11 - Buông xả thì tự tại

15 0 0
                                    

Thưa cha má,

Tuổi trẻ mà khuyên họ buông xả thì khó lắm, vì tình trần còn đang lừng lẫy, tương lai còn đầy tham vọng thì làm sao buông xả được. Còn người khi tuổi đã về chiều, nhìn lại cuộc đời mới thấy như trò huyễn hóa, nên dễ đi về với đạo, dễ ngộ đạo hơn tuổi trẻ. Thế nhưng, trong gia đình mình mấy đứa em đã biến chuyển làm con mừng lắm. Em Thứ đã phát tâm niệm Phật, em An cũng đã bắt đầu phát tâm tu tập. Đây là hiện tượng cảm ứng rất tốt.
Riêng gia đình cô Sáu có mấy người ăn chay trường, tu hành khá tốt. Cháu Ngọc- Hiền, con của Ngọc đi xuất gia, đây là duyên lành khó kiếm và đáng quý. Huy-Hồng cũng đã phát tâm tu hành rất tinh tấn. Hôm trước ở đây có sư cô Diệu-Anh về Việt-Nam, con kêu tụi nó tới gặp Sư Cô, khi qua lại Úc, Sư Cô cho con biết là tất cả đều tinh tấn niệm Phật, An lúc nào cũng thầm niệm Phật, Hồng thì quyết tâm cầu về Tây-phương. Nghe nói như vậy, con sung sướng không còn gì hơn. Tất cả đều là duyên lành thiện căn phúc đức từ nhiều kiếp. Trong gia đình mình, nếu ai đọc được những thư này mà trực nhận thấy được con đường đi thì không còn gì quý hơn. Các em tuổi trẻ mà còn ngộ đạo như vậy huống chi là cha má, còn chần chờ so đo gì nữa? Cha má hãy nhanh chóng buông xuống tất cả để lo phần tu tịnh. Sự phát tâm tu hành của cha má là cái gương cho tất cả con cháu, và là chuyện gấp rút cho chính cha với má, cần thiết như cứu lửa cháy đầu. Nếu còn trì hoãn, còn chần chờ thì mạng sẽ tiêu, lúc đó không ai có thể bươi tro nặn lại mình được đâu cha má ạ.
Hôm nay con xin tiếp tục khuyên cha má buông xảû. Cha má ơi! Lý thường con người luôn ưu tư về cuộc sống, càng gần ngày mãn phần càng lo âu, có người còn sợ sệt chạy đầu này đầu nọ để cầu cho sống thọ hơn. Cầu đâu được? Mà để làm chi? Họ chỉ tạo thêm khổ ải cuộc đời! Đây chỉ là thường tình của người thế gian, của người trần tục, của những người không hiểu đạo lý giải thoát của Phật. Còn người đã ngộ Phật pháp thì họ an nhiên tự tại, họ tùy thuận theo tự nhiên, họ coi sự ra đi như một lần vứt bỏ chiếc áo cũ. Trong một lần giảng Pháp nào đó, Ngài Tịnh-Không nói rằng người khác thì cần tới vài phút chứ còn Ngài, nếu duyên độ sanh không còn, chỉ cần một giây thôi Ngài vãng sanh liền. Lời này chính con không nghe nhưng những người Hoa đã nghe và nói lại, có nghĩa là Ngài đã đạt đến chỗ sanh tử tự tại.
Có lần thuyết pháp, Thầy Ngộ-Thông nói, "Nếu bây giờ mà đức Phật Di-Đà hú một tiếng, tôi nhảy phóc lên tay Ngài đi liền, không cần chờ một giây để chào biệt bà con". Còn Ngọc, có lần nàng nói, "Nếu niệm Phật mà được Phật cho vãng sanh em đi theo Phật liền, không đợi anh đâu". Còn con, giả sử nếu Phật A-di-đà thọ ký cho con hai năm nữa vãng sanh, con sẽ năn nỉ Ngài cho con một năm thôi, một tháng thôi, hoặc ngắn hơn nữa càng tốt. Thưa cha má, đó là tình thực chứ không phải đùa vui đâu. "Dương-gian là cảnh, Tịnh-độ là quê. Sống thì ta ở, Vãng sanh ta về", có gì đâu mà lo với lắng!
Đây không phải là sự bi quan yếm thế, mà chính là tinh thần TỰ-TẠI của người niệm Phật. TỰ-TẠI để vui sống, TỰ-TẠI trước hoàn cảnh, TỰ-TẠI ngay trong giờ phút lâm chung. Có như vậy mới đáp ứng đúng theo yêu cầu của Phật: "Thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A-di-đà Phật Cực-lạc quốc độ", (Kinh A-di-đà). Có người tu hành cả đời mà ngày ra đi vẫn còn đau khổ mê muội, mù mù mịt mịt, chẳng biết đi về đâu, trong khi nếu mình được Phật thọ ký thì dại gì chần chờ, do dự, dại gì còn muốn lăn lộn thêm trong cảnh trần lao này làm chi cho khổ! Đường đời đầy cay nghiệt ta lỡ sơ ý một chút cũng có thể sa hố, thì bá thiên vạn kiếp dễ gì gặp lại Phật đây!?
Một trong những chất độc nguy hiểm nhất của chúng sanh là LÒNG THAM. Sự lo âu cũng chính vì lòng tham mà sinh ra. Tham tiền tài, tham danh sắc, tham sự nghiệp, tham luyến ái, tham hưởng thụ... đưa đến tham sống sợ chết. Tất cả những cái tham đó quay tâm hồn con người điên đảo đảo điên, tối tăm mù mịt. Càng lo càng sợ, càng bị dồn vào ngõ cụt, bị khốn đốn không lối thoát, làm cho cuộc sống đã khổ lại càng thêm khổ, có ích gì đâu!? Đã biết như vậy thì sao còn khổ tâm bám lấy nó!...
Hãy quyết tâm buông xả đi cha má, vì có cố tình gìn giữ thì cũng không giữ được, sau cùng rồi cũng vẫn là con số "0" to tướng, chớ chẳng có lấy được cái gì cả ở cõi trần này đâu. BUÔNG-XẢ cũng đi đến ngày tàn cuộc, BÁM-LẤY cũng đi đến ngày tàn cuộc, cũng chỉ sống bấy nhiêu năm đó thôi, nhưng buông xả mình sẽ được tất cả; không buông xả mình sẽ mất tất cả. Được gì? Được Vãng sanh về với Phật. Mất gì? Mất huệ mạng trong ba đường ác. Hồi giờ mình mang lên nhiều quá rồi, bây giờ trực tỉnh được sự thật của chân tướng thì phải nghỉ ngơi, phải biết liệng gánh nặng trên vai xuống đất để mình bước đi thong dong "Tự-Tại".
TỰ-TẠI! Theo sau "Phóng-Hạ" là "Tự-Tại". Hễ buông-xả thì tự-tại. Nếu cha má nghe lời con, mạnh dạn buông xuống, tất cả mọi duyên đều không cần nữa. Nên hư mặc kệ, sự đời bất cầu, bất cần. Con cái ai lo được thì lo, không lo thì thôi!... thì sự TỰ-TẠI tức khắc sẽ đến ngay với cha má. An nhiên, nhàn hạ để sống những tháng ngày còn lại thật ý nghĩa, và sau cùng cha má hưởng được một phước báu vĩ đại mà hàng tỉ người trên thế gian này không mơ tới được, đó là vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, vĩnh viễn xa lìa sanh tử luân hồi. Hết báo thân này nếu mình về sống trong thế giới của Phật, mình sẽ là một vị Bồ-tát, ngày ngày thần thông biến hóa thiên bá ức hóa thân, đi khắp mười phương để cúng dường chư Phật. Có sự vui thú khoái lạc nào sánh bằng với cảnh Tây-phương Cực-lạc? Có cái pháp tu nào có khả năng đưa một chúng sanh từ địa vị phàm phu tội lỗi nhảy thẳng lên đến bậc Bất- Thối như pháp niệm Phật đâu! Được vậy là nhờ sự gia trì của Phật A-di-đà, ngoài ra không có một năng lực nào mơ tới sự cứu độ quý hóa này cả.
Thế nhưng, nếu tinh thần không vững, chỉ cần lưỡng lự một tích tắc là có thể mất phần. Cha má nên nhớ kỹ điều này, ta có về với Phật được hay không cũng chỉ xảy ra trong tích tắc thời gian mà thôi. Quyết đi thì ý chí phải kiên định, tâm thái phải tự tại, tinh thần phải trong sáng, phải niệm được câu "A-di-đà Phật" trước giờ phút lâm chung thì "A-di-đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền" tiếp dẫn về Tây-phương. Lưỡng lự thì tâm hồn lo lắng, tinh thần hoảng hốt, ý chí chao đảo, tâm trí rối bời, Phật quang tan biến, oan gia trái chủ trùng trùng điệp điệp bủa vây, thì không thể nào thoát khỏi cảnh giới xấu ác.
Trước giờ mình chưa hiểu hoặc hiểu sai đạo Phật, mình làm lung tung. Nay đã hiểu đuợc sự vi diệu thù thắng thì hãy ráng hết sức bám lấy cơ hội giải thoát này. Trăm ngàn vạn kiếp khó mong gặp lại chứ không phải dễ dàng đâu cha má ạ! Đừng bao giờ hy vọng rằng đời sau mình sẽ tu tiếp, đừng nghĩ bây giờ tu "tà-tà" để hưởng phước thế gian rồi trước sau cũng sẽ tới! Đừng coi chuyện này là đơn giản! Đừng nên tu theo kiểu Nhân-Thiên, cầu mong trở thành "Hiền-Nhân Quân-Tử" hết đời này qua đời khác để chờ dự Hội-Long-Hoa của đức Phật Di-Lặc. Năm sáu trăm triệu năm nữa không phải là thời gian cho mình thử thách bừa bãi đâu! Trong kinh Phật dạy rõ ràng, một thần thức trải qua một cuộc cách ấm là tất cả công phu tu hành dang dở đều bị xoá sạch. Qua một đời khác phải làm lại từ đầu. Thiện căn phước đức dù có nhiều đi nữa, nhưng không gặp cơ duyên cũng đành tan tành theo mây khói!
Cha má cứ nhìn quanh thì thấy ngay hiện tượng này, những người giàu có, thế lực, thông minh... đều là những người kiếp trước có tu hành, có tạo phước. Đời này được hưởng phước có mấy ai chịu tu hành. Sẵn có tiền ngày ngày nhậu nhẹt, trác táng, phóng đãng... họ đang tạo ác nghiệp trùng trùng, thì mình cũng đoán được tương lai họ sẽ đi về đâu? Tu hành mà chỉ cầu cho được làm người thì ngày gặp Phật có lẽ là chuyện xa vời vô thực! Một khi chuyển thân cách ấm thì thần thức mê loạn mù mịt, tất cả chuyện dĩ vãng tiền kiếp quên hết. Thời mạt pháp, cái cơ duyên gặp chánh pháp phiêu phỏng như hoa ưu đàm, bên cạnh đó cơ hội tháp tùng theo tà thuyết ngoại đạo thì tràng giang đại hải. Đó là chưa kể đến chuyện oan gia, trái chủ, nghiệp chướng, ma oán chúng không bao giờ để mình yên thân thọ hưởng ở ba đường thiện lành (Trời-Người-A tu la) đâu cha má ạ.
Cho nên có được gặp Phật, về với Phật hay không nằm ngay trong tự tâm thanh tịnh, ở lòng chí thành chí thiết, ở ý chí kiên cường dũng mãnh, quyết định dứt khoát theo Phật không lay chuyển của mỗi chúng ta ngay bây giờ, trong đời này, chứ không ở đâu xa vời cả. Quyết đi thì buông xuống mọi ơn nghĩa ràng buộc của thế giới Ta-bà này đi, né tránh càng nhiều càng tốt những liên hệ thế gian, thì tự nhiên ta thấy ngay sự tự-tại. Tự-tại ngay trong cuộc sống, tự-tại trong mọi hoàn cảnh, tự-tại về với Phật. Người tu hành chân chính chắc chắn sẽ hưởng được cái phước báu này. Người tu hành không chính pháp thường bị những triết lý hoa mỹ phủ dụ hay đi tìm sự hưởng lạc tạm bợ thế gian, hoặc bị chóa mắt bởi những tư tưởng tự tôn, làm tăng thêm tham-sân-si-mạn, tạo thêm cái nhân đọa lạc khổ đau về sau.
Tu hành, nhất định ta phải vạch mục đích cho đúng, nhất định phải biết xa lìa cái danh hão huyền của trần tục, phải tránh những triết lý phiêu lưu vô chứng cớ, phải biết bỏ những quyền lợi nhỏ nhặt thế gian, phải đoạn trừ những sự cầu tài cầu lộc, cầu giàu, cầu phước, v.v... vì những lời cầu nguyện đó chính là sự tự nguyện ở lại trong sinh tử luân hồi, tự nguyện chịu đọa lạc mất phần giải thoát đó.
Hẳn nhiên, con cũng hiểu được rằng hồi giờ cha má sống với láng giềng, ân nghĩa, nợ nần, tình cảm... quá nhiều, khó mà dứt đoạn được. Tuy nhiên, không dứt được mình cũng phải dứt, vì đây là điều kiện rất quan trọng. Dứt đâu có nghĩa là trốn chạy, cách ly họ đâu, mà là đừng cầu vọng, tham đắm đến nữa. Hình thức sinh hoạt thì bình thường nhưng trong tâm mình phải buông xả. Nhứt thiết duy tâm tạo. Tâm đã buông xả thì tự nhiên hoàn cảnh sinh hoạt cũng phải chuyển biến theo. Tất cả đều do tâm mình định đoạt, mình quyết tâm thì tâm mình chuyển đổi hoàn cảnh, mình không quyết tâm thì hoàn cảnh nó quay mình như chong chóng, không bao giờ thoát ly được đâu. Hàng trăm, ngàn, vạn, người đã chuyển được rồi chứ không phải mình là người đầu tiên thì không có lý do đổ thừa cho hoàn cảnh được.
Thưa cha má, phàm con người thường cứ chạy theo thói tục, dựa theo tập lệ, thói quen mà sống. Hễ "ông bà làm sao thì ta làm vậy". Nhưng xét cho kỹ thì ông bà ta có liễu ngộ được sanh tử luân hồi chưa? Đây là vấn đề rất nghiêm chỉnh, là sự tự tỉnh thức của mỗi cá nhân để tìm phương giải thoát. Cha má cứ xét coi, có phải là hầu hết những hành động của con người đều nhằm gây thêm ác nghiệp, đều mang ý nghĩa muốn chui vào chỗ tăm tối chứ không muốn tìm nơi sáng sủa để đi phải không! Ví dụ như đi chùa lạy Phật thì để cầu trúng số, cúng dường để xin phước, làm thịt heo, bò đem tới các miễu đình cúng để cầu buôn mau bán đắt, đem thịt cá cúng vái ông bà, đốt giấy vàng bạc để gởi xuống âm phủ cho người thân, tích lũy âm tiền trong cõi u minh, nguyện gặp người thân yêu nơi "suối vàng", v.v... tất cả những việc làm đó có phải là những sự tạo ác không? Có phải là cầu cho ông bà xuống âm phủ mà sống không? Có phải là mình cũng tự nguyện xin chui vào địa ngục để thọ khổ đau không?
Trong một thư nào trước con có nói về lời nguyện. Lời nguyện vô cùng quan trọng, nó có sức mạnh rất lớn có thể đánh bạt nghiệp chướng khác để dẫn dắt mình đi theo cái nguyện lực đó. Vì cái sai lầm của tư tưởng và lối sống, vô tình con người cuối cùng thường bị lạc vào chỗ tăm tối nhất trong lục đạo pháp giới mà không hay, để chịu đựng suốt những chuỗi kiếp số lao đao lận đận trong sinh-tử luân-hồi, trong ba đường ác đạo khổ đau như theo kinh Phật nói "nan đắc giải thoát, thống bất khả ngôn"! Khi không biết ta cứ tự nhiên dựa theo thế tục mà mặc tình tạo nghiệp! Đây là lối sống theo hiện tượng, hoàn toàn dựa theo sự thịnh suy thế gian. Thấy giàu thì tham, thấy mạnh thì theo, thấy hơn thì đắc ý, thấy thắng thì cao ngạo, thấy giỏi thì ỷ thị... Tất cả những hiện tượng đó tạo ra biết bao nhiêu sự tranh đấu, ganh tị, thị phi, tạo biết bao nhiêu nghiệp ác trên đời. Cho nên càng sống càng tạo nghiệp chướng, nghiệp chướng càng cao càng nhiều nhân xấu, chắc chắn phải chịu quả xấu. Biết bao giờ mới trả cho hết nợ đây? Hiểu được vậy mới thấy sợ hãi mà mau mau tỉnh ngộ đường tu hành cha má ạ.
Có nhiều nơi chủ trương chuyên cầu xin được bổ báo phước lành. Cầu ở đâu? Quỷ Thần. Phước lành gì? Phước hữu lậu. Một lòng nguyện theo Quỷ Thần, một dạ xin ở lại làm người hưởng phước, tự nguyện tiếp tục lăn lộn trong lục đạo khổ não, chấp nhận sanh tử triền miên để tạo thêm nghiệp báo, thì làm sao mà giải thoát được đây!? Có rất nhiều cách tu hành chủ trương như vậy, bây giờ cha má đã nghe được Phật pháp rồi thì nghĩ sao về chuyện này!? Tu đó có giải thoát được không? Sao bằng ta cứ y cứ theo đại nguyện của Phật A-di- đà một lòng một dạ niệm "A-di-đà Phật", nguyện sanh về Thế-Giới Cực-lạc với Phật, để một đời thành Phật có hơn không?...
Thưa cha má, chúng ta sống phải biết giựt mình tỉnh ngộ, vạch rõ cái gì đúng, cái gì sai. Phải mạnh dạn làm cách mạng tự thân để giải thoát cho chính mình. Chỉ có mình mới cứu được đời mình. Mình chịu quay đầu thì được cứu. Mình cứ bướng bỉnh lao theo thế tục thì mặc dù Phật có vạn đức vạn năng cũng cứu không được. Cuộc đời này, càng về sau càng rơi vào cảnh khốn nguy cho huệ mạng. Con thường nói, thời mạt pháp này càng ngày càng dễ sợ lắm, chỉ cần sơ ý một chút là bị hại liền. Ngoại đạo đã bủa lưới khắp nơi. Một chúng sanh nếu không có lập trường vững, không có đường đi rõ ràng, không chịu nương theo lực gia trì của Phật thì khó mà thoát khỏi tầm ảnh hưởng đó đâu.
Hiện tượng này càng ngày càng rõ rệt, trên thế giới liên tục nẩy sinh ra những hiện tượng quá lạ lùng, thu hút hàng triệu người cuồng tín, ác có, thiện có, không biết con người rồi đây sẽ đi vào đâu! Từ mấy ngàn năm trước trong kinh Thủ-Lăng-Nghiêm đức Phật Thích- ca đã nói rất rõ chuyện này, trong thời mạt pháp của Phật thì tà giáo ngoại đạo nổi lên rất nhiều, họ cũng tự xưng là Phật, là Vô-Thượng-Sư, là Tiên Thánh tái thế. Thà họ làm ác đi cho mình dễ thấy, nhưng có nhiều lúc họ cũng khuyên làm lành lánh dữ, vạch ra những chân lý sáng láng làm ta khó biết được chân tướng, thành thử con người non dạ cứ đâm đầu chạy theo. Một khi đã theo rồi thì tinh thần tư tưởng bị khống chế, bị mê muội, không còn phân biệt được trắng đen nữa. Nhất là những người háo thắng, ưa thần thông, thích phép lạ, ưa tin đàn cơ, thích huyền bí, v.v... khó mà thoát khỏi cảnh trầm-luân. Tu hành ai cũng muốn giải thoát, nhưng vô ý đã bị lạc đường xa lắc mà không hay. Vạn lần xin cha má mau mau tỉnh ngộ chuyện này, ngay lập tức trở về với Phật, một lòng niệm Phật, nhờ lực gia trì của Phật A-di-đà mới tránh được nghiệp chướng, hầu cầu thoát khỏi cạm bẫy nguy hiểm.
Trong thư trước con có nói sẽ kể cho cha má nghe câu chuyện một người niệm Phật sáu trăm ngày không ngồi, không ngủ, không nằm. Chuyện này Hòa-Thượng Tịnh-Không giảng bằng tiếng Tàu khoảng cuối năm ngoái, con chưa kiểm chứng rõ được. Người đó là đàn ông chứ không phải đàn bà. Lúc đó Ngài nói bốn trăm ngày, tính đến nay thêm sáu bảy tháng nữa, như vậy cũng khoảng sáu trăm ngày. Người đó vẫn còn sống ở bên Tàu, tỉnh gì con quên rồi. Hòa-Thượng muốn mời ông ta qua đạo tràng bên Singapore để tu, vì đạo tràng này mở cửa hai mươi bốn trên hai mươi bốn và họ phục vụ ăn uống đầy đủ, khỏi cần lo chuyện nấu nướng gì cả. Ngài dặn người tu ở Singapore hãy thay phiên nhau tu chung với ông ta để coi thử ông ta có "lén" ngủ không! Riêng chính con chưa thấy ông ta vì con ở Úc, nhưng con tin việc đó có thể là thực. Trong sách vở Phật giáo thấy có nhiều vị Sư hai mươi, ba mươi năm không ngủ. Mới nghe qua khó ai tin được, nhưng bây giờ ngay trong thực tế đã có người đang thực hiện, ta mới biết những công phu kia không phải viển vông! (Con cũng vừa coi một bà chín mươi bốn tuổi vãng sanh, họ quay phim được trọn vẹn từ đầu tới cuối, lần tới con sẽ kể tường tận.)
Thưa cha má, trong kinh Phật nói chỉ cần mười câu Phật hiệu thôi cũng đủ vãng sanh thì tại sao người đó phải khổ nhọc công phu như vậy? Đây chính là sự quyết tâm kiên dũng của người niệm Phật. Thường người niêïm Phật họ chỉ có một đường đi, đó là về cho được thế giới Tây-phương Cực-lạc. Hễ về tới Tây-phương rồi thì chắc chắn một đời sẽ thành Phật. Nếu người niệm Phật đến "Nhất-Tâm-Bất-Loạn" thì không cần nói, nhưng lỡ không đạt đến cảnh giới này thì cái giá chót cũng phải niệm được mười câu để "Đới-Nghiệp-Vãng-Sanh". Nhưng khi lâm chung ta thường đau đớn, chóng mặt, ồn ào, rối ren, con cháu khóc than... nhiều khi mình quên mất.
Cho nên, người niệm Phật thường phải sắp xếp người hộ niệm khi lâm chung. Hộ niệm là người còn khoẻ niêïm Phật hộ cho người ra đi. Phải rót vào tai người lâm chung tiếng Phật hiệu để giúp cho người ra đi giữ được chánh niệm. Phải hộ niệm liên tục trước giờ đi và tiếp tục niệm thêm tám tiếng đồng hồ nữa sau khi tắt thở mới chắc chắn được. Hẳn nhiên, đây là sự cẩn thận tối đa, chứ thực ra nếu đã được vãng sanh thì chỉ chớp mắt là họ đã đi về tới Tây-phương rồi. (Chuyện này trong thư sau, khi kể lại chuyện bà lão chín mươi bốn tuổi vãng sanh, con sẽ xin nói rõ thêm).
Nếu gia đình tất cả con cháu hiểu đạo thì đỡ lo. Gặp gia đình con cháu không tin Phật thì có thể bị khó. Trường hợp này người niệm Phật phải khôn khéo tìm phương giải quyết, như cố gắng khuyên con cháu tu hành, giảng giải Phật pháp cho nhiều để họ hiểu, xét coi những đứa con có ngỗ nghịch cãi lời không, v.v... nhưng dù sao chính mình phải hạ thủ công phu cho đắc lực, nếu không được "Nhất-Tâm-Bất-Loạn" thì cũng phải "Niệm-Phật-Thành- Thục". Nghĩa là phải niệm liên tục ngày đêm, niệm cho tiếng Phật hiệu nhập vào tâm. Đi, đùứng, nằm, ngồi, ăn ngủ đều trong tiếng niệm Phật. Đừng để tâm mình xen tạp những việc khác, cố gắng buông xả vạn duyên. Tập một thời gian thì ngay trong giấc ngủ mình vẫn niệm Phật được, lúc đó sẽ an tâm hơn. Khi chung thời nếu con cháu quá ngỗ nghịch, bất hiếu, hay ngu si cứng đầu thì mình vẫn còn tỉnh táo tìm chỗ thanh vắng, yên tịnh để vãng sanh. Ví dụ như tới chùa, hoặc tìm cách cho mấy người ngỗ nghịch đi chơi xa, ngay những người quá thương mình mà không hiểu đạo cũng là một trở ngại rất lớn!
Khoảng năm 1999, ở Hoa-Kỳ có một vị Sư khi vãng sanh Thầy chỉ nói bóng gió vài câu với đệ tử rồi lén vào nhà kho quét sạch sẽ, mở thùng giấy ngồi kiết già mà viên-tịch, sáu tháng sau người ta mới phát hiện mà thân xác vẫn còn nguyên vẹn. Phật tử muốn xin giữ nhục thân để thờ nhưng chính phủ không cho phép. Tại sao thầy đó phải trốn? Nhiều Sư Ni giải thích là Thầy làm như vậy để người ta thấy sự vi diệu của pháp Phật, nhưng riêng con nghĩ cũng có thể Ngài sợ những đệ tử chưa hiểu đạo, khi thầy vãng sanh họ thương mà khóc la thì hư chuyện, cho nên thà âm thầm đi trước rồi để nhục thân lại ai làm gì làm thì hay hơn!
Hơn nữa, dù đã thành thục, nhưng có người vẫn thấy chưa chắc vì lỡ gặp xui xẻo bất ngờ thì sao? Đây chỉ là chuyện xui xẻo có ai ngờ được, thì người niệm Phật cũng phải cố gắng để tâm. Hãy thực tập, hễ gặp bất cứ chuyện gì xảy ra, dù bất ngờ, nhỏ lớn, buồn vui... thay vì la hét, than thở, nói lọng liệu... thì hãy "A-di-đà Phật". Tất cả mọi sự mọi điều đều lấy câu A-di-đà Phật ra giải quyết, cách tập này cũng có thể đáp ứng một phần nào sự cố bất khả kháng vậy....
Nam-mô A-di-đà Phật.
Con Kính thư.
(Viết xong,19/7/2001 (tiếp theo thư trước 15/6)).

Khuyên người niệm phật (Tập 1) - Diệu ÂmNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ