TẢN MẠN: Về nhân "tôi" trong Du Niên

423 21 10
                                    

Vốn đã hoàn thành rồi, đột nhiên hôm nay nhớ ra mình chưa lý giải người kể là ai hết nên quay lại viết thêm vài chục chữ, ra phần Tản mạn.

Lịch sử giai đoạn chuyển giao Lý - Trần có một quãng gần như là nội chiến công khai, bè cánh rất nhiều, riêng các thế lực lớn đã có đến bốn, năm họ: họ Trần, họ Đỗ, họ Đoàn, họ Nguyễn. Thế lực nhỏ lẻ, tức là các tù trưởng vùng cao (vùng trại) và vương thất họ Lý địa phương có lẽ còn nhiều nữa. Nhân vật kể - nhân vật tôi có xuất thân từ họ Trần và họ Đoàn trong số các thế lực lớn đó.

Theo những gì mình biết, Nguyễn Đường và Nguyễn Giai, Nguyễn Nộn đều là bộ tướng của Trần Tự Khánh. Năm 1214, Nguyễn Nộn đánh dẹp được quân cát cứ Đoàn Nguyễn xong thì làm phản, năm 1215 thì chiêu Nguyễn Đường và Nguyễn Giai cùng phản theo. Nhưng Tự Khánh đã gả em út là Trần Tam Nương ("Tam Nương" nghĩa là người con gái thứ ba, không phải tên) cho Nguyễn Đường nên Đường và Giai không phản, lại đánh Nộn. Tháng ba cùng năm, cả Đường và Giai đều tử trận. Trần Tam Nương trở thành goá phụ.

Tháng 6 năm 1218, để thu phục Hồng Châu do họ Đoàn nắm giữ, Trần Tự Khánh và Trần Thừa đã gả Tam Nương cho Hồng hầu Đoàn Văn Lôi. Nói đến đây thì thân phận "tôi" cũng đủ sáng tỏ rồi. "Tôi" - theo hư cấu - là con của Đoàn Văn Lôi và Trần Tam Nương, cháu gọi Tự Khánh là bác. Tự Khánh có con trai là Trần Hải, vì vậy "tôi" là em họ của Trần Hải.

Mình cũng muốn lưu ý một số hư cấu về mối quan hệ trong họ Trần để mọi người không đánh đồng với kiến thức đã được chứng minh. Ta đều biết họ Trần có Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Nhị Nương (Linh Từ quốc mẫu), Trần Tam Nương cùng là con của Trần Lý và một người bà con là Trần Thủ Độ. Theo nhiều giả thuyết thì Trần Thừa là anh của Tự Khánh và Nhị Nương, vậy thì chắc chắn là anh cả. Tự Khánh có lẽ là anh của Nhị Nương. Tam Nương chưa rõ là bà con như Thủ Độ hay cùng là con của Trần Lý. Mẹ sinh ra bốn người cũng chưa có tài liệu nào xác định là cùng một người.

Vậy nên mình giả định vai vế bốn người họ theo thứ tự:

1. Trần Thừa,

2. Tự Khánh,

3. Nhị Nương,

4. Tam Nương.

Trong đó vì việc Trần Thừa hợp mưu với Lại Linh để lật đổ Tự Khánh, sau cùng là cái chết đột ngột của Tự Khánh năm 1223 mà mình cho rằng Tự Khánh và Trần Thừa không cùng một mẹ sinh ra. Vì việc Tự Khánh chủ ý gả Tam Nương cho Nguyễn Đường mà mình đoán là Tự Khánh có mối quan hệ gần với Tam Nương hơn là Trần Thừa với Tam Nương.

Do đó trong Du Niên, mình giả định Trần Thừa và Nhị Nương cùng mẹ, Tự Khánh và Tam Nương cùng một người khác sinh ra.

Lan man hồi nữa sẽ tới họ Tô và chị em Tô Trung Từ nên mình kết việc vai vế ở đây vậy ;v;.

Tóm lại, nếu tuân theo giả định của mình, vì cùng có ông nội/ông ngoại là Trần Lý mà "tôi" và Trần Cảnh, Trần Liễu, Phật Kim, Lý Oanh là anh chị em họ.

Một số việc hư cấu còn lại có lẽ mọi người đã nhận ra, nhưng mình kể ra để lưu ý chung đó là:

1. Hành trạng của Trần Hải sau khi cha là Tự Khánh mất năm 1223.

2. Tất cả những việc liên quan đến hành trạng của "tôi".

Tản mạn về thân thế thì có lẽ hết điều cần nói rồi, vậy thì tạm kết vậy. Thật ra mình còn muốn nói thêm về "tôi" nhưng khá nghiêng về cảm xúc, như dạng phân tích nhân vật nên mình không dài dòng nữa.

Cảm ơn mọi người đã đọc Du Niên - dù có thể nó hơi khác so với mong đợi của mọi người. Du Niên không viết rõ về ai hay khẳng định rõ tính chất của việc gì, vì với mình mọi thứ vốn là lịch sử, đã qua và mù mờ. Không đào bới thì không ảnh hưởng thiên kiến của nhau và báng bổ tiền nhân, cũng xem như nét riêng cho chính mình vậy.

Mà thôi mình lan man nữa rồi, kết thôi kết thôi. Chúc mọi người một mùa dịch an toàn và nhiều sức khoẻ nhé!

Ngọc Nhữ.

[Dã sử] DU NIÊNNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ