Phàm là hạ nhân, muôn đời đều muốn sân si hỉ nộ, thế nên mới nhận ra đời là bể khổ, lúc chào đời lại khóc tiếng oán than. Vì thế cao nhân đã từng dạy: "Đoạn tuyệt trần ai, nhất đoạn giác ngộ", ấy là để chúng sinh làm theo, thoát sân si ái ố mà tâm hồn thanh thản.Than ôi, mấy người làm được như thế? Cái bản tính của con người vốn vị kỷ, dù cho lý trí không muốn thì cũng chẳng thoát nổi chốn u mê. Vậy nên dù cho có sống ở trần gian ngập ánh sáng, nơi ấy cũng chỉ là cõi U Minh.
______________Xưa kia, tại vùng Kinh Bắc, tức Hà Nội ngày nay, có một gia đình họ Huỳnh sinh sống. Gia tộc này tài sản nứt đố đổ vách, họa chừng đủ mua cả đất Kinh Bắc. Người hầu kẻ hạ nườm nượp, khiến vua chúa cũng phải hổ thẹn không dám so bì. Tuy nhiên nhìn lại dòng dõi của gia tộc này khiến ai cũng phải cười khinh khỉnh, thậm chí còn xem mình là cao vọng hơn một bậc.
Nguyên là nhà này bắt nguồn từ Thượng đến, nghe đâu trưởng tộc là người Mường, xinh như đóa hoa dại, vì trót dại trong đêm tắt đèn gặp anh người Kinh, vướng tình không dứt ra được. Thế là lừa cha dối mẹ, bảo anh là người Mường xa bản nay trở về. Các cụ yên lòng, cũng cho theo tục ngủ thăm để dạm ngõ. Sau đó cả hai lợi dụng lúc ngủ thăm mà cho ong đi hút mật, ân ân ái ái tình tự bao ngày. Đến lúc đậu thai, anh người Kinh lấy cớ thi khoa bảng mà trốn mất, còn cô mang tiếng chửa hoang, bị đuổi khỏi bản. Có người nói cái anh người Kinh ấy cũng không trốn được bao lâu thì bị bỏ ngải, trong đêm tồng ngồng đi bộ từ dưới xuôi lên đến tận bản của người tình cũ. Đến khi tới nơi, anh này đã bị gai rừng cào khắp người, thịt lộ ra đỏ ỏm, đám sâu bọ cứ thế rúc vào mà không thể gỡ ra, khắp người lỗ chỗ là tổ của mấy con côn trùng ấy.
Cô gái Mường mang cái thai oan nghiệt kia đi khỏi bản, đã mấy lần căm phẫn đập bụng vào đá, lấy cuống lá ngón ăn vào để nôn cái thai ra. Chẳng hiểu sao mấy lần chẳng được, cái thai mỗi lúc một lớn, đành để vậy, đẻ ra rồi đem đi dìm sông. Lúc mang đứa bé còn nguyên dây cuống rốn ra đến bờ sông định thả xuống thì có anh lái đò gần đó, thấy cô xinh đẹp, lại nhìn mình chưa có vợ liền đưa tay làm phước, cả hai rổ rá cạp lại nên nghĩa vợ chồng, đứa trẻ may thay được anh thương nên còn sống.
Cả hai sống với nhau, rốt cuộc được vài năm lại sinh ra cãi vả chỉ vì cái nghèo đeo bám. Cô vợ nhớ lúc còn ở bản, mấy già làng thường ngồi cạnh nhau hút quả Mê Mắc, tức là quả anh túc theo cách gọi bây giờ, thở khà ra một tiếng thỏa mãn. Cô nghĩ loại quả ấy có thể bán được ở đây, liền đi lên Thượng, hái cả rổ to mang về phơi khô rồi mang ra chợ bán.
Thế nhưng người Kinh thích ăn trầu tôi vôi, nhuộm răng đen bóng chứ mấy ai hút cái thứ dị hợm không rõ hình thù kia. Đã thế nó còn hôi hám, lợm mùi phân chuột, vương trong họng là vị đắng nhằn nhẵn. Vì thế mà cả ngày chẳng có ai ghé thăm, nghèo lại hoàn nghèo. Lúc ấy lại có cái đám rước tượng Phật đi ngang qua, hương trầm bay phảng phất, ai nấy cũng hít hà, tranh nhau mua trầm về thỉnh. Cô vợ lại nghĩ ra cách mua số trầm ấy về, đem quả anh túc khô tán ra trộn vào. Lúc mua thì hai hào một nén, lúc bán cũng chỉ hai hào một nén, thế là hết sạch. Đến sáng, cả trăm người đổ xô đến mua trầm của cô, lúc này ba hào một nén, bốn hào năm xu một nén cũng không đủ mà bán.
BẠN ĐANG ĐỌC
Vợ Quỷ
Horrormột bộ truyện ma pha lẫn kinh dị, thêm một chút ngôn tình cộng cẩu huyết liệu bạn có hứng thú :))