Phần 3 - Quyển III

20 0 0
                                    

QUYỂN III: ÔNG VÀ CHÁU

I

MỘT PHÒNG KHÁCH NGÀY TRƯỚC

Khi lão Gilơnoócmăng còn ở phố Xecvăngđôni, lão thường lui tới mấy phòng khách rất đứng đắn và rất quý phái. Tuy là tư sản, lão Gilơnoócmăng cũng được tiếp đón. Vốn đã là người lịch thiệp, thông minh, lại đươc dư luận gán cho nhiều điều thông minh, lão hóa ra thông minh bội phần, cho nên lão được người ta tiếp rước niềm nở, mong đợi khao khát.

Chỉ nơi nào lão có thể thống trị được lão mới đến. Có những người muốn có ảnh hưởng, muốn được mọi người chú ý đến mình với bất cứ giá nào. Nếu không là người tiên tri thì là thằng hề. Lão Gilơnoócmăng không thuộc loại người này. Lão vẫn ngự trị trong các phòng khách bảo hoàng mà lão lui tới, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn lòng tự trọng của lão. Ở đâu lời nói của lão cũng có uy tín. Lão đã đối đáp với ông Đơ Bônan và cả ông Bănggi Puyvalê.

Vào khoảng 1817, thường lệ không mấy khi sai, mỗi tuần hai buổi chiều lão lại chơi nhà bà nam tước T. ở phố Phêru, gần nhà lão. Bà này là một người đứng đắn và đáng kính, chồng bà hồi sinh thời, dưới thời vua Lui XVI làm đại sứ nước Pháp ở Bá Linh. Nam tước Đơ T. thuở bình sinh say mê những chuyện viễn ảo thôi miên, đã chết trong khi bỏ nước Pháp ra ngoài, không còn chút gia sản nào ngoài mười cuốn sách chép tay, gáy da đỏ, in chữ vàng, những hồi ký rất lạ lùng về Mexme và cái thùng của ông ta.

Bà Đơ T. vì giữ phẩm giá của mình, nên đã không xuất bản những hồi ký đó và đã sống với một lợi tức công trái nhỏ còn rớt lại không biết vì sao. Bà T. xa lánh triều đình, nơi bà cho là phức tạp, bà sống trong một khung cảnh ẩn dật cao quý và thanh bạch. Vài người bạn mỗi tuần hai buổi đến họp trong phòng khách của bà quả phụ ấy; phòng khách này là một phòng khách bảo hoàng thuần túy. Người ta uống trà, rồi tùy theo thời thượng thích ưu sầu hay sôi nổi, người ta hoặc thở than hay thốt lên những lời kinh tởm về thời đại, về hiến chương, về phái Bônapác, về cái băng xanh ban phí cho bọn tư sản giày vò, về xu hướng khuynh tả của vua Lui XVIII và người ta thì thầm với nhau về những hy vọng mà Đức ông, sau này là vua Saclơ X, nhen nhúm.

Ở đây, người ta hoan nghênh một cách huyên náo và vui mừng những bài hát thô tục, trong đó Napôlêông được gọi tên là Nicôta. Cả những bà công tước tế nhị nhất và xinh đẹp nhất đời cũng say sưa hát những khúc hát đây, tặng cho phái liên hiệp:

Hãy nhét vào trong quần

Mẩu sơ mi thòng lõng

Để người đừng kêu ầm:

Đó là lá cờ trắng

Mà bọn "yêu nước" giương.

Người ta thú vị với những trò chơi chữ lộn mà họ cho là ghê gớm, những cách chơi chữ ngây thơ mà họ coi là rất thâm độc, họ soạn những đoạn thơ tứ tuyệt, cả những cặp thơ đôi, thí dụ cặp thơ đôi về nội các Đêxon, một nội các ôn hòa có các ông Đơca và Đơxe tham gia:

Để củng cố ngai vàng lung lay gớm ghê

Phải thay cả xoong, thay cả ca, thay cả xe

Hoặc người ta xếp đặt cả một danh sách các đại biểu của Viện nguyên lão "một viện tả khuynh kinh khủng" và người ta ghép những tên để làm sao có những câu thế này chẳng hạn: "Đamat, Xabơrăng, Guviông Xanh Xia". Họ làm thế một cách vui nhộn.

Những người khốn khổNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ