Đó là một ông lão. Mái tóc vốn thưa thớt nay đã bạc trắng, nếp nhăn trên đuôi mắt như chèn lên nhau, tạo thành một vệt dài. Con mèo trắng muốt lười biếng nằm cạnh ông, gác cằm lên bàn chân ông. Chiếc quạt nhỏ chạy lờ đờ, thi thoảng quay qua lại còn kêu lên vài tiếng "cạch...cạch" như sợ không gian quá im ắng.
Ấy vậy mà bên ngoài kia, âm thanh của dàn karaoke hàng xóm vẫn văng vẳng một bài ca thất tình.
Như không chịu nổi nữa, ông lão vuốt ve con mèo thêm một lúc, rồi vén màn vào buồng trong.
Buồng trong tối om, độc có giường đơn cùng chiếc nệm cũ, khi bước vào, ông phải cúi đầu xuống để tránh chạm lên bàn thờ phía trên.
Trên bàn thờ không có di ảnh, chỉ có ba nén hương, cùng một bình gốm đã cũ. Nghe bảo là chiếc bình đựng tro cốt của người vợ quá cố của ông. Bà thời trẻ là người yêu tự do, ngại chôn cất ma chay phiền phức, nên có nguyện vọng chết rồi thì thiêu. Thực ra, ông lão không có ảnh hồi trẻ của bà. Bà ghét nhìn ảnh mình trông già trông xấu vào những lúc cuối đời, nên không có để lại di ảnh.
Hồi trẻ hai người sống xa nhau. Ông làm gián điệp hai mang cho chính phủ, một lần suýt thiệt mạng, chẳng dám về thăm vợ con, cứ đi biền biệt suốt nhiều năm trời. Bà một mình ở nhà chăm con, lo giữ nhà cửa. Hàng xóm đàm tiếu bảo bà góa phụ, cũng có người bảo bà số khắc chồng, chồng trước mất vì bệnh nặng, còn chồng này thì lại đi chẳng thấy về.
Bà suy nghĩ nhiều, xong đâm ra ốm mất. Tóc càng ngày càng rụng đi, nếp nhăn càng trĩu nặng. Đứa con trưởng thành rồi lại trở nên trầm mặc ít nói. Nó thương mẹ nhưng không chịu nổi cảnh bần hàn, bèn quyết chí bỏ chốn thôn quê lên thành phố.
Lên thành phố rồi, gã dính phải thói cờ bạc vì ước mơ đổi đời. Không có tiền trả nợ, bị bọn đòi nợ thuê đánh cho thừa sống thiếu chết. Vào khoảnh khắc ấy, gã nghiện. Cơn phê khiến gã quên nỗi đau vì cái nghèo, vì cái định kiến gã đã phải chịu suốt thời thơ ấu – kẻ không cha không người dạy.
Thế rồi, trong cơn đê mê cuối cùng, gã chết ở cái hẻm tối nơi gầm cầu.
Ngày cán bộ trong xóm báo bà nhặt xác cho con trai, bà cảm thấy mình hỏng mất. Bà không nói cũng không khóc, im lặng làm ma chay cho con rồi về nhà.
Thế nhưng điều kỳ diệu lại xảy ra. Có thư của ông lão từ phương xa gửi về.
Ông bảo ông nhớ bà, nhớ con, thấy có lỗi với hai mẹ con. Trốn chui trốn nhủi quân địch nhiều năm, nay cũng đến lúc được trở về cố hương, ông vui không tả xiết.
Nước mắt của bà thấm ướt trang giấy, tủi hờn bao nhiêu năm tự dưng như được trút hết ra. Bà cứ khóc mãi, khóc mãi đến khi nước mắt cạn khô.
Ông lão trở về. Không khí của quê hương như thấm vào từng hơi thở, ông cảm thấy dây thần kinh căng chặt như được giãn ra, dễ chịu vô cùng. Ông về nước vào mùa xuân, cành đào hồng, sắc mai thắm khiến lòng người nhộn nhịp.
Đường vào ngõ vốn khó đi nay đã được rải lớp nhựa đường. Những ngôi nhà cũng không còn lụp xụp như ngày xưa mà trở nên khang trang đến lạ.
Lòng phấn khởi, ông đi nhanh về nhà. Chờ đợi ông ở nhà, không phải bóng lưng ông nhớ mong, chỉ có một bức thư:
"Ông về rồi thì nhớ giữ sức khỏe. Tôi bệnh nặng, xấu lắm, sợ ông không nhận ra. Đừng quá đau buồn. Tôi chưa chết, tôi chỉ đi thôi.
Đớn đau và hạnh phúc, ôm không nổi nữa, nên tôi đi."