NGIHÊN CỨU DI SẢN GIA ĐÌNH
(CÂU CHUYỆN BÀ KATY VÀ CỤ THÂN SINH)
Bà Katy năm mươi tuổi, nội trợ, đứa con út của bà vừa mới rời khỏi nhà để vào đại học. Cụ thân sinh bà bảy mươi tuổi, một giáo viên hưu trí, góa vợ đã mười năm, sức khỏe tương đối kém. Bà gọi điện cho tôi vì nghe nói tôi là một "chuyên gia về cơn giận". Suốt cuộc điện đàm đầu tiên đó, bà kể lại cho tôi một nếp sống đã khiến bà phát khùng suốt gần mười năm qua.
– "Ba tôi có một vấn đề lớn", bà giải thích bằng một giọng không che giấu nỗi thất vọng. "Ông cụ đòi hỏi tôi quá mức, đặc biệt từ khi cụ không còn lái xe được vì mắt yếu. Tôi phải thường xuyên chở ba tôi đi mua hàng hoặc tới những chỗ hẹn. Cụ cứ bắt tôi làm việc này việc nọ, rồi trách móc là tôi làm không đúng cách. Có nhiều việc ba tôi tự làm lấy được, nhưng cụ cứ đòi tôi giúp như một đứa trẻ! Có khi cụ gọi điện cho tôi tới hai ba lần trong một ngày. Nếu tôi mà trả lời "không", thì cụ liền tỏ thái độ hờn dỗi vùng vằng, khiến cho tôi cảm thấy mình có lỗi quá. Thực tình là tôi thấy mình giống như bị cột cổ lôi đi vậy!".
Lần đầu tiên khi tôi gặp bà để hỏi cho sáng tỏ vấn đề, tôi lại nghe kể gần như cũ:
– Bà thấy vấn đề của bà ra sao?
– Vấn đề là ba tôi không chịu thấy rằng tôi còn cuộc sống riêng của tôi. Ông cụ đòi hỏi tôi lúc nào cũng phải sẵn sàng túc trực bên ông cụ. Từ ngày má tôi mất, ba tôi cứ dùng tôi để lấp bớt sự cô đơn trống trải.
– Bà đã nói với ông cụ về vấn đề này thế nào?
– Tôi đã có nói: xin ba hiểu cho là con còn cuộc sống riêng của con nữa, ba đã đòi hỏi ở con quá nhiều! Tôi cũng xin ba tôi đừng làm cho tôi cảm thấy có lỗi, khi tôi không thể ở suốt bên ba. Tôi khuyên ba tôi nên gặp gỡ tiếp xúc thêm những người khác, đừng chỉ trông cậy mỗi một mình tôi như thế.
Ông cụ trả lời ra sao?
– Cụ nổi giận. Có khi cụ ngồi lặng thinh một hồi lâu, không thèm nói một tiếng. Cũng có khi cụ lại bắt đầu than thở về sức khỏe, bệnh tật, làm tôi cảm thấy mình có lỗi quá mức.
Ông cụ phản ứng như vậy thì sau đó bà làm gì?
– Chả làm gì cả! Chả làm được gì! Vì thế mà tôi tới đây. Điều đáng chú ý và cũng rất đặc biệt trong cái nhìn tổng quát của bà Katy, là mọi sự bà nói đều hướng về người cha:
"Ba tôi không nhận ra là tôi còn có cuộc sống riêng."
"Ba tôi cứ nghĩ là thế giới của tôi phải xoay quanh người"
"Ba tôi sử dụng tôi"
"Ba tôi đòi hỏi quá nhiều"
"Ba tôi làm tôi mặc cảm phạm lỗi"
"Ba tôi cần gặp gỡ tiếp xúc thêm những người khác"
Bà Katy đã làm như hầu hết chúng ta từng làm khi nổi giận: lên án, trách móc, phê bình, dạy luân lý, thuyết giảng, ra chỉ thị và phân tích tâm lý. Không có một câu nào bà nói về mình.
BẠN ĐANG ĐỌC
Vũ Khúc Cơn Giận
Short StoryHARRIET GOLDHOR LERNER Ph.D. VŨ KHÚC CƠN GIẬN Hướng dẫn phụ nữ thay đổi những nếp quan hệ mật thiết Nguyên tác: The dance of anger Người dịch: Hải Phượng Hiệu đính: TS. Tô Thị Ánh Nhà xuất bản TRẺ ... P.s