150 NGÀY TRƯỚC KHI HÀNH HÌNH

238 3 0
                                    

6 GIỜ TỐI

Màn đêm vừa mới chớm buông, hắn cũng chưa hẳn đã gọi là già. Có điều không gian thì thấm đượm sự ngọt ngào trong hắn thì cáu bẳn. Cái cáu bẳn đó người ta có thể thấy từ xa vì nó sưng xỉa trên khuôn mặt hắn. Cái cáu bẳn đó là một trong những trạng thái giận dữ bị kìm nén, bị dồn ép trong khi nó vẫn không ngừng rộp lên từng giờ. Cái cáu bẳn đó cũng là một điều đáng xấu hổ vì nó lạc điệu hoàn toàn với những gì đang diễn ra xung quanh. Nó như một vết rách trên bức tranh phong cảnh.

Tối đó là một tối tháng năm, giờ đó là giờ tụ tập. Vào giờ này đến nửa dân số ở thành phố này, miễn là dưới ba mươi tuổi, đều đã chải chuốt đầu tóc, nạp thêm tiền vào ví rồi tất tả ngược xuôi để đến kịp chỗ hẹn. Nửa dân số còn lại, cũng dưới ba mươi tuổi, đã trang điểm xong, không quên khoác thêm lên người một cái gì đó đặc biệt, rồi cũng nhanh chóng đến chỗ hẹn. Nhìn đi đâu hay chỗ nào thì ta cũng thấy hai nửa thành phố này đang tìm tới nhau. Ở mọi góc phố, trong các nhà hàng hay quán bar, bên ngoài hiệu thuốc, bên trong sảnh khách sạn, bên dưới biển hiệu các cửa hàng nữ trang, hay ở bất kỳ chỗ nào mà các cặp đôi chưa bị cặp đôi nào khác chiếm mất. Và ta có thể nghe thấy những câu thoại cũ rích đã được dùng từ xửa từ xưa như, "Giờ em mới đến được, anh đợi lâu chưa?" hay "Em trông đẹp lắm. Mình đi đâu nhỉ?"

Hôm đó là một buổi tối như vậy. Bầu trời phía tây tô một chút ráng đỏ, như thể mặt trời cũng đang hối hả cuộc hẹn của chính mình, và trước khi đi còn kịp cài lại hai ngôi sao lấp lánh như kim cương trên tấm áo choàng buổi tối.

Biển hiệu đèn nê-ông trên phố bắt đầu nháy mắt làm duyên với những vị khách qua đường, những chiếc taxi bấm còi gọi khách, tất cả mọi người đều đang tập trung đi tới nơi dành cho mình. Không gian lúc này không chỉ là không khí, mà nó có mùi vị sâm-panh, phảng phất hương nước hoa, rõ rệt đến nỗi nếu khách qua đường không biết cách tránh thì chắc chắn nó sẽ xộc thẳng vào khứu giác, thậm chí là trái tim của họ.

Hắn cứ đi như thế, đẩy cái bộ mặt sưng xỉa ra phía trước, làm xấu cả một khung cảnh trữ tình. Người ta khó tránh đưa mắt nhìn theo khi hắn bước qua, trong lòng tự hỏi nguyên nhân gì mà ra nông nỗi, mà khiến hắn có cái thái độ khó ưa nổi đó. Chẳng phải là do sức khỏe rồi. Ai mà đi theo kịp nhịp bước của hắn thì mặt cũng phải đỏ lựng cho xem. Cũng chẳng thể là do hoàn cảnh kinh tế. Quần áo hắn mang trên người rõ ràng là hàng đắt tiền, không phải là đồ giả hay đồ nhái. Cũng không phải là do hắn đã có tuổi. Nếu ai đó nói ra con số ba mươi về tuổi của hắn thì đó hẳn là số tháng chứ không phải năm. Hắn sẽ trông sáng sủa gấp đôi nếu hắn cho những bộ phận trên mặt một cơ hội không bị làm nhăn nhúm. Người ta có thể dễ dàng thấy được cơ sở cho nhận định đó tại những vùng da phía bên ngoài, xa tâm điểm của sự cau có.

Hắn cứ thế sải bước, đeo trên mặt cái vẻ hậm hực không giải tỏa được, hai mép trễ xuống khiến viền môi trở thành một nửa hình ê-líp, như một cái móng ngựa dính vào phía dưới mũi. Chiếc áo choàng hắn khoác trên tay nảy lên nảy xuống theo mỗi nhịp bước. Hắn có đội mũ, nhưng chiếc mũ lại bị ngả quá đà ra phía gáy, vết lõm trên thân mũ cũng lại không đúng chỗ, chắc hắn đã tiện tay bóp mà cũng không buồn chỉnh lại. Lý do duy nhất, có lẽ vậy, khiến đôi giày của hắn không tóe lửa trên vỉa hè là vì có lót bằng đế cao su.

Người Đàn Bà Trong Đêm - Cornell Woolrich - Trang An dịchNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ