1. Ngày Sadako chào đời

32 5 0
                                    

Thời thơ ấu của tôi với Sadako trôi qua ở Hiroshima. Bấy giờ là thập niên 1940, đường phố nào cũng lù lù các tòa nhà quân sự bằng gạch đỏ. Trong thời gian diễn ra chiến tranh Thanh-Nhật (1894-1895), Hiroshima là một thành phố quân sự hùng mạnh, cũng là cứ điểm của Lục quân và Hải quân. Những người đàn ông được gọi nhập ngũ bằng "thư đỏ ". Từ mọi miền đất nước, họ tập kết về Hiroshima, rồi ra cảng, lên tàu hỏa đi đến các chiến trường nước ngoài theo điều động.

Nhưng vào thập niên 1940, Hiroshima trong kí ức tôi không phải là "thành phố của những quân nhân", mà là "thành phố của rất nhiều sông". Một trong số đó có dòng Ota với muôn vàn nhánh nhỏ chảy về khắp hướng, trông y như tấm lưới. Rải rác là những bãi đất ven sông rộng rãi, sân chơi tuyệt vời cho lũ trẻ nghịch ngợm chúng tôi.

Cũng như sông, tàu điện chạy ngang dọc khắp Hiroshima. Năm 1941, khi tôi chào đời, thành phố đã bạt ngàn tàu điện rồi. Cứ đi bộ trên đường, chẳng mấy chốc ta gặp một nhánh sông khác. Cứ băng qua một trong những cây cầu bắt ngang sông, sẽ thấy ngay đường ray tàu điện. Và khi đi qua đường ray ấy, ta lại nhanh chóng bắt gặp một nhánh sông khác. Quang cảnh Hiroshima trong tâm thức tôi chính là như thế.

Trong suốt cuộc chiến, và cả khi công cuộc tái thiết thời hậu chiến đã hoàn tất, ta vẫn có thể nghe thấy tiếng ken két và lạch xạch của tàu điện lẫn trong tiếng người cười nói nhộn nhịp những khu mua sắm. 

***

Sadako sinh năm 1943. Biết mẹ Fujiko của tôi mang thai, dì tôi ở khu Chiyoda có dặn, "Khi trở dạ chị sang nhà em nhé." Mẹ tôi trả lời, "Cảm ơn dì. Chị sẽ sang."

Thời ấy, phụ nữ dường như không đến bệnh viện để sinh con. Họ thường lâm bồn tại nhà, việc đỡ đẻ thường nhờ bà đỡ hoặc họ hàng. Vì mẹ định vượt cạn bên nhà dì nên các công đoạn được thu xếp theo hướng đó. Bố Shigeo có lời nhờ một bác phu xích lô tên là Takayama, rằng hôm dự sinh thì sang chở mẹ đến Chiyoda. Xích lô bấy giờ có thể hiểu như taxi bây giờ, phu xe điều khiển một chiếc xe đạp ba bánh gắn thùng đằng sau cho khách ngồi. Bác Takayama sống ngay cạnh nhà chúng tôi, ngày ấy láng giềng thân thiết lắm. Người xưa vẫn nói "hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau", ta nên giúp đỡ hai nhà sát vách và ba nhà đối diện. Thế nên bác Takayama rất vui vẻ hỗ trợ.

Mùng 7 tháng Giêng năm 1943, vừa sang năm mới, mẹ đột ngột trở dạ. Còn một tuần nữa mới đến ngày dự sinh nên bố mẹ cứ ỷ y thời gian rộng dài, chưa vội chuẩn bị. Thế là khi những cơn đau đầu tiên xuất hiện, cả hai đâm hoảng. Lúc ấy là 4 giờ sáng, bình minh còn chưa lên, bố đã đập thình thịch vào cửa nhà hàng xóm, "Bác Takayama! Bác Takayama ơi!"

Nghe tiếng gọi ầm ĩ của bố, bác Takayama thò đầu ra cửa sổ và đáp lại với khuôn mặt ngái ngủ.

"Làm gì mà chưa bảnh mắt đã ồn ào thế?"

"Xin lỗi vì mới sáng ra đã quấy rầy anh, nhưng vợ tôi sắp sinh!"

"Chà, thế thì nghiêm trọng đấy!"

Bác Takayama khẩn trương đi lấy xích lô mà chẳng một lời phàn nàn vì bị dựng dậy quá sớm. Bố đắp tonbi của mình lên người mẹ. Tonbi là áo khoác nam, vì không tay nên rất dễ mặc. Bố vội vã bế mẹ lên xích lô và đứng trông theo mãi. Sau đó bố gọi điện báo cho dì biết.

Ngàn hạc giấy của SadakoNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ