MỘT A-TĂNG-KÌ (nhất a-tăng-kì)
Theo toán số Ấn Độ xưa, A-tăng-kì có nghĩa là vô lượng số, là con số vô cùng lớn, không thể nào tính đếm được. Nếu cho nó có một con số, thì con số đó là: 1 a-tăng-kì = 1.000 vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu (mà "1 triệu" ở đây bằng 1.000.000.000.000).
* 1 vạn = 10.000
MỘT CHỮ KHÔNG NÓI (nhất tự bất thuyết)
Câu trên có ý nói, đạo lý mà chư Phật tự chứng, không thể dùng ngôn ngữ văn tự để diễn đạt, chỉ có Phật với Phật mới hiểu rõ trọn vẹn, triệt để. Cũng giống như dùng ngón tay để chỉ mặt trăng, ngón tay ấy chẳng phải là mặt trăng; tất cả ngôn ngữ văn tự cũng không sánh được với nội dung chứng ngộ của chư Phật. Đó là lý do mà Thiền tông chủ trương "không lập văn tự" (bất lập văn tự).
MỘT CON ĐƯỜNG - MỘT CỖ XE (nhất thừa - Phật thừa - nhất Phật thừa)
"Con đường" (hay "cỗ xe") là chỉ cho giáo pháp (vì giáo pháp có năng lực đưa con người từ cõi vô minh đến nơi giác ngộ, cho nên lấy hình ảnh chiếc xe hay con đường làm ví dụ); "một" là chỉ có một chứ không có hai, ba, bốn... – tức là duy nhất. Vậy, "một cỗ xe" là giáo pháp duy nhất đưa đến sự chứng ngộ tuệ giác viên mãn của chư Phật. Kinh Pháp Hoa (phẩm Phương tiện) nói: "Chư Phật chỉ dùng một con đường (nhất thừa) để hóa độ chúng sinh, chứ không có con đường (thừa) nào khác, dù là hai hay ba...", hoặc: "Thật ra chỉ có một con đường duy nhất (nhất Phật thừa), nhưng chư Phật tùy căn cơ mà dùng phương tiện, dạy có ba con đường (tam thừa)." Các kinh luận thường dùng thuật ngữ này – nhất thừa – để chỉ cho giáo pháp đại thừa. (Xin xem thêm các mục "Hai Con Đường" và "Ba Con Đường" ở sau).
MỘT DO-TUẦN (nhất Do-tuần)
"Do-tuần" là tiếng dịch âm từ Phạn ngữ "yojana", dịch ý là hạn lượng, hòa hợp, một lộ trình; là đơn vị đo chiều dài lộ trình của người Ấn Độ. Lại nữa, do từ ngữ căn "yuj", chữ yojana (Do-tuần) cũng có nghĩa là "mang ách", tức chỉ cho chiều dài của đoạn đường mà con bò mang cái ách đi trong một ngày. Sách Đại Đường Tây Vực kí (do Phật quang đại từ điển trích dẫn) thì nói rằng, "Do-tuần" là chỉ cho lộ trình một ngày hành quân của vua chúa. Về cách tính toán, có nhiều thuyết không giống nhau, theo đó, một Do-tuần có thể là 12 dặm, 16 dặm, 17 dặm, 30 dặm, 32 dặm, 42 dặm, 46 dặm; hoặc 7.3 km, 8.5 km, 14.6 km, 17 km, 19.5 km, 22.8 km...; nhưng con số thường dùng là: một Do-tuần = 13.5 km.
MỘT ĐẠI KIẾP (nhất đại kiếp)
Một đại kiếp là một thời kì của thế giới từ khi bắt đầu hình thành đến lúc hoại diệt, gồm bốn giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Không, tổng cộng là 80 trung kiếp. (Xin xem mục "Một Trung Kiếp" ở sau).
MỘT ĐẠI SỰ NHÂN DUYÊN (nhất đại sự nhân duyên)
Chữ "đại" ở đây chỉ cho thật tướng của vũ trụ nhân sinh. Chữ "sự" chỉ cho công cuộc giáo hóa độ sinh của đức Phật. Chúng sinh vốn có thật tướng đó mới có cơ cảm với đức Phật, gọi là "nhân"; đức Phật đã chứng nhập cái thật tướng đó cho nên có thể ứng theo cơ cảm của chúng sinh mà cứu độ, gọi là "duyên". Chư Phật xuất hiện ở thế gian chỉ có một mục đích là chỉ bày cái thật tướng mà chúng sinh vốn có, và giáo hóa cho chúng sinh cũng chứng đắc cái thật tướng đó như đức Phật (kinh Pháp Hoa gọi là "ngộ nhập Phật tri kiến"). Bởi vậy kinh nói: "Như Lai chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở thế gian" (Như Lai duy dĩ nhất đại sự nhân duyên cố xuất hiện ư thế. - Kinh Pháp Hoa).
BẠN ĐANG ĐỌC
LƯỢC GIẢI NHỮNG PHÁP SỐ CƠ BẢN
Non-FictionGiải thích những khái niệm thường được hay nhắc đến trong Kinh Phật. . . Mình đăng lên wattpad để dễ dàng tìm đọc lại khi cần thiết.