QUYỂN II: CHIẾC TÀU ÔRIÔNG
I
SỐ 24.601 TRỞ THÀNH SỐ 9.430
Giăng Vangiăng đã lại bị bắt.
Bạn đọc sẽ lấy làm hài lòng khi thấy chúng tôi lướt qua các chi tiết đau thương. Chúng tôi chỉ xin chép ra đây hai mẩu thời sự đăng trên các báo ngày ấy, mấy tháng sau khi xảy ra những việc lạ lùng ở Môngtơrơi Xuya Me.
Những bài báo ấy hơi sơ lược. Chúng ta nhớ rằng thời ấy chưa có Tư pháp nhật báo.
Chúng tôi lấy bài thứ nhất ở tờ Lá cờ trắng, số ra ngày 25 tháng 7 năm 1823.
"Ở một quận thuộc tỉnh Pa-đơ-Cale vừa xảy ra một việc lạ thường. Một người không phải nguyên quán ở đấy tên là ông Mađơlen, mấy năm nay nhờ những phương pháp mới đã chấn hưng một nền công nghiệp vốn có sẵn ở địa phương, là nghề làm đồ huyền và đồ thủy tinh đen. Nhờ thế hắn đã làm giàu và phải nói cũng làm giàu cho cả quận. Để tưởng lệ công lao, người ta đã cử hắn làm thị trưởng. Gần đây sở cảnh sát phát hiện cái ông Mađơlen ấy chính là một tên tù khổ sai trốn quản thúc, tên là Giăng Vangiăng hiện đã bị tống lao lại. Hình như trước khi bị bắt, hắn đã kịp đến ngân hàng Laphit rút ra số tiền hơn năm mươi vạn gửi tại đó; nói cho đúng thì số tiền ấy hắn kiếm được rất chính đáng trong kinh doanh, người ta bảo thế. Không ai biết khi bị bắt giam lại vào ngục Tulông, Giăng Vangiăng đã giấu số tiền ấy ở đâu".
Bài báo thứ hai, nhiều chi tiết hơn một chút, trích ở tờ Pari nhật báo, cũng ngày ấy:
"Một tên tội phạm đã được phóng thích tên là Giăng Vangiăng vừa mới phải ra trước tòa đại hình hạt Va trong những trường hợp khá ly kỳ. Tên đại bợm này đã lừa bịp được cả con mắt tinh tế của sở cảnh sát; hắn đổi tên và tìm cách xoay được chân thị trưởng ở một thành phố nhỏ miền Bắc. Hắn lại đặt được một cơ sở kinh doanh khá lớn ở thành phố ấy. Nhưng cuối cùng, nhờ sự mẫn cán không mệt mỏi của công tố viên, hắn đã bị lột mặt nạ và bị bắt. Hắn có một con vợ không cưới xin, nguyên là một gái giang hồ; lúc chồng bị bắt thì con vợ sợ quá mà chết! Tên khốn kiếp ấy, khỏe như vâm, đã tìm cách trốn thoát nhà giam nhưng chỉ ba, bốn hôm sau, cảnh sát lại bắt được hắn, ở ngay Pari, giữa lúc nó sắp sửa đáp một chiếc xe nhỏ chạy con đường từ thủ đô đến làng Môngphécmây (tỉnh Xen-ê-Oađơ). Người ta đồn rằng hắn lợi dụng ba, bốn ngày được tự do ấy để rút một số tiền to gửi ở một nhà ngân hàng lớn tại thủ đô. Số tiền ấy ước có đến sáu, bảy mươi vạn phơrăng. Theo bản cáo trạng thì hắn đã chôn số tiền ấy ở một nơi chỉ mình hắn biết, vì thế, chưa lọt vào tay cảnh sát. Dù sao, tên Giăng Vangiăng cũng vừa bị truy tố trước tòa đại hình hạt Va; hắn bị khép vào tội cướp đường có vũ khí, xảy ra khoảng tám năm về trước; nạn nhân là một đứa trẻ lương thiện trong đám thiếu niên đã được "Lão trượng Phécnê"[90] diễn tả trong bài thơ bất hủ:
[90] Mệnh danh của nhà văn và nhà triết học tiến bộ Pháp Vônte thế kỷ XVIII, Phécnê một thị trấn ở sát Thụy Sĩ, nơi Vônte cư trú 20 năm lúc về già.
Các em từ đất Xavoa
Hàng năm trở lại, đi qua vùng này
Các em đưa nhẹ bàn tay
BẠN ĐANG ĐỌC
Những người khốn khổ
General FictionVíchto Huygô (1802-1885) là đại văn hào Pháp, ông vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch vĩ đại sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn. Các tác phẩm nổi tiếng của ông phải kể đến: vở hài kịch Hécnani, tiểu thuyết Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Những người kh...