2. Mùng 6 tháng Tám năm 1945 (1)

13 4 0
                                    

Năm 1945, chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc. Khi ấy chúng tôi đang sống bên sông, ở khu vực gọi là Kusunoki thuộc Hiroshima, nơi bố mở tiệm cắt tóc đầu tiên. Sau khi bố nhập ngũ, mẹ là người trông nom cửa tiệm.

Đây cũng là năm quân Đồng minh không kích dữ dội các đảo chính của Nhật Bản. Họ cho máy bay ném bom tới tấp xuống các căn cứ quân sự và khu vực thành thị. Trước đó, chiến tranh Thái Bình Dương chủ yếu diễn ra trên biển, đúng như tên gọi của nó. Nhưng vào giai đoạn cuối cuộc chiến, quân Đồng minh tăng cường không kích lên các đảo của Nhật Bản, quân đội Nhật bị dồn vào đường cùng, thất bại đã ở ngay trước mắt.

Những đợt không kích với quy mô lớn từ tháng Ba đến tháng Năm đã gây thiệt hại nặng nề cho Tokyo. Trận không kích vào mùng 10 tháng Ba với cái tên gọi Chiến dịch Meetinghouse là trận oanh tạc có quy mô cực lớn mà chiến tranh đi qua rồi mà người ta vẫn còn nhắc đến.

Trận giội bom bắt đầu lúc nửa đêm, hơn 300 pháo đài bay B-29 thả 380.000 quả bom napan xuống thành phố.Bom thông thường đã gây thiệt hại và thương vong nặng nề rồi, bom napan còn tai hại hơn, vì có chứa nhiên liệu dễ bắt cháy, dẫn đến những vụ hỏa hoạn vô cùng khủng khiếp. Ngọn lửa rừng rực khiến không khí cuộc xoáy như đám vòi rồng giận dữ,hung bạo ngốn ngấu và thiêu đốt những con người đang cố gắng trốn chạy.

Asakusa là khu vực đầu tiên của Tokyo bị phá hủy, ước tính có khoảng 80.000 đến 100.000 người thiệt mạng. Mỗi khi máy bay của quân Đồng minh kéo đến, tiếng còi hiệu không kích lại vang lên từng hồi để cảnh báo. Thành phố Tokyo bấy giờ ngập tràn những con người chập chờn không ngủ suốt đêm trong nỗi khiếp sợ tiếng còi báo động, và cả những người không còn để ngủ vì bom napan đã thiêu rụi tất cả.

Vào khoảng thời gian đó Hiroshima cũng phải hứng chịu những đợt giội bom, nhưng không có thiệt hại đáng kể. Tiếng còi không kích ở Kusunoki vẫn thường xuyên rú rít, nhưng may thay, đều chỉ là báo động chứ không có nhiều trận đánh bom thật sự.

Trong kí ức tôi không có cảnh dân cư chạy trốn không kích, mà chỉ có âm thanh rền rĩ của còi báo động thôi. Sadako bấy giờ mới hai tuổi nhưng đã rất chững chạc cầm lấy tay tôi hoặc bà nội đi xuống hầm trú bom. Thực sự thì tôi nhớ là cả tôi và Sadako đều không sợ ném bom bao giờ, bình thường thì chúng tôi vẫn chơi đùa bên bờ sông.

Tôi là một đứa ham chơi tới mức quên cả thời gian. Những lúc ấy Sadako lại nhìn tôi với khuôn mặt giận dữ như một bà mẹ và nói, "Anh à, đến lúc về nhà ăn cơm tối rồi."

Một lần, sau khi lăn lê bò toài bên bờ sông, vì một lí do nào đó mà trên đường về nhà tôi bắt đầu cởi quần áo và ném linh tinh khắp nơi.

Trong lúc tôi vừa đi vừa quăng quần áo, Sadako chập chững bước phía sau lại nhặt nhạnh từng món một.

"Anh ơi, không được làm thế. Anh mặc quần áo vào chứ!"

Tôi ném áo đi.

"Ê, anh sẽ ném mấy cái này ra đằng kia!"

Và tôi ném quần, rồi đến quần lót. Sadako lượm tất cả lại và ôm trên tay.

"Anh à, không được làm thế đâu," em nhấn mạnh.

Giờ hồi tưởng chi tiết này, tôi thấy mình đúng là một người anh thiếu chín chắn. Nhưng đồng thời tôi cũng nhận ra, kể từ khi còn rất nhỏ, Sadako đã thật chỉn chu và nghiêm túc.

Ngàn hạc giấy của SadakoNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ