Ngoài ngõ chiếc Citroen Traction Acant đen bóng chạy đến. Tài xế dừng xe lật đật chạy sang mở cửa cho cậu hai Lý. Lý Thái Dung mặc áo dài đỏ, hai tà áo được là phẳng phiu phủ qua gối, quần thụng trắng, khăn đóng chỉnh tề tươm tất bước xuống. Ông bà Lý cũng ra khỏi xe. Theo sau xe là độ hơn mười hai người bê tráp. Tráp nào tráp nấy không to ụ bánh trái thì cũng chất chồng ngũ quả trầu cau cao tít dưới khay lót khăn đỏ thêu chữ hỉ và hoa văn rồng phượng vàng rực nhìn chói cả mắt. Cậu hai Kim Đông Doanh đã đứng sẵn chỉ đợi bên nhà sui đến là mời vào. Cả đoàn người lục tục nối đuôi nhau bước qua cổng vòm hoa đã được dựng.
Phải. Hôm nay đám cưới cậu ba Đình Hựu - con út vàng út bạc của phú hộ Kim với cậu hai Thái Dung - con trưởng ông bà Lý trên xì phố.
Phú hộ Kim giàu có bề thế nhất vùng, gạo trữ trong nhà lấy ra nuôi cái làng khéo cả năm mới hết thì đã không nói đi đằng này nhà ông bà Lý cũng chẳng có vừa. Bà Lý mở tiệm vàng trên phố còn ông Lý nghe đâu làm gì đó trong bộ phận chính quyền nhà nước bên quản lý an sinh xã hội.
Người ta bảo trời không cho ai tất cả chắc chưa gặp hai gia đình này.
Ông bà Kim có hai cậu con trai. Cậu lớn là Đông Doanh, từ bé đã thông minh lanh lợi hơn người. Lớn lên lại có ý chí cầu tiến biết nhìn xa trông rộng, ham học hỏi. Mới hai lăm xuân xanh đã tiếp quản cơ nghiệp của gia đình, gây dựng cơ ngơi càng ngày càng lớn nhờ hợp tác với thương lái nước ngoài cấp phát gạo đi nhiều nước. Cậu út Kim tuy không xuất sắc bằng anh trai nhưng được trời ưu ái vẻ bề ngoài ưa nhìn, nét nào nét nấy mềm mại cười một phát là bừng sáng cả khuôn mặt. Nhiều người bảo cậu còn đẹp át mấy đứa con gái trong vùng. Ông bà Kim và cậu hai cưng cậu như trứng hứng như hoa, cậu út cũng chẳng cần động tay động chân vào làm bất cứ việc gì. Mà cậu không lấy vậy làm kiêu ngược lại còn luôn thân thiện hòa đồng giúp đỡ mọi người. Cậu là minh chứng cho câu hoa gặp hoa nở người gặp người thương.
Ông bà Lý khi xưa ở làng bên cách nhà phú hộ Kim độ hai mươi phút đi bộ. Lý Thái Dung cũng xém được xem là thanh mai trúc mã với anh em nhà họ Kim nếu thằng em Lý Đế Nỗ của anh không nằn nặc bán sống bán chết đòi cha mẹ dọn lên phố ở. Nó bảo ở quê xung quanh toàn ruộng với đồng này chẳng thể nào phát triển bản thân, phố có nhiều tây nhiều ta người ta đem văn hóa kiến thức đến thì mới học được. Bố mẹ vừa cưng nó vừa nghe cũng hợp tình hợp lý nên chiều theo. Có mỗi Lý Thái Dung là biết tỏng, nó mê thằng bé Tại Dân con trung úy La dẫn theo trong một lần ông từ Sài Gòn về làng khảo sát đất đai thôi!
Mười bốn tuổi, Lý Thái Dung chia tay mảnh đất có người mình thương theo bố mẹ lên phố. Ở được ngót nghét bốn năm Thái Dung ngõ lời xin bố mẹ cho qua tây học. Anh biết để bố mẹ chấp nhận tính hướng của bản thân, để người ngoài có dị nghị lời ra tiếng vào nhưng không ảnh hưởng gì đến mình thì bản thân anh phải thật giỏi giang, phải thật thành công.
Một năm sau khi Thái Dung đi Lý Đế Nỗ cũng từ biệt cha mẹ mà đi ngao du khắp đất trời tìm thằng bé tên La Tại Dân để thực hiện lời hứa năm xưa với nó.
Ông bà Lý có hai đứa con giỏi giang, đẹp như tượng tạc, chớp mắt một cái đứa thì bỏ đi biền biệt tứ xứ chẳng nghe tăm hơi, đứa thì qua trời tây chẳng còn tin tức. Ôi chao nó buồn.
Lý Thái Dung đi tây năm năm thì về. Ông bà Lý trong khoảng thời gian đợi con cũng đã hiểu lý do Thái Dung đi qua vài lá thư ít ỏi con gửi về nên giờ anh thích ai cưới ai bà chẳng thèm cấm cản. Chỉ cần con về ở cùng vợ chồng già này là bà vui rồi.
Lý Thái Dung ngõ ý nói mình muốn thành đôi với Đình Hựu con nhà bác Kim ngày xưa, bà Lý vừa nghe xong đã hối ông Lý chạy xe về quê bàn ngay chuyện với xóm giềng cũ, tính ngày nên duyên cho hai đứa. Hai gia đình Kim - Lý vốn đã thân nhau từ trước này nghe bọn trẻ muốn thành duyên lại chẳng mừng quá đi. Bà Kim với bà Lý quyết định gộp đám hỏi và cưới đám vào tổ chức cùng một ngày luôn. Đêm dài lắm mộng, để lâu hai đứa nó đổi ý thì lại chết!
Đấy, đám cưới của hai gia đình như vậy hỏi xem sao mà tổ chức không lớn, không linh đinh cho được. Vòng hoa cổng vào dựng lên cao ơi là cao, trong sân hơn bốn chục bàn tiệc được bài biện đầy đủ, người làm thì chạy tới chạy lui tấp nập, khách khứa đến không ngớt.