Chương 2

135 15 0
                                    

Khi anh dừng, trời chiều đã bảng lảng buông xuống cuối trời phương xa, nó hắt vào căn gác nhỏ riêng hai chúng tôi một chút chậm rãi, đôi chút chùng chình như muốn níu mãi những nốt nhạc ấy trên bàn tay anh không rời và cả trên trái tim tôi đang thình thịch từng nhịp đập nhoi nhói. Vốn dĩ mười mấy phút trước tôi đã chuẩn bị đâu vào đấy mong có thể cùng anh tâm sự thật nhiều nhưng dường như cái trí nhớ tí tẹo này của tôi chỉ cho phép tôi lựa chọn một hoặc hai, một là lẩm nhẩm những lời thoại kia hoặc hai, quăng hết chúng nó xuống biển để gió biển len vào lời ca của Tuấn Lâm rót đến bên tai tôi vài vị mặn thê lương. Không rõ lắm nhưng tôi chắc chắn sẽ luôn nghiêng về vế có anh đầu tiên, sẽ luôn.

Ngoài trời gió thổi lộng từng hồi, nhưng kể ra gió Tô Châu so với chất cay nóng của Trùng Khánh vẫn dễ thở hơn chán. Anh bất chợt khều vai tôi, lay tỉnh tâm trạng rối bời, anh bảo: "Xuống nhà thôi nhóc, bộ anh mày hát nát lắm hay sao mà nghe tới ngơ luôn rồi". Có thể tôi chỉ cố cười làm sao trông tự nhiên nhất mà chẳng để ý từ bao giờ cách xưng hô giữa chúng tôi lại trở nên thoải mái như thế rồi.

Được vài giây, tôi nói: "Để em giúp anh cầm!"

Anh một tay nhấc cần đàn một tay huơ lia lịa, anh nói: "Không cần, tại anh thích mặc đồ rộng nên thấy cái tướng ròm ròm vậy thôi chứ khỏe phết ra đấy", rồi tự hào khoe với tôi rằng anh hay lái chiếc ba gác cà tàng đi giao hàng, hôm chạy nửa ngày ròng lên Sơn Đông, có điều lão khách đấy không chịu nhận, gọi điện mãi cũng không thấy bắt. Nguyên câu chuyện có vui vẻ chỗ nào đâu mà qua lời anh kể lại thành một điều gì đó may mắn đến là ngất trời mây; nhờ lão anh giữ chiếc ghi-ta tới nay, còn học thêm dăm bảy kiến thức nhạc lí thú vị.

Suy nghĩ kĩ lưỡng, tôi hỏi anh: "Anh thích An Hà Kiều lắm ạ?"

Anh gật đầu.

"Thế anh thích Bắc Kinh không?"

Anh lắc đầu.

Nhìn điệu này, câu "vì sao" chạy đến cửa miệng tức thì trốn ngược trở vào. Tôi cười giả lả rồi né sang chủ đề khác: "Tí nữa anh cho em quá giang một chuyến với, được không?"

Anh không vội đồng ý nhưng cũng chẳng gấp từ chối, giống bao phản xạ bình thường hỏi tôi: "Em định đi đâu?"

"Em đi mua canh cho ngoại."

"Thế tính trả công cho đằng này không?"

"Dạ?", bà thường nói tôi phản ứng chậm, kiểu này ra đường mà gặp mấy chầu cãi lộn chắc thua cho bằng tơi tả. Tôi không đồng ý đâu, bởi vì chỉ đối đáp bình thường thì chiếc não của tôi cũng chẳng "sang số" kịp. Hẳn chờ tôi lên tiếng khá lâu, anh cười bảo không có gì xong nhắc tôi ra cửa đợi anh de xe rồi anh đèo đi mua và giao máy phát thanh luôn một thể.

Trong khi đó, tôi lặp lại áng chừng chục lần, vừa khéo anh đến thì coi như đã ngộ ra. Tôi phấn khởi nói to: "Một gói Đại Bạch Thỏ loại lớn anh thấy được không?". Xung quanh đều nhìn sang, đối diện một tiệm hớt tóc phong cách Cảng, xéo lộ lớn có mấy thím đang nhảy quảng trường và ngay chân gốc cổ thụ là mấy ông trung niên chen nhau xem cờ. Tôi nghĩ bụng: "Xem ra thôn này ít trai trẻ thật, mới ra khỏi cửa đã bị dòm dáo dác".

[Tường Lâm - 翔霖] Mùng Bảy, Tô ChâuNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ