Chương 17

32 6 2
                                    

Dưới sông lấp lánh như có ai đem đổ thủy ngân xuống, theo nhịp vỗ mái chèo thong thả của Hạnh, từng đợt sóng nước luênh loang dội nhẹ lên bờ. Người làng hai bên bến sông đã đứng đợi đầy cả, Hạnh càng phải đưa tay nhanh nhẹn hơn kẻo lỡ việc. Tiếng nói chuyện lẫn tiếng sóng trong buổi nắng rực rỡ đầu thu gợi cho cô gái phố thị đứng trên triền đê một miền êm ái khó tả.

Kim Ái vừa nghĩ ngợi vẩn vơ, lại chợt thấy lo lắng cho Hạnh, và tiếc cho một khung cảnh yên bình thế này. Một mai cây cầu mới bắc ngang, liệu còn ai kiên nhẫn đứng đợi dưới bến này, nhẩn nha câu chuyện câu trò rồi trông người đò đến hay chăng? Rồi Hạnh sẽ đi đâu, làm gì mà sống. Ái biết ở làng chẳng thiếu việc đồng áng, quanh quẩn cuốc mướn cày thuê chắc cũng đủ ăn. Nhưng cô tiếc bóng dáng người con gái mảnh dẻ trước mũi đò khoan nhặt mái chèo kia. Cô tiếc vị quê mùa vì những đổi thay của thế thời mà đành tàn lụi mất. Trong lòng dấy lên nhiều nỗi thương cảm, cũng lại vì dưới kia còn nhiều khách quá, nên cô đứng lặng trên triền đê cao, đợi Hạnh vãn khách và để mình lắng xuống.

Gần trưa còn một đợt khách nữa là xong, Hạnh gác mái chèo, lấy dây chạc neo thuyền buộc chặt lại nơi cọc bến, rồi lui vào khoang ăn bữa trưa. Gọi là bữa trưa cũng chẳng ra làm sao, vì Hạnh chỉ có mỗi một tệp bánh đúc nhờ người ta mua hộ về, còn chả có mắm mà chấm. Miếng bánh thoảng vị vôi tôi, nhàn nhạt thanh thanh nhấm giữa miệng khô cả buổi chưa được hớp nước nào cũng làm dịu bớt cái bí bức hanh hao đầu mùa. Hạnh trầm ngâm, nhưng không phải để thưởng thức. Dù sao cũng chỉ là thứ bỏ bụng chống đói. Nó còn chẳng giúp Hạnh đủ no cho một chiều chòng chành qua lại nữa.

Hạnh thấy thương mình. Lần đầu tiên trong đời, Hạnh mới thấy thương mình. Trước đây Hạnh thương bố, thương mẹ, thương hai em. Nhà mình nghèo khó quá, hai đứa còn bé tí đã phải khổ. Mẹ ốm đau, bố về trời. Còn mình, giờ Hạnh mới nhận ra, mãi lênh đênh mặt nước tới bao giờ?

À, tới bao giờ các em lớn cả, tới bao giờ có ai chịu đưa rước mình đi. Tới bao giờ? Gái làng bằng tuổi Hạnh, có khi còn ít hơn, đã chồng con cả rồi. Hạnh tính nhẩm. Mình cũng sắp hai nhăm... Đời con gái có mấy chốc đâu, thoắt cái lại đã già rồi. Hạnh chợt nghĩ đến Hà. Hai đứa biết nhau từ tấm bé. Hà từng trộm ngắm mình đôi lần. Hà đỏ mặt ngượng ngùng với mình. Hà mua bánh, lại... mua cả kẹp tóc cho mình. Lòng mình, Hạnh tự dưng hồng hào đôi má, ừ thì... cũng mến Hà từ lâu.

Hạnh hãy còn nghĩ vẩn vơ thì trên bến đã vọng sang tiếng lanh lảnh gọi. Là Kim Ái, cái giọng gái phố vừa sang vừa nhẹ lại nghịch ngợm, Hạnh vừa nghe đã nhận ra ngay. Miếng bánh đúc bẻ dở cũng đành đặt tạm đấy, Hạnh ló đầu ra đáp lại một tiếng. Kim Ái cười toe toét, nhún chân một cái nhảy phắt sang mũi thuyền khiến nó khẽ chao đảo rồi mới mò vào khoang.

Ngoài trời, nắng thu rực rỡ trải lấp loáng cả mặt sông như có ai đem bạc vàng ném xuống. Trong khoang thuyền, một người nhẩn nha kể, một người vừa thoăn thoắt tay ghi chép vào quyển sổ con vừa gợi chuyện, thi thoảng đưa máy ảnh lên bấm tách một cái để bắt lại khoảnh khắc tự nhiên nhất của cô lái đò. Kim Ái viết về Hạnh như là viết về một hòn sỏi ta nhặt bên bờ sông, giản dị, quê mùa, song vẫn cứ vẹn nguyên những vẻ đẹp từ thuở sơ khai và ẩn chứa một sức hút chẳng thể diễn tả nổi.

- Hạnh này...

Kim Ái bỗng dưng ngập ngừng. Lời đã đến ngay cổ họng, chỉ chờ tuôn ra như chính nỗi lòng của cô vậy. Nhưng, bằng một sức kìm nén vô hình nào đó, cô mím môi lại, len lén thở hắt một cái, rồi thôi.

Hạnh khẽ nghiêng đầu:

- Ái có gì định bảo mình thế?

- À... Người ta đi chợ về đứng đầy bến bên kia kìa. Hạnh sang đi không lại để họ phải chờ lâu, nắng chết. Tớ về hoàn thiện nốt bài này đã, lúc nào xong tớ cho cậu đọc trước nhé, rửa cho tấm ảnh đem về cất luôn.

- Ừ đấy, mải nói chuyện quá, mình cũng quên béng mất. Cảm ơn Ái nhiều.

Kim Ái lại nhảy lên bờ, không đi ngay mà còn đứng ngẩn ngơ thêm lát nữa, dõi theo con đò rẽ dòng sang sông. Trong lòng ẩn ẩn chút gì như là khó chịu, hoặc kiên nhẫn, và kìm nén nhiều tâm sự. Cô suýt nữa đã nói với Hạnh về chuyện cây cầu... Ái thấy may vì mình đã kịp dừng lại, vì chẳng biết nếu nói ra, Hạnh sẽ lo nghĩ nhiều đến mức nào nữa. Cô đâu biết rằng, nhà Hạnh không có nhiều đồng ruộng, mất nghề đò có nghĩa là mất cả nguồn thu nuôi sống một gia đình. Ái chỉ kịp tính đến chuyện, để Hạnh vui vẻ, thoải mái với con đò đến lúc đấy hẵng hay đã là tốt lắm rồi.

Cây chanh không còn người hái, những quả sót lại đã ngả vàng, căng mọng lên những múi bên trong. Kim Ái đi ngang qua vặt lấy một quả, đưa lên miệng cắn, cảm nhận vị the nơi đầu lưỡi cùng vị chua cùng lúc xộc vào, tự cười một mình. Đến sau cùng, đọng lại trong miệng chỉ còn chút dư vị ngòn ngọt thanh thanh. Ừ, ước gì Hạnh cũng thế, trải qua biến cố nào rồi vẫn sẽ có được cuộc sống yên ổn.

Trưa rồi, Kim Ái không nấn ná lâu thêm nữa mà đội nắng chạy vội về nhà văn hóa, cố hoàn thiện nốt bài phóng sự để chiều còn lên thị trấn rửa ảnh.

***

Trời mấy hôm nay trở giông, đài dự báo thời tiết sẽ còn mưa kéo dài, nhiều khi có gió giật mạnh. Hà đã gần hoàn thành xong tập bản thảo cho câu chuyện mới. Nhìn xấp giấy dày lên từng ngày và những trang viết ít dần vết mực sửa chữa, gạch xóa chằng chịt, Hà bỗng dưng có cảm giác thoải mái và thành công kì lạ. Chắc chỉ còn khoảng chục trang nữa thôi là có thể tạm yên tâm và để dành đó về sau chỉnh lí rồi.

Hà bước ra ngoài hiên, vươn vai và hít thở cái bầu không khí trong lành và lạnh lẽo hiếm hoi do cơn giông đem lại, thấy mình sảng khoái hơn nhiều. Dưới bếp, bà Huê vẫn đang lụ khụ với nồi cám lợn. Mấy nhánh củi phải mưa không cháy được, khói bắt đầu bốc lên khiến bà ho sặc sụa một lúc. Nghe tiếng mẹ, Hà vội vàng chạy xuống, cầm cái ghế con để sang một bên bắt bà ngồi, còn mình thì cúi xuống, vừa phù phù thổi vừa lấy tay quạt. Tiếng củi lách tách nổ, cuối cùng lửa cũng chịu bén. Bà Huê xua Hà lên nhà mà nghỉ ngơi, song Hà không chịu, hai mẹ con vừa đun bếp vừa tỉ tê tâm sự, cái nóng bức và ngột ngạt từ đám củi cháy cũng dịu bớt đi mấy phần.

NÀY MƯA XUÂN, HOA CHANH NỞ RỒI!Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ