ra thời thơ ấu sẽ chẳng một lần có thể quay về được nữa. Nhưng cũng vì thế mà sẽ mãi mãi đóng băng trong tâm tưởng, như một mảnh kí ức được lồng trong khung kính, mà mỗi khi nhớ lại vẫn khiến người ta không khỏi bồi hồi.

Cái đẹp, chỉ mãi đẹp nếu nó ngắn ngủi như thế mà thôi.

HÀ NỘI - ĂN VÀ NHỚNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ