3. Chuyện thành thị

388 94 10
                                    

"Ê Huân!"

Thằng Luân ở sau nhà vừa cắt thân chuối cho heo ăn vừa gọi sang. Nhà thằng Luân chỉ cách nhà thằng Huân một con mương nhỏ, cũng nhờ vậy mà bao nhiêu lần thằng Huân bị ba nó đánh cho sống dở chết dở cũng là thằng Luân phát hiện sớm rồi cõng nó đi.

"Ơi?"

Huân ngẩng đầu lên, má nó hóp hết cả vào, xương gò má cao cao càng làm nó trông gầy gò hơn. Thằng Luân nhìn sang, thở dài khi phát hiện mấy vết bầm mới trên mặt Huân. Chuyện ba nó đánh vợ đánh con trong làng ai cũng biết nhưng không ai dám can ngăn. Người điên mà, chẳng nói lý lẽ được, không chừng vào can lại bị đánh thêm.

"Mạ mi côi chợ chưa về à?"

Thằng Huân khẽ gật đầu một cái, mở nắp nồi cơm, khói hòa quyện với hơi nước làm mờ cả mắt nó.

"Rứa tối ni có chi ăn chưa? Đừng nói ăn môn bạc hà nữa nghe?"

"Chừ có môn mà ăn đã là tốt lắm rồi." Nó lí nhí trong cổ họng, cúi gằm mặt. Ba nó từ ngày bị ngã đến bây giờ hôm nào cũng điên điên khùng khùng, chỉ còn mẹ thằng Huân là người duy nhất trong gia đình kiếm được đồng ra đồng vào lo cho chồng cho con.

Thằng Luân không nói gì, hắn chạy xuống bếp lấy cái gì đó rồi băng qua một cây cầu tre nhỏ đến nhà thằng Huân, dúi vào tay nó một miếng thịt heo còn mới.

"Nhà tao mới mổ heo, mạ tao kêu đem qua cho mi ăn. Chơ mi cả ngày ăn môn chập cái mặt mi trắng xanh không khác chi cây môn luôn."

Thằng Huân nhìn miếng thịt heo trong tay, cúi gằm mặt, mắt nó cay xè. Trừ mẹ nó ra thì thằng Luân là người quan tâm nó nhất, cái mạng què này năm lần bảy lượt cũng nhờ thằng Luân cứu giúp.

"Rứa hấy, tao về nhà cho heo ăn đã. Luộc thịt nhanh đi, chắc mạ mi cũng gần về rồi."

Luân vỗ vai nó, rồi như sợ thằng Huân trả miếng thịt heo lại, hắn chạy thẳng ra khỏi nhà nó, băng qua cây cầu tre chông chênh vắt ngang con mương cạn nước về nhà.

-----

Tối.

Mặt trăng tròn vành vạnh treo trên nền trời đầy sao, ánh trăng sáng soi xuống mặt hồ phẳng lặng như chiếc gương to lớn phản chiếu hàng cây bên bờ. Gió thổi thoang thoảng mang theo mùi thơm của đất trời.

Một nhà bốn người vừa mới ăn tối xong, thằng Vũ rửa dọn xong nhanh nhẹn chạy ra chõng tre trước sân ngồi với Nguyên, mệ Duyên thì ngồi trên chiếc ghế mây đã cũ, tay phất nhẹ chiếc quạt giấy, tóc bạc của mệ bay bay. Còn chú Tinh thì bận lúi húi gì ở trong nhà, một lát sau đem chiếc máy thu thanh ra, chỉnh vài nút để bắt sóng một đài nào đó, rồi ngả người nằm trên chõng.

"Chú ơi." Thằng Nguyên níu tay anh. "Chú kể em nghe ở trên thành phố như răng đi chú. Chắc côi nớ đẹp lắm phải không?"

Tống Tinh mỉm cười, đúng là con nít luôn hiếu kỳ như vậy mà. Bọn trẻ con ở thành phố thì muốn về quê chăn trâu như người dưới quê, còn trẻ con ở quê thì tò mò về ánh đèn thành thị.

"Ở trên thành phố thì không có ruộng đồng nhiều như dưới quê mình, nhà thì san sát nhau, có nhà chỉ cách hàng xóm đúng một bức vách thôi. Trẻ con trên thành phố phải học nhiều ơi là nhiều, học từ ngày tới đêm muộn chơ không có chơi bắn chim, chăn trâu như dưới mình."

"Thành phố có mấy tòa nhà cao ơi là cao, đẹp ơi là đẹp nữa." Thằng Vũ huơ tay múa chân diễn tả, mắt nó sáng như sao. "Rồi mấy chiếc ô tô chạy vèo vèo, không nghe tiếng luôn, chạy nhanh lắm chơ không có ồn như xe ba gác dưới quê mình. Nói chung là ở trên thành phố đẹp lắm, buổi đêm bật đèn đường sáng như ban ngày luôn."

Nguyên bật cười. Thằng Vũ lớn hơn Nguyên hẳn một tuổi mà em cứ tưởng Vũ là em trai của mình không bằng, mấy ngày trước còn rụt rè nấp sau lưng cu Lực, sống chết kéo thằng Lực lại không cho nó đi về, vậy mà hôm nay đã quen với mọi người, miệng nhỏ lúc nào cũng luyên thuyên không khác gì một con chim sáo nhỏ, lâu lâu lại cà lăm vấp đôi chỗ nhưng vẫn rất đáng yêu.

"Chắc vì thành phố đẹp quá nên ba mạ em ai cũng bỏ quê lên trên nớ hết rồi." Nguyên nói một câu bâng quơ. Em ôm con Sữa lên ngực, sờ sờ cái bụng béo nhẵn lông của nó.

Tinh quay sang nhìn em, nỗi buồn dâng đầy đôi mắt xinh đẹp của Nguyên. Anh nghe mệ Duyên kể, ba mẹ em Nguyên yêu nhau vội, rồi cũng vội xa nhau. Nguyên hai tuổi, ba mẹ em ly hôn, hai người bỏ lên thành phố đi tìm một nửa mới của đời mình mà bỏ mặc đứa con thơ mới tròn hai tuổi cho bà ngoại chăm sóc. Ba thằng Nguyên vẫn gửi tiền chu cấp hàng tháng đều đặn cho con, còn mẹ em lâu lâu cũng gọi điện về một chút.

Nguyên chưa bao giờ nhận điện thoại của mẹ. Thằng cu cứng đầu lắm, mệ Duyên nhìn nó cũng chỉ thở dài. Bây giờ mẹ em được gả vào một nhà giàu, sống cuộc sống sung túc, đủ đầy, còn sinh cho "cha dượng" hai đứa con kháu khỉnh.

"Nhưng mà có phải khi mô ở thành phố cũng tốt mô." Giọng Tinh nhẹ tênh. "Không phải chú từ thành phố để về quê làm việc đây à. Ở thành phố, đẹp thật, hào nhoáng, bóng bẩy thật, nhưng người ta chỉ lo cho mỗi bản thân mình thôi. Sống ở thành phố xô bồ, tấp nập lắm, họ tranh nhau từng chút một, giẫm đạp lên nhau mà sống. Bởi rứa chú mới xin được về đây làm việc. Việc của bác sĩ là cứu người, chơ không phải ngày mô cũng đi rượu chè, nịnh hót cấp trên để thăng tiến. Chú không cần mấy cái nớ. Ở quê mình, nghèo một chút nhưng hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, làm ra được cái chi dư dả là chia cho người khác mỗi người một ít, cái nớ mới gọi là tình người. Chú ở trên nớ cũng làm rứa mà bị vợ chửi hoài, vợ hỏi răng chú ngu rứa, khám cho người khác mà không nhận tiền đút lót của người nhà, còn lấy tiền túi trả viện phí cho người nghèo."

Nguyên ngạc nhiên, chú Tinh thế mà có vợ rồi à?

Tinh thấy em Nguyên nhìn mình đầy kinh ngạc, bật cười, trong lòng chắc hẳn đã biết thằng bé bất ngờ về điều gì.

"Chú hai tám rồi, cũng phải có vợ chớ. Hai bên gia đình làm mai, nhưng mà sống với nhau vài năm không hợp nên ly dị, chuyện bình thường ấy mà. Không còn yêu nhau nữa thì nên ly hôn cho nhẹ lòng, tuổi xuân của con gái ngắn lắm, đừng nên trói buộc họ chỉ vì mấy lời đàm tiếu của người ta."

Trăng vẫn sáng, nhưng ai cũng lặng im theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình, chỉ còn lại tiếng máy thu thanh rè rè phát mấy bản nhạc xưa cũ cùng tiếng dế kêu râm ran trong lùm cây.

ENHYPEN | Làng.Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ