Mưa, các giọt nước lỏng ngưng tụ trong bầu khí quyển đến khi nó đủ nặng, rơi xuống dưới do tác động trọng lực. Ấy là mưa, vậy bạn đã từng nghe đến mưa núi chưa?
Vùng Bảy Núi, núi giăng thành võng, cảnh vật nhòe đi trong sương khói trắng, mưa ở đây miên man, dai dẳng làm nên cả một truyền thuyết nơi tâm linh huyền bí.
"Lộp bộp, lộp bộp,..."
Mưa rồi, mưa miền nhiệt đới, mưa vùng Thất Sơn, mưa núi Cấm. Hạt mưa rơi xuống lá dại núi rừng, mưa lăn dài trên lá giáng hương, muồng đen, chân chim tám lá. Những giọt nước từ khí trời lăn xuống từng lá cây rừng chênh vênh vách núi, va vào những tảng đá, ngấm vào từng hạt đất núi. Mưa qua khe, hốc đá, lần mò rãnh rong rêu tạo nên dòng nước mát rượi: suối. Âm mưa trong trẻo, êm ả, yên bình chốn hoang sơ, linh thiêng.Mây mù che phủ đỉnh núi, dày ít, chớp rạch, đậm nhạt pha lẫn tiếng sấm trên nền trời xám xịt. Dạo bước trên con đường ngập mưa, mưa như từ đá, từ núi mà ra, mưa kín trời kín đất, mưa phùng, mưa táp. Trời lạnh ngắt, lạnh theo từng cơn gió, từng bộ áo ướt sũng mưa núi, thấu da thịt. Gió lạnh biến mất dạng khi vào nhà, ấm áp, đủ rộng để náu mưa, đủ chắc để che chở, đủ cao với suối lạnh dâng cao, nồi măng rừng hầm trên bếp củi đỏ lửa, ấm biết bao nhiêu, tốt biết bao nhiêu giữa mưa Thiên Cẩm Sơn.
Mưa tạnh, núi rừng lại im lặng, im trong gió giữa đêm hạ, lạ thường và kì diệu. Tưởng như ta có thể nghe thấy cả tiếng chim bừng tỉnh, vỗ cánh hót mừng nắng sớm trong một khu rừng yên bình nắng ấm nào đấy. Nghe tiếng côn trùng kêu, tiếng giun ngôi lên sau mưa, hay tiếng rừng núi nói ra, có thể ta không nghe nhưng ta cảm nhận được nó, nó luôn ở đây, sau mưa núi. Sương muối, gió xiên xé đêm, những cơn gió đi lạc tìm nơi giải tỏa sau mưa. Ta đã thấy sức sống từ mưa, âm thầm, lặng lẽ làm tươi xốp đất đai, lạnh lẽo dưới đá núi hay mở ra một bầu trời xanh tươi đẹp trên những nương rẫy, gió đùa ở vồ Bồ Hong, rôm rả, lộng gió ở vồ Chư Thần,...nơi tuyệt đẹp, Đà Lạt An Giang sau mưa núi.
Tôi là một người con của xứ An Giang, con của núi của rừng, của Thất Sơn biết bao kì diệu thiêng liêng. Tôi đã từng leo lên ngọn núi cao nhất An Giang ấy, tôi đã từng tận hưởng mưa núi Thất Sơn, đã từng xì xụp chén canh măng rừng nóng hôi hổi khi trời lạnh ngắt. Tôi từng nghe mưa rơi vào mái nhà trọ ở vồ Bồ Hong, ở đây có chút ồn ào nhưng tôi vẫn cảm thấy yên bình làm sao, cơn mưa nhẹ nhàng ở điểm cao nhất Núi Cấm vào sớm 3 giờ sáng.
Mưa núi rơi, bất kể ngày lui đêm đến, nhiều nỗi lòng khắc khoải trong mưa. Mưa núi, có nhiều cái hay, cái vui, nó cũng có cái buồn, cái buồn của con sáo gọi mãi không thấy bạn, cái buồn của "Phượng Hoàng" tan tác, buồn của đêm mưa, của mưa hạ, chỉ còn là một nỗi nhớ nhung. Rồi một sớm mai nào đó, sau cơn mưa núi quét ngang, quét dọc, mạnh như vuốt Bạch Hổ, đôi lúc yên bình như gió côn trùng núi hay kì diệu như bao điều thiêng liêng. Hoa sẽ nở, trái sẽ thành, con đường mòn trơn trượt khô lại, những câu thơ khắp nơi núi rừng chín đỏ tâm hồn bừng sáng, tiếng sáo da diết, nhờ mưa, mưa như bình rượu men ẩm ủ trong kho chất chứa bao tình say đắm. "Mưa núi" rơi là biết bao nhiêu cái hay cái đẹp, cái buồn của trời cao rơi xuống, "lộp bộp, tí tách" mưa núi rơi, đời sống bình yên tự túc theo con suối gửi xuống vùng đồng bằng kia...Mưa đâu phải là mưa không.
Mưa núi đôi khi là lũ quét, đá lở, gãy nát những cánh chim, làm buổi ăn đơn sơ hơn nhiều, gợi cho ta những kí ức buồn, những bản nhạc buồn của núi, những lời nói sầu của những thế hệ trước, tiếng súng đứt đoạn của các anh hùng. Cây rừng, cây bụi, giữ lại nhà lại cửa. Rừng thiêng giữ lại những hi vọng cho đứa con bé nhỏ tên "con người Bảy Núi". Quy luật ấy, không ai tạo ra, không ai biết, tự nhiên mà có, mà tuân theo, như một lẽ thường trên đất đá Thiên Cấm Sơn này. Biết bao nhiêu trí khôn, kinh nghiệm đến đâu, ai mà địch nổi với sức trời, mưa núi, như cuộc sống, đâu ai biết trước được điều gì, không ai tránh được mưa bất chợt.
Rồi sớm mai mọi thứ hiện đại, ta xui theo dòng suối đời, ta ngậm ngùi nhớ lại, cơn mưa núi làm ra biết bao nhiêu bài học, cho và nhận, khôn khéo của đời.
Ngẫu hứng về cơn mưa núi tui từng trải:DD
Giải thích tí nè:
Thiên Cấm Sơn và Thiên Cẩm Sơn đều là tên núi Cấm, đừng ai tưởng tui sai chính tả nha
Giáng hương, muồng đen, chân chim 8 lá: là những thực vật quý ở núi Cấm
Thất Sơn: tên gọi chung của một vùng gồm bảy núi lớn trong số 37 núi, các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tôn xưng là Bửu Sơn, gồm bảy ngọn núi không liên tục, đột khởi trên đồng bằng miền Tây Nam Bộ, thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Việt Nam
BẠN ĐANG ĐỌC
Ngẫu Hứng Viết
Cerita PendekNhững bài ngắn, dài, có khi là đoạn do tôi ngẫu hứng khi có ý tưởng bất chợp(tôi rất hay làm vậy). Hãy lấy một cốc nước bạn yêu thích và cùng đọc nhé?