Huyện lỵ nơi quê tôi là một huyện miền hạ du, cũng giống những huyện lỵ khác của nước ta, không có gì là đặc biệt. Huyện không to lắm, nhưng rất sầm uất và đông đúc. Nhờ có con đường xe hỏa đi qua, và một con sông nhỏ, nhánh của sông Nhị hà, nên sự buôn bán đâm ra thịnh vượng. Phố huyện có một giẫy - bên này là đường xe hỏa, một giẫy nhà lá trát vách hay tường gỗ, những cửa hàng nho nhỏ của người trong làng mở bán các thức lặt vặt. Trừ hai cái nhà gạch hai tầng và khá rộng: hai hiệu của người khách đến lập nghiệp ở đây không biết từ bao giờ, hai hiệu buôn to nắm hết cả quyền lợi buôn bán ở trong huyện. Sau quầy hàng bằng gỗ, lúc nào cũng thấy một hai chú Khách ngồi gảy bàn tính, và ông chủ hiệu, người béo tốt, hồng hào, đầu bóng như hòn bi, ngồi bệ vệ trong ghế bành, luôn tay châm mồi lửa vào cái điếu thuốc lào. Những người khách chú ấy, và cái cửa hàng đồ sộ của họ, là những người vật lần đầu gây cho tôi hình ảnh của sự giàu có, bởi làm cho tôi đoán thấy một nước lạ ở đâu đâu, nước kỳ dị mà họ ở đấy đến đây; thường ngày, có khi hàng giờ, tôi dừng lại đứng ngắm họ, nhìn nhận các cử chỉ của họ, và nghe tiếng họ nói líu lo, khiến tôi nghĩ đến một thế giới khác lạ lùng.
Hồi ấy, tôi mới mười ba tuổi. Thầy mẹ tôi ở Hà Nội vì buôn bán thua lỗ nên mới dọn hàng về huyện này - chỗ quê của thầy tôi - đã được hai năm. Chúng tôi ở một căn nhà nhỏ ba gian ngay giữa phố, mặt trước nhìn ra đường xe hỏa, mặt sau trông ra cảnh đồng ruộng. Mẹ tôi dọn một cửa hàng tạp hóa nhỏ để bán cho những người nhà quê quanh vùng đấy họ lên huyện những ngày phiên. Vì chợ họp ngay ở giữa phố, những hàng quà bánh, hàng gạo, hàng cà, quang gánh ngổn ngang và thúng mủng xếp hàng hai dẫy đối diện nhau. Dưới trời, tiếng ồn ào của người họp chợ, một tiếng ồn ào đặc biệt, vang động và sang sảng, từ đám đông ấy bốc lên như ngọn lửa, bao trùm lấy cả huyện; một đám đông hoạt động, và vui vẻ, rực rỡ nhiều màu, đầy ánh sáng và tiếng cười, lẫn những câu chửi rủa lanh lảnh như kim qua không khí.
Đó là tất cả nơi quê tôi, tất cả quang cảnh cái huyện Văn Dương miền hạ du, mà một người trong họ tôi sính làm thơ đã vịnh trong bốn câu tuyệt tác này:
Văn Dương xuân sắc cớ sao buồn,
Đủ mặt ta, tàu khắp bán buôn.
Dưới bến thuyền buôn chen chúc đậu.
Trên đường xe hỏa lại qua luôn!
Tôi qua ở đấy tất cả cái tuổi niên thiếu của tôi, sung sướng và nhảy nhót như một con chim giữa cuộc sống hoạt động kia bao bọc lấy tôi, để hết cả mắt mà trông, cả tai mà nghe, cả mũi mà ngửi cái mùi cát, mùi đất, lẫn mùi khói rác người ta đốt ở đầu làng buổi chiều, theo gió với sương mà tràn vào trong phố.
Tất cả chợ huyện, những kẽ ngách hay bãi không, đối với tôi đều quen thuộc, thân mật như một vật cũ trong nhà. Nhưng, bên kia sông, ở về phía huyện nha, cách chợ độ nửa cây số, có một nơi đối với tôi như một xứ bí mật, xa lạ. Nơi ấy, người trong phố vẫn gọi là bến Sen, và con sông đi qua chỗ ấy được gọi tên là sông Sen. Bến Sen là một túm nhà độ hơn mười nóc, lấp vào cây cối xanh um, ở hai bên vệ một con đường giải đá đi tăm tắp không biết về đâu. Phía sau, là một cánh đồng hoang, đầy bãi tha ma và bụi dứa; bên này, một con đê nhỏ và một rặng cây; bên kia, một cái quán cột đá, đứng cạnh con đường nhỏ ngoằn ngoèo đi vào làng có cây đa tiên, một cây đa cổ không biết mấy trăm năm, rễ thẳng xuống đất to mấy người ôm, khiến không ai có thể phân biệt được đâu là gốc, đâu là rễ. Gần đấy, có một cái phần mộ xây đá bỏ hoang, một vài tượng đá mốc rêu lẫn trong cỏ rậm, dưới hai gốc thông cao vút, chội lên cả một vùng.
BẠN ĐANG ĐỌC
Truyện ngắn Thạch Lam
NouvellesTác giả: Thạch Lam (1910- 1942) Thể loại: Truyện ngắn "Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc...Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và tầng trải v...