hồi còn nhỏ tôi cũng thích viết nhật kí lắm, viết nhiều đến độ cây bút chì nâng niu trân quý tốn cả nghìn bạc, phải tọc tạch hơn hai cây số cưỡi con xe cà tàng mất phanh còn trơ mỗi bộ khung rỉ xét mà bố già để lại, sau đôi lần gọt giũa cũng chỉ còn một mẩu bé tin hin. ấy vậy mà tôi vẫn hăng say viết, viết mãi chẳng thôi, chỉ tới khi cuốn sổ tay bìa bọc da đen kín đặc những con chữ và đôi chỗ hẵn còn bị vụn chì làm cho nhòe xám mới chịu buông bút.
tôi viết nhiều, nhiều lắm. tôi viết về cái xóm nghèo kiết xác, lại gieo rắc mầm bệnh đã nuôi tôi lớn; viết về người mẹ trẻ nhưng đã sớm hao mòn do một mình còm cõi nuôi tôi chừng ấy năm, bôn ba khắp chốn, làm đủ thứ việc, bươn chải với cuộc đời giông bão; viết về một sớm mùa hè tôi mở mắt, nhìn thấy bình minh đã len lỏi qua mái nhà dột nát, nắng rơi trên mặt, rớt trên vai gầy của trẻ thơ; viết về cái trường làng khang trang nhét đầy lũ trẻ nhà giàu kệch cỡm. tôi viết cả về bố già, người đàn ông hay ngồi ở cái "ngai vàng", tức cái gốc đa chả biết đã bị chặt phăng từ lúc nào, yên vị ngay trước sân nhà hút tẩu, xung quanh bố già lúc nào cũng bay bổng những đọt khói xám, triền miên, mơ hồ.
bố già tôi bệnh chết, chết từ năm tôi lên lên sáu lên mười chi đó. người làng bảo, bố già tự ý chặt cây đa kia, thần cây nổi xung nên bắt bố già tôi đền mạng. tôi nghĩ, tầm xàm, bố già tôi chặt cây độ ba, bốn năm sau mới chết, bảo ổng đi đời do hút nhiều tẩu may ra tôi mới tin.
tôi cũng hay để ý đến một thằng bé, nó gầy đét, à thật ra cũng chẳng đến mức vậy, chỉ là chưa phải kiểu trẻ con da bọc xương thôi, chứ cũng chưa phải kiểu trẻ con đẫy thịt ăn no ngủ kĩ. đó là con của gã nghiện đầu xóm.
lại nói, thằng bé ấy phải gọi là thanh tú lắm, chiều cao vừa phải, lại trắng trẻo mềm thịt, nước da mịn màng, nom gầy còm nhưng đôi má rõ phính, chạm một lần lại muốn thêm một lần nữa, đôi môi hồng nhạt chúm chím, lấp ló hàm răng đều đặn trắng sáng, nổi bật là hai răng cửa to hơn kia, trong mắt tôi phải gọi là đẹp không có ngôn từ nào đặc tả cho hết được. nhưng có lẽ điều khiến tôi nhớ như in về nó là đôi mắt, một đôi mắt đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi, in dấu thật đậm sâu, chẳng hề vì những xô bồ mà phai nhạt. đôi mắt nó ấy, nhỏ xíu, lại xếch lên như kim đồng hồ chỉ lúc mười giờ mười phút, vừa sắc lạnh mà vừa mang nét hiền hòa. đôi con ngươi lấp lánh ánh tinh quang, thu hút người khác, rồi lại để lộ ra vẻ quật cường.
con của một gã nghiện, từ nhỏ đã phải sống trong sự gièm pha, dè bỉu của xóm làng, trong kí ức non nớt mà tôi có, cậu ta thường xuyên bị gọi bằng những cái danh rất cay nghiệt mà những kẻ được gọi là người lớn có thể nghĩ ra được trong bộ óc tù túng và cổ hủ, như "con ông trắng" hay "con thằng chơi đá", rồi cả "thằng điếm", ti tỉ những thứ khác mà tôi mạn phép không được kể ra đây. ngay cả những đứa trẻ cũng ái ngại cậu ta, thậm chí là bắt nạt, bằng cách ném đá, hay đánh đập cậu ta chi đó, nhiều không đếm xuể.
từng có một đoạn thời gian, tôi và cậu ta trở thành bạn, thân lắm. tên cậu ta rất đẹp, rất ý nghĩa. kwon soonyoung, là những gì thuần khiết và chân nguyên nhất trên thế giới này. cậu ta, người cũng như tên, da trắng mắt trong veo, nhìn cứ như đứa trẻ chẳng bao giờ lớn, một đứa trẻ non nớt ở vẻ ngoài nhưng tận sâu trong thâm tâm đã sớm đượm mùi nắng gió.
tiếc thương thay cho một đáng yêu, một đáng yêu từ thuở còn thơ đã bị miệng lưỡi người đời dập vùi để rồi phải chết trong cay nghiệt. tôi xót lắm ấy, nhưng tôi không có đủ khả năng chi mà cứu lấy người ta. kém cỏi.
lại nói, mẹ tôi vì cái chi đó mà lại thương cậu ta lắm, mẹ thương từ cái nhỏ nhất cho tới cả một bầu trời to. tôi bụng nghĩ, hẳn là vì người đàn bà góa bụa đã quen với việc cam chịu lời tiếng ra vào của thôn làng, tâm tưởng như héo mòn cũng không nỡ nhìn một đứa trẻ cũng biến thành như thế. dẫu sao mẹ cũng là người trưởng thành rồi, gánh nặng cuộc đời còn có sức mà công kênh trên vai, soonyoung của tôi còn nhỏ bé thế cơ mà, đỡ làm sao cho thấu được sức nặng của hai chữ "mai này".
nhưng thật tệ, tệ quá, soonyoung quật cường của tôi ơi. vì một ngã rẽ mà ta phải đánh đổi bằng một cuộc đời trọn vẹn..
thương nhớ hai mươi mấy năm chôn vùi nay gửi về soonyoung nơi miền thương chốn nhớ..
choi hansol